20/09/2024
Kế hoạch
Đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
thời kỳ từ 2002-2011 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
1. Thực trạng chung việc thực hiện nhiệm vụ:
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (viết tắt là Tổng công ty), tiền thân là Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (Trung tâm QLB DDVN) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam được thành lập năm 1993. Tổng công ty được Nhà nước giao nhiệm vụ là cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ công ích) cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý và các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác, bao gồm:
+ Dịch vụ không lưu (dịch vụ điều hành bay, dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động);
+ Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát;
+ Dịch vụ thông báo tin tức hàng không;
+ Dịch vụ khí tượng;
+ Dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
Sản phẩm chủ yếu của Tổng công ty là số lần chuyến điều hành và km điều hành bay từ cung ứng các dịch vụ đảm bảo hoạt động bay.
Chất lượng sản phẩm dịch vụ của Tổng công ty (chỉ tiêu pháp lệnh được nhà nước giao) là đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao.
Tổng công ty thực hiện kế hoạch trong giai đoạn 2002-2011 với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức:
a. Những thuận lợi cơ bản:
- Hoạt động giao thông hàng không thế giới sau khủng hoảng tăng trưởng cao, dẫn đến sản lượng, doanh thu điều hành bay của Tổng Công ty tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thời kỳ trước.
- Môi trường chính trị và xã hội trong nước ổn định. Kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng và đạt được kết quả bước đầu sau khi thực hiện quyết liệt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
- Thời kỳ 2002- 2011, Tổng công ty cùng với cộng đồng doanh nghiệp cả nước thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc với những nội dung, mục tiêu, chiến lược mang tính đột phá, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thể chế, chính sách, phương thức quản trị hiện đại để doanh nghiệp phát triển. Công tác chuyển đổi hoạt động sang cơ chế, mô hình mới của Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành. Các quy chế quản lý nội bộ đã được xây dựng, hoàn thiện và áp dụng. Công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh ngày càng ổn định.
- Tổng công ty có sự ổn định về mặt tổ chức, nguồn nhân lực có sự phát triển về số lượng và chất lượng, tập thể lãnh đạo và CB-CNV Tổng công ty đoàn kết nhất trí, đây là nhân tố quan trọng góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
b. Những khó khăn, thách thức:
- Những diễn biến bất ổn về chính trị - xã hội tại Trung Đông, Bắc Phi, tranh chấp biển Đông; tác động tiêu cực của việc tăng giá dầu trên thị trường thế giới; dịch cúm A/H1N1; sự biến đổi khí hậu, thời tiết toàn cầu, khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, đặc biệt là sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản đã tác động lớn đến hoạt động giao thông hàng không của thế giới và khu vực, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác điều hành bay của Tổng công ty. Thị trường tài chính toàn cầu luôn được cảnh báo về nguy cơ tái suy thoái, khủng hoảng.
Mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước, đến nay Tổng công ty đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm an toàn, điều hòa, liên tục và hiệu quả cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; quản lý, điều hành chặt chẽ mọi hoạt động của đơn vị; thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu:
a. Về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh:
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu KH SX-KD chủ yếu: (Như phụ lục kèm theo).
Đánh giá: Trong thời kỳ từ 2002- 2011, Tổng công ty đã tổ chức điều hành bay an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao. Sự phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị trong và ngoài ngành Hàng không và với các nước lân cận luôn chặt chẽ cho hoạt động bay luôn được an toàn và thuận lợi, góp phần bảo vệ vùng trời, an ninh quốc gia. Tổng công ty đã luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao với số lượng sản phẩm, doanh thu, nộp NSNN tăng bình quân 8-10%; và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng không về doanh thu và nộp ngân sách nhà nước.
Để đạt được những thành quả trên, Tổng công ty đã tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách khoa học, chặt chẽ, với các biện pháp tích cực chủ động, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động bay và hướng tới làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng công ty đã quản lý, sử dụng chặt chẽ có hiệu quả các nguồn vốn được giao cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tài chính - kế toán, luật chống tham nhũng trong công tác thu chi tài chính bảo đảm tiết kiệm chống lãng phí. Ngoài ra trên cơ sở vận dụng một số các quy định của nhà nước, Tổng công ty đã thực hiện việc xây dựng hệ thống các quy chế quản lý nội nhằm đảm bảo công tác quản lý sản xuất kinh doanh nói chung và công tác tài chính nói riêng được thực hiện chặt chẽ. Tổng công ty còn thực hiện việc phân cấp cụ thể theo từng cấp trong công tác quản lý tài chính của Tổng công ty. Công tác kiểm tra, kiểm soát được tổng công ty chú trọng thể hiện qua các đợt kiểm tra, kiểm soát định kỳ và theo vụ việc.
