Lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Phần III)

QUẢN LÝ BAY VIỆT NAM THAM GIA ĐẤU TRANH GIÀNH LẠI QUYỀN ĐIỀU HÀNH VÙNG THÔNG BÁO BAY HỒ CHÍ MINH VÀ ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRÊN CON ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ
(TỪ 1993 ĐẾN NAY)

Trong giai đoạn này, Quản lý bay Việt Nam đã tham gia thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng đó là:

1. Tham gia cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

 Vùng thông báo bay (Flight Information Region - FIR) là vùng trời mà ICAO giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp các dịch vụ không lưu và báo động. Vùng thông báo bay có thể bao gồm vùng trời chủ quyền của mỗi quốc gia và các vùng trời không thuộc chủ quyền được phân công. Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh trước năm 1975 gọi là vùng thông báo bay Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận Trung Đông - Đông Nam tại Rôma năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở biển Đông. Đến năm 1973, tại Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất (Asia/Pacific Regional Air Navigation Meeting - RAN1) họp tại Hônôlulu, vùng thông báo bay Sài Gòn có điều chỉnh nhỏ mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28/4/1975. Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm: Thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông và phân chia vùng thông báo bay Sài Gòn (phần công hải trên biển Đông) thành ba vùng trách nhiệm lâm thời và giao cho ba Trung tâm Kiểm soát đường dài Băng Cốc, Singapo, Hồng Kông điều hành; phần còn lại của vùng thông báo bay Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn FIR Hồ Chí Minh.

Trạm radar sơ/thứ cấp Tân Sơn Nhất

Tại Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai năm 1983 (RAN-2) họp tại Singapore, ta đã đấu tranh giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh do ICAO xác lập. Chúng ta phải giữ nguyên trạng vì trong thời gian này, chúng ta chưa có khả năng quản lý và điều hành vùng FIR rộng lớn trên biển, đồng thời một số nước trong khu vực có ý đồ muốn sát nhập một phần FIR Hà Nội và một phần FIR Hồ Chí Minh với họ. Nếu như vậy, ta sẽ mất quyền kiểm soát phần lớn vùng thông báo bay trên biển Đông. Sau RAN2, ta có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn cho việc đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh. Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề ngày 04/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT về “Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh”. Chỉ thị cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của Tổng cục Hàng không về công tác tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh. Chấp hành Chỉ thị 05, ngày 06/4/1988, Tổng cục Hàng không đã trình Hội đồng Bộ trưởng chương trình giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh. Mục tiêu cụ thể của chương trình là: Kiện toàn việc nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đủ điều kiện để tiếp nhận quản lý điều hành FIR Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc kiện toàn FIR Hà Nội. Cụ thể là phải đáp ứng 06 lĩnh vực quan trọng mà ICAO yêu cầu, đó là: Kiểm soát không lưu (ATS), Viễn thông hàng không (COM), Khí tượng hàng không (MET), Thông báo hàng không (AIS), Tìm kiếm và cứu nguy (SAR), Dịch vụ sân bay (AGA). Đến năm 1993, Quản lý bay Việt Nam đã kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Đà Nẵng; khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh; ký hợp đồng với hãng Thompson - CSF của Cộng hòa Pháp cung cấp hệ thống 5 trạm ra-đa giám sát hàng không hiện đại nhất hiện có trên thế giới tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua để giám sát các hoạt động bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh; trang bị xong và đưa vào khai thác ba đài dẫn đường VOR/DME Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Không vận khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3
tại Băng Cốc năm 1993 

Sau một thời gian tập trung nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, tại Hội nghị RAN-3 diễn ra tại Băng-cốc năm 1993, đoàn Việt Nam đã tuyên bố: sáu lĩnh vực ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. Hội nghị kết luận Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện kiểm soát Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Trong đợt kiểm tra cuối cùng của đoàn chuyên gia kỹ thuật ICAO vào năm 1994 tại Trung tâm kiểm soát Hồ Chí Minh, 6 lĩnh vực chuyên ngành của Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam cung cấp đã đạt yêu cầu quốc tế đề ra. ICAO khu vực Châu Á/ Thái Bình Dương và ICAO quốc tế tại Montreal đã quyết định giao quyền kiểm soát phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam. Lúc 00 giờ quốc tế ngày 08/12/1994, lễ tiếp nhận của Việt Nam đã được tổ chức trọng thể cùng ngày tại Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tại lễ kỷ niệm 50 năm Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế
và tiếp nhận phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, tháng 12/1994

