22/10/2024
Sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa
Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây không chỉ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khu vực miền Trung mà còn có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt – nơi lưu giữ những bằng chứng chứng minh rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chiều 28/5, đoàn đã tới thăm một trong những địa điểm văn hóa lịch sử vô cùng quan trọng và thiêng liêng của Tổ quốc đó là Nhà trưng bày Đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải. Được xây dựng năm 2010, nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật của những hùng binh năm xưa cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ thể hiện chủ quyền biển đảo với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tới thăm và chụp ảnh tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Nhà trưng bày nằm trong khuôn viên thoáng đãng có sân rộng, phía trước là cụm tượng đài bằng chất liệu đá xanh đứng hiên ngang, sừng sững. Cụm tượng đài cao 4,5m phát họa hình ảnh 3 tráng sĩ, đứng giữa cai đội trưởng mặc quân phục triều đình 1 tay chỉ thẳng ra biển hướng về Hoàng Sa, tay kia đặt lên cột mốc có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Mặt sau của tượng đài có khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” tạm dịch là Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia, đây được xem là chiếu của vua Minh Mạng ra năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17).
Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với các thể hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bằng nguồn tư liệu, hiện vật xác thực và khoa học, phần trưng bày về nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa còn góp phần minh chứng và khẳng định một sự thật lịch sử quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp đó, đoàn tới thăm Cột cờ Tổ quốc huyện đảo Lý Sơn. Cột cờ Tổ quốc có chiều cao 20m, được xây dựng trên đỉnh núi Thới Lới theo thiết kế cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam, diện tích lá cờ 4 x 6 mét, hướng ra Hoàng Sa. Mặt chính cột cờ ghi rõ chủ quyền, kinh độ, vĩ độ của đảo Lý Sơn. Phần thân màu trắng được bọc ngang mang sắc đỏ của Quốc kỳ, như biểu tượng xương máu cha ông ôm lấy và bảo vệ từng tấc đất, từng dấu mốc ngoài đảo xa. Phía sau Cột cờ là 4 bức phù điêu có điêu khắc hình ngọn lửa dựa trên biểu trưng của Hội Sinh viên Việt Nam, thể hiện sức trẻ của sinh viên với khát khao vươn lên.
Chụp ảnh kỷ niệm tại Cột cờ Tổ quốc huyện đảo Lý Sơn
Đây là công trình được khơi nguồn từ Chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc năm 2013”. Tình yêu biển đảo quê hương đó đã được kết tinh, biến thành hành động và gửi gắm vào lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tổ quốc tại núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Công trình mang ý nghĩa tuyên truyền chính trị sâu sắc. Cột cờ không những là lời thề son sắt của tuổi trẻ nguyện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đối với biển, đảo quê hương; mà còn là điểm tựa cho ngư dân thêm an lòng mỗi khi vươn khơi bám biển.
Trên hành trình tới thăm và trài nghiệm tại huyện đảo Lý Sơn, đoàn đã ghé thăm Đảo Bé còn có tên gọi khác là đảo An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn, nằm cách đảo Lớn (đảo Lý Sơn) chừng 3 hải lý (hơn 5km) về phía tây bắc với thời gian chạy ca nô khoảng 10 - 15 phút. Đảo có diện tích chưa đầy 1 km2, với khoảng 70 hộ dân (hơn 300 nhân khẩu) sinh sống. Người dân trên đảo sống dựa vào nghề đánh bắt thủy sản, trồng rau màu và hành tỏi.
Kết thúc chuyến đi vô cùng ý nghĩa này, đảng viên Chi bộ Tổng hợp nhận thức sâu sắc về trách nhiệm hơn nữa của mỗi cá nhân trong việc tiếp nối cha ông giữ vững chủ quyền biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
CBTH