Để bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của người lao động, Công ty Quản lý bay miền Bắc đã phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về An toàn-Vệ sinh lao động tổ chức khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 cho 05 đối tượng thuộc các nhóm 1,2,3,4 và 6 tại đơn vị.
Khóa huấn luyện An toàn-Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021 tại Công ty Quản lý bay miền Bắc được tổ chức từ ngày 01-17/11/2021 cho toàn thể 897 CBCNV thuộc các nhóm khác nhau đang làm việc tại đơn vị. Khai giảng ngày 01/11/2021 với sự góp mặt của 27 lớp thông qua 02 hình thức huấn luyện trực tiếp và huấn luyện trực tuyến, trong đó có 11 lớp huấn luyện trực tiếp đối với CBCNV Công ty đang làm việc tại khu vực Hà Nội và 16 lớp huấn luyện trực tuyến đối với 07 đài, trạm xa trực thuộc Công ty.
Khóa huấn luyện trực tuyến An toàn, vệ sinh lao động tại Đài KSKL Đồng Hới
Tham gia khóa huấn luyện ATVSLĐ năm 2021 tại Công ty, các nhóm đối tượng khác nhau được tham gia các lớp huấn luyện khác nhau và thời gian thực hành khác nhau. Trước khi tổ chức, Công ty tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng chí Lưu Văn Chiều đại diện Nhóm 4 thảo luận và đánh giá yếu tố nguy hiểm, có hại,
đưa ra biện pháp phòng ngừa rủi ro tại ATCC/ HAN
Phát biểu khai mạc, đồng chí Vũ Huệ Chi – Phó phòng TCCB-LĐ, TV Hội đồng bảo hộ lao động khẳng định: “Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) là quy định bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật ATVSLĐ”. Có bao giờ các bạn tự hỏi “Điều gì xảy ra nếu như trong quá trình lao động chúng ta không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động?”. Nếu làm việc trong môi trường lao động có tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm thì tai nạn lao động rất dễ xảy ra. Nhẹ thì xây xước trầy da, nặng thì gây thương tích và các bệnh nghề nghiệp, thậm chí có trường hợp mất mạng khi xẩy ra tai nạn. Vì vậy lợi ích lớn nhất khi thực hiện các biện pháp an toàn lao động đó là ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn mắc các bệnh nghề nghiệp.
Với mục đích bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện, môi trường an toàn, vệ sinh lao động và yêu cầu tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động. Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình lao động luôn không có báo trước. Vì vậy để ngăn ngừa tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp xảy ra, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống CBCNV Công ty, mỗi năm Công ty đều tổ chức 1 khóa huấn luyện với chương trình tập huấn, huấn luyện cụ thể về công tác an toàn lao động. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa doanh nghiệp trong sản xuất đồng thời còn mang ý nghĩa của thời chuyển đổi số.
Thực tập công tác sơ cấp cứu TNLĐ
Ngoài việc học lý thuyết, các thầy cô Trung tâm Quốc gia về An toàn-Vệ sinh lao động trực tiếp hướng dẫn NLĐ thuộc các nhóm tham gia thực hành về công tác sơ cấp cứu khi gặp những tình huống mất an toàn lao động và chia các nhóm thảo luận, đánh giá yếu tố nguy hiểm, có hại, đưa ra biện pháp phòng ngừa rủi ro trong sản xuất gắn liền với thực tiễn môi trường tại đơn vị. Từ đó NLĐ rút ra bài học, nâng cao kỹ năng để chủ động phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra trong quá trình lao động.
Thông qua khóa huấn luyện, Lãnh đạo Công ty mong muốn CBCNV được trang bị các kiến thức cơ bản và nắm được các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc khi không thực hiện đúng quy trình. Từ đó gắn vào thực tiễn, NSDLĐ và NLĐ hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, thực hiện đúng chính sách, pháp luật chế độ về ATVSLĐ, nghiệp vụ công tác ATVSLĐ, nhận biết các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và các quy trình, biện pháp ứng phó, xử lý các sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, sơ cấp cứu TNLĐ. Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tại cơ sở cũng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình, tự trau dồi nâng cao kỹ năng góp phần cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.
Trịnh Thị Tố Loan