Như vậy, suốt hơn 18 năm đấu tranh liên tục, bền bỉ, với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Cục Hàng không, Quản lý bay Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử là giành lại được quyền kiểm soát phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Ngày 08/12/1994 đã đi vào lịch sử của ngành Hàng không Việt Nam nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng. Đó là mốc son vô cùng quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng và chính trị, xã hội. Việc tiếp nhận điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đã khẳng định sự phát triển về tổ chức, về lao động và trình độ công nghệ của trang thiết bị kỹ thuật. Với thành tựu to lớn này, Quản lý bay Việt Nam đã góp phần đắc lực quản lý các hoạt động hàng không trật tự, an toàn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nâng tầm quản lý, điều hành bay của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp nhận và quản lý phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đã góp phần tăng trưởng đột biến về sản lượng điều hành bay, mang lại hiệu quả vô cùng to lớn về kinh tế, hàng năm doanh thu tăng thêm gần 100 triệu đôla, và đã thu về cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

2. Quản lý bay Việt Nam phát triển toàn diện và hội nhập không vận quốc tế từ năm 1993 đến nay.

Ngày 20/4/1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu đã ký Quyết định 746-TCCB/LĐ chuyển đổi tổ chức của Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Kể từ ngày này Quản lý bay Việt Nam đã chính thức tách khỏi Tổng công ty Hàng không Việt Nam trở thành đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam. Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam có các đơn vị trực thuộc sau: 
-    Trung tâm Quản lý bay Hà Nội 
-    Trung tâm Quản lý bay Đà Nẵng 
-    Trung tâm Quản lý bay Hồ Chí Minh 
-    Trung tâm Thông tin hàng không Gia Lâm.

Kể từ khi thành lập năm 1993, cùng với hai bộ phận cấu thành nên ngành Hàng không Việt Nam đó là: Các nhà khai thác Vận tải hàng không, Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được tách ra là một bộ phận độc lập. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tổng công ty là một bộ phận không thể thiếu và là trụ cột của ngành Hàng không, chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên các sân bay dân dụng và quân sự trên toàn quốc, có quan hệ liên kết, phối hợp chặt chẽ với hai bộ phận còn lại của ngành Hàng không Việt Nam, tạo thành một khối vững chắc góp phần không nhỏ trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Với mô hình tổ chức hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu đối với Tổng công ty, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước và chỉ đạo về chuyên ngành về lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay đối với Tổng công ty.

Năm 1998, cơ chế tổ chức quản lý trong ngành hàng không tiếp tục có sự đổi mới. Ngày 24/01/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15-1998/QĐTTg chuyển Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích. Đây là sự thay đổi cơ chế quản lý rất cơ bản đối với Trung tâm Quản lý bay chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích, có điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư xây dựng cơ bản, theo hướng hiện đại hóa, trong việc ổn định và nâng cao phúc lợi và đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, là tiền đề quan trọng để Trung tâm Quản lý bay phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành nhiệm vụ của một doanh nghiệp quản lý điều hành các hoạt động bay trong nước và quốc tế bay đi đến và bay qua vùng trời Việt Nam quản lý điều hành, cũng như phối hợp với các đơn vị quốc phòng liên quan quản lý hiệu quả bầu trời thuộc phạm vi trách nhiệm.

Năm 2008, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước. Ngày 19/6/2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký quyết định số 1789/QĐ-BGTVT thành lập Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Tổng công ty chịu sự quản lý của đại diện chủ sở hữu nhà nước là Bộ Giao thông vận tải, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam về cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước các cấp theo quy định của pháp luật. 

