26/08/2024
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Tự hào hành trình 30 năm đổi mới và hội nhập
Gần 70 năm xây dựng và phát triển, Hàng không Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách xây đắp nên nhiều thành tích rất đáng tự hào, tự tin hội nhập với cộng đồng Hàng không thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong thành tích chung của Ngành Hàng không Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Tiếp nối thành tích của các đơn vị tiền thân của Tổng công ty, trong 30 năm qua, kể từ khi ra đời, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới, đưa lĩnh vực Quản lý hoạt động bay vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Những thành tựu đạt được trong 30 năm qua đã và đang tạo nên động lực mới cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nắm bắt vận hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của Ngành Hàng không Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ CÁC DẤU MỐC QUAN TRỌNG
- Chuyển đổi, kiện toàn mô hình tổ chức để phát triển
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (viết tắt là Tổng công ty), tiền thân là Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (Trung tâm QLB DDVN) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 746/QĐ/TCCB-LĐ ngày 20/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đến nay Tổng công ty đã trải qua 3 lần chuyển đổi tổ chức:
Lần 1: Ngày 24/01/1998 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 15/1998/QĐ-TTg chuyển đổi Trung tâm QLB DDVN từ đơn vị sự nghiệp có thu thành doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Lần 2: Ngày 19/6/2008 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 1789/QĐ-BGTVT thành lập Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam là Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003.
Lần 3: Ngày 25/6/2010 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 1754/QĐ-BGTVT thành lập Công ty mẹ- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, được tổ chức theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, với công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005. Bộ GTVT thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu đối với Tổng công ty.
- Tham gia giành lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh
Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận chung khu vực Trung Đông và Đông Nam Á tại Rôma năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở Biển Đông.
Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm: Thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông; Phân chia phần công hải trên biển Đông thuộc FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm lâm thời, giao ba trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Singapore và Hồng Kông điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai năm 1983 (RAN2) họp tại Singapore, vì lợi ích kinh tế, một số nước đã yêu cầu ICAO xóa bỏ vùng trách nhiệm tạm thời của ICAO phân chia trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh và chính thức giao các quốc gia quản lý. Tuy nhiên, ta đã đấu tranh giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời do ICAO xác lập, để ta có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn cho việc đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 01/12/1987, Tổng cục Hàng không dân dụng có Tờ trình số 573/TCHK báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quá trình đấu tranh và những nhiệm vụ cấp thiết để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 04/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 05-CT về “Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Tổng cục Hàng không dân dụng về công tác tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh. Chấp hành Chỉ thị 05, Nghị quyết Đảng ủy Tổng cục Hàng không năm 1989 đặt nhiệm vụ giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trong giai đoạn này.
Ngày 09/4/1988, Tổng cục Hàng không dân dụng trình Hội đồng Bộ trưởng Chương trình giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là kiện toàn Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đủ điều kiện để tiếp nhận quản lý FIR Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc kiện toàn ACC Hà Nội.
Mục tiêu cụ thể bao gồm: i) Nhanh chóng sửa chữa, khôi phục và đưa vào khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở, trang thiết bị hiện có; ii) Bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cần thiết theo yêu cầu quản lý FIR trên 6 lĩnh vực mà ICAO đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO một cách an toàn và hữu hiệu, tập trung chủ yếu vào công tác quản lý bay, dẫn đường và chỉ huy bay, gồm thông tin, radar, vệ tinh, đất đối không tầm xa và khí tượng; iii) Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đủ số nhân viên có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật và anh ngữ đủ sức điều hành FIR theo tiêu chuẩn ICAO; iv) Chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức ngành quản lý bay. Biên soạn và áp dụng các quy tắc khai thác không lưu, thông tin, khí tượng theo các khuyến cáo của ICAO.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị từ năm 1988 đến 1993, Quản lý bay Việt Nam đã kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận tại Đà Nẵng; Khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh; Lắp đặt 5 trạm radar giám sát hàng không hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua, Cà Mau... để quản lý FIR Hồ Chí Minh; Trang bị xong và đưa vào khai thác 03 đài dẫn đường DVOR/DME Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát.
Tại Hội nghị RAN3 diễn ra tại Băng-cốc năm 1993, đoàn Việt Nam đã tuyên bố 6 lĩnh vực ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. Trước tinh thần đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế của Việt Nam, cuối cùng Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn ngày 24/11/1993: “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO”.
