11/10/2024
Bảo tàng Hàng không Việt Nam - 10 năm với công tác gìn giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật và tuyên truyền lịch sử ngành Hàng không dân dụng Việt Nam
Công trình Bảo tàng Hàng không được hoàn thành năm 2012 trên khuôn viên rộng 14,451,5 m2. Trong đó, khu vực dành cho trưng bày có diện tích hơn 2000m2. Để tiến hành trưng bày, ngày 16/5/2002 Cục Hàng không ra Quyết định số 274/QĐ-CHK về việc: “Phê duyệt nội dung, mỹ thuật trưng bày Bảo tàng Hàng không và phân công thực hiện”.
Đầu năm 2003, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo của Cục Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã xây dựng nội dung sưu tầm, tổ chức các đoàn đi sưu tầm hiện vật, tài liệu tại các tỉnh thành trong cả nước, các sân bay, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Ngày 15/1/2006, Bảo tàng Hàng không chính thức mở cửa đón khách tham quan nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Hàng không dân dụng Việt Nam.
Quyết định thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 15/1/1956 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
Bảo tàng Hàng không với chức năng tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử ngành Hàng không Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật gốc. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của cả Ngành nên ngay sau khi đi vào hoạt động, bảo tàng đã phát huy và thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo Tổng công ty giao cho.
Hiện nay, phần trưng bày có hơn 500 hiện vật, tài liệu, ảnh, các trang thiết bị, mô hình phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Hàng không dân dụng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước (giai đoạn 1945-1975) và phần trưng bày của Tổng công ty Quản lý bay, các đơn vị trong ngành Hàng không trong công cuộc đổi mới, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. (từ 1976 đến nay).
Góc trưng bày Hàng không dân dụng Việt Nam tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Trong 10 năm vừa qua, Bảo tàng đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Bên cạnh công tác thuyết minh, bảo tàng còn phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa bàn nơi đơn vị đứng chân như: dâng hương báo công với Bác Hồ tại phòng Khánh tiết, gặp mặt các thế hệ lãnh đạo của Ngành, gặp mặt Hội tình nghĩa Hàng không, cán bộ hưu trí, các buổi học lịch sử địa phương của học sinh quận Long Biên. Đặc biệt, bảo tàng còn đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ban ngành để lại nhiều ấn tượng tốt về hình ảnh ngành Hàng không Việt Nam.
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến bảo tàng là gian Khánh tiết long trọng - nơi đặt tượng Bác Hồ muôn vàn kính yêu, ai cũng muốn thắp nén nhang và nghiêng mình tưởng nhớ công ơn của Người. Sau đó, khách tham quan được đến thăm gian trưng bày hiện đại, khoa học với các nội dung phong phú. Họ ấn tượng về những chiến công trên các mặt trận “không đối không”, “không đối đất” của tổ bay T12, AN -2 của các phi công Nguyễn Văn Ba, Lê Tiến Phước, Đào Hữu Ngoan, Phan Như Cẩn; họ cảm phục tinh thần đấu tranh, xây dựng ngành những năm đầu vô cùng khó khăn thiếu thốn của các chiến sỹ hàng không mặc áo lính, sự kiện các các bộ chiến sỹ thông tin, điều phái sân bay đã tiếp quản sân bay Gia Lâm năm 1954 và phát bức điện lịch sử làm chủ bầu trời Tổ quốc đánh dấu sự ra đời của ngành Quản lý bay ngày nay; họ ngưỡng mộ những liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà tên tuổi của họ đã ghi vào lịch sử ngành Hàng không Việt Nam như những mốc son chói lọi; họ kính cẩn và nghiêng mình trước những kỷ vật, tấm ảnh của các liệt sỹ Không quân - Hàng không dân dụng qua hai cuộc kháng chiến. Đó là những trang sử sống vô cùng giá trị và trở thành những tượng đài sống mãi với thời gian.
Để công tác bảo quản hiện vật được thường xuyên và lâu dài, hiện vật bảo tàng được bảo quản, đánh số khoa học. Từ năm 2010, bảo tàng Hàng không đã đưa phần mềm bảo quản hiện vật. Hơn 1000 ảnh tư liệu quý của ngành cũng được lưu file ảnh theo giai đoạn. Để công tác trưng bày được phong phú và hẫp dẫn khách tham quan, việc sưu tầm luôn được bảo tàng Hàng không xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Bảo tàng Hàng không đã chủ động, tích cực phát huy năng lực trong các đợt sưu tầm và tổ chức được rất nhiều đợt sưu tầm hiện vật tại các địa phương trong nước, cá nhân là các lão thành cách mạng trong ngành, các đơn vị, các bảo tàng bạn, Cục Lưu trữ Trung ương thu thập về nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh, có giá trị phục vụ cho công tác trưng bày, tuyên truyền và nghiên cứu khoa học.
Một phần trưng bày của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
Mười năm đã qua, đó là khoảng thời gian không dài, với những việc đã làm được, Bảo tàng Hàng không đóng góp một phần nhỏ bé trong việc quảng bá, giới thiệu lịch sử, hình ảnh của ngành Hàng không cho du khách trong và ngoài nước. Để có được thành quả đó là sự quan tâm, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo Cục Hàng không, Tổng Công ty quản lý bay. Ngày hôm nay, Bảo tàng Hàng không đã và đang tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử của Ngành. Những hiện vật, tài liệu, ảnh tại trưng bày tại bảo tàng là chiếc cầu nối quá khứ lịch sử hào hùng giữa hiện tại và tương lai. Từ đây, các thông điệp vô cùng ý nghĩa được truyền tải đến các thế hệ sau về lịch sử ra đời và những thành tựu to lớn đã đạt được trên chặng đường 60 năm của ngành, để ngày hôm nay có một ngành Hàng không Việt Nam phát triển hiện đại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bài và ảnh: Ngọc Trinh - Văn phòng TCT