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, ngày 25/6/2010, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định số 1754/QĐ-BGTVT, Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam chuyển thành Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo đà cho chiến lược phát triển của Tổng công ty. Chuyển đổi sang mô hình mới với phạm vi hoạt động kinh doanh mở rộng bao gồm cả trong và ngoài nước. 

Với quy mô đảm nhiệm cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng gần 1,2 triệu km vuông, phạm vi hoạt động trải rộng tại 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho hệ thống 24 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế. Hàng ngày đã có hàng ngàn chuyến bay đi/đến và quá cảnh của hơn 100 hãng Hàng không trên thế giới thường xuyên hoạt động 24/24 giờ trong vùng thông báo bay của Việt Nam. Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu, bằng ý chí quyết tâm, tập thể CB-CNV Tổng công ty không để xảy ra mất an toàn trong phạm vi trách nhiệm của ngành, tổng sản lượng điều hành bay của liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân là 10%/năm, đạt mức cao trong khu vực. Riêng năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, Tổng công ty đã điều hành an toàn hơn 600.000 chuyến bay trong một năm. 

Tổng công ty tổ chức lễ đón chuyến bay thứ 600.000 an toàn trong năm 2015

Bên cạnh đó, phục vụ tàu bay chuyên cơ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tổng công ty luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài ngành xin cấp phép bay đảm bảo phục vụ điều hành cho gần 5 ngàn chuyến bay chuyên cơ tới 5 châu lục an toàn và đúng kế hoạch, tuân thủ theo Công ước quốc tế của Hàng không dân dụng, góp phần tích cực phục vụ Đảng, Nhà nước ta thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới. Với hệ thống ra-đa giám sát được trang bị rất hiện đại, Tổng công ty đã giám sát theo dõi và phát hiện hàng chục vụ máy bay lạ xâm phạm vùng trời của Việt Nam, kịp thời phối hợp hiệp đồng với các đơn vị quốc phòng và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Cục Tác chiến thực hiện cấp phép bay cấp cứu y tế, bay quân sự nước ngoài, bay đột xuất; quản lý các hoạt động bay tìm kiếm, bay thăm dò, bay chuyên nghiệp… góp phần giữ vững an ninh an toàn chủ quyền vùng trời Tổ quốc.

Tổng công ty phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý bay của các quốc gia lân cận tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là việc hoạch định lại hệ thống đường bay và tổ chức vùng trời, tiêu biểu như: thực hiện hệ thống dẫn đường bay áp dụng đặc tính dẫn đường RNP trên biển Đông năm 1996; triển khai hệ thống đường bay mới trong các vùng thông báo bay của Việt Nam gồm 15 đường bay quốc nội, 22 đường bay quốc tế năm 2001, đã tối ưu hoá việc quản lý vùng trời, tổ chức khai thác, lập kế hoạch bay linh hoạt hơn, giảm tắc nghẽn và sự chậm trễ cho các chuyến bay, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian, tăng tần suất bay thoả mãn nhu cầu tăng trưởng của ngành HK trên thế giới; năm 2002 đến 2008, triển khai quyết định của ICAO về giảm thiểu phân cách cao nhằm tăng tần suất bay; năm 2007, 2008, áp dụng phương thức dẫn đường theo yêu cầu, triển khai thành công phương thức kiểm soát điều hành bay sử dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái, áp dụng giám sát tự động phụ thuộc tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng rada thứ cấp thuộc FIR HCM, hiện đang tiến hành áp dụng phương thức dẫn đường theo tính năng. Năm 2014, Tổng công ty chính thức trở thành thành viên của tổ chức CANSO - một tổ chức của các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên thế giới, đại diện cho lợi ích của cộng đồng quản lý không lưu toàn cầu. Năm 2016, Tổng công ty đưa hệ thống đường bay song song theo tiêu chuẩn RNAV5 trục Bắc-Nam vào khai thác, đã đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của lưu lượng hoạt động bay, tăng năng lực vùng trời, tối ưu hóa luồng không lưu tại Việt Nam. 

Đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của công tác quản lý điều hành bay, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp các cơ sở điều hành bay, Tổng công ty đã đầu tư mua sắm các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật số, thông tin vệ tinh để nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát. 

