Phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng - quân sự

Lưu lượng hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam ngày một gia tăng về số lượng, tính chất hoạt động bay ngày càng đa dạng và phức tạp. Yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động bay đồng thời khai thác một cách có hiệu quả vùng trời ngày càng mang tính cấp thiết. Ưu tiên tái cấu trúc tổ chức vùng trời và tăng cường phối hợp hiệp đồng, điều hành bay giữa các đơn vị Hàng không và Quân sự là việc làm cần thiết.

Vùng trời trách nhiệm điều hành bay (ĐHB) là một Vùng trời có kích thước và giới hạn cụ thể (giới hạn ngang, giới hạn cao), trong đó việc điều hành bay/ cung cấp dịch vụ Không lưu được giao cho một cơ sở điều hành bay Hàng không dân dụng hoặc đơn vị quân đội thực hiện. Mọi tàu bay hoạt động trong vùng trời đó phải chịu sự quản lý, điều hành và chỉ huy của Kiểm soát viên không lưu hoặc Chỉ huy bay Quân sự. Việc tổ chức vùng trách nhiệm căn cứ vào nhiều yếu tố, bao gồm địa hình, trang thiết bị thông tin, dẫn đường và giám sát; mật độ bay, năng lực nhân viên, tính năng tàu bay, sự phù hợp (hợp lý) của công tác phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vụ Điều hành bay trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, từ lâu hai hệ thống vùng trời trách nhiệm điều hành bay của hàng không và của quân sự đã được hình thành và được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiệp đồng và các qui chế phối hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang trong quá trình chuyển đổi, áp dụng chương trình mới về Thông tin, Dẫn đường, Giám sát và Quản lý không lưu (CNS/ATM) trên phạm vi toàn cầu. Việc hiện đại hóa các trang thiết bị hàng không và áp dụng công nghệ vệ tinh, kỹ thuật số từng bước thay thế các trang thiết bị truyền thống trên mặt đất cùng với các phương thức Quản lý hoạt động bay mới đang  là xu thế và cơ hội cho từng quốc gia trong việc hoàn thiện tổ chức vùng trời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị quản lý, ĐHB hàng không dân dụng và quân sự. Trong vùng trời Việt Nam,cường độ hoạt động bay ngày một gia tăng, tính chất hoạt động bay ngày càng đa dạng và phức tạp. Để đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả cho từng chuyến bay nói riêng và các loại hình hoạt động bay nói chung thì nhiệm vụ ưu tiên cần giải quyết trước là nghiên cứu tổ chức lại vùng trời đồng thời với tiến trình hoàn thiện công tác phối hợp hiệp đồng, điều hành bay giữa các đơn vị ĐHB.

Thực trạng tổ chức Vùng trời trách nhiệm ĐHB và công tác phối hợp ĐHB  hiện nay:

1. Vùng trời trách nhiệm ĐHB của Hàng không dân dụng.

Theo công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) Việt Nam, vùng trời trách nhiệm ĐHB của Hàng không dân dụng bao gồm vùng trời lãnh thổ (Không phận) và vùng trời do Tổ chức Hàng không dân dụng phân công cho Việt Nam quản lý và chúng ta quen gọi là vùng trời Việt Nam hay Vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam. Chúng ta có 02 vùng FIR Hà Nội và Vùng FIR Hồ Chí Minh. Việt Nam có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm Hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam, bao gồm: Không lưu (ĐHB); Thông báo tin tức hàng không; Thông tin, dẫn đường, giám sát,; Khí tượng hàng không và Tìm kiếm cứu nạn. Trách nhiệm ĐHB trong  vùng trời Việt Nam hiên nay được phân thành gồm 6 khu vực kiểm soát đường dài (ACC Sector) và 3 khu vực tiếp cận (TMA) tại ba sân bay Quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và 21 khu vực kiểm soát tại sân. Các khu vực kiểm soát tại sân có bán kính từ 30 đến 60 km tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, kĩ thuật và năng lực của từng sân bay. Tuy nhiên, theo hệ thống văn bản, quy định hiện hành thì hàng không dân dụng chỉ có trách nhiệm điều hành bay trong Vùng trời sân bay dân dụng, sân bay dùng chung; Đường hàng không; Khu vực phục vụ cho hoạt động hàng không chung (hiện chưa được thiết lập);  Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hoá dành cho tàu bay dân dụng; Phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý

2. Vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Quân sự:

Hiện nay các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, giám sát mọi hoạt động bay trong lãnh thổ Việt Nam và nhận các thông tin về hoạt động bay trong vùng trời trên biển từ các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Quân chủng Phòng không - Không quân là đơn vị trực tiếp điều hành bay đối với các tàu bay quân sự. Bên cạnh hệ thống vùng trời trách nhiệm ĐHB hàng không dân dụng là hệ thống vùng trời trách nhiệm ĐHB quân sự. Vùng trách nhiệm điều hành bay quân sự là toàn bộ vùng trời lãnh thổ Việt Nam trừ đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng và khu vực hàng không chung.  Hệ thống này được Quân chủng Phòng không - Không quân phân công cho các Trung tâm chỉ huy, điều hành bay Quốc gia, Trung tâm chỉ huy, điều hành bay khu vực I, II, III và các đơn vị Không quân trực tiếp điều hành bay tại khu vực vùng trời các sân bay có căn cứ Không quân. 

Ngoài khu vực trách nhiệm điều hành bay của Hàng không dân dụng và Quân sự, trong vùng trời Việt Nam còn tồn tại một số khu vực trách nhiệm điều hành bay của các lực lượng khác ví dụ như các Trung tâm điều hành bay trực thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam và các câu lạc bộ hàng không phía Bắc và phía Nam ... với các kích thước vùng trời trách nhiệm điều hành bay chưa xác định ranh giới.

3. Thực trạng phối hợp, hiệp đồng điều hành bay:

Hiệp đồng là công việc bắt buộc phải thực hiện giữa các cơ quan chỉ huy, điều hành bay kế cận để trao đổi, tiếp nhận các thông tin về một chuyến bay cụ thể trong trường hợp chuyển giao trách nhiệm điều hành bay từ vùng trời trách nhiệm ĐHB này sang vùng trời trách nhiệm ĐHB kế cận hoặc thỏa thuận về điều kiện sử dụng vùng trời trong trường hợp vùng trời chồng lấn trách nhiệm. Hiệp đồng ĐHB được thực hiện theo các văn bản Hiệp đồng giữa các đơn vị ĐHB. Hiện nay, chúng ta có hệ thống văn bản phối hợp hiệp đồng điều hành bay giữa các đơn vị điều hành bay hàng không dân dụng có ranh giới liền kề với nhau và hệ thống các văn bản hiệp đồng ĐHB và văn bản hiệp đồng đảm bảo an toàn bay giữa các đơn vị ĐHB hàng không và quân sự có vùng trời chồng lấn trách nhiệm ĐHB. Các văn bản hiệp đồng ĐHB, đảm bảo an toàn bay thường xuyên được cập nhật khi có bất kỳ thay đổi nào về tổ chức vùng trời, phương thức bay và phương thức ĐHB.

4. Những tồn tại và đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới:

Trong thời gian qua, các cơ quan HKDD và QS đã tích cực trong việc phối hợp hiệp đồng ĐHB và tổ chức vùng trời, tối ưu hóa các đường hàng không và phương thức bay đã mang lại lợi ích kinh tế và tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, công tác phối hợp hiệp đồng và tổ chức vùng trời của chúng ta cũng đã bộc lộ một số điểm chưa hợp lý so với các chuẩn mực quốc tế nói chung và đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động HKDD đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh - quốc phòng. Một số vấn đề chưa phù hợp cần được xem xét để hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành bay, cụ thể là:

- Phân vùng trách nhiệm ĐHB của Hàng không dân dụng và của Quân sự trong lãnh thổ Việt Nam còn nhiều khu vực chồng lấn;

- Hiện nay đang tồn tại nguyên tắc tàu bay bên nào do bên đó trực tiếp chỉ huy mà không phụ thuộc vào vùng trời trách nhiệm ĐHB, dẫn đến trong nhiều trường hợp gây khó khăn, phức tạp trong việc phối hợp, hiệp đồng sử dụng vùng trời. Hiện nay ở một số sân bay, một số vùng trời đặc biệt là các sân bay Quốc tế lớn, đã có nhiều thời điểm hoạt động bay đã đạt mức tới hạn của khả năng vùng trời điều hành bay.  

