04/10/2024
Hỗ trợ người dân vùng rốn lũ Huế, gia đình liệt sĩ Rào Trăng 3
Ông Lại Hồng Lục, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trao quà hỗ trợ
các hộ dân vùng rốn lũ Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế)
Lũ dữ đi qua, thiệt hại để lại
Gần 2 tuần sau đợt lũ dữ kỷ lục, cả vùng Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn vẹn nguyên cảnh hoang tàn, hư hại. Dọc đường liên xã, sân trường cấp hai, trụ sở UBND... nhiều điểm ngập sâu.
Chỉ tay về phía căn nhà cấp 4 xập xệ, ông Đặng Công Triệu (62 tuổi, thôn An Xuân Tây, Quảng An) đánh dấu vết ngập ngang người. Tranh thủ trời hửng nắng, ông Triệu tất tả vệ sinh giường, tủ, đồ dùng gia đình vấy vết bùn non.
"Nước ngập cả 10 ngày chú ơi, bà con giờ chẳng còn gì. Hoa màu chết thối, thóc gạo nảy mầm, nhiều đồ gia dụng hư hại", ông Triệu nói.
Cùng thôn An Xuân Tây, căn nhà nhỏ của bà Trần Thị Phượng (63 tuổi, An Xuân Tây) nhiều chỗ còn tốc mái, nắng chiếu xuyên nền.
Bà Phượng bảo: lũ lên từ ngày 8/10, bà ở 1 mình nên được sơ tán lên chỗ cao ráo. Lúc về thấy đồ đạc hư hại, gà vịt chết do lũ nhấn chìm.
"Lũ năm 1999 không bằng bây giờ. Nước lên nhanh, ngập sâu và kéo dài hơn tuần, khiến đời sống người dân thêm khó khăn", bà Phượng nói.
Lãnh đạo Công đoàn Trung tâm Thông báo tin tức hàng không (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam)
Và, ông Trần Nguyễn Bảo Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Quản lý bay Miền Trung
trao các suất quà hỗ trợ ngưòi dân rốn lũ Quảng An
Trời nắng tạnh, nhưng toàn bộ đồng ruộng Quảng An vẫn còn ngập nước. Rác thải, cát tràn lấp nhiều thửa ruộng người dân. Ông Nguyễn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Quảng An cho hay, trận lụt năm nay không khác gì "đại hồng thủy". Toàn bộ địa bàn xã chia cắt hoàn toàn trong lũ dữ. Địa phương có đến hơn 2.200 hộ dân, thì có đến 70% bị ngập từ 1 đến 1,7m, còn lại ngập dưới 1m.
"Đặc biệt, lũ lên nhanh, ngập sâu và kéo dài gần 2 tuần lễ khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh tế của các hộ dân bị thiệt hại nặng nề. 100% hoa màu hư hại, hạ tầng giao thông liên thôn xã, cầu cống bị hư hại", ông Hiền nói.
Chia sẻ khó khăn người dân, sáng 3/11, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ 40 suất tiền mặt (1 triệu đồng/suất) cho các hộ bị ngập sâu, gia cảnh đặc biệt khó khăn nơi rốn lũ Quảng An.
Đoàn trao 40 triệu đồng ủng hộ các hộ dân vùng rốn lũ Quảng An
Đến nay, nhiều khu dân cư, đường xá trên địa bàn Quảng An vẫn còn ngập cục bộ
Ông Lại Hồng Lục, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho hay, đơn vị phát động đến toàn thể CBCNV, đoàn viên có các hoạt động đóng góp, thiện nguyện trao tặng tiền, nhu yếu phẩm với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng.
Theo đó, đoàn trao 40 suất quà (1 triệu đồng suất) cho người dân Quảng An (Thừa Thiên- Huế), 30 suất (500.000 đồng/suất) cho các hộ lũ lụt Hải Lăng (Quảng Trị), 22 suất (2 triệu đồng/suất) và 2 suất (5 triệu đồng/suất) cho các hộ hư hại, sập nhà Núi Thành (Quảng Nam), 56 suất (1 triệu đồng/suất) cho hộ dân vùng sạt lở Nam Trà My; trao tặng 30 triệu đồng cho trung tâm trẻ bị chất độc da cam trên địa bàn Đà Nẵng...
