14/01/2025
Hành trình về nguồn đáng nhớ!
Ngày thứ nhất trong chuyến hành trình, đoàn chọn Quê hương Bác là điểm dừng chân đầu tiên. Đến với khu di tích làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác, nơi Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà lá do cụ Hoàng Đường dựng lên vào dịp lễ thành hôn của con gái Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc năm 1883. Tuổi thơ của Bác Hồ ở đấy, một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương cũng như đức hi sinh cao cả của mẹ. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất cả trăm bề vì cuộc sống mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Bà mất vì lao lực, vì làm việc quá sức. Khi mất vẫn không nhìn thấy mặt chồng, để lại cho đàn con niềm tiếc thương vô hạn. Không khí cả đoàn như lặng đi trong bài thuyết minh của chị hướng dẫn viên, giọng chị tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi. Phải chăng, miền quê khổ nghèo, nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước cộng với những ưu việt trong lối giáo dục trong gia đình nhân bản ấy đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại? Và phải chăng, tất cả những điều vĩ đại, đều chứa đựng trong mình những gì gần gũi, bình dị nhưng thấm đậm hồn quê hương?
Nghẹn ngào xúc động khi nghe thuyết minh về cuộc đời tần tảo của bà Hoàng thị Loan – Mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiếp theo chuyến hành trình là Làng Sen quê nội của Bác, nơi còn lại những di tích quý giá về gia đình của Bác, nơi hoạt động thuở thiếu thời của Người. Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, một nhân cách giản dị mà vĩ đại... Tại đây đồng chí Lê Bích Hòa - Bí thư chi bộ Ban Tổ chức cán bộ - Lao động cùng toàn đoàn đã làm lễ dâng hương và tưởng niệm tại nhà thờ Bác.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trên mảnh đất quê hương Người
Rời làng Sen quê Bác, đoàn được đi tham quan Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, nơi gắn liền với tên tuổi của mười cô gái thanh niên xung phong, biểu tượng bất tử của thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ.
Đồng Lộc giờ đây bình yên, tĩnh lặng với màu xanh bạt ngàn của những đồi thông, những đồng lúa ngát hương đang thì con gái. Khó có thể hình dung được nơi này lại được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam.
Qua lời giới thiệu của anh hướng dẫn viên, đây thực sự là một vùng đất linh thiêng, huyền thoại, nơi mang trong mình nỗi đau thương chiến tranh một thuở, nhưng cũng vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vẫn còn đọng đây trong tâm trí các thành viên đoàn là những lời tâm sự tràn đầy tinh thần lạc quan và lòng dũng cảm cùng ý chí chiến đấu kiên cường trong bức thư gửi mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.
Những lời tâm sự chân thành ấy khiến các thành viên trong đoàn không thể cầm được nước mắt vì xúc động và cảm phục. Trước trận chiến không cân sức, tại tuyến lửa ác liệt, nơi tính mệnh chỉ như “ngàn cân treo sợi tóc”, các chị vẫn ung dung sống, chiến đấu như những anh hùng với tinh thần bất khuất, không bom đạn tàn khốc nào có thể lay chuyển được. Giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù, tâm hồn các chị vẫn ngát hương tuổi thanh xuân tươi đẹp: “Mẹ ơi, thời gian này, mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tổ quốc sẽ mãi gọi các chị là những “đóa hoa bất tử”, những bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa.
Kết thúc hành trình ngày thứ nhất, chân bước đi, mà lòng chẳng muốn rời. Hình ảnh của o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay o Rạng, o Xuân, o Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn, nhưng hiên ngang khí phách lạ thường bên dòng sông La huyền thoại. Các chị thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau noi theo, để sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy.
Ngày thứ hai của chuyến hành trình tri ân, đoàn được đặt chân lên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió, thăm nơi yên nghỉ của người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vị tướng tài ba trong lĩnh vực quân sự được cả thế giới biết đến.
Về thăm mộ Đại tướng đoàn chợt nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Vũ Trọng Tạo:
“Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê.
Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử.
Thành Núi thành Mây thành Ruộng, Đồng, Sông, Bể.
Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông.
Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân.
Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối.
Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới.
Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng”…
Bài thơ ấy như mang bao nỗi niềm nhắn gửi của đồng bào cả nước hướng về Đại tướng. Người đã trở thành “vị Thánh trong lòng mỗi người dân Việt Nam” để rồi hằng ngày nhân dân Việt nam vẫn hướng về Người nơi Vũng Chùa – Đảo Yến.
Vũng chùa, Đảo Yến thật yên tĩnh và thơ mộng. Mộ đại tướng nằm tựa vào núi, một ngôi mộ bình dị như chính cách sống của người lính, chất phác, giản dị. Có tự mình đến đây thì thế hệ trẻ mới hiểu tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là Đại tướng trong lòng dân. Ông đã dành cả cuộc đời cho quê hương đất nước; cùng nhân dân đấu tranh giành độc lập cho đất nước qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu với bao đau thương, hy sinh mất mát. Và khi về lại thời bình, Đại tướng làm việc gì cũng đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu, luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền giáo dục quốc dân; nâng cao trí tuệ, tầm vóc cho thế hệ trẻ nước nhà. Mỗi thành viên đoàn khi đến đây đều không giấu được niềm bồi hồi xúc động khi dâng nén tâm hương lên mộ Đại tướng. Chính nhân cách lớn của Đại tướng mãi là nguồn sáng cho thế hệ trẻ hôm nay xích lại gần nhau hơn cùng quyết tâm xây dựng quê hương đất nước và biết tri ân những người anh hùng dân tộc, ra sức giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta – uống nước nhớ nguồn. Để rồi sau chuyến đi, tất cả các thành viên đoàn đều tự nhận thức, sống trách nhiệm, phấn đấu, học tập, rèn luyện “Xứng danh Bộ đội cụ Hồ”.
Ngày thứ ba, trên đường trở về trong chuyến hành trình đầy cảm xúc, đoàn được về Tiên Điền thăm quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du với thi phẩm Truyện Kiều nổi tiếng.
Nằm ở phía Nam cầu Bến Thủy, ranh giới giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh là nơi vừa mang tính nhân văn, giáo dục, vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học quốc gia. Khu di tích được thành lập từ năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820). Đến ngày 27/9/2012, Khu di tích chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng thành Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Đến nay khu di tích Tiên Điền đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn hàng năm tiếp đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu để được sống lại trong không khí hào hùng, thi vị, đậm đà bản sắc văn hóa Nghệ Tĩnh.
Tham quan hết khuôn viên khu di tích, đoàn trở ra nhà bảo tàng, dừng chân chụp ảnh kỷ niệm kết thúc một chuyến đi về nguồn vô cùng ý nghĩa.
Toàn đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du
Quỳnh Hoa