- Do có sự chồng lấn về khu vực trách nhiệm ĐHB nên tại một vùng trời, tại cùng một thời điểm, các tàu bay của Hàng không và Quân sự chịu sự chỉ huy ĐHB trên các tần số liên lạc khác nhau dẫn đến không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay này (nguyên tắc  chung của công tác điều hành bay là tại một vùng trời, một thời điểm chỉ dử dụng một tần số duy nhất để điều hành bay, trừ tần số khẩn nguy );

- Trách nhiệm đảm bảo phân cách an toàn tối thiểu giữa tàu bay dân dụng và quân sự trong vùng trời chồng lấn trách nhiệm ĐHB chưa được xác định rõ phương thức, giá trị áp dụng và cơ quan chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong vùng trời sân bay dùng chung;

- Vùng trời sân bay dùng chung cho hoạt động bay hàng không dân dụng và cho hoạt động quân sự tại nhiều sân bay có giới hạn khác nhau, không thống nhất  dẫn đến tăng tính phức tạp và xảy ra hiện tượng chồng chéo đầu mối phối hợp hiệp đồng ĐHB giữa các đơn vị ĐHB hàng không và quân sự;

 - Việc qui định cứng chiều rộng (giới hạn ngang) đường hàng không một các cố định (20 km đối với đường hàng không nội địa và 30 km đối với dường hàng không quốc tế) đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp khi áp dụng các phương tiện dẫn đường  tiên tiến. Điều này dẫn đến lãng phí tài nguyên vùng trời và cần nhanh chóng điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của quốc tế, đảm bảo an toàn bay và sử dụng có hiệu quả tài nguyên vùng trời;

 - Vì chưa thiết lập vùng điều hành bay tầng cao (Uper FIR), hiện nay các đường hàng không nội địa và quốc tế có giới hạn cao xuyên suốt từ tầng thấp đến tầng  cao dẫn đến gia tăng công tác phối hợp ĐHB, khó khăn tổ chức vùng trời và tăng chi phí cho các Nhà khai thác vùng trời.

Để từng bước giải quyết các vấn đề khó khăn tồn tại đã đề cập đến ở trên cũng như chủ động chuẩn bị các phương hướng để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động hàng không trong thời gian tới:

- Cần tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng để tăng cường sử dụng Vùng trời linh hoạt và hiệu quả.

- Các cơ quan hàng không dân dụng và quân sự cần tích cực nghiên cứu áp dụng các kinh nghiệm của các nước trong việc phân chia vùng trời trách nhiệm điều hành bay của hàng không dân dụng và quân sự.

- Các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành nghiên cứu, cấu trúc lại vùng trời điều hành bay theo hướng giảm thiểu tối đa việc chồng lấn trách nhiệm điều hành bay.

- Tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ cấu trúc vùng trời hoạt động Hàng không Việt Nam. Tập trung nghiên cứu, nhận diện các điểm/khu vực trọng yếu (điểm/khu vực nóng) trong hoạt động lưu thông hàng không để kịp thời xác định, dự báo và đề ra các giải pháp xử lý an toàn, hiệu quả

- Nghiên cứu nhu cầu khai thác, sử dụng vùng trời của các tổ chức, cá nhân để hoạch định,  xây dựng và đề xuất các phương án tái cấu trúc vùng trời cho các loại hình hoạt động bay khác nhau theo cấp độ từng khu vực và toàn bộ vùng trời Việt Nam, hướng tới mục tiêu đảm bảo đáp ứng cao nhất nhu cầu khai thác vận tải hàng không nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn ổn định và hiệu quả trong hoạt động điều hành bay.

- Tiếp cận nghiên cứu xây dựng phương pháp và sớm đánh giá năng lực các khu vực vùng trời trách nhiệm của các cơ sở điều hành bay. Tạo tiền đề giám sát, quản lý năng lực hệ thống không lưu, hình thành và áp dụng các biện pháp quản lý luồng không lưu.

- Rà soát, kiểm tra lại các không vực bay quân sự mà khai thác hiệu quả thấp để trình cấp có thẩm quyền hủy bổ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc tăng cường phối hợp hiệp đồng, quản lý, điều hành bay chặt chẽ giúp cho các hoạt động bay được an toàn và hiệu quả. Đây thuộc phạm vi trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị , trong đó có  Cục Hàng không Việt Nam, các Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải và Cục tác chiến  Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân  và Tổng công ty trực thăng  của Bộ Quốc phòng.