Chi bộ Ban TCCB-LĐ: Những cảm xúc đẹp trong hành trình thăm viếng khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

thứ ba, 13/10/2020 02:48

Trong không khí hân hoan cả nước đang phấn khởi, tưng bừng chào đón Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và phát động phong trào học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 01/10/2020, Chi bộ Ban Tổ chức cán bộ - Lao động (TCCB-LĐ) Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức đoàn gồm 45 cán bộ, đảng viên ưu tú thuộc Ban TCCB-LĐ thăm quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tham gia đoàn có đồng chí Phạm Việt Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty cũng như các đơn vị trực thuộc tham dự chuyến đi ý nghĩa lần này.

VỀ NGUỒN 4
Chi bộ Ban Tổ chức cán bộ - Lao động dâng vòng hoa vào Lăng viếng Bác

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các thành viên trong đoàn đã đặt vòng hoa vào Lăng viếng Bác và dâng hương tại Đền thờ Bác trong Khu di tích thể hiện lòng thành kính biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng thiên tài trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, đem lại hòa bình ấm no cho nhân dân Việt Nam.

Đoàn vinh dự được Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng mời đến trụ sở để xem phim “Những giây phút cuối đời của Bác Hồ”. Trong giây phút hồi tưởng ấy, cả đoàn chúng tôi không ai không bùi ngùi xao xuyến... Những dòng nước mắt xúc động đã lăn trên má tất cả đoàn cán bộ, đảng viên của Tổng công ty khi được xem lại những thước phim quý của Điện ảnh Quân đội về những phút cuối đời của Bác Hồ.

“Ngày 12/8/1969, trời Hà Nội đã vào thu, se lạnh, Bác bắt đầu lâm bệnh. Hay tin phái đoàn nước ta từ cuộc đàm phán Paris về, Bác chủ động đến thăm, làm việc.

Ngày 28/8/1969, sức khỏe của Bác bắt đầu suy giảm nghiêm trọng, từ nhà sàn Người phải chuyển xuống tầng trệt nhà H67. Tuy vậy, Người vẫn không ngừng lo toan cho vận mệnh quốc gia, cho cuộc sống của nhân dân, luôn quan tâm, lo lắng tình hình chiến trường miền Nam…

Buổi chiều ngày 28/8/1969, Bác hỏi việc chuẩn bị Quốc khánh 2/9 và dặn đồng chí Phạm Văn Đồng tổ chức lễ kỷ niệm cho thật vui, thật tốt. Dù cuộc sống chỉ còn gang tấc, Bác vẫn muốn ra dự lễ để gặp đồng bào năm, mười phút.

Thế nhưng, trên lễ đài kỷ niệm Quốc khánh ngày 02/9/1969 Người đã không thể có mặt…”

Bác kính yêu đã ra đi để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn nhưng cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác mãi mãi in sâu vào lòng tất cả người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thật cảm động khi cuộc sống chỉ còn trong gang tấc nhưng Bác vẫn không ngừng lo cho nước, cho dân. Bác ốm nặng nhưng vẫn nghe lưu lượng nước sông Hồng hay sau mỗi lần tỉnh dậy Bác lại hỏi “Hôm nay, Miền Nam đánh thắng đâu?”.

Những phút giây xúc động và thiêng liêng khi đoàn chúng tôi lặng lẽ và thành kính đi chầm chậm qua chỗ Bác nằm. Người nằm đó như một ông Tiên với chòm râu trắng như cước, mái tóc bạc phơ trong giấc ngủ yên bình thật thanh thản…

VỀ NGUỒN 2 Đoàn tới viếng Lăng Bác

Rời Lăng Bác, đoàn chúng tôi tiếp tục được vinh dự vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch, nơi đó còn bao hơi ấm của Người – vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì nước, vì dân.

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Đó là những vần thơ xúc động của nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Bác ơi” năm 1969 sau khi Bác mất khiến những người dân Việt Nam không ai không rơi nước mắt khi nghĩ về Bác kính yêu, nhất là khi được vào thăm Khu di tích lịch sử đặc biệt này.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là nơi sống và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 19/12/1954 đến 2/9/1969). Nơi đây đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu di tích vào ngày 15/5/1975 vì được đánh giá là một khu Bảo tàng về những giá trị sinh hoạt đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Hiện nay, Khu di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích quốc gia đặc biệt này có diện tích rộng 14,7 ha, bao gồm 15 di tích bất động sản với khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật tại các nhà di tích. Cùng với đó là cảnh quan môi trường sinh thái trong lành với hồ nước và vườn cây quanh năm xanh mát. Khu di tích bao gồm các điểm di tích quan trọng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Toà nhà Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp, tiếp khách trong nước và quốc tế; Nhà 54, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969; Nhà H67, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chữa bệnh và qua đời, từ ngày 18/8 đến ngày 2/9/1969; Phòng họp Bộ Chính trị, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc họp Bộ Chính trị và tiếp khách trong nước cũng như quốc tế; Bếp nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Hầm H.66, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi có báo động phòng không; Những chiếc xe ô tô đã sử dụng phục vụ Người; Phòng trưng bày bộ đồ y tế đã sử dụng chữa bệnh cho Người và các di tích ngoài trời như đường xoài, vười cây, ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch… Tất cả đều được giữ gìn nguyên vẹn như khi sinh thời Người đã sống và làm việc ở đây.

