Nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ

thứ năm, 28/07/2022 07:13

Nhân kỉ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2022), sáng ngày 22/07/2022, Chi đoàn Đài kiểm soát không lưu Cần Thơ trang trọng tổ chức Lễ viếng Nghĩa Trang liệt sĩ Long Tuyền Quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nhân dịp này, Chi đoàn cũng đã tới tham quan di tích lịch sử nhà tù Khám lớn Cần Thơ.

h%C3%ACnh%201Chi đoàn viếng nghĩa trang quận Bình Thủy

Để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ - những người đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, các đoàn viên Chi đoàn Đài kiểm soát không lưu Cần Thơ đã dâng hương lên tượng đài Tổ quốc ghi công và các phần mộ liệt sỹ. Trên quê hương Cần Thơ đã sinh ra những người con chiến đấu, hy sinh khi Tổ quốc gọi tên mình. Và đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước Việt Nam của chúng ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

h%C3%ACnh%204Chi đoàn viếng nghĩa trang quận Bình Thủy

Sáng cùng ngày, Chi đoàn cũng tới tham quan di tích lịch sử Khám Lớn tọa lạc tại số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1878-1886 như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân trong thời kỳ xâm lược và đô hộ nước ta. Đến thời kỳ Mỹ Ngụy, nhà tù này được đổi tên thành “Trung tâm cải huấn” và từ ngày hoà bình cho đến nay, người ta vẫn gọi là “Khám Lớn Cần Thơ”. Nơi đây ghi dấu những tội ác của đế chế thực dân, nơi bọn chúng thường xuyên tra tấn tù nhân dã man, khiến rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh đau đớn. Tù nhân phải chịu đựng một cuộc sống như ở “địa ngục trần gian", phải sống những tháng ngày cực khổ vô cùng, phải ăn gạo mốc, mắm đắng, chỉ được cấp 1 đến 2 ca nước để uống và tắm hàng ngày. Bọn chúng thường xuyên tra tấn tù nhân với các phương tiện, dụng cụ hình thức rất dã man như thời trung cổ, đã có rất nhiều chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại đây, trong đó có đồng chí Lê Văn Nhung (Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ); đồng chí Ngô Hữu Hạnh (Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ Cần Thơ) và các chiến sĩ khác. Dù bị tra tấn dã man, hoặc dùng thủ đoạn, lời đường ngọt mua chuộc như thế nào đi nữa, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, lòng trung thành với cách mạng, các tù nhân luôn kiên cường. Tồn tại qua hơn trăm năm, nơi đây chính là bằng chứng tội ác của thực dân và  đế quốc cũng như minh chứng hùng hồn cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhằm nêu cao và giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ noi theo, ngày 28/6/1996 Bộ Văn Hóa - Thông tin đã ký Quyết định số1460/QĐ-VH xếp hạng Khám lớn Cần Thơ là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia

h%C3%ACnh%205Chi đoàn tới thăm quan Khám lớn Cần Thơ

Chi đoàn Đài kiểm soát không lưu Cần Thơ tổ chức hoạt động đầy ý nghĩa này nhằm thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đoàn viên lòng biết ơn sâu sắc đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của thế hệ ông cha cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, trong đó lực lượng Đoàn viên của Đài kiểm soát không lưu Cần Thơ.

                                                       Chi đoàn Đài KSKL Cần Thơ

Thông báo