16/12/2024
BCH Công đoàn Cơ quan tổ chức tham quan du xuân đầu năm Ất Mùi
Đây là một hoạt động năm trong chương trình công tác năm 2015 của Công đoàn Cơ quan. Do số lượng người lao động của khối Cơ quan đông, đặc thù công việc các bộ phận khác nhau, BCH Công đoàn đã bố trí hoạt động du Xuân đầu năm thành 02 đợt để thuận lợi cho người lao động bố trí, sắp xếp công việc để tham gia với số lượng đông đảo nhất.
Đợt đầu được tổ chức vào thứ Bảy ngày 21 tháng 3 năm 2015, điểm đến đầu tiên là khu danh thắng Tây Thiên xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi thờ Quốc mẫu Năng Thị Tiêu thời Vua Hùng. Theo nhiều tài liệu tín ngưỡng thờ Quốc mẫu, Tây Thiên vốn có nguồn gốc sâu xa là thờ nhiên thần (tức thần núi Tam Đảo). Theo thời gian, thần đã được nhân hóa và nữ tính hóa thành một vị nữ thần và tăng quyền thành một nhân vật thời huyền sử, mang lý lịch trần gian với danh hiệu là Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ VII. Theo truyền thuyết, Quốc mẫu Tây Thiên có tên thật là Năng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, giúp Vương cứu nước, cứu dân. Khi mất bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được truy phong làm Quốc mẫu.
Điểm đến tiếp theo là Đền thờ Hai Bà Trưng thuộc xã Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ non sông Việt Nam, dân ta Việt Nam, làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam, đem lại vinh dự tự hào cho người dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, vùng đất anh hùng đã sinh ra người nữ Anh hùng đầu tiên của dân tộc. Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dân Vĩnh Phúc đã lập đền thờ tại đây. Hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh vào ngày mùng Sáu tháng Giêng.
Đợt du xuân thứ hai được tổ chức vào thứ Bảy ngày 28 tháng 3 năm 2015, điểm đến là quần thể các di tích tự ngàn xưa với những am, chùa, hang đá xứ Đoài nay thuộc về Hà Nội nhưng vẫn phảng phất đâu đây dấu ấn riêng của vùng đất cổ - đất Phật với hệ thống chùa chiền độc đáo.
Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Trăm Gian chùa còn có tên gọi là Quảng Nghiêm tự hay chùa Tiên Lữ, nằm trên một quả đồi thông cao khoảng 50m là một ngôi chùa cổ. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ X, năm 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Ấn tượng khi đến chùa là cảm giác yên bình đặc trưng của ngôi chùa quê, khác hẳn với cái ồn ã, xô bồ bon chen ở nơi phố sá. Cổng chùa đã rêu phong, người dân họp chợ ngay trước cổng chùa.
Đoàn viên Công đoàn Cơ quan đến chiêm bái chùa Trăm gian
Tiếp đến là khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa là một hồ rộng mang tên Long Trì (ao Rồng). Cụm Chùa Thầy gồm ba tòa là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Hiện nay chùa Thầy còn lưu giữ hàng trăm pho tượng với nhiều tư thế ngồi, đứng hoặc trong những tư thế võ mạnh mẽ, sống động được đắp bằng đất thó, giấy bản giã nhỏ trộn với mật, trứng nên sau hơn ba trăm năm vẫn còn rất tốt.
Đoàn đến tham quan, tìm hiểu khu di tích chùa Thầy
Cũng nằm trong quần thể di tích xứ Đoài, điểm cuối cùng đoàn đã đến tham quan, thắp hương tại chùa Tây Phương. Chùa nằm trên ngọn núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Từ chân núi, đi qua 239 bậc lát đá ong là đến cổng chùa. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Tam với 03 tòa cất dọc theo sườn núi, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Chùa được xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần không trát vữa, tạo cảm giác thô mộc gần gũi. Trong chùa như một bảo tàng sống động với nhiều pho tượng cổ độc đá. Hiện nay, chùa đang lưu giữ 62 pho tượng tạc bằng gỗ mít nguyên khối thể hiện sự tài hoa của những người thợ mộc xứ Đoài.
Đây là hoạt động thường niên vào mỗi dịp đầu Xuân mới, chuyến tham quan không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết, sự giao lưu gắn bó, tạo thêm niềm vui phấn khởi cho người lao động mà còn mang lại sự ấm áp về tâm linh đối với những người tham gia khi được thắp nén hương thơm dâng lên Phật, Mẫu, bởi văn hoá tâm linh với đạo thờ Phật, thờ Mẫu chính là một nét đẹp đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Ban Biên tập