14/01/2025
Trở về sân bay quốc tế cách mạng đầu tiên
- Ảnh: Máy bay của không lực Hoa Kỳ trưng bày tại di tích sân bay Lũng Cò -
Sân bay Lũng Cò nay thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây từng là nơi đón tiếp những chuyến bay của quân Đồng minh, phục vụ trực tiếp cho việc hợp tác giữa quân Đồng minh và Mặt trận Việt minh chống phát xít Nhật.
Ngày 29 tháng 3 năm 1945, tại Côn Minh (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh - đại diện cho Mặt trận Việt minh và tướng Sê Nôn - Tư lệnh không đoàn 14 của Mỹ, đại diện cho quân Đồng minh. Trong buổi hội đàm, hai bên đạt được thỏa thuận: Về phía Việt minh sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động; phía Mỹ đưa các nhóm cố vấn sang giúp huấn luyện quân sự, đồng thời trang bị cho Việt minh vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Việc xây dựng một sân bay đảm bảo cho sự liên lạc giữa Việt minh và Đồng minh cũng được bàn thảo tại cuộc hội đàm này.
Diễn biến tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi lớn có lợi cho ta, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần. Đầu tháng 6 năm 1945, Bác Hồ chỉ đạo cho hai đồng chí Lê Giản và Đàm Quang Trung chọn địa điểm và thực hiện kế hoạch xây dựng sân bay. Phối hợp với hai đồng chí còn có một thiếu tá quân sự Mỹ thuộc lực lượng cứu trợ không quân Mỹ (AGAS). Nhận được chỉ thị, đồng chí Lê Giản, Đàm Quang Trung cùng cố vấn Mỹ lên Lũng Cò xem xét địa thế. Lũng Cò cách căn cứ Tân Trào khoảng 8 km về phía tây bắc, có một dải đất rộng khoảng 4 ha nằm trong thung lũng có núi đồi bao quanh, bảo đảm an toàn cho các chuyến bay lên xuống thuận tiện, đặc biệt phù hợp cho việc xây dựng sân bay dã chiến.
Vào giữa tháng 6 năm 1945, Bác Hồ trực tiếp lên Lũng Cò để xem xét địa điểm. Bác đã đồng ý xây dựng sân bay tại nơi này. Những người được giao nhiệm vụ xây dựng sân bay đã vận động khoảng 200 người dân địa phương tại các xã lân cận là Thanh La, Trung Yên, Tư Tạc, Tân Trào và một đơn vị bộ đội. Theo dự kiến ban đầu, phải mất khoảng một tuần thì công việc mới hoàn tất, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, chỉ sau hai ngày nỗ lực thi công, một sân bay dã chiến đã hình thành. Sân bay có chiều dài 400m, rộng 20m, đường băng của sân bay trải dài theo hướng nam-bắc, đầu hướng nam là nơi máy bay hạ cánh, phía cuối đường băng ở phía bắc có cây cối um tùm là nơi cất giấu máy bay. Để báo hiệu cho máy bay mỗi lần hạ cánh, các cán bộ ở đây đã cắm những lá cờ trắng hai bên đường băng làm hoa tiêu, loại máy bay L5 của Mỹ có thể hạ và cất cánh an toàn.
Chiếc L-5 hạ cánh đầu tiên xuống sân bay có hai sỹ quan Đồng minh và một số lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí tăng cường cho ta và quân Đồng minh tại Tân Trào. Trong lần hạ cánh đầu tiên, đồng chí Lê Giản và Đàm Quang Trung cùng nhân dân địa phương tổ chức mít tinh chào mừng sự kiện này. Trong buổi mít tinh, mọi người đã hô vang khẩu hiệu hợp tác giữa Việt minh và Đồng minh trên mặt trận chống phát xít Nhật. Trong suốt thời gian quân Đồng Minh ở và làm việc tại Tân Trào, đã có 22 chuyến bay đến trong đó có 5 lần chuyến hạ cánh cất cánh trực tiếp, 17 lần chuyến bay trên đỉnh thả hàng và đồ viện trợ.
Sân bay Lũng Cò là nơi duy nhất ở ATK Việt Bắc đón và nhận sự ủng hộ của quân Đồng minh bằng đường không, và là sân bay quốc tế cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mặt bằng sân bay giờ đây chỉ còn lại một phần đường băng đã được tu sửa, tấm bia lưu niệm và một chiếc máy bay L5 của không lực Mỹ. Ngần đó thôi cũng đủ để sân bay Lũng Cò trở thành biểu tượng tuyệt vời về sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ cũng như tinh thần đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng minh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Một góc trưng bày về di tích sân bay Lũng Cò tại bảo tàng Hàng không
Di tích sân bay Lũng Cò cũng là một phần nằm trong nội dung trưng bày của bảo tàng Hàng không Việt Nam, như một minh chứng hào hùng cho nền hàng không nước nhà thủa sơ khai.