31/12/2024
Gia tăng lưu lượng hoạt động bay và yêu cầu triển khai thực hiện quản lý luồng không lưu
Cũng theo báo cáo của IATA, số lượng hành khách có thể sẽ tăng vọt trong hai thập kỷ tới và dự đoán vào năm 2035 sẽ có khoảng 7,2 tỉ hành khách di chuyển bằng đường hàng không, nghĩa là gần gấp đôi mức 3,8 tỉ ở thời điểm hiện tại năm 2016. Dự báo này dựa trên tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 3,7% /năm, nguyên nhân do bùng nổ tăng trưởng tại châu Á.
Việt Nam nằm tại vị trí cửa ngõ giao thương của khu vực và vùng Thông báo bay của Việt Nam đang có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới (trung bình 17%/năm), một ngày có trên 2.000 chuyến bay trên bầu trời Việt Nam. Riêng trên đường bay trục Bắc- Nam (một trong các đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới) đã có gần 700 chuyến bay/ngày, chiếm khoảng 35% trên toàn mạng đường bay của Việt Nam.
Kíp trực tại đài Kiểm soát không lưu Nội bài
Với đà tăng trưởng nhanh của ngành hàng không, tắc nghẽn hàng không sẽ khiến các chuyến bay tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á phải giảm tần suất và tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến sẽ gia tăng nhanh chóng trên toàn khu vực. Tại Việt Nam, các sân bay có mật độ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã xảy ra tình trạng vượt ngưỡng năng lực khai thác vào một số khung giờ cao điểm, đặc biệt trong những dịp Lễ, Tết cộng thêm các yếu tố thời tiết bất thường và các hạn chế trong khai thác dẫn đến tình trạng tàu bay phải bay chờ để hạ cánh. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý luồng không lưu, số chuyến bay phải bay chờ trong năm 2016 là 3.902 lần/chuyến với tổng số 38.554 phút bay chờ (trong đó bao gồm các lý do như thời tiết, kỹ thuật, không lưu và lý do khác).
Với thực tế tăng trưởng hoạt động bay ở mức hai con số tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung như hiện nay và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, việc áp dụng quản lý luồng không lưu tại các quốc gia cùng với việc phối hợp quản lý luồng không lưu một cách hài hòa trong khu vực là giải pháp cần thiết nhằm cân bằng giữa nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác cảng hàng không sân bay, điều tiết các luồng không lưu không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời. Điều đó góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững môi trường của hệ thống quản lý không lưu, tăng hiệu quả khai thác cho các hãng hàng không, nhà khai thác cảng hàng không sân bay, nhà cung cấp dịch vụ không lưu và các bên sử dụng vùng trời. Quản lý luồng không lưu cũng là yếu tố chính trong việc tạo khả năng tương tác toàn cầu của ngành công nghiệp vận tải hàng không, hướng tới việc thực hiện ATM liền mạch trong toàn khu vực.
Top 10 tuyến đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2016 1. Jeju International – Seoul Gimpo International – 6,561,314 2. Sapporo New Chitose – Tokyo Haneda – 6,209,366 3. Fukuoka – Tokyo Haneda – 5,961,277 4. Melbourne – Sydney Kingsford Smith – 5,067,167 5. Taipei Taiwan Taoyuan International – Hong Kong International – 4,146,547 6. Delhi – Mumbai – 4,143,639 7. Ho Chi Minh City – Hanoi – 4,141,322 8. Beijing Capital International – Shanghai Hongqiao International – 3,962,081 9. Surabaya – Jakarta Soekarno-Hatta – 3,849,866 10.Tokyo Haneda – Okinawa Naha – 3,784,546 Nguồn: http://OAG.com |
Phạm Hương Giang
Trung tâm Quản lý luồng không lưu