03/12/2024
Nữ công CĐ Cơ quan kỷ niệm 102 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1972 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Nhân dịp kỷ niệm 102 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1972 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Được sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty và Công đoàn các cấp, Ban Nữ công Công đoàn Cơ quan đã tổ chức cho chị em đi học tập, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử tại Chùa tây Thiên ở xã Đại Định, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và Đền thờ Hai Bà Trưngở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành Phố Hà Nội, một biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường, truyền thống yêu nước nồng nàn của Phụ nữ Việt Nam.
Đúng 6h30 ngày 10/3/2012 xe xuất phát tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đi lên hướng Vĩnh Phúc, thời tiết khô ráo và hơi se lạnh như chiều lòng người, rất phù hợp cho những chuyến dã ngoại. Do điều kiện, hoàn cảnh và bận việc gia đình nên số lượng chị em tham gia không đông như đăng ký, tuy nhiên điều đó không làm giảm đi sự háo hức và phấn khởi của chị em cũng như sự sôi động và vui vẻ của chuyến đi.
Chị em chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Tây Thiên
Qua 2 tiếng đồng hồ đến 8h30 xe đến khu di tích Tây Thiên. Chúng tôi khẳng định rằng con người về với Tây Thiên không những tìm về cội nguồn văn hóa tâm linh mà còn được thưởng ngoạn một danh lam thắng cảnh đẹp đến mê hoặc lòng người. Khung cảnh Tây thiên kết hợp hài hòa sơn thủy hữu tình, không khí trong lành, mát mẻ với những con đường mòn lên núi chạy song song và đan xen với suối, trùng điệp cây rừng xanh ngát. Càng lên cao độ dốc càng lớn, xuyên thẳng giữa rừng là những bậc thang cao vời vợi và dài hun hút dành cho du khách đi bộ. Ngồi trên cáp treo chúng tôi cảm nhận đường lên Tây Thiên như một bức tranh thủy mặc, mây trắng bồng bềnh. Vừa đặt chân đến bến cáp treo, Đền thượng cổ kính oai nghiêm thấp thoáng giữa rừng Tùng cổ kính. Đây là nơi Thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.
Lúc xuống núi mặc dù đã muộn giờ ăn trưa và mọi người cũng đói những trông khuôn mặt ai cũng rạng ngời và mãn nguyện. Sau giờ ăn trưa đoàn xe lại hành quân về Đền Thờ Hai Bà Trưng. Khác với phong cảnh núi non hùng vĩ ở Tây Thiên ở Mê linh một vùng đất đồng bằng phì nhiêu màu mỡ nhưng cảnh đẹp nơi đây cũng không kém phần hấp dẫn du khách bởi những cánh đồng hoa đủ mầu sắc. Tại Đền thờ Hai bà Trưng chúng tôi được Ban Quản lý khu di tích đón tiếp rất nhiệt tình, Ban Quản lý cử hướng dẫn viên ra thuyết minh để chị em trong đoàn có điều kiện hiểu sâu hơn, rộng hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện). Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, hai bà là chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc (Trưng Trắc ý nói trứng lứa đầu), em gái có tên Trưng Nhị (ý nói trứng lứa sau). Hai bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dậy bảo nên khi lớn đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí chống giặc Hán đô hộ. Một năm sau, ông Thi Sách bị viên quan Thái Thú nhà Hán là Tô Định giết. Căm thù giặc cướp nước, hận kẻ thù giết chồng, ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (40 sau CN), được mẹ và thầy học cổ vũ, giúp đỡ, Bà Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị dựng cở khởi nghĩa, quân dân trong vùng theo về rất đông tụ nghĩa dưới cờ. Trước lễ xuất quân, dưới ngọn cờ đào, bà Trưng tuốt gươm thề cùng trời đất, lời thề như lời hịch đầy hào khí, suốt hai ngàn năm sử sách và dân gian vẫn còn lưu giữ và truyền tụng…
Cảm kích trước mục đích cao cả của cuộc khởi nghĩa và tấm lòng trong sáng của Hai Bà, biết đặt quốc thù, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, nghĩa quân đã đồng lòng chiến đấu và chỉ trong một thời gian ngắn đã giải phóng 65 thành trì, thu giang sơn về một mối… Bà Trưng xưng Vương, thưởng các tướng sĩ, cắt cử người cai quản các vùng…
Có thể coi thời đại Hai Bà Trưng là triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên (dù còn sơ khai) trong lịch sử dân tộc. Năm 43 (sau CN), vua Quang Vũ (nhà Hán) lại sai tướng giỏi là Mã Viện mang đại binh sang đánh chiếm nước ta, một lần nữa Hai Bà Trưng lại cùng nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa, sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt, biết thế giặc quá mạnh không địch nổi, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Đất nước rơi lại vào đêm trường nô lệ… Sau khi hai bà mất, nhân dân trong nước thuộc nhiều triều đại kính trọng lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi (phần lớn là nữ tướng) ởnhiều nơi. Chỉ tính riêng trên đất Vĩnh Phúc đã có 65 đền thờ Hai Bà Trưng và 66 tướng lĩnh. Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng Giêng (ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa), tại đền thờ hai bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, lại mở hội lớn, nhân dân trong tỉnh và cả nước nô nức kéo về dự, thắp hương thành kính biết ơn “Nhị Vị Đại Vương” đã có công xây dựng nền độc lập ngay từ buổi bình minh của dân tộc và tiếp tục cầu mong Hai Bà phù hộ cho quốc thái, dân an…
Hai Bà Trưng được mọi người dân Việt Nam biết đến với niềm tự hào và kính trọng sâu sắc. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, trong cả lịch sử nhân loại, một cuộc khởi nghĩa do hai nữ Anh hùng lãnh đạo, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành thắng lợi. Có thể nói, Hai Bà Trưng là người đầu tiên có công giữ nước, xây dựng nền độc lập, người đặt nền móng cho truyền thống đánh giặc, ý thức tự lập, tự cường của dân tộc ta.
Chị em chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tich Đền Hai Bà Trưng
Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 08/3 và 1972 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhằm tạo điều kiện cho chị em tham quan, hiểu biết thêm truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam. Như Đồng chí Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói : "Trên thế giới không có nơi nào phụ nữ như Việt Nam, không phải bây giời mà nghìn năm trước đây cũng vậy, chưa có một nước nào mà người xây dựng đầu tiên, đem nền độc lập đầu tiên cho Nhà nước là phụ nữ ". Từ đó giáo dục cho chị em rèn luyện tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn phấn đấu vươn lên trong công việc và trong cuộc sống xứng đáng với danh hiệu phụ nữ Việt Nam “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”và “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Đây là một nội dung trong chương trình tuyên truyền, giáo dục truyền thống của tổ chức Công đoàn; cũng là dịp để chị em trong đoàn có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ tâm sự hoặc cùng nhau trao đổi những băn khoăn, trăn trở và kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình cũng như việc nuôi dạy con cái.
Có được những hoạt động bổ ích, đầy ý nghĩa cho chị em nữ CNLĐ hôm nay thể hiện sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Tổng công ty, Ban Thường vụ Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn cơ quan đến đời sống tinh thần của chị em; một trong những tiêu chí nhằm xây dựng đời sống văn hóa tại cơ quan, đơn vị và mục tiêu chương trình hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Bài và ảnh: Hồng Oanh - Trưởng Ban Nữ công