04/10/2024
Hai Chi bộ thuộc Đảng bộ Trung tâm Khí tượng hàng không kết hợp tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa
Được sự đồng ý của Đảng ủy Trung tâm Khí tượng hàng không, từ ngày 30/3 đến ngày 31/3/2024 Chi bộ Phòng Nghiệp vụ đã phối hợp với Chi bộ Phòng Hành chính – Tổng hợp tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa năm 2024 tại di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư và một số di tích khác tại tỉnh Ninh Bình. Tham gia chương trình có đại diện Ban chấp hành Đảng bộ Trung tâm Khí tượng hàng không và ông Phạm Hùng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cùng đông đảo đảng viên, cán bộ nhân viên của hai cơ quan.
Cố đô Hoa Lư là đế đô đầu tiên của nước ta, tồn tại trong 42 năm. Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968 – 980), 29 năm triều Tiền Lê (980 – 1009) và đầu nhà Lý (1009 – 1010). Theo sử sách, kinh đô Hoa Lư xưa là một cung điện nguy nga, tráng lệ, được bao bọc bởi những ngọn núi đá hình vòng cung, cảnh quan kỳ vĩ cùng những hồ, đầm... tạo cho vùng đất này có một vẻ đẹp kỳ bí. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Cố đô Hoa Lư một thời huy hoàng hầu như đã bị tàn phá, đổ nát theo thời gian. Tuy nhiên, hiện quần thể di tích Hoa Lư vẫn còn gần 30 di tích, trong đó có 2 di tích là đền vua Ðinh và đền vua Lê đang còn lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc độc đáo.
Đoàn thăm Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình
Tới khu di tích lịch sử Quốc gia Cố đô Hoa Lư, Đoàn đã dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành và thăm Nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ. Trước anh linh các vị tiên đế, Đoàn công tác đã thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân - những người đã có công thống nhất đất nước, lập nên 3 triều đại của dân tộc gồm: nhà Đinh, nhà tiền Lê và nhà Lý.
Đoàn dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ Vua Lê Đại Hành
Không chỉ là đế đô đầu tiên của đất nước ta ngày trước, Cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn còn đó những công trình kiến trúc có ý nghĩa to lớn về văn hóa, lịch sử, thể hiện được một thời dân tộc oai hùng. Một trong những công trình đó là Long sàng trước Nghi môn ngoại là một trong những bảo vật độc đáo, được công nhận là bảo vật Quốc gia cuối năm 2017.
Trên hành trình về nguồn, Đoàn còn ghé thăm Hang Múa một địa điểm có tên gọi kỳ lạ nhưng gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa. Tương truyền rằng, khi vua Trần Thái Tông khi về Hoa Lư lập Am Thái Vị thường đến hang dưới núi này để nghe các cung tần, mỹ nữ đàn ca múa hát, nên từ đó dân gian gọi địa điểm này với cái tên Hang Múa. Bên cạnh đó, Hang Múa Ninh Bình cũng là địa chỉ gắn liền với lịch sử dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, chân núi Múa cũng là một “bệnh viện lưu động”, nơi điều trị và trú ẩn của thương bệnh binh tham gia kháng chiến.
Đoàn ghé thăm Hang Múa – Ninh Bình
Chuyến đi kết thúc mang lại một trải nghiệm quý giá và đầy ý nghĩa, giúp cho đảng viên hai Chi bộ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đẩy mạnh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tạo ra những trải nghiệm thú vị và bổ ích, nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn kết nhóm trong tập thể hai Chi bộ và các cán bộ nhân viên hai Phòng, đồng thời giáo dục về lòng yêu quê hương, đất nước cho cán bộ nhân viên nói chung, đảng viên nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên, người lao động, nâng cao tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại đơn vị.
Nguyễn Thị Phượng