10/10/2024
Cảm nhận từ một chương trình sinh hoạt ngoại khóa của chi bộ
Vượt qua một quãng đường dài trên 400km, đoàn đã đến với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, di tích lịch sử gắn liền với sự hy sinh của mười nữ thanh niên xung phong trên mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng. Sự hy sinh đó đã trở thành huyền thoại trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và trong suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Về với mảnh đất anh hùng nơi đây, được trực tiếp nghe các anh, các chị hướng dẫn viên kể lại những cuộc chiến cam go, ác liệt: "... Ngã Ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam". Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây trung bình mỗi một 1km vuông xung quanh Ngã Ba Ðồng Lộc là 4.200 quả bom và tên lửa các lọai, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông ở Ngã Ba Ðồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP...". Ðó là những gì mà chúng tôi được nghe kể.
Vào tham quan Bảo tàng Thanh niên xung phong ngay tại Ngã Ba Ðồng Lộc, có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái Thanh niên xung phong và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. 10 cô gái đó là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc ra đi Hà mới tròn 17 tuổi. Mọi người trong đoàn đều rưng rưng cảm động khi nghe chị hướng dẫn viên kể về lá thư cuối cùng của người tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi về cho mẹ trước ngày cô hy sinh. Khu mộ của các cô đặt dưới một ngọn đồi thoai thoải, cách tượng đài chiến thắng 200 mét, xung quanh bao bọc bởi hàng thông xanh vi vu gió hát. Chúng tôi, với tấm lòng thành kính, nhẹ nhàng thắp hương lên mộ của mười cô gái và đặt lên đó những bông hoa cúc trắng tinh khôi. Tất cả mọi người trong đoàn hôm ấy đều mong cho hương hồn các cô được yên nghỉ ngon giấc nơi đây. Tên tuổi của các cô sẽ mãi mãi sống cùng với Ngã Ba Đồng Lộc.
Đoàn chúng tôi đến Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp người đồng chí, cán bộ cấp dưới tuyệt đối trung thành, đồng thời là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời ông đã gắn liền những mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước khi tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, các chi bộ đã phát cho mỗi đảng viên tài liệu để học tập, nghiên cứu về sự nghiệp và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng về đến đây, nhìn ngắm dòng người xếp hàng dài chờ được vào viếng Đại tướng, được bày tỏ lòng thành kính tri ân người con vĩ đại của dân tộc, một huyền thoại đã làm rạng danh dân tộc, rạng danh non sông đất nước, lòng chúng tôi lại trào dâng cảm xúc khó tả. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù không còn nữa, nhưng tấm gương cả cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân và nhân cách sáng ngời của ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
Hành trang của đoàn đến viếng Đại tướng rất đơn giản, chỉ với bó hoa cúc vàng và nắm hương thơm, tất cả chúng tôi đều hướng về khu mộ với vẻ nghiêm trang và lòng thành kính. Mỗi chúng tôi đã thắp lên phần mộ của Đại tướng một nén nhang và cảm thấy lòng mình như ấm lại. Khu mộ Đại tướng vẫn như những ngày đầu. Đảo Yến án ngữ trước mặt tựa như bức bình phong che chắn gió mưa cho ngôi nhà thiên thu của Đại tướng. Tháp Chuông vọng buồn trở thành điểm ngắm cảnh tuyệt vời cho những ai muốn tìm một cảm giác yên bình. Xung quanh khu mộ là những vòng hoa của khách thập phương được xếp dày, đan kín lại. Trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một địa danh lịch sử, một địa chỉ đỏ để tuyên truyền và giáo dục cho những thế hệ mai sau tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, lý tưởng sống ngày thêm cao đẹp.
Đến dâng hương và học tập, tìm hiểu tại khu di tích lịch sử Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An và hang Tám cô trên đỉnh Trường Sơn, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, Đoàn đã được giới thiệu trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đây là hai địa danh có vị trí đặc biệt trọng yếu, nằm trong tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Những Thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, với quyết tâm sắt đá "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã khắc họa nên hình ảnh đẹp tuyệt vời của lực lượng TNXP góp phần quan trọng bảo vệ con đường ra tiền tuyến lớn. Các anh, các chị góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Sự hy sinh anh dũng của hàng nghìn chiến sỹ TNXP với quyết tâm sắt đá "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" - Truông Bồn và hang Tám cô – một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Về thăm lại nơi đây, khi chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh trên “tọa độ chết” năm xưa, Truông Bồn, Hang Tám cô ngày nay đang tràn đầy sức sống sẽ là địa danh lịch sử giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Khép lại một chương trình sinh hoạt chi bộ đầy ý nghĩa, trong lòng mỗi chúng tôi vẫn còn đọng mãi cảm giác bâng khuâng đến nao lòng bởi các địa danh mà chúng tôi đã đi qua. Những trải nghiệm và những cảm nhận từ thực tế về thế hệ cha, anh, lớp lớp Thanh niên xung phong của ngành Giao thông vận tải năm xưa đã anh dũng, kiên cường không tiếc máu xương vì những tuyến đường huyết mạch ra tiền tuyến, đã nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng học tập, công tác tốt, đóng góp nhiều hơn cho ngành Giao thông vận tải hôm nay, sao cho xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị TNXP. Xin một lần nữa được kính cẩn nghiêng mình trước các anh, các chị. Đây thực sự là điều quý giá nhất mà chương trình sinh hoạt ngoại khóa của chi bộ đang mang lại cho mỗi chúng tôi.
N.T.T.H - Chi bộ Tổng hợp