05/12/2024
Công tác Chuyển đổi số tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ điều hành an toàn, điều hòa và hiệu quả cho các hoạt động bay quá cảnh và đi đến trong hai vùng thông báo bay của Việt Nam. Tổng công ty nhận thức đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc đảm bảo an ninh Quốc gia đồng thời góp phần quản lý, điều hành bay, góp phần phát triển kinh tế-xã hội phục vụ đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Tổng công ty đang quản lý và khai thác các hệ thống thông tin trọng yếu trực tiếp đảm bảo hoạt động bay.
Cùng với sự phát triển của công nghệ IP và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra, các hệ thống thông tin, dẫn đường giám sát hiện đại trên thế giới đang dần dịch chuyển sang sử dụng công nghệ IP thay vì các nền tảng tương tự cũ. Các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng dịch chuyển sang chuyển đổi số. Việc chuyển đổi đặt ra cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam những cơ hội và thách thức như làm thế nào để triển khai thực hiện các bước chuyển đổi số để theo kịp xu hướng công nghệ thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận các thất bại.
Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn là Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ngày 8/12/2020 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT về chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu xây dựng hạ tầng công nghệ số phục vụ quản lý điều hành bay, hỗ trợ kiểm soát không lưu bảo đảm an toàn bay.
Ngành Hàng không là một trong những ngành có ứng dụng công nghệ hiện đại, liên tục trên tuyến đầu của chuyển đổi kỹ thuật số kể từ khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước. Trong lĩnh vực Hàng không, ngành Quản lý hoạt động bay là một trong những trụ cột sớm có có các ứng dụng số hóa thông tin (digitization), ứng dụng CNTT (Digitalization), thể hiện thông qua việc đầu tư, khai thác các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động bay trên toàn cầu và cũng sẽ là một trong những trụ cột đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành Hàng không.
Họp về tình hình triển khai chuyển đổi số tại Tổng công ty
Nhận thức rõ chuyển đổi số đã được xác định là cơ hội để Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực chuyển đổi số, Tổng công ty xác định mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm (1). Chuyển đổi nhận thức; (2). Kiến tạo thể chế; (3). Phát triển hạ tầng số; (4). Phát triển dữ liệu số; (5)Xây dựng nền tảng số; (6). Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (7). Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; (8). Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn Tổng công ty, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của TCT.
- Phát triển, ứng dụng các hệ thống quản lý điều hành bay thông minh, tiên tiến về khoa học công nghệ để đảm bảo điều hành bay tuyệt đối an toàn, điều hoà, hiệu quả, tối đa hoá nguồn lực.
1.2. Mục tiêu cơ bản:
- Hình thành được cơ sở hạ tầng số, hệ cơ sở dữ liệu số thống nhất trong toàn Tổng công ty, tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.
- Bảo đảm được an toàn, an ninh cho các hệ thống ứng dụng CNTT, đặc biệt là các hệ thống quan trọng.
2. Nhiệm vụ và giải pháp:
2.1. Chuyển đổi nhận thức:
Chuyển đổi nhận thức được lồng ghép trong các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo thường xuyên và tuyên truyền nâng cao nhận thức của Tổng công ty. Phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hôi xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp đặc thù như Tổng công ty.
2.2. Kiến tạo thể chế:
Tổng công ty thành lập Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin và Ban chỉ đạo An toàn thông tin của Tổng công ty và giao cho Phó tổng giám đốc Phụ trách kỹ thuật làm trưởng Ban nhằm đưa ra các chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt về các nội dung CNTT và ATTT của Tổng công ty. Đây là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm chỉ đạo về CNTT và an toàn thông tin tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Ngoài ra, Tông công ty cũng chỉ định các đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong Tổng công ty.
Tổng công ty đã ban hành Quy chế về đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin của tổng công ty Quản lý bay việt Nam.
