Giới thiệu về dịch vụ Không lưu

Dịch vụ không lưu là một thuật ngữ chung được dùng để chỉ nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm dịch vụ điều hành bay (gồm có dịch vụ kiểm soát đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay, dịch vụ kiểm soát mặt đất), dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động.

Dịch vụ không lưu được cung cấp nhằm các mục đích:

- Ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay;

- Ngăn ngừa va chạm giữa tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay;

- Thúc đẩy và điều hòa hoạt động bay;

- Cung cấp và tư vấn những tin tức có ích cho việc thực hiện chuyến bay an toàn và hiệu quả;

- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về tàu bay cần phải tìm kiếm, cứu nạn và trợ giúp các cơ quan, đơn vị này theo yêu cầu.

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước.

Ba đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty Quản lý bay miền Trung và Công ty Quản lý bay miền Nam trực tiếp quản lý tất cả các cơ sở điều hành bay, trong đó bao gồm: 02 Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC Hà Nội và ACC Hồ Chí Minh), 03 Cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP Nội Bài, APP Đà Nẵng và APP Tân Sơn Nhất), 21 Đài kiểm soát tại sân bay. Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chính thức tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ kiểm soát mặt đất, dịch vụ đánh tín hiệu và dịch vụ thủ tục bay từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhằm không ngừng cải tiến các quy trình trong dây chuyền đồng bộ, đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao chất lượng chung của dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.


Kíp trực tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội

Kiểm soát viên không lưu là người trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay, thông báo bay và báo động cho các tàu bay trên mặt đất, trên không và các hỗ trợ khác cho tổ lái để duy trì hoạt động bay của tàu bay trên các đường hàng không và tại khu vực các sân bay một cách an toàn, điều hòa và hiệu quả. Tính đến hết năm 2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có khoảng hơn 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc. Công việc của họ là đưa ra các huấn lệnh, chỉ thị và khuyến cáo cho tổ lái về độ cao bay, tốc độ bay, đường bay, các thông tin về thời tiết, các thông tin hoạt động liên quan khác nhằm ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay đang bay, giữa các tàu bay với các tàu bay hoạt động trên sân bay và giữa các tàu bay với chướng ngại vật trên khu vực sân bay.

Kíp trực tại Đài kiểm soát tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trong những năm gần đây, hoạt động cung cấp dịch vụ không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng đến từ nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là về tổ chức vùng trời, đường hàng không và phương thức bay. Trong đó có thể kể đến việc: Điều chỉnh, phân chia lại khu vực trách nhiệm của Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội và Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh từ giữa năm 2015 và hoàn thành vào đầu năm 2016;  Điều chỉnh và tái cấu trúc các khu vực trách nhiệm của các cơ sở điều hành bay tại sân bay Đà Nẵng từ tháng 4/2016; Áp dụng thành công cặp đường hàng không song song trục Bắc Nam sử dụng dẫn đường khu vực RNAV 5 từ tháng 8/2016; Áp dụng thành công phương thức bay SID/STAR sử dụng dẫn đường khu vực RNAV 1 tại sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 11/2016..v.v. Ngày 07/12/2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã điều hành an toàn chuyến bay thứ 700.000 của năm, đó là dấu mốc quan trọng khẳng định rõ sự tăng trưởng nhanh chóng của sản lượng hoạt động bay trong năm.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời đường dài và trung tận; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.