19/04/2025
Sinh hoạt chuyên đề về nguồn của Chi bộ Ban Tài chính và Chi bộ Ban Kế hoạch - Đầu tư
Từ ngày 12/4/2025 đến ngày 13/4/2025, Chi bộ Ban Tài chính đã phối hợp với Chi bộ Ban Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề “Về nguồn – học tập giáo dục truyền thống cách mạng” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - Tuyên Quang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương sống và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chuyến đi kết hợp việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục truyền thống thông qua việc tham quan, tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại các di tích lịch sử. Sự kiện sinh hoạt chính trị này đã thu hút được nhiều đảng viên, quần chúng của Ban Tài chính và Ban Kế hoạch - Đầu tư tham gia.
Điểm dừng chân đầu tiên, đoàn ghé thăm và dâng hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Trung tâm của khu tưởng niệm là nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng gồm: Đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Lê Duẩn, Đồng chí Tôn Đức Thắng, Đồng chí Phạm Văn Đồng, Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ông Bùi Bằng Đoàn (một nhân sĩ yêu nước chân chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Ban cố vấn Chính phủ; thanh tra đặc biệt của Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa I), Đồng chí Phạm Hùng, Đồng chí Võ Văn Kiệt, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đồng chí Lê Văn Lương, Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Đồng chí Tố Hữu.

Điểm đến tiếp theo của đoàn là Đình Tân Trào, là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc tại đình Tân Trào. Về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.

Đoàn di chuyển đến cây đa Tân Trào là biểu tượng của Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Khu giải phóng và là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Hình ảnh cây đa cổ thụ không chỉ khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam mà còn được các nghệ sĩ đưa vào thơ ca, nhạc họa, trở thành nguồn cảm hứng bất tận.
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc đã sống và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trên cả nước. Đoàn đã được nghe câu chuyện về nếp sống giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ và những ngày Người ốm nặng với những cơn sốt cao, nhiều lúc mệt lả, mê man, nhưng khi tỉnh dậy, Người vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo. Cũng chính từ căn lán nhỏ đơn sơ này, Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã hội.

Kết thúc chuyến đi ý nghĩa, mỗi đảng viên, quần chúng của 02 Chi bộ đều cảm nhận Khu di tích lịch sử Tân Trào không chỉ là di sản văn hoá quý báu của Tuyên Quang, mà còn là niềm tự hào của cả quốc gia. Mỗi di tích lịch sử trong khu di tích đều là dấu ấn về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc. Đây là nơi để mọi thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng và thế hệ trẻ về nguồn để tìm hiểu truyền thống của cha ông, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, từ đó hun đúc khát vọng và nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương, đất nước.
Vũ Cẩm Khuyên