2.3. Phát triển hạ tầng số:
a) Hạ tầng cho cho công tác đảm bảo hoạt động bay:
Nhằm chuẩn bị hạ tầng cho việc dịch chuyển nển tảng công nghệ quản lý bay từ công nghệ tương tự thế hệ cũ sang IP, Tổng công ty đã phê duyệt đề án mạng viễn thông hàng không ATN với mục tiêu xây dựng một hạ tầng Công nghệ thông tin thống nhất cho các hệ thống đảm bảo hoạt động bay của toàn Tổng công ty. Theo đó, dự án triển khai mạng ATN mặt đất của Tổng công ty đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng.
b) Hạ tầng cho công tác quản trị điều hành sản xuất
Tương tự nền tảng cho các hệ thống đảm bảo hoạt động bay, nền tảng thống nhất cho các hệ thống quản trị điều hành sản xuất cũng đang dần được hình thành với việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Cùng trên nền tảng viễn thông đó, các hệ thống phục vụ quản trị, điều hành sản xuất của Tổng công ty sẽ được triển khai.
2.4. Phát triển dữ liệu số:
a) Dữ liệu số cho công tác đảm bảo hoạt động bay:
Tổng công ty đã và đang triển khai xây dựng các hệ thống nhằm tiến tới việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành hàng không trong nước và quốc tế:
Trong đó, Tổng công ty đã xây dựng và trình Cục Hàng không Việt Nam đề án kế hoạch thực hiện Quản lý tin tức thông qua hệ thống mở rộng (SWIM). Thông qua SWIM, dữ liệu hàng không bao gồm các lĩnh vực khí tượng, tin tức hàng không, kế hoạch bay … được quản lý, chia sẻ giữa các bên liên quan trong nước và quốc tế dưới các định dạng tiêu chuẩn được tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO quy định (IWXXM, AIXM, FIXM ).
Để phục vụ SWIM, các hệ thống thành phần đã được đầu tư bao gồm:
- Hệ thống quản lý tin tức hàng không (AIM) nhằm cung cấp và quản lý dữ liệu tin tức hàng không.
- Hệ thống chuyển tiếp điện văn tự động AMHS cung cấp phương tiện trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống trong SWIM.
Các hệ thống đang trong quá trình xây dựng:
- Hệ thống Cơ sở dữ liệu khí tượng nhằm cung cấp và quản lý dữ liệu khí tượng hàng không.
- Các hệ thống quản lý không lưu tự động ATM thuộc dự án trung tâm kiểm soát tiếp cận, tại sân ATCC Hồ Chí Minh, Trung tâm quản lý luồng không lưu ATFM .. đều có định hướng xây dựng với định dạng dữ liệu đảm bảo kết nối SWIM trong tương lai.
b) Dữ liệu số cho công tác quản trị điều hành sản xuất:
Tổng công ty đã phê duyệt đề án ứng dụng Công nghệ thông tin cho công tác quản trị và điều hành Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giai đoạn 2016-2020 trong đó mục tiêu hướng đến đồng nhất dữ liệu trong công tác quản trị, điều hành sản xuất, triển khai áp dụng hệ thống ERP. Dự án thực hiện đã được phê duyệt, tuy nhiên do ảnh hưởng Covid-19, dự án tạm hoãn thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu trước mắt, Tổng công ty đã có kế hoạch triển khai một bộ phận của đề án theo các nhiệm vụ khoa học công nghệ bao gồm Công tác quản lý cán bộ công chức và công tác quản lý kỹ thuật.
Tổng công ty cũng đang trong quá trình triển khai dự án “Số hóa và xây dựng phần mềm quản lý lưu trữ, tích hợp công nghệ OCR” nhằm quản lý văn bản, tài liệu dưới định dạng số. Hệ thống này sẽ kết nối với hệ thống văn phòng điện tử để đồng nhất về mặt dữ liệu.
Hệ thống Văn phòng điện tử của Tổng công ty đã được triển khai, hỗ trợ công tác quản lý văn bản, giao việc đồng thời kết nối liên thông với hệ thống của Bộ Giao thông vận tải.
