15/01/2025
Chương trình Hợp tác Quản lý không lưu tại Việt Nam với Công ty NAVBLUE S.A.S/Airbus: Họp khởi động cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Khánh đã cám ơn sự hợp tác và hỗ trợ của NAVBLUE trong quá trình triển khai Chương trình hợp tác, với mục tiêu là tăng năng lực, hiệu quả vùng trời, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và tăng hiệu quả luồng không lưu đồng thời đảm bảo mục tiêu an toàn giữa hai thành phố lớn nhất của Việt Nam. Phía NAVBLUE cũng đánh giá cao sự phối hợp của VATM nói riêng và các bên liên quan trong ngành hàng không nói chung, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy chương trình hợp tác được triển khai một cách hiệu quả và đúng tiến độ.
Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Khánh phát biểu khai mạc cuộc họp
Mục tiêu của cuộc họp khởi động là nhằm trao đổi, thống nhất về kế hoạch thực hiện gói thiết kế phương thức cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; các qui định, thủ tục áp dụng liên quan đến việc thiết kế, phê duyệt và đưa phương thức vào khai thác; các dữ liệu đầu vào cho việc thiết kế chi tiết (tọa độ, giới hạn và các chướng ngại vật, nhiệt độ…); khái niệm vùng trời trong đó nội dung quan trọng là xác định phương thức đi, đến (SID/STAR/Arrival) cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp, các chuyên gia của NAVBLUE đã giới thiệu với Tổng công ty và các bên liên quan trong ngành tại Việt Nam về dự án và phương pháp triển khai thực hiện, trình bày về gói công việc thiết kế phương thức cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Các chuyên gia của NAVBLUE cùng các bên liên quan đã rà soát tình hình hiện tại tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thống nhất về các hạn chế còn tồn tại và các phương án giải quyết. Trên cơ sở các thông số, dữ liệu được thống nhất, NAVBLUE sẽ mô hình hóa tình hình không lưu hiện hữu của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thông qua mô hình giả định FTS (Fast time simulation) thiết lập bằng phần mềm AIRTOpsoft. Mô hình này sẽ giúp cho các bên có một cái nhìn tổng thể và sống động về tình hình giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, qua đó thấy rõ hơn những tồn tại cần khắc phục để tăng hiệu quả vùng trời, sân bay khu vực này. Ở các bước triển khai tiếp theo của dự án, NAVBLUE sẽ tiếp tục sử dụng mô hình FTS để giúp xác định năng lực tối đa vùng trời, sân bay nếu áp dụng phương thức hiện có trên nền cơ sở hạ tầng hiện hữu; sau cùng sẽ là một kịch bản FTS để mô hình hóa tình hình không lưu nếu sử dụng phương thức được thiết kế mới để so sánh hiệu quả của phương thức mới và phương thức cũ. Thông qua các nội dung được NAVBLUE trình bày, VATM cũng thu nhận được những đánh giá về các phương thức SID/STAR RNAV1 đã được đưa vào áp dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 11/2016.
Chuyên gia của NAVBLUE trình bày tại cuộc họp
Trên cơ sở tình hình hiện hữu tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tại cuộc họp, NAVBLUE đã trình bày các giải pháp thiết kế sơ bộ vùng trời và các giải pháp tối ưu hóa khai thác tại sân. VATM và các bên liên quan, đặc biệt là các phi công có kinh nghiệm khai thác tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đến từ các hãng hàng không và đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào các giải pháp, khuyến nghị mà NAVBLUE đã chuẩn bị và trình bày tại cuộc họp. Các bên liên quan, từ góc độ của mình cũng trình bày những mong muốn, gợi ý nhằm tăng hiệu quả, chất lượng khai thác sân bay, vùng trời, đây là những thông tin quan trọng giúp cho các chuyên gia của NAVBLUE hoàn thiện các giải pháp mà tiêu chí hướng đến người sử dụng (end user) được coi là một trong những yếu tố dẫn dắt quan trọng. Kỳ vọng mà nhóm chuyên gia NAVBLUE đặt ra khi thực hiện dự án là giúp giảm phân cách tối thiểu từ 5NM xuống còn 3NM, tăng năng lực khai thác lên 54 chuyến/giờ; đối với khai thác mặt đất, các chuyên gia đưa ra các giải pháp tối ưu hóa năng lực thông qua việc áp dụng các hệ thống đường lăn song song, sắp xếp tối ưu các vị trí đỗ tàu bay sử dụng các tiêu chuẩn và khuyến cáo của ICAO tại Annex 14/ Bản tu chỉnh 13 cập nhật và hiệu lực từ tháng 11/2016. Mục tiêu cuối cùng của phần dự án cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là đưa ra được một gói thiết kế phương thức tối ưu cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đưa vào khai thác.
Từ những thông tin đã được trao đổi, thống nhất tại cuộc họp, NAVBLUE sẽ chuẩn bị một bản mô tả về sân bay Tân Sơn Nhất (VVTS Spec) để các bên ký thống nhất, làm căn cứ cho nhóm chuyên gia thực hiện dự án của NAVBLUE triển khai công tác thiết kế chi tiết.
Sau cuộc họp khởi động cho sân bay Tân Sơn Nhất (VVTS KOM), dự kiến cuộc họp khởi động cho khu vực sân bay Nội Bài sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 07 với những mục tiêu và nội dung tương tự.
Vũ Uyên, VPTCT