Phân chia phân khu trong vùng trời kiểm soát tiếp cận tại các sân bay lớn

thứ sáu, 31/03/2017 09:24

Việc phân chia phân khu trong vùng trời kiểm soát tiếp cận là một trong những giải pháp phổ biến nhất giúp phân bổ khối lượng công việc giữa các kiểm soát viên không lưu (KSVKL) nhằm nâng cao an toàn và hiệu quả trong công tác quản lý điều hành bay. Thông thường, sự cần thiết của việc phân chia phân khu được xác định dựa trên kết quả đánh giá khối lượng công việc của KSVKL do tần suất liên lạc thoại và mật độ không lưu là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng đến mức độ phức tạp và khối lượng công việc của KSVKL.

Mức độ phức tạp và năng lực của một vùng trời kiểm soát tiếp cận (hoặc một phân khu) được thể hiện qua việc đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến số lượng tàu bay mà một KSVKL có thể điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm: Phương án thiết kế đường bay trong vùng trời kiểm soát tiếp cận; Việc sử dụng các phương thức bay đi/đến (SID/STAR); Độ chính xác của tính năng dẫn đường trên tàu bay hoạt động trong vùng trời; Các giai đoạn của chuyến bay; Độ phức tạp của phương thức tiếp cận bằng thiết bị; Mức cao sân bay, nhiệt độ khí quyển và cơ sở hạ tầng tại sân bay; Sự đa dạng tính năng tàu bay và tính năng dẫn đường; Năng lực, trang thiết bị của hệ thống radar và hệ thống xử lý dữ liệu kế hoạch bay.

Khi đã xác định được nhu cầu phân chia phân khu, việc nghiên cứu tính khả thi được thực hiện thông qua đánh giá một số yếu tố như số lượng KSVKL có đủ năng định phù hợp, số lượng vị trí làm việc đảm bảo và năng lực của hệ thống quản lý bay (ATM).

kl3 Ví dụ các loại hình phân chia phân khu

Trên cơ sở yêu cầu khai thác và nghiên cứu khả thi, loại hình phân chia phân khu sẽ được nghiên cứu để lựa chọn. Thông thường, có hai loại hình phân chia phân khu được dùng chủ yếu trong vùng trời kiểm soát tiếp cận bao gồm:

- Phân chia phân khu theo địa lý: Vùng trời được chia thành các khối có kích thước cụ thể và mỗi KSVKL sẽ chịu trách nhiệm điều hành tàu bay trong từng phân khu. Loại hình phân chia này có các ưu nhược điểm như sau:

Ưu điểm

Nhược điểm

- KSVKL có thể tận dụng tối đa vùng trời có sẵn trong phân khu để điều hành tàu bay đi/đến mà không đòi hỏi hiệp đồng nhiều.

- Dễ dàng cân bằng khối lượng công việc giữa các phân khu.

- Không yêu cầu nhiều về cài đặt màn hình hiển thị radar và hệ thống KSKL.

- Mô tả phạm vi trách nhiệm và hướng dẫn khai thác cho KSVKL tương đối dễ dàng.

- KSVKL phải điều hành hỗn hợp nhiều loại hoạt động bay bao gồm đi, đến và quá cảnh.

- Trường hợp ranh giới phân chia phân khu chạy dọc theo tim đường cất hạ cánh, các tàu bay khởi hành theo các hướng khác nhau sẽ thuộc trách nhiệm điều hành của các KSVKL khác nhau.

- Trường hợp tàu bay phải di chuyển qua nhiều phân khu địa lý trong vùng trời kiểm soát tiếp cận sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp do đòi hỏi hiệp đồng nhiều hơn.

- Phân chia phân khu theo chức năng: Việc phân chia phân khu được xác định theo chức năng quản lý tương ứng với mỗi giai đoạn của chuyến bay. Loại hình phân chia phân khu theo chức năng phổ biến nhất là một KSVKL chịu trách nhiệm điều hành tàu bay đến và một KSVKL chịu trách nhiệm điều hành tàu bay đi trong cùng một vùng trời. Loại hình phân chia này có các ưu nhược điểm như sau:

Ưu điểm

Nhược điểm

- KSVKL điều hành duy nhất một loại hoạt động bay, ví dụ chỉ tàu bay đi hoặc tàu bay đến.

- Thông thường, tất cả các tàu bay đi đều sử dụng cùng một tần số sau khi khởi hành.

- Có thể cải thiện mức độ linh hoạt trong khai thác đối với một số cấu hình.

- Các giới hạn ngang/cao của một phân khu có thể gây hạn chế do một khoảng giới hạn (cao) khó có thể đáp ứng được tất cả các loại tính năng tàu bay.

- Khó cân bằng khối lượng công việc giữa các phân khu, đặc biệt khi mật độ bay đi và đến tại thời điểm cao nhất không đồng đều.

- Có thể yêu cầu nhiều về cài đặt màn hình hiển thị radar và hệ thống KSKL.

- Có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng hướng dẫn khai thác cho KSVKL.

Trên thực tế, chỉ có một số ít vùng trời kiểm soát tiếp cận được phân chia phân khu theo địa lý hoặc theo chức năng. Phần lớn các vùng trời sử dụng kết hợp cả hai loại hình phân chia phân khu.

Tại Việt Nam, cùng với việc đưa vào áp dụng phương thức bay SID/STAR RNAV 1 tại các sân bay quốc tế có mật độ bay cao như Tân Sơn Nhất và Nội Bài thì việc phân chia phân khu trong khu vực kiểm soát tiếp cận của các sân bay này cũng được nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng thời. Theo đó, các phương án đều sử dụng kết hợp cả hai loại hình phân chia phân khu theo địa lý và theo chức năng, bao gồm: 01 phân khu kiểm soát tàu bay đến trong giai đoạn tiếp cận trung gian và tiếp cận chót, 01 phân khu kiểm soát toàn bộ các tàu bay đi/đến còn lại khác. Việc phân chia phân khu trong vùng trời kiểm soát tiếp cận chính thức được áp dụng tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 30/03/2017 và tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/04/2017.

Ban Không lưu

Thông báo