04/12/2024
Hội thảo công tác khí tượng năm 2018
Đây là năm đầu tiên Hội thảo chuyên môn khí tượng được tổ chức trên quy mô toàn tổng công ty, nhằm kết nối dịch vụ khí tượng tại các Cảng Hàng không nơi tàu bay cất hạ cánh và khí tượng cảnh báo thời tiết trên bầu trời cho vùng thông báo bay FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo, đại biểu khách mời Cục Hàng không Việt Nam có ông Nguyễn Thế Hưng, trưởng phòng Quản lý hoạt động bay; đại diện hãng hàng không Vietjet; các đại biểu của Tổng công ty đến từ các ban Không lưu, TCCB-LĐ, Kỹ thuật, công ty Quản lý bay miền Bắc, Miền Trung và trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay. Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, ông Lê Quốc Khánh- Phó Tổng giám đốc chủ trì Hội thảo.
Trong báo cáo tóm tắt do Trưởng Trung tâm Khí tượng Hàng không Tân Sơn Nhất trình bày, tình hình thời tiết trong năm 2017 diễn biến tương đối phức tạp, có 16 cơn bão hoạt động trên biển Đông, ảnh hưởng đến vùng FIR HaNoi, FIR HoChiMinh. Trong đó có 4 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tại các Cảng Hàng không Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm gió giật, các hiện tượng làm giảm tầm nhìn xuất hiện thường xuyên, quanh năm tại các Cảng Hàng không trên cả nước, thậm chí một số nơi còn xuất hiện hiện tượng cực kỳ nguy hiểm như lốc tố, vòi rồng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hàng không. Do vậy chủ đề của hội thảo được chọn là “Mưa dông, Gió đứt, Bão và ảnh hưởng đến hoạt động hàng không”.
Đồng chí Lê Quý Đôn tuyên bố lý do và khai mạc Hội thảo
Các chuyên đề tham luận được các trung tâm khí tượng 3 miền và trung tâm Cảnh báo thời tiết báo cáo tại hội thảo bao gồm 07 tham luận, trong đó Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất kết hợp các đài địa phương công ty Quản lý bay miền Nam báo cáo 4 tham luận, gồm: Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động bay tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các Cảng Hàng không khu vực miền Nam; Ảnh hưởng của bão Damrey, bão số 14 và công tác khí tượng phục vụ bay tại các Đài KSKL Tuy Hòa, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột; Gió đứt ảnh hưởng đến hoạt động cất hạ cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất – Radar thời tiết và hệ thống cảnh báo gió đứt tầng thấp; Chỉ tiêu định lượng dự báo mưa dông tại Tân Sơn Nhất dựa trên giản đồ SkewT và các trường nhiệt động lực học khí quyển.
Trung tâm Cảnh báo thời tiết, Trung tâm Quản lý luồng không lưu báo cáo tham luận: Tổng kết hoạt động của bão năm 2017.
Trung tâm Khí tượng Hàng không Nội Bài, công ty Quản lý bay miền Bắc báo cáo tham luận: Ảnh hưởng của mưa phùn, mây thấp đến hoạt động bay tại các Cảng Hàng không miền Bắc;
Trung tâm khí tượng Hàng không Đà Nẵng, công ty Quản lý bay miền Trung báo cáo tham luận: Công tác cung cấp dịch vụ Khí tượng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng.
Các tham luận có tính chuyên môn sâu đã nêu lên các vấn đề thiết thực, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bay, đòi hỏi sự đầu tư về kiến thức, sự đam mê, kinh nghiệm và lòng nhiệt thành với nghề nghiệp của các dự báo viên, quan trắc viên, những người cung cấp dịch vụ khí tượng.
Các tham luận cũng thu hút được sự quan tâm, lắng nghe của các đại biểu, đặc biệt là các kiểm soát viên không lưu và đại diện hãng Hàng không, đối tượng chính sử dụng dịch vụ khí tượng. Đại diện kiểm soát không lưu các trung tâm ACC-HCM, APP-TWR đánh giá cao công tác phối hợp giữa nhân viên khí tượng hàng không với kiểm soát không lưu, đã chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn những năm trước trước đây khi khí tượng còn thuộc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Đồng thời, mong muốn nhận được những bản tin dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn về điều kiện thời tiết nguy hiểm như mưa giông, gió giật, gió đứt, tầm nhìn dưới ngưỡng khai thác để KSVKL chủ động điều hành bay hiệu quả hơn.
Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Khánh chủ trì hội thảo
Lãnh đạo Cục Hàng không, ông Nguyễn Thế Hưng đánh giá cao tính chuyên môn của các tham luận, đồng thời cũng nêu lên một số hạn chế của công tác khí tượng như cần rà soát lại hệ thống văn bản tài liệu HDKT cập nhật theo quy định mới, thông tư mới; chất lượng bản tin dự báo xu thế TREND cần nâng cao hơn nữa, đặc biệt đối với sân bay địa phương. Đồng thời ông phát biểu định hướng công tác khí tượng theo xu thế phát triển của nghành hàng không trong những năm tiếp theo.
Kết thúc 7 tham luận và phần thảo luận, thay mặt cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Khánh đã đánh giá hội thảo thành công, có tính chuyên môn cao và nêu ra những thách thức mới cho công tác khí tượng hàng không khi diễn biến thời tiết càng ngày càng phức tạp. Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh, Tổng công ty luôn quan tâm phát triển chất lượng cung cấp dịch vụ khí tượng; yêu cầu các Trung tâm khí tượng phân tích, lập kế hoạch cụ thể, đưa ra các giải pháp, định hướng chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khí tượng. Trong đó, công tác đào tạo huấn luyện con người, đầu tư trang thiết bị hỗ trợ quan trắc, dự báo và đặc biệt cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa giông, gió đứt; xây dựng CSDL dung chung, chia sẻ tài nguyên, nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng khí tượng hàng không theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Hội thảo đặc biệt ý nghĩa khi được tổ chức vào ngày 23/3/2018, ngày kỷ niệm 68 năm ngày Khí tượng thế giới.
Nguyễn Thanh Bình, QLBMN