16/12/2024
Khám phá nét văn hóa đặc sắc của vùng đất đỏ Tây Nguyên
Điểm đầu tiên của hành trình là khám phá cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Đây là cầu dây văng đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla. Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m, thiết kế và khởi công xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994, có màu vàng cam thật nổi bật trong cái nắng vàng oi ả của vùng đất Tây Nguyên.
Đoàn tham quan cầu treo Kon Klor
Cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng sắt thép rất kiên cố và vững chắc. Với màu vàng cam nổi bật, cây cầu là điểm nhấn trên dòng sông Đăk Bla. Cầu mang nét kiến trúc độc đáo với hệ thống dây văng treo đã nhuốm màu rêu phong. Không mang vẻ đẹp hào nhoáng hay lộng lẫy như những cây cầu khác, cầu Kon Klor vẫn giữ cho mình vẻ đẹp mộc mạc, giản đơn như chính tâm hồn của những người dân phố núi. Chiếc cầu treo Kon Klor giúp trung chuyển, giao thương đi lại của bà con các dân tộc vào khu vực thành phố thêm thuận lợi.
Đoàn tới thăm ngôi làng dân tộc BahNar - Kon Klor
Cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu Kon Klor, đoàn đã ghé thăm ngôi làng làng dân tộc BahNar - Kon Klor. Ngôi làng này vẫn còn giữ được những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của người Bahnar.
Tiếp đó, đoàn ghé thăm nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum - báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đáo với tuổi đời lên đến hàng thế kỷ, niềm tự hào bao đời nay của người dân Kon Tum.
Đoàn tham quan Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cà chít. Đây được xem là di tích cổ kính và đẹp nhất của thành phố xinh đẹp này. Nhà thờ tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì hoàn thành và còn tồn tại đến ngày nay. Nhà thờ Chính tòa Kon Tum do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Một sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Vật liệu xây dựng nhà thờ cũng rất đặc biệt, bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ cà chít (sến đỏ) – loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà thờ. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân công trình đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Nhà thờ là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Tiếp đó, đoàn đã khám phá vẻ đẹp cao nguyên Măng Đen nằm ở phía Nam huyện Kon Plông, trên độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển. Thị trấn nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km. Do nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, thị trấn có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm. Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp cây ôn đới do thổ nhưỡng phù hợp, địa hình đa phần gò đồi thấp, cùng hệ thống sông, suối và nhiều hồ, thác nước tuyệt đẹp.
Đoàn tham quan công trình Thủy điện Ialy
Rời khu du lịch Măng Đen, đoàn trở lại về với thành phố Pleiku xinh đẹp. Một trong những địa danh du lịch Gia Lai nổi tiếng mà đoàn đã ghé thăm cuối hành trình là công trình Thủy điện Ialy. Đây là một trong những công trình thủy điện lớn nhất của Việt Nam, thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Ialy chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện rộng tới 64.5km2, với công suất 720 MW, cùng bốn tổ máy, Ialy sản xuất lượng điện lên tới 3.650 triệu KWh mỗi năm.
Đoàn tham quan Thác Pa Sỹ, khu du lịch Măng Đen
Khép lại chương trình sinh hoạt ngoại khóa đầy bổ ích, đã mang lại nhiều kiến thức quý giá cho mỗi đảng viên về một vùng đất bazan màu mỡ với nét đặc sắc về thiên nhiên kỳ thú và tập tục văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Trường Sơn, Tây Nguyên. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mỗi đảng viên hôm nay.
NTTH