Về thông tin, để phục vụ liên lạc thoại giữa KSVKL và người lái, Tổng công ty đã đầu tư lắp đặt các trạm VHF liên lạc đất đối không tầm xa; đã có 22 trạm VHF tại sân; 03 trạm VHF điều hành tiếp cận tại 3 cảng HK quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; 7 trạm VHF điều hành bay đường dài; đầu tư mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) với 4 Trung tâm chuyển điện văn tự động (AMSS); lắp đặt 18 trạm liên lạc qua mạng Vệ tinh VSAT phục vụ thông tin liên lạc trong nước và quốc tế.

Trạm radar thông tin Tân Sơn Nhất

Về dẫn đường, giám sát, đã đầu tư lắp đặt 25 đài dẫn đường gồm: 03 đài NDB; 22 đài DVOR/DME đặt tại 24 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, đài dẫn đường Pleiku là công trình được Bộ Giao thông vận tải gắn biển “Công trình chào mừng chào mừng Đại hội Đảng lần XI”. Từ năm 1995, Tổng công ty đã chính thức áp dụng phương thức kiểm soát rađa thuộc FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh, toàn bộ vùng trời trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam đã được bao phủ bởi 03 hệ thống rada sơ cấp và 06 hệ thống rada thứ cấp, đưa phương thức quản lý bay, quản lý vùng trời từ nghe - nói sang nghe - nói - giám sát, đã nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điều hành bay của Việt Nam. Năm 1999, đầu tư mới hệ thống xử lý dữ liệu rađa và xử lý dữ liệu bay cho ACC/HCM, hoàn thành dự án Mạng giám sát vùng thông báo bay Hà Nội. Theo kế hoạch phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu HKDDVN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các ứng dụng liên lạc dữ liệu bằng vệ tinh sẽ được dần thay thế cho liên lạc thoại VHF, HF; tiến tới áp dụng phương thức dẫn đường dựa vào đặc tính và hệ thống tăng cường độ chính xác đặt trên mặt đất. Từ năm 2012, theo lộ trình thực hiện triển khai áp dụng công nghệ giám sát ADS-B trên toàn vùng thông báo bay của Việt Nam, đến nay, Tổng công ty đã triển khai lắp đặt 11 trạm Giám sát tự động phụ thuộc dạng quảng bá (ADS-B) tại trên khắp cả nước, trong đó có 03 trạm tại Côn Đảo, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn.

Lắp đặt ADS - B Trường Sa lớn

Cung ứng dịch vụ thông báo tin tức hàng không là một trong 05 dịch vụ để đảm bảo luồng dữ liệu/tin tức cần thiết cho hoạt động bay. Hiện nay hệ thống AIS tự động của Trung tâm đã lắp đặt 72 đầu cuối tại 22 sân bay đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO về quản lý, khai thác và cung cấp thông tin hàng không. Năm 2013, Tổng công ty đang tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi từ Dịch vụ tin tức hàng không (AIS) sang Quản lý tin tức hàng không (AIM) theo kế hoạch của ICAO. 

Về cung ứng dịch vụ khí tượng, Tổng công ty luôn tổ chức theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết trên các sân bay, đường bay trong vùng trách nhiệm; phối hợp với các cảng hàng không đảm bảo cung ứng dịch vụ khí tượng đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy cao góp phần đảm bảo phục vụ bay an toàn tuyệt đối. Đã thiết lập 01 cơ sở CCDV cảnh báo thời tiết Gia Lâm; Năm 1998, đầu tư hệ thống thu sản phẩm dự báo toàn cầu và đã được nâng cấp thế hệ 2 vào năm 2008; đầu tư hệ thống thu nhận, xử lý, phân tích ảnh mây vệ tinh khí tượng phân giải cao và số liệu khí tượng năm 1998; đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng hàng không Gia Lâm và hệ thống thu ảnh mây vệ tinh khí tượng phân giải cao năm 2009.