2.5. Xây dựng nền tảng số:
Để triển khai áp dụng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ giao thông vận tải, Tổng công ty đã tích cực đóng góp ý kiến cho kế hoạch và phương án thực hiện của cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, khi Cục Hàng không Việt Nam có yêu cầu, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ sẵn sàng phối hợp.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm chia sẻ, kết nối tích hợp liên thông dữ liệu với các bên liên quan cũng như quốc tế như thực hiện các chương trình kết nối AIDC, kết nối AMHS, kết nối dữ liệu khí tượng với trung tâm khí tượng thủy văn, Trung tâm dữ liệu khí tượng khu vực (ROBEX)…
2.6. Bảo đảm an toàn thông tin:
Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống của Tổng công ty, Tổng công ty đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng của Tổng công ty. Tổng công ty đang trong quá trình triển khai xây dựng và phê duyệt cấp độ và phương án đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống. Đối với các dự án về CNTT, trong quá trình xây dựng dự án, Tổng công ty đều có yêu cầu về xây dựng phương án đảm bảo ATTT theo cấp độ.
Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty đã trình Bộ TTTT 03 hệ thống cấp độ 4 bao gồm hệ thống thông báo tin tức hàng không AIS, hệ thống quản lý không lưu tự động ATM và hệ thống chuyển tiếp điện văn tự động AMHS. Trong đó hệ thống AIS đã được phê duyệt.
Với các hệ thống đang khai thác, Tổng công ty đã thực hiện ký qui chế phối hợp, thuê đơn vị có chức năng nhiệm vụ, được cấp phép thực hiện công tác rà soát an toàn thông tin. Công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước có chức năng về an ninh mạng cũng được Tổng công ty chú trọng. Cụ thể, Tổng công ty đã phối hợp với Cục An ninh mạng- Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Tổng công ty đang xây dựng dự án triển khai thiết bị đảm bảo ATTT cho các hệ thống theo khuyên cáo của đơn vị tư vấn.
2.7. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
Để chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT, Tổng công ty đã điều chỉnh, bổ sung từ điển năng lực và tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật khối kỹ thuật Tổng công ty trong đó bổ sung yêu cầu về chuyên môn CNTT. Theo đó, Tổng công ty đã triển khai các chương trình đào tạo phổ cập CNTT cho các nhân viên kỹ thuật. Trong năm 2020, Tổng công ty đã triển khai chương trình cho các nhân viên kỹ thuật khu vực phía Bắc. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ triển khai cho các khu vực còn lại.
2.8. Hợp tác Quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số:
Ngành quản lý hoạt động bay thuộc lĩnh vực có hội nhập Quốc tế sâu rộng. Các hệ thống thường được kết nối liên thông giữa các Quốc gia để trao đổi các dữ liệu liên quan đến hoạt động điều hành bay. Tổng công ty luôn bám sát các chính sách của tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế ICAO, tổ chức các nhà quản lý hoạt động bay CANSO để kịp thời có những quyết sách, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hợp tác. Tổng công ty cũng đã và đang hợp tác với các tổ chức tư vấn lớn, uy tín trên thế giới như MITRE (Hoa Kỳ), Boeing, NAVBLUE, JICA… để xây dựng các kế hoạch quản lý luồng không lưu, xây dựng phương thức bay…đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, dự kiến thành lập cơ quan nghiên cứu, phát triển của TCT. Hoạt động khoa học công nghệ của TCT năm 2021 đã được đẩy mạnh hơn nhiều so với các năm trước. Xây dựng kế hoạch thực hiện 28 nhiệm vụ KH&CN, 06 dự án vốn KH&CN, trong đó đang triển khai 14 hợp đồng với các Chủ nhiệm nhiệm vụ, đang nghiệm thu 02 nhiệm vụ và đã nghiệm thu xong 02 nhiệm vụ, 01 dự án KH&CN. Các nhiệm vụ KHCN này hầu hết có hàm lượng số hóa cao, sẵn sàng cho công tác chuyển đổi số.
Ban Kỹ thuật