07/10/2024
Hành trình về nguồn – những trải nghiệm quý giá
Chúng tôi, công đoàn viên và đoàn viên thanh niên Khối cơ quan Tổng công ty, đến với Quảng Trị trong những ngày nắng như đổ lửa, có lẽ cây cỏ mọc lên tại mảnh đất này cũng là cả một sự cố gắng rất lớn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Quảng Trị: gió Lào, phi lao, cát trắng có lẽ đã đi vào nhiều câu ca, vần thơ.
- Đoàn viên thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn -
Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi an nghỉ của 10333 liệt sĩ. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam, có kiến trúc, bố cục độc đáo, không giống đa phần nghĩa trang liệt sĩ khác ở Việt Nam. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Bốn khu đặt mộ liệt sĩ được xếp theo tỉnh, thành phố trải trên năm quả đồi. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng. Lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hoa nở bốn mùa hai bên. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước Việt Nam.
Tiếng chuông ngân lên, không gian trầm mặc, uy nghiêm. Cả đoàn lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ không tiếc xương máu tuổi xuân nhuộm thắm lá cờ tổ quốc, hy sinh cho Tự do của đất nước.
Không gian nghĩa trang đường 9 là một sự mới mẻ, thoáng đạt đến lạ kỳ! Hơn 10.000 phần mộ được chia thành các khu nhưng các xóm làng, mỗi khu lại được chia thành các nhóm nhỏ, như thể các chú, các anh vẫn hằng ngày ngồi bàn chiến thuật, bình luận về trận đánh ban chiều và sẻ chia những lá thư quê nhà.
Đoàn đặt vòng hoa viếng tại nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9
Nhiều, nhiều lắm những ngôi mộ chỉ vọn vẹn vài chữ trên bia “Liệt sỹ CHƯA BIẾT TÊN”. Có lẽ là quá vô tâm khi hầu hết chúng tôi đã quen với khái niệm “vô danh”. Làm sao vô danh được ! Các liệt sĩ khi sinh ra đều được cha mẹ đặt tên, và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khó này tên tuổi của các chú các anh đã làm nên đất nước. Bởi vậy, tất cả đều sẽ có tên Việt Nam!
Tạm biệt nghĩa trang đường 9, chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị - "Nghĩa trang không bia mộ" nơi đây đã ghi lại dấu ấn cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972, nơi kẻ địch đã trút hàng ngàn tấn bom đạn để gây sức ép trước bàn hội nghị Paris. Nghe những câu chuyện về 81 ngày đêm, nhiều bạn đoàn viên đã không cầm được nước mắt, đau xót, nghẹn ngào: “Toàn thể gia đình kính thương… Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ… Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”. Đứng trên đất thành cổ, lòng người tràn ngập sự yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc.
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Thành cổ trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”
(Trích thơ Phạm Đình Lân)
Dòng sông Thạch Hãn hôm nay đã yên bình trong vắt, dấu tích của “dòng sông nghĩa trang” đã mờ dần cùng thời gian. Con đò nhẹ nhàng rẽ sóng ra giữa dòng, từng nhành hoa cúc vàng cúc trắng được thả trôi xuôi dòng nước. Không gian trùng xuống, lắng nghe trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền, hình ảnh hàng ngàn chiến sĩ sau khi được lệnh rút khỏi thành Quảng trị đã mãi mãi không tới được bờ Bắc, màu đỏ nhuộm cả một dòng sông ! Bất giác chúng tôi nhớ những vần thơ của Lê Bá Dương:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Hóa tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Tiến ra phía Bắc, cây cầu Hiền Lương lịch sử hiện ra trước mắt. Cột cờ bờ Bắc sừng sững uy nghi như lời khẳng định đanh thép về chủ quền lãnh thổ năm nào. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 xác định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự, và từ đây chúng ta phải chịu bao cảnh đau thương "Cuộc chiến chọi cờ" câu chuyện về chiếc cột cờ câu chuyện "Cây cầu 2 màu sơn" và "Cuộc chiến âm thanh" đến đây chúng tôi có dịp được hiểu thêm về cuộc chiến trường kỳ 20 năm của quân và dân ta. Đối với riêng ngành Quản lý bay, vĩ tuyến 17 còn có một ý nghĩa thật đặc biệt khác: đó là nơi phân chia 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh nữa.
Đường vào địa đạo Vịnh Mốc quanh co, được ôm ấp bởi những lũy tre xanh rất Việt Nam. Một làng quê được xây dựng dưới lòng đất cùng hệ thống giao thông, hầm ngầm, các công trình tối thiểu để con người có thể tồn tại trước bom thù. Sức sống của con người thật mãnh liệt biết bao. Quanh đây, có hàng trăm làng ngầm dưới lòng đất như thế. Có lẽ người Mỹ đến thăm Vịnh Mốc, Củ Chi sẽ hiểu được tại sao một tên Đế Quốc to lớn với trang bị hiện đại lại thua thảm hại trước một dân tộc Việt Nam nhỏ bé! Trong lòng đất, sự sống vẫn diễn ra hổi hả và bận rộn.
Địa đạo Vịnh Mốc – Vĩnh Linh – Quảng Trị
Đài kiểm soát không lưu Đồng Hới chào đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ của những trang mới tươi sáng của Quảng Bình. Giờ đây, đất nước đã hòa bình, sự ngời sáng thể hiện trên từng khuôn mặt con người nơi đây. Tuy một tuần chỉ đón chừng 20 chuyến bay các loại, nhưng Đồng Hới có những thế mạnh của riêng mảnh đất này và chắc chắn rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ từng ngày thấy sự thay da đổi thịt của mảnh đất lịch sử này.
Gặp gỡ giao lưu với cán bộ, công nhân viên đài KSKL Đồng Hới
Hành trình về nguồn 2013 là những trải nghiệm thú vị đối với từng thành viên trong đoàn. Qua chuyến đi, chúng tôi hiểu được những điều thật giản dị từ cuộc sống này: hãy sống với lý tưởng cao đẹp của mình, cho dù để có được nó, chúng ta phải hi sinh cả bản thân mình.