Công đoàn Cơ quan: Hành hương về cội đầu xuân

thứ ba, 11/03/2014 02:29

Đền Hùng là quần thể đền, chùa thờ phụng các vua Hùng và tôn thất của nhà vua. Đây được coi là chốn linh thiêng bậc nhất, nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Cả), xã Hy Cương, ngoại ô thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Khu vực đền Hùng ngày nay thuộc địa phận kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa cổ.

Di tích lịch sử đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Cổng đền Hùng với bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” được xây dựng từ năm 1917, hiện đang được tu sửa để chuẩn bị cho dịp Quốc lễ mùng Mười tháng Ba sắp tới.

Đền Hạ được xây dựng từ thế kỷ XII-XIII, tương truyền là nơi Âu Cơ hoài thai, sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con, là cội nguồn dân tộc Việt.

Đền Trung có tên chữ “Hùng Vương Tổ miếu” (miếu thờ tổ Hùng Vương), là nơi thờ phụng mười tám đời Hùng Vương cùng vợ con và tướng lĩnh của các vua Hùng. Đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Thế kỷ XV, giặc Minh sang xâm chiếm nước ta đã phá hủy ngôi đền. Thời Nguyễn, nhân dân ta đã xây dựng lại đền và năm 2009 đền được đại trùng tu như ta thấy hiện nay. Tương truyền, nơi đây các vua Hùng cùng lạc hầu, lạc tướng thường đến vừa ngắm cảnh vừa họp bàn việc nước. Cũng tại nơi này, vua Hùng thứ sáu tổ chức cuộc thi tìm người tài đức kế vị. Người con út Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh dày thể hiện tấm lòng hiếu thảo, yêu lao động được chọn làm người kế vị trở thành Hùng Vương thứ bảy. Vì vậy, ngày giỗ Tổ hàng năm đều có lễ rước bánh chưng, bánh dày, minh chứng con cháu đời sau luôn nhớ về tích cổ.

Bước qua 499 bậc đá xanh từ chân núi, ta sẽ dừng chân ở đền Thượng. Đền có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh điện” (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Xưa kia, nhân dân ta dựng một tòa miếu đá để thờ tự. Đến thế kỷ XV, nhân dân xây dựng thành ngôi đền thờ nhằm tưởng nhớ công lao vĩ đại của các bậc vua Hùng. Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng thường tiến hành nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ Trời, Đất, thần Lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Trước sân đền có cột đá thề. Tương truyền, Thục Phán được Hùng Vương thứ mười tám nhường ngôi, cảm kích công ơn đã dựng cột đá, thề đời đời trông nom miếu vũ, giang sơn bờ cõi của các vua Hùng để lại.

Dưới chân núi là đền Giếng và giếng cổ. Tương truyền nơi đây công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái vua Hùng thứ mười tám) khi theo cha kinh lý qua vùng này thường soi gương chải tóc. Tưởng nhớ công ơn hai công chúa đã dạy dân trồng lúa, trị thủy, thế kỷ XVIII nhân dân ta đã dựng đền để thờ phụng về sau.

Hướng về ngày Quốc giỗ, chúng con kính cẩn dâng nén tâm nhang cùng tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện với đức Tổ muôn đời.

Suốt dọc hành trình, chúng tôi còn được thăm đền mẫu Âu Cơ, đền Quốc tổ Lạc Long Quân, được vãn cảnh núi Nghĩa Lĩnh hùng vĩ, xanh tươi với nhiều loài thảo mộc, nhiều cây gỗ quý, đặc biệt là một số cây đại thụ như chò, thông, lụ, đại, thiên tuế... Một chuyến đi thực sự ý nghĩa, để lại trong tâm thức mỗi người sự ghi ơn về nguồn cội, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết cùng hướng tới những hành động hữu ích ngày mai.

Đào Thị Thuận

Thông báo