b. Về trình độ khoa học công nghệ:
Để không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch điều hành bay, TCT đã có chủ trương trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cấp các cơ sở điều hành bay, các hệ thống thiết bị kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật số, thông tin vệ tinh và tự động hóa từng phần trong dây chuyền công nghệ quản lý bay theo tiến trình của khu vực và thế giới. Quá trình đầu tư, đổi mới kỹ thuật công nghệ ngành Quản lý bay trong 10 năm qua cũng đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý bay. Với hàng loạt hệ thống thiết bị sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến được lắp đặt tại 2 Trung tâm kiểm soát đường dài, 3 Trung tâm kiểm soát tiếp cận, 20 Đài kiểm soát tại sân, 9 Trạm rada giám sát hàng không, hàng chục đài dẫn đường DVOR/DME và các trạm thông tin liên lạc VHF phục vụ công tác quản lý điều hành bay. Đặc biệt công trình Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC/HCM) được đầu tư lắp đặt các hệ thống tiên tiến hiện đại vào bậc nhất trong khu vực đã được đưa vào khai thác từ tháng 5/2006. Hệ thống tự động quản lý không lưu (ATM) tại AACC /HCM có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng hoạt động hàng không trong vòng 20 năm tới.
Hiện nay, Tổng công ty đang không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay, hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ, đã chuyển từ phương thức cổ điển sang phương thức hiện đại (nói, nghe, nhìn) với thiết bị mới nhất hiện nay. Cụ thể:
+ Đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội.
+ Hoàn thiện hệ thống các đài kiểm soát không lưu tại các cảng hàng không với trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đặc biệt 2 đài kiểm soát không lưu tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (TWR/NBA) và Tân Sơn Nhất(TWR/TSN) với công nghệ A-SMGCS tiên tiến hàng đầu trên thế giới.
+ Xây dựng mạng kỹ thuật phục vụ điều hành bay đáp ứng với tiêu chuẩn của ICAO và luôn cập nhật công nghệ mới nhất trên thế giới.
Nhờ tính năng của các hệ thống công nghệ kỹ thuật mới này, năng lực quản lý điều hành bay của Tổng công ty được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, hội nhập quốc tế về lĩnh vực không vận.
Trong những năm qua, Công ty con- công ty Dịch vụ kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) đã thiết kế, sản xuất, chế tạo thành công hệ thống chuyển điện văn tự động AMSS, dàn phản xạ đài dẫn đường VOR/DME, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, hệ thống đèn đường băng, hệ thống ghi âm... và thương mại hóa sản phẩm, cung cấp trong ngành hàng không Việt Nam. Năng lực chuyên môn cũng như trình độ làm chủ công nghệ của Công ty con không ngừng được nâng cao.
Với những thành tựu trên, ngành Quản lý bay Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có mức phát triển tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.
c. Về đầu tư XDCB:
Trong giai đoạn từ năm 2003 đến hết quý I năm 2012, Tổng công ty đã triển khai thực hiện hơn 400 dự án, với giá trị giải ngân, thanh quyết toán hơn 3000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án lớn, trọng điểm của ngành Quản lý bay như: AACC/HCM, TWR/NBA…
Nhìn chung, các dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đều được khai thác với chất lượng tốt, có hiệu quả, quy trình thực hiện đầu tư tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư, xây dựng ,tuy nhiên tiến độ của một số dự án vẫn chưa được đảm bảo do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan:
Nguyên nhân khách quan:
- Các dự án chuyên ngành Qủan lý bay đa phần có yêu cầu cao về công nghệ, tiêu chuẩn thiết bị kỹ thuật , do đó đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu, vận dụng vào điều kiện Việt Nam cho phù hợp.
- Các dự án của Tổng công ty trải dài trên khắp cả nước làm ảnh hưởng tới việc bố trí cán bộ có năng lực để quản lý; quá trình thi công nhiều công trình chịu ảnh hưởng của thời tiết (mưa bão, lụt…); giá cả nguyên vật liệu liên tục biến động, chế độ chính sách về tiền lương, tiền công của Nhà nước có nhiều thay đổi khiến cho nhiều hạng mục phải điều chỉnh về khối lượng, giá trị làm chậm tiến độ dự án.
