28/12/2024
VATM: Tổ chức Hội thảo giới thiệu về chương trình xã hội hóa đào tạo Kiểm soát viên không lưu
- Ảnh: Hội thảo tổ chức tại Trụ sở Tổng công ty -
Ông Trịnh Như Long - Trưởng Ban Đầu tư, Tổ trưởng Tổ xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo cơ bản KSVKL đã chủ trì các buổi Hội thảo. Tham gia chương trình có bà Đặng Thị Hải Vân - Phó phòng Không lưu, Công ty Quản lý bay miền Bắc, bà Kelly de Lambert - đại diện của Airways, New Zealand, đại diện của Ban Tổ chức cán bộ - Lao động và các chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ - Lao động Công ty Quản lý bay miền Trung, Công ty Quản lý bay miền Nam. Hội thảo đã được đông đảo các gia đình, ứng viên quan tâm đến tìm hiểu chương trình cùng tham dự.
Sau khi phát biểu khai mạc Hội thảo, chào mừng các phụ huynh và ứng viên quan tâm đến chương trình, ông Trịnh Như Long đã giới thiệu tổng quát về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ… của Tổng công ty. Tiếp theo, bà Đặng Thị Hải Vân, người đã có kinh nghiệm 15 năm làm KSVKL, hiện nay là giảng viên, huấn luyện viên không lưu và là Phó phòng Không lưu của Công ty Quản lý bay miền Bắc - đã trình chiếu video khung cảnh làm việc thực tế của các KSVKL Việt Nam tại các cơ sở Điều hành bay và giới thiệu chi tiết về nghề kiểm soát không lưu với 4 lĩnh vực công việc chính: KSVKL đường dài, KSVKL tiếp cận, KSVKL tại sân bay và nhân viên kiểm soát mặt đất.
Hội thảo tổ chức tại Công ty Quản lý bay miền Trung
Nội dung của phần giới thiệu chủ yếu về công việc chính của một KSVKL là đảm bảo khoảng cách an toàn, hay còn gọi là phân cách giữa các tàu bay. Với lưu lượng chuyến bay ngày càng tăng cao mỗi năm, đòi hỏi KSVKL phải điều hành các chuyến bay an toàn, điều hòa và nhanh chóng để tạo ra hiệu quả cao nhất. Vị trí làm việc của các KSVKL Việt Nam được đặt tại 22 Đài kiểm soát không lưu tại các sân bay quốc tế và nội địa trong cả nước, 03 Cơ sở kiểm soát tiếp cận (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) và 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Mỗi kíp trực được chia ra nhiều vị trí, bao gồm Kíp trưởng, Kíp phó (WS-Watch Supervisor), KSVKL điều hành (EC-Executive Controller), KSVKL hiệp đồng (PLC- Planning Controller), KSVKL giám sát (SC- Supervising Controller), KSVKL thực tập (OJT- On the job training controller) và các Huấn luyện viên tại vị trí làm việc (OJTI- OJT Instructor). Để điều hành và bao quát được bầu trời, KSVKL được trang bị các màn hình radar và hệ thống Quản lý không lưu tự động (ATM) rất hiện đại, thiết bị liên lạc vô tuyến không - địa, thiết bị liên lạc trực thoại mặt đất, điện thoại, máy tính... và các thiết bị hỗ trợ khác nữa. Kiểm soát không lưu là một nghề mang tính Quốc tế cao nên các qui định, tiêu chuẩn công việc được qui chuẩn trên cơ sở quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và của Việt Nam. Bà Hải Vân cũng giới thiệu một số hình ảnh của Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội – một trong những cơ sở làm việc của các KSVKL vừa khánh thành và đi vào khai thác từ ngày 13/01/2015, và là Trung tâm Kiểm soát không lưu hiện đại ngang tầm khu vực.
Trong chương trình Hội thảo, Ông Trịnh Như Long đã giới thiệu chi tiết về chương trình đào tạo cơ bản KSVKL. Hiện nay, Tổng công ty có nhu cầu tuyển chọn học viên để đào tạo KSVKL tại nước ngoài bằng kinh phí tự túc đối với các vị trí làm việc là KSVKL tại sân/tiếp cận; KSVKL đường dài tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tổng công ty cam kết sẽ tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với học viên KSVKL cơ bản sau khi tốt nghiệp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tuyển dụng của Tổng công ty. Trung tâm đào tạo, huấn luyện cơ bản tại nước ngoài dự kiến là Trung tâm huấn luyện Airways, New Zealand. Trong thời gian tham gia huấn luyện tại vị trí làm việc, ứng viên được ký Hợp đồng lao động có thời hạn mức thu nhập tối thiểu là 8 triệu đồng/tháng. Sau khi tham gia kiểm tra được cấp giấy phép và năng định, KSVKL được ký Hợp đồng lao động không giới hạn với mức thu nhập tối thiểu 15 triệu đồng/tháng.
Hội thảo tổ chức tại Công ty Quản lý bay miền Nam
Hội thảo đã đươc nghe bà Kelly đại diện của cơ sở đào tạo New Zealand đã giới thiệu về chương trình học tập để trở thành KSVKL tại Airways New Zealand. Bà trình bày rất cụ thể về chất lượng đào tạo, môi trường, điều kiện học tập, sinh hoạt và một vài nét văn hóa đặc trưng của New Zealand.
Hội thảo giành phần lớn thời gian cho đại điện của Tổng công ty trao đổi và giải đáp cụ thể các thắc mắc của các phụ huynh và các ứng viên có nguyện vọng tham gia về thủ tục và thời hạn nhận hồ sơ, cách thức tuyển chọn, chương trình học tập, điều kiện ăn ở, đi lại tại nước ngoài, cũng như về điều kiện làm việc, thu nhập của KSVKL,... Mỗi buổi Hội thảo diễn ra trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ đồng hồ đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho các phụ huynh và các ứng viên có mong muốn trở thành KSVKL trong tương lai.
TL