Hệ thống dịch vụ TKCN hàng không của Việt Nam đã được thiết lập một cách đồng bộ, gồm: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn HK thuộc Tổng công ty và 03 trung tâm TKCN tại khu vực Bắc, Trung, Nam nhằm phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, sẵn sàng triển khai TKCN đối với các tàu bay lâm nguy, lâm nạn. Định kỳ phối hợp tổ chức diễn tập TKCN, triển khai thực hiện với các loại hình trên nhiều địa hình khác nhau để mọi lực lượng luôn luôn sẵn sàng, ứng phó khi tình huống xảy ra.

Đầu tư, đổi mới kỹ thuật công nghệ ngành Quản lý bay trong hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và tính năng của các hệ thống công nghệ kỹ thuật mới đã làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay. Đến nay, Tổng công ty đã đầu tư được 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 03 cơ sở kiểm soát tiếp cận, 22 Đài kiểm soát tại sân, các Đài kiểm soát không lưu với nhiều công trình quy mô lớn, thiết kế phức tạp, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như đài Kiểm soát không lưu Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Năm 2006, Trung tâm kiểm soát không lưu HCM khánh thành. Đây là một dự án có quy mô hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Năm 2015, Tổng công ty khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội, với tổng vốn đầu tư trên 750 tỷ. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành Giao thông vận tải có quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực, đã đánh dấu một thành công lớn của Tổng công ty trong công tác đầu tư đổi mới công nghệ điều hành bay, đáp ứng nhu cầu hoạt động vận tải hàng không ngày càng tăng cao trên các vùng thông báo bay của Việt Nam và bay đi/đến tại các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài. 

Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 13/01/2015

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực. Đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin. Trong chương trình phát triển công nghiệp Hàng không Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành như: Giàn phản xạ DVOR/DME, phòng đặt thiết bị (Shelter), chế tạo thành hệ thống đèn phù trợ dẫn đường sân bay, sản xuất phần mềm đầu cuối mạng viễn thông cố định hàng không, phần mềm đồng hồ thời gian chuẩn, phần mềm AMHS… Sản phẩm bàn consol do Tổng công ty sản xuất đều đạt tiêu chuẩn chất lượng ICAO quy định, hiện đang được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở điều hành bay. Từ năm 2009, Tổng công ty tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.

Chủ tịch HĐTV Đinh Việt Thắng và Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng kiểm tra, đánh giá sản phẩm mẫu thiết kế 
bàn Console mới do Cty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay nghiên cứu sản xuất

Để làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, từng bước hiện đại hóa ngành Quản lý bay nhất thiết phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Quản lý bay nói riêng, ngành Hàng không dân dụng nói chung theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, Tổng công ty đã tổ chức đào tạo, huấn luyện trong nước cho hàng chục nghìn lượt người, tại nước ngoài cho trên hai nghìn lượt người, bay cảm giác cho hơn hàng chục nghìn lượt kiểm soát viên không lưu. Năm 2013, Tổng công ty thành lập Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay để trực tiếp tổ chức thực hiện các khóa đào tạo huyện luyện theo kế hoạch và đã tổ chức khóa đào tạo KSVKL đầu tiên vào tháng 12/2013. Để đáp ứng kịp thời tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không trong nước và quốc tế, năm 2015, Tổng công ty đã đổi mới  hình thức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo hình thức xã hội hóa. Từ tháng 9/2015, lớp đào tạo Kiểm soát viên không lưu đầu tiên đã theo học chương trình đào tạo chuyên ngành tại Newzealand. Sau thành công của khóa học này, Tổng công ty sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đào tạo dành cho lĩnh vực chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, Tổng công ty tăng cường tổ chức đào tạo trình độ tiếng Anh nhằm đảm bảo 100% các KSVKL tiếp điều hành bay đều đạt tiêu chuẩn tiếng Anh mức 4 theo quy định của (ICAO).

Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, những thành tựu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã góp phần tô đậm những mốc son trên chặng đường phát triển của ngành Hàng không. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Tổng công ty vừa phải nắm bắt những cơ hội, vừa phải đối mặt với những thách thức để đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập thực sự và toàn diện với các nước trên thế giới, xây dựng ngành Hàng không nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng ngày càng vững mạnh. Quyết tâm xây dựng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành “một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Ban biên tập