04/12/2024
Diễn tập thực hành Ứng phó không lưu hàng không dân dụng tại CTL/APP Đà Nẵng năm 2024
Ngày 17/10/2024, Trung tâm Kiếm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng và Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật đã phối hợp tổ chức diễn tập Ứng phó không lưu (UPKL) Hàng không dân dụng tại vị trí Phòng Ứng phó không lưu (Phòng Thống kê Sản lượng bay – Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng).
Tình huống giả định được đặt ra, tại trước 03 giờ 05 phút (giờ Quốc tế), trong vùng trời trách nhiệm của APP Đà Nẵng có 01 tàu bay dân dụng là BAV123, hành trình từ Đà Nẵng đi Tân Sơn Nhất, đang trong quá trình lấy độ cao lên mực bay 140. Trong vùng trời trách nhiệm của CTL Đà Nẵng có 04 tàu bay liên quan theo thứ tự là HVN120 từ Tân Sơn Nhất – Đà Nẵng, HVN163 từ Nội Bài – Đà Nẵng, VJC165 từ Chu Lai-Tân Sơn Nhất và VJC430 từ Phù Cát – Nội Bài.
Tại thời điểm 03 giờ 05 phút (giờ Quốc tế), toàn bộ hệ thống CWP và VHF tại vị trí CTL/APP Đà Nẵng bị mất điện hoàn toàn do chập, cháy điện. Kiểm soát viên không lưu không thể liên lạc được với tàu bay trên tất cả các tần số. Lúc này chỉ có thể sử dụng được các máy điện thoại 4 nội bộ số và 7 số tại vị trí. Sau mọi nổ lực khắc phục, sự cố Kỹ thuật vẫn không xử lý được.
Trực kíp trưởng tại thời điểm đó đã yêu cầu các Kiểm soát viên hiệp đồng liên hệ ngay với các Trung tâm Kiểm soát đường dài ACC Hà Nội, ACC Hồ Chí Minh, các TWR Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Đà Nẵng thông qua các điện thoại 7 số tại vị trí về sự cố và yêu cầu hai ACC ngay lập tức có phương án hỗ trợ CTL/APP Đà Nẵng liên lạc và thực hiện UPKL ngắn hạn, yêu cầu đình chỉ tất cả tàu bay cất cánh tại Đà Nẵng và các sân bay trong khu vực có ảnh hưởng đến CTL/APP Đà Nẵng.
Sau khi nhận được báo cáo về tình huống mất điện tại CTL/APP Đà Nẵng, lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng, Bảo đảm kỹ thuật đã báo cáo lãnh đạo Công ty và có mặt kịp thời để theo dõi, chỉ đạo các bước theo quy trình UPKL đã được ban hành.
Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung – Trưởng Ban chỉ huy sau khi nhận được báo cáo từ lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng đã báo cáo lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và triệu tập Ban chỉ huy ứng phó để chỉ đạo.
Phương án được đưa ra là di chuyển kíp trực, Kỹ thuật sang vị trí UPKL dài hạn tại Phòng Ứng phó không lưu. Ghi nhận tại vị trí Phòng Ứng phó không lưu, hệ thống trang thiết bị UPKL đã được nhân viên Kỹ thuật thiết lập trong trạng thái sẵn sàng ứng phó bất cứ khi nào.
Thực hiện theo quy trình UPKL dài hạn cho vị trí CTL/APP Đà Nẵng, Kiểm soát viên không lưu CTL/APP Đà Nẵng đã yêu cầu ACC Hà Nội và Hồ Chí Minh thông báo cho một số tàu bay trong vùng trời trách nhiệm thử sóng liên lạc trên các tần số 125.3 và 120.45 để CTL/APP Đà Nẵng tiến hành kiểm tra việc phát thoại vô tuyến tại các vị trí UPKL.
Sau quá trình kiểm tra và đảm bảo các trang thiết bị đáp ứng tốt việc thực hiện UPKL, Trưởng Trung tâm Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng đã báo Ban chỉ huy, đề nghị thực hiện thử nghiệm điều hành cung cấp dịch vụ Không lưu trong thời gian 15 phút hoặc đối với 03 chuyến bay liên tục. Trong thời gian thử nghiệm để kiểm tra, chỉ chấp nhận lưu lượng 01 chuyến bay/ 01 thời điểm đối với khu vực trách nhiệm ứng phó của cơ sở.
Các chuyến bay lần lượt được ACC Hà Nội và Hồ Chí Minh chuyển giao cho CTL/APP Đà Nẵng điều hành. Các chuyến bay được kiểm soát và hạ cánh an toàn. Trưởng Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng báo cáo Ban chỉ huy về điều hành thành công các cjuyến bay thử nghiệm tại vị trí CTL/APP Đà Nẵng. Việc điều hành sau đó diễn ra bình thường cho đến khi nhân viên Kỹ thuật khôi phục lại hệ thống điện và VHF tại CTL/APP Đà Nẵng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi rút kinh nghiệm sau thực hành diễn tập, đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung đã chúc mừng và biểu dương hai Trung tâm đã ngiêm túc thực hiện luyện tập và hoàn thành việc diễn tập UPKL theo đúng kịch bản đã đề ra. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng cũng nhấn mạnh việc phải thường xuyên nghiên cứu, đa dạng hóa các tình huống; các tình huống cần phải phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó các Kiểm soát viên không lưu, nhân viên Kỹ thuật có thể hình dung rõ nhất các bước, quy trình, phối hợp, phân công nhiệm vụ trong quá trình thực hiện UPKL, tất cả đều vì mục tiêu chung là điều hành hoạt động bay an toàn, điều hòa và hiệu quả.
Nguyễn Thanh Toàn