Nhà 54 là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ 12/1954 đến giữa 5/1958. Sau đó, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch nhưng hàng ngày vẫn trở về đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ.

Ngôi nhà này vốn là nơi ở của một người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây. Nhà có ba phòng, phía giáp bờ ao là phòng làm việc và cũng là nơi Bác tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt cùng với tài liệu sách báo Bác đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng vẫn được giữ nguyên, xếp đặt gọn gàng như thời gian Bác còn tại thế. Nơi khu vực phòng ăn hiện đang trưng bày một bộ đồ ăn hàng ngày của Bác. Trong phòng ngủ có một bộ bàn ghế để Bác đọc sách ban đêm, một chiếc giường nhỏ, chiếc tủ đựng vài ba bộ quần áo. Nhà 54 có gần 400 tài liệu, hiện vật minh chứng cuộc sống giản dị, gần gũi, gắn bó với nhân dân của Bác.

Nhà sàn tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi Bác sống và làm việc từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.

Nhà gồm 2 tầng được làm bằng gỗ dổi, mái lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Bác đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An. Tầng dưới là nơi Bác sinh hoạt, tiếp khách. Tầng bên trên có hai phòng là phòng làm việc và phòng ngủ. Hiện nay gần 250 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở nhà sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.

Đường Xoài rộng 5m, dài hơn 200m, là nơi Bác thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều. Con đường được mang tên đường Xoài bởi hai bên đư­ờng là hai hàng cây xoài cổ thụ. Đường xoài đã từng ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp và cảm động giữa Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. 

Ao cá trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng hơn 3.000m² nằm phía trước nhà sàn. Trong ao nuôi nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Trước khi cho cá ăn, Bác thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao.

Nhà 67 là ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao, nơi Bác làm việc từ năm 1967 đến 1969 và cũng là nơi Bác chữa bệnh và qua đời. Nhà được xây ngày 1/5/1967 nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ trước sự bành trướng của Đế quốc Mỹ. Ngôi nhà được sử dụng làm nơi Bác họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước. Hiện nay, ở nhà 67 vẫn còn treo 2 tấm bản đồ quân sự, chiếc đài ZENITH trên bàn làm việc, đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại thời khắc Bác đi xa: 9h47’ ngày 2/9/1969.

Chính những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phong trào cách mạng dân chủ trên thế giới mà cho đến ngày nay, hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, kể cả những người có tư tưởng đối lập về chính trị khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

VỀ NGUỒN 1Đoàn thăm viếng khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2/3/2001, Tổng thống Liên bang Nga V.I Putin khi đến thăm nhà sàn của Bác đã ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi thành thực được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới".

Vào ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama viết cảm tưởng tại Nhà sàn Bác Hồ: "Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa hai dân tộc chúng ta tiếp tục phát triển".

Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: "Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh"…

Được tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa này, các thành viên trong đoàn thật sự bồi hồi, xúc động. Thay mặt đoàn, đồng chí Phạm Việt Dũng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty gửi lời cám ơn Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho đoàn có một chuyến đi “Về nguồn” đầy cảm xúc.

Đồng chí Phạm Việt Dũng chia sẻ “Có nói về Bác Hồ bao nhiêu cũng không đủ. Đến với Bác không chỉ là đến để thắp hương tưởng niệm mà cái chính là đến để tự soi xét lại mình, tự học tập, rèn luyện và vươn lên. Đến với Bác là để học nữa, học mãi. Học ở đây trước hết là học để làm người. Mỗi người chúng ta ở đây phải thấm được điều này "…

Có lẽ cho đến cả mai sau, nơi ở và làm việc của Bác tại khu di tích Phủ Chủ tịch luôn mãi là nơi hội tụ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè và nhân dân thế giới. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để các thế hệ sau noi theo…

TTM

 

Thông báo