31/12/2024
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tham dự cuộc họp nhóm thực hiện liên lạc dữ liệu giữa các phương tiện dịch vụ không lưu
Đồng chủ tọa cuộc họp là ông Anurag Sharnma Herabat, Trưởng bộ phận CNS của Cơ quan quản lý Cảng Hàng không Ấn Độ và ông Kwek Chin Lin Trưởng bộ phận khai thác và quản lý không lưu, Cục Hàng không Singapore đánh giá cao mục đích của cuộc họp và nhấn mạnh tầm quan trọng của các thành viên nhóm đã đóng góp tích cực cho việc phối hợp triển khai thực hiện AIDC.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Cuộc họp đã xem xét kết quả của các hội nghị APANPIRG/29 và CNS SG/22 về các vấn đề liên quan đến AIDC do Ban thư ký trình bày; hiện trạng thực hiện ATN/AMHS và AIDC từ báo cáo của cuộc họp CRV OG/5; những vấn đề thực hiện được báo cáo bao gồm các vấn đề về kỹ thuật như độ trễ mạng AFTN và thảo luận các giải pháp đề xuất.
Trong cuộc họp, các đại biểu đã lưu ý rằng dự án thử nghiệm mạng riêng ảo hàng không chung (CRV) đã được thực hiện thành công bởi Úc, Fiji, New Zealand và Mỹ, tạo tiền đề cho các quốc gia có thể tiến hành ký thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ. CRV có thể sử dụng để giải quyết độ trễ của mạng AFTN khi sử dụng cho AIDC. Cuộc họp cũng xem xét thêm kế hoạch thực hiện cho các ưu tiên khắc phục các điểm nóng (hot-spot) được xác định bởi APANPIRG bao gồm cả các điểm nóng được bổ sung thêm bởi cuộc họp RASMAG/23;
Qua cuộc họp, các quốc gia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện, thảo luận các vấn đề liên quan, đồng thời cập nhật tình hình thực hiện AIDC của quốc gia mình.
Đoàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bao gồm các thành viên từ Ban Kỹ thuật và Ban Không lưu cùng đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã tham gia tích cực, chia sẻ các thông tin về tình hình triển khai thử nghiệm AIDC của Việt Nam cũng như các vấn đề gặp phải trong quá trình thử nghiệm, phối hợp với các quốc gia liên quan đề xuất kế hoạch triển khai AIDC của khu vực.
AIDC (ATS INTER-FACILITY DATA COMMUNICATION) liên lạc dữ liệu giữa các phương tiện dịch vụ không lưu: là phương thức trao chuyển giao điều hành giữa các vùng thông báo bay (FIR) dựa trên trao đổi dữ liệu thay cho phương thức sử dụng thoại truyền thống. Trong đó, có một số công đoạn được thực hiện một cách tự động. Điều này dẫn đến giảm tải và tăng năng suất công việc cho kiểm soát viên không lưu.
Nguyễn Hồng Hiệp