06/11/2024
Chính thức thiết lập khu vực trách nhiệm kiểm soát mặt đất (GCU) tại Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc
Năm 2023 đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động khai thác đã tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt mức tăng 72% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các Cảng hàng không trên toàn quốc đã đón chào 89 triệu lượt khách. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ hành khách quốc tế, đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8%. Phú Quốc - được mệnh danh là đảo ngọc của Việt Nam - là một trong những điểm đến hấp dẫn và không năm ngoài xu thế tăng trưởng này.
Công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khu vực sân bay Phú Quốc được thực hiện bởi Đài kiểm soát tại sân bay Phú Quốc theo phương thức điều hành bay truyền thống với một phần chức năng của điều hành bay tiếp cận. Các hoạt động bay hàng không dân dụng tại đây hoạt động liên tục 24/24h với tần suất trung bình khoảng 100 lần chuyến/ngày, trong các ngày cao điểm có thể đạt 156 lần cất hạ cánh. Với mật độ hoạt động bay cao như vậy, kiểm soát viên không lưu (KSVKL) đã thực hiện điều hành với thời gian liên lạc hai chiều với tàu bay trong khu vực trách nhiệm trên 50 phút/giờ (chiếm tỉ lệ 83%). Theo số liệu thống kê, thời gian liên lạc giữa KSVKL và tàu bay được đánh giá là quá tải đối với vùng trời không sử dụng giám sát (mức chấp nhận được của thời gian liên lạc là dưới 60%).
Các KSVKL tại Đài kiểm soát không lưu phải cùng một lúc điều hành tàu bay cả trên không lẫn dưới mặt đất. Việc KSVKL phải đảm nhiệm cả chức năng điều hành bay tiếp cận, điều hành bay tại sân, kiểm soát tàu bay lăn và hiệp đồng thông báo bay với các đơn vị liên quan sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mật độ bay ngày càng gia tăng.
Khu vực trách nhiệm của TWR và GCU Phú Quốc
Dựa trên cơ sở đó cùng việc căn cứ nhu cầu thực tiễn hoạt động điều hành bay, việc xây dựng phương án để khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực và cải thiện dịch vụ điều hành bay là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn phục hồi kinh tế nói chung và ngành Hàng không nói riêng. Nắm bắt định hướng đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu Đề án “Thiết lập khu vực trách nhiệm kiểm soát mặt đất (GCU) Phú Quốc”.
Vị trí ngồi của KSVKL hiệp đồng sẽ được bố trí giữa KSVKL TWR và GCU để thuận tiện cho quá trình tác nghiệp
Đúng 07h00 (0000UTC) ngày 30/11/2023, Đài Kiểm soát không lưu Phú Quốc đã chính thức điều chỉnh khu vực trách nhiệm kiểm soát tại sân bay và thiết lập khu vực trách nhiệm kiểm soát mặt đất.
VJC320 (VVPQ - VVTS) - chuyến bay đầu tiên liên lạc với GCU Phú Quốc
Việc đưa GCU Phú Quốc vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm tải khối lượng công việc của KSVKL, tạo điều kiện cho việc giám sát, cải thiện nhận thức tình huống và dự đoán, bảo đảm an toàn và giảm thiểu rủi ro, hạn chế việc KSVKL bị phân tán sự chú ý. Từ đó, nền không lưu được hoạch định tối ưu, đảm bảo vùng trời được khai thác hiệu quả và an toàn.
Ngoài ra, thiết lập vị trí GCU sẽ không thay đổi cơ cấu tổ chức vùng trời Phú Quốc, thay đổi không đáng kể phương thức điều hành bay và đáp ứng các yêu cầu giao thông hàng không trong tương lai để tăng tính an toàn, an ninh, năng lực, hiệu quả, bền vững môi trường đồng thời phối hợp linh hoạt trong hiệp đồng giữa quân sự và các đơn vị khác liên quan.
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Quản lý bay miền Nam tặng hoa chúc mừng
Hà Phương