Trước đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp Báo Giao thông trao 100 suất (trị giá 40 triệu đồng) cho các hộ dân vùng tâm bão số 9 ở Đức Lợi (Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Chia sẻ cán bộ, chiến sỹ tử vong khi cứu nạn Rào Trăng 3
Cùng ngày (3/11), đoàn công tác Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đến nhà các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn cứu nạn, cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế thăm hỏi, trao 13 suất hỗ trợ.
Đoàn thăm hỏi, hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Đại úy Trương Anh Quốc
Chị Nhàn một mình nuôi hai con nhỏ
Chị Ngô Thị Thanh Nhàn, vừa thắp hương lên bàn thờ chồng - Liệt sĩ, Đại úy Trương Anh Quốc (làng Hiền Lương, Phong Điền) vừa tất bật, đút ăn cơm trưa cho 2 con gái nhỏ. Lấy nhau 6 năm, hai vợ chồng chị Nhàn đang gắng gượng dựng ngôi nhà cấp 4 ở thành phố Huế để chồng tiện công tác, bất ngờ nhận tin dữ.
"Anh hi sinh khi cứu nạn Rào Trăng 3, giờ em một mình cố gắng nuôi dạy con nhỏ, hoàn thành tâm nguyện của anh, mong con cái trưởng thành", chị Nhàn nói.
Tại nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch UBnD huyện Phong Điền), 2 con đang tuổi ăn học nén tiếc thương, thắp hương bàn thờ di ảnh cha. Trong gian phòng khách căn nhà cấp 4 cũ kỹ, treo nhiều bằng khen liệt sĩ Bình trong quá trình công tác. Tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Bình treo dưới Huân chương kháng chiến hạng Nhì bà Hoàng Thị Nhỏ (mẹ liệt sĩ Bình) và Bằng tổ quốc ghi công bác gái của Liệt sĩ Bình.
Trước đó, Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên cùng ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty
Quản lý bay miền Trung đã trao 40 triệu đồng cho những gia đình chịu thiệt hại nặng của bão số 9
Đại diện Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thăm hỏi gia đình, người thân, con gái
của Liệt sĩ Nguyễn Văn Bình
Đang làm khóa luận tốt nghiệp ngành báo chí (ĐH KHXH&NV Hà Nội), em Phạm Thiên Hà, con của liệt sĩ Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng thông tin truyền thông Cổng TTĐT- UBND Thừa Thiên - Huế về Huế chịu tang, hằng ngày cùng em gái Phạm Hoàng Anh (lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng) thắp hương di ảnh cha. Hà tâm sự, cha là trụ cột của cả nhà, anh dũng hi sinh khi cứu nạn người dân, chúng em cố gắng học thật tốt, trưởng thành để không phụ lòng cha.
Ông Trần Nguyễn Bảo Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Quản lý bay miền Trung (Tổng công ty Quản ly bay VN) cho hay, công đoàn tổ chức thăm hỏi, trao hỗ trợ 5 triệu đồng/suất cho 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi cứu nạn, cứu hộ Rào Trăng.
Chương trình mong muốn thông qua hoạt động này, góp phần nhỏ chia sẻ với những hi sinh, mất mát và khó khăn của gia đình các liệt sĩ.
Công đoàn thăm hỏi, hỗ trợ gia đình Liệt sĩ, Thượng tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng
BCH Quân sự Thừa Thiên - Huế trên đường Mang Cá (TP. Huế)
Đại diện Công đoàn Tổng công ty Quản lý bay VN hỗ trợ gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hương,
chia sẻ với em Thiên Hà (thứ 2 trái qua)
Nguồn: Baogiaothong.vn