10/12/2024
Công đoàn Cơ quan tổ chức hoạt động tham quan, du Xuân năm 2017
Đợt 1 được tổ chức vào ngày 25/2/2017
Đây là một hoạt động nằm trong chương trình công tác năm 2017 của Công đoàn Cơ quan. Do số lượng người lao động của khối Cơ quan đông, đặc thù công việc các bộ phận khác nhau, Ban chấp hành Công đoàn đã bố trí hoạt động du Xuân đầu năm thành 02 đợt để thuận lợi cho người lao động bố trí, sắp xếp công việc để tham gia với số lượng đông đảo nhất.
Đoàn tham quan tại Chùa Cao Linh
Trong đợt tham quan này, Ban chấp hành Công đoàn Cơ quan lựa chọn địa điểm cho cán bộ, nhân viên tham quan vãn cảnh tại chùa Cao Linh, chùa Dư Hàng, chùa Đỏ, đền Bà Đế thuộc thành phố Hải Phòng, với trên 70 người tham gia.
Một trong những điểm đến của đoàn là quần thể chùa Dư Hàng, chùa Cao Linh. Nếu như chùa Cao Linh mang nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo mang phong cách hiện đại thì chùa Dư Hàng lại vẫn giữ được giá trị kiến trúc của quần thể gần gũi với thiên nhiên, thanh bình giữa lòng thành phố. Bước qua tam quan, dừng lại khoảng sân rộng ngắm ngôi chùa được xây theo kiểu chữ "đinh", mỗi du khách lại lắng lòng mình để thắp nén hương thơm trước chính điện.
Đoàn tham quan Đền Bà Đế
Tiếp đến, đoàn đã đến thăm đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng. Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”. Ngôi đền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua kém gì “Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương”.
Đợt II được tổ chức vào ngày 05/3/2017.
Với mục tiêu tham quan du xuân và khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của khu danh thắng tại tỉnh Hòa Bình. Trong đợt II, chương trình đã thu hút được hơn 100 người lao động tham gia.
Đợt II đã tổ chức cho hơn 100 cán bộ, nhân viên tham gia
Điểm đầu tiên của chương trình là đến thăm đền Bờ. Đến nơi đây, ta như được hoà mình vào thiên nhiên, lạc vào miền văn hoá bản địa độc đáo với tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ lên đồng đầy huyền bí. Theo tương truyền, nơi đây thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao. Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sự tích Đền Bờ hay còn gọi là sự tích bà Chúa Thác còn gắn liền với với cuộc chinh phạt đánh giặc của vua Lê Lợi vào mùa xuân năm 1431. Khi đoàn quân của vua Lê đến thác Bờ đã được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân trong vùng. Trong đó có bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường. Bà kêu gọi nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm để nuôi quân và đã chèo thuyền đưa, dẫn quân đi đánh giặc. Khi đánh thắng giặc, bà còn tổ chức lễ hội cho nhân dân mừng chiến thắng. Để tiễn quân của nhà vua về kinh đô, bà Đinh Thị Vân huy động và cùng với nhân dân đóng bè, mảng đưa nghĩa quân cùng với thuyền rồng của nhà vua vượt thác Bờ trở về. Do những công đức của Bà, sau khi bà mất, vua Lê đã truyền cho dân bản xứ lập đền thờ bà tại thác Bờ.
Đoàn đi du thuyền tham quan Thung Nai, Đảo Dừa
Sau đó đoàn đã đến thăm quan, khám phá động Thác bờ. Ngay từ trên cửa động, đã có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà Giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ. Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài ban thờ Phật tổ quan âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có ban thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm.
Đoàn tham quan Đền Bà Chúa và Động Thác Bờ
Vào sâu trong động, khám phá những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng tận. Ta có thể thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường... Khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng.
Điểm cuối của chương trình, đoàn đã ghé thăm thuỷ điện Hoà Bình. Đây là công trình được Liên Xô giúp đỡ toàn diện, được xây dựng vào giai đoạn khó khăn nhất của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi. Những người thợ Sông Đà mất hơn 1.200 ngày đêm khoét núi đào 15km đường hầm để lắp đặt hàng chục vạn tấn thiết bị, máy móc. Thủy điện Hòa Bình được mệnh danh là "công trình thế kỷ" không chỉ vì nó là công trình thủy điện lớn nhất thế kỷ XX, là biểu tượng cho tình hữu nghị mà còn vì nó có vị trí đặc biệt trong điều tần hệ thống điện và chống lũ. Sau đó, đoàn đã đến tham quan tượng đài Bác Hồ cao 18m, xây bằng đá granit xanh nguyên khối trên núi Ông và được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Hòa Bình từ nơi đây.
Đoàn tham quan công trình thủy điện Hòa Bình
Qua hai đợt tổ chức du xuân, hoạt động dã ngoại đầu năm đã kết thúc trong khí tươi vui, phấn khởi của người lao động khối Cơ quan. Hoạt động thường niên này không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết, sự giao lưu gắn bó, tạo thêm niềm vui phấn khởi cho người lao động mà còn giúp người lao động khối Cơ quan có thêm những kiến thức về lịch sử văn hóa. Thông qua việc khám phá những địa danh đất nước, người lao động đã được tìm hiểu, biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây bắc đồng thời góp phần mang lại sự ấm áp về tâm linh tới mỗi người, bởi văn hoá tâm linh với đạo thờ Phật, thờ Thánh là một nét đẹp đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay.
Ban Biên tập