29/04/2025
Hội nghị giới thiệu và thảo luận về ứng dụng công nghệ trong công tác Quản lý luồng tàu bay đi, đến tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay, Công ty Quản lý bay miền Bắc đã chủ động nghiên cứu để triển khai áp dụng hệ thống quản lý cất/hạ cánh (DMAN/AMAN) tại Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi. Đây là một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng Kiểm soát viên đã được phát triển từ cuối những năm 1990 ở châu Âu, tuy nhiên, đây là hệ thống lần đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam vì vậy việc triển khai áp dụng cần có sự đồng thuận triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan tới hoạt động khai thác tại Cảng hàng không, sân bay.
Để chuẩn bị triển khai thực hiện kế hoạch đưa hệ thống AMAN/DMAN vào khai thác thực tế và phối hợp nâng cao công tác quản lý, khai thác luồng tàu bay đi/đến Cảng HKQT Nội Bài, ngày 08 tháng 08 năm 2019, Công ty Quản lý bay miền Bắc đã tổ chức Hội nghị giới thiệu và thảo luận về ứng dụng công nghệ trong công tác Quản lý luồng tàu bay đi,đến tại Cảng HKQT Nội Bài.
Đồng chí Lâm Phúc Anh Hà - Chủ trì giới thiệu tại Hội nghị
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Ban không lưu,Trung tâm Thông báo tin tức hàng không, đại diện Cảng HKQT Nội Bài, đại diện các hãng hàng không bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways.
Tại hội nghị, đồng chí Lâm Phúc Anh Hà - Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc đã giới thiệu về các công nghệ mới, hiện đại trên thế giới đang ứng dụng vào công tác quản lý luồng tàu bay đi/đến như XMAN, AMAN, SMAN, DMAN, A-CDM, trong đó tập trung giới thiệu chủ yếu về hệ thống quản lý cất/hạ cánh D/AMAN và lợi ích sau khi áp dụng hệ thống theo báo cáo thực tế của một số quốc gia trên thế giới.
Chức năng quản lý tàu bay đến (AMAN) là một chức năng thuộc hệ thống Quản lý không lưu tự động (ATM). Chức năng/hệ thống này được thiết lập để hoàn thiện, tối ưu hóa luồng tàu bay về hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi theo các phương pháp tính toán về quỹ đạo tiếp cận, nguyên tắc sắp xếp thứ tự hạ cánh, định chuẩn thời gian hạ cánh (Target Landing Times - TLDT) và ấn định thời gian bay qua các điểm báo cáo cụ thể của từng chuyến bay trong các khu vực trách nhiệm của ACC Hà Nội, TMC/ARR/TWR Nội Bài và TWR Cát Bi, giúp cho công tác điều hành các tàu bay đến trong FIR Hà Nội đảm bảo an toàn, chính xác và đạt hiệu quả cao hơn.
Hệ thống AMAN này sẽ cung cấp sự trợ giúp điện tử cho các Cơ sở Điều hành bay (ĐHB) của Công ty QLB Miền Bắc trong việc quản lý các luồng tàu bay đến Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi trong phạm vi FIR Hà Nội, thông qua các hiển thị khuyến cáo các mốc chỉ số về thời gian, vận tốc, mạch bay … của từng chuyến bay về hạ cánh theo từng điểm cụ thể trong FIR Hà Nội để giúp KSVKL ACC Hà Nội, TMC/ARR/TWR Nội Bài và TWR Cát Bi nâng cao năng lực khai thác các đường cất hạ cánh (CHC) tại Cảng HKQT Nội Bài/Cảng HKQT Cát Bi và lưu lượng hoạt động bay thông qua các vùng trời/phân khu kiểm soát của ACC Hà Nội và TMC/ARR Nội Bài, đồng thời hạn chế đáng kể những yếu tố tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường, giảm bay chờ và dẫn dắt … trong các khu vực trách nhiệm của các Cơ sở Điều hành bay.
Chức năng quản lý tàu bay đi (DMAN) là một chức năng thuộc hệ thống Quản lý không lưu tự động. Đây là một công cụ hỗ trợ KSVKL trong việc đưa ra thứ tự cất cánh tối ưu cho mỗi đường CHC nhằm tối ưu hóa năng lực tiếp thu của sân bay nhưng không làm tăng khối lượng công việc cho KSVKL và đảm bảo an toàn bay.
Hệ thống (chức năng) DMAN cũng cung cấp sự trợ giúp điện tử cho các Cơ sở ĐHB của Công ty QLB Miền Bắc trong việc quản lý các luồng tàu bay khởi hành từ Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi trong phạm vi FIR Hà Nội, thông qua việc tính toán thời gian nổ máy mục tiêu (TSAT) và thời gian cất cánh mục tiêu (TTOT) của mỗi tàu bay. Mục đích chính của việc tính toán TSAT và TTOT là đưa ra thứ tự sắp xếp tàu bay khởi hành tại sân bay một cách tối ưu nhất nhằm nâng cao năng lực khai thác đường cất hạ cánh và vùng trời, giảm việc xếp hàng dài chờ đợi của tàu bay trước khi lên đường CHC, giảm tải công việc của kiểm soát viên không lưu, giảm nhiên liệu đốt động cơ của tàu bay, giảm khí thải ra môi trường và góp phần giảm chậm trễ các chuyến bay.
Hội nghị cũng thảo luận các vấn đề liên quan công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Cảng hàng không, cơ quan không lưu và các hãng hàng không nhằm sớm đưa hệ thống AMAN/DMAN vào khai thác thực tế.
Tại hội nghị, các bên tham gia đều thấy được lợi ích mà hệ thống quản lý cất hạ cánh D/AMAN có thể mang lại và nhất trí với chủ trương sớm triển khai áp dụng tại Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong tương lai gần để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hai đầu Bắc-Nam. Kết thúc hội nghị, các bên tham gia đề nghị Công ty Quản lý bay miền Bắc sớm trình Cục Hàng không Việt Nam xem xét phê duyệt Phương thức khai thác hệ thống D/AMAN và đưa vào khai thác thực tế trong thời gian sớm nhất.
Phòng Không lưu - MB