Nguyên nhân chủ quan:
- Công tác phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị liên quan đôi khi còn chưa chặt chẽ; năng lực của một số nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn còn yếu làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công công trình.
- Năng lực của lực lượng làm công tác đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
d. Về tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp:
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn 2002-2011, Tổng công ty luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về công tác quản lý cán bộ, công tác tổ chức do Bộ GTVT và các cơ quan liên quan quy định. Việc công khai thông tin, minh bạch hoá hoạt động của Tổng công ty luôn được quan tâm, cụ thể bằng việc xây dựng Quy chế dân chủ tại Tổng công ty trong đó nêu rõ từng nội dung, công việc cần phải công khai, minh bạch hoá.
Cùng với việc thay đổi về mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động, Tổng công ty đã tiến hành xây dựng hệ thống văn bản quản lý nội bộ, trong đó có những quy chế đã sớm được ban hành, áp dụng trong Tổng công ty và đem lại hiệu quả trong công tác quản lý như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thành viên; Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc; Quy chế Thi đua - Khen thưởng; Quy định về công tác giao ban và chế độ báo cáo; Quy định về công tác mua sắm, quản lý công cụ, vật tư, thiết bị nhỏ lẻ,... Tổng công ty đã hoàn thành dự thảo Quy chế Quản lý tài chính của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và đã trình xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ GTVT. Hiện Tổng công ty đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định như: Quy định về Quản lý hợp đồng kinh tế; Quy chế về quản lý đầu tư, xây dựng; Quy định về quản lý, thực hiện kế hoạch hàng năm; Quy chế quản lý Đào tạo - Huấn luyện; Quy định về công tác quản lý bảo hiểm; Quy chế Tuyển dụng lao động và Quy chế kiểm soát nội bộ.
Tổng công ty đang xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tập trung tới nội dung thay đổi cách thức điều hành, quản lý doanh nghiệp. Tăng cường tính tự chủ, phát huy thế mạnh nội lực của các đơn vị hạch toán phụ thuộc; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tổng công ty và công ty con trong việc cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và các dịch vụ khác có liên quan.
Việc chuyển Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên giúp Tổng công ty chuyển từ liên kết hành chính với cơ chế giao vốn sang liên kết bền chặt bằng cơ chế đầu tư tài chính là chủ yếu. Tách bạch quyền lợi, trách nhiệm về vốn và lợi ích kinh tế giữ công ty mẹ và công ty con. Tăng cường năng lực kinh doanh, khả năng hỗ trợ về kinh nghiệm, thị trường giữa các đơn vị trong Tổng công ty. Tạo điều kiện phát triển năng lực, quy mô và phạm vi kinh doanh của Tổng công ty. Thúc đẩy việc tích tụ vốn, sử dụng tiềm lực về tài chính và các nguồn lực khác của Tổng công ty để đầu tư, góp vốn và tham gia liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp khác. Đây cũng là dịp để Tổng công ty tổ chức lại bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối trung gian, chủ động phân bố lại lực lượng lao động phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị và của toàn Tổng công ty.
e. Về cơ chế tiền lương, tiền thưởng:
Xây dựng và ban hành Quy chế trả lương, trả thưởng mới; Xây dựng và bảo vệ thành công Qui định về Đơn giá tiền lương, Qui định về Hệ số phức tạp Điều hành bay (Hệ số K).
f. Về giải quyết chính sách cho người lao động:
Với quy chế phân phối thu nhập mới, thu nhập của người lao động được đảm bảo, thu nhập trung bình của người lao động năm 2011 ước đạt 11.165.000 đ/ người.
g. Công tác xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật:
Tiến hành xây dựng phương án tiêu chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, chế độ trách nhiệm, chế độ ưu đãi, thu nhập đối với người lao động nhất là đối với những đối tượng lao động đặc thù. Tiến hành khảo sát nguồn nhân lực, rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật, định biên lao động làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Tổng công ty trong thời gian tới; Hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật đối với kiểm sóat viên không lưu, tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác theo quy định, đồng thời rà soát, sửa đổi quy chế trả lương, trả thưởng nhằm thực hiện các mục tiêu trên.
h. Công tác xây dựng quy hoạch cán bộ:
Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cán bộ của Tổng công ty giai đoạn 2011-2015 từ năm 2009 theo đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2011, do có sự thay đổi về mô hình cơ cấu tổ chức Tổng công ty đã tiến hành sửa đổi, bổ sung quy hoạch cho các chức danh cán bộ từ cấp Phó Trưởng phòng trở lên.