Tiếp sau Hội nghị RAN-3, ngành HKDD Việt Nam tiếp tục tập trung chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Qua đợt kiểm tra đánh giá cuối cùng tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh vào tháng 9/1994, ICAO đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 07/12/1994 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Công ước Chicago về HKDD quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và tiếp nhận quyền quản lý và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Đúng 0 giờ quốc tế ngày 08/12/1994, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh chính thức điều hành, kiểm soát, cung cấp các dịch vụ không lưu cho toàn bộ hoạt động bay dân dụng trong phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Sau 18 năm đấu tranh bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Bộ Chính trị và Chính phủ trên phương diện ngoại giao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không; đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay vững về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ, công nhân viên; ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong Đoàn tham dự Hội nghị RAN-3 và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự công nhận của các hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay đi, đến thường lệ hoặc quá cảnh qua Việt Nam, ngành HKDD Việt Nam nói chung và Quản lý bay Việt Nam nói riêng đã đấu tranh thắng lợi giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 08/12/1994 đã đi vào lịch sử trong ngành Hàng không Việt Nam nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng. Đó là mốc son cực kỳ quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng và ngoại giao.
QUẢN LÝ BAY VIỆT NAM ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời quốc gia
Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ liên quan, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị quân đội, công an, Ngoại giao tổ chức cấp phép, triển khai phép bay và kế hoạch bay; quản lý và điều hành bay các hoạt động bay an toàn, điều hòa và hiệu quả đồng thời tham gia hỗ trợ tích cực trong công tác đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
- Các loại dịch vụ không lưu được cung cấp:
+ Dịch vụ điều hành bay: Dịch vụ kiểm soát đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay;
+ Dịch vụ thông báo bay;
+ Dịch vụ tư vấn không lưu;
+ Dịch vụ báo động.
Ba đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty Quản lý bay miền Trung và Công ty Quản lý bay miền Nam trực tiếp quản lý tất cả các cơ sở điều hành bay, trong đó bao gồm: 02 Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC Hà Nội và ACC Hồ Chí Minh), 04 Cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP Nội Bài, APP Đà Nẵng, APP Cam Ranh và APP Tân Sơn Nhất) và 22 Đài kiểm soát tại sân có kiểm soát đó là: TWR Điện Biên, Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Chu Lai, Pleiku, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, Cà Mau, Côn Sơn.
Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) được chia thành 4 phân khu bao gồm: Phân khu 1, 2, 3, 4 trong đó Phân khu 4 nằm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và ủy quyền cho ACC Hà Nội điều hành.
Trung tâm kiểm soát đường dài HCM (ACC HCM) được chia thành 6 phân khu bao gồm các Phân khu 1, 2, 3, 4, 5 và 6.
Khu vực kiểm soát tiếp cận Nội Bài được phân chia thành 2 phân khu: Kiểm soát trung tận (TMC Nội Bài) và Kiểm soát đến (ARR Nội Bài).
Khu vực kiểm soát tiếp cận Đà Nẵng được phân chia thành 2 phân khu: Kiểm soát tiếp cận tầng cao (CTL Đà Nẵng) và Kiểm soát tiếp cận (APP Đà Nẵng).
Khu vực Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được phân chia thành 02 phân khu: Phân khu Kiểm soát tàu bay đến Tân Sơn Nhất (TSN ARR) và Phân khu Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (TSN TMC) - Trombone.
Các Trung tâm kiểm soát đường dài, Cơ sở kiểm soát tiếp cận, Đài kiểm soát tại sân bay hàng không dân dụng có trách nhiệm hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị chỉ huy bay quân sự khi có hoạt động bay ảnh hưởng lẫn nhau và điều hành các tàu bay vận tải quân sự (khi được ủy quyền).
Kiểm soát viên không lưu là lực lượng trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay, thông báo bay và báo động nhằm đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả các hoạt động bay.
Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời đường dài và trung tận; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.
30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.
Bảng tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty từ 1993-2022:
Năm | Tổng sản lượng điều hành bay (Lần chuyến) | Tổng thu điều (Triệu đồng) | Nộp ngân sách Nhà nước (Triệu đồng) |
1993 | 130.425 | 81.019 | 44.627 |
1994 | 135.200 | 206.598 | 109.333 |
1995 | 139.627 | 500.284 | 276.083 |
1996 | 143.948 | 563.806 | 310.432 |
1997 | 151.225 | 645.383 | 346.071 |
1998 | 143.725 | 730.948 | 301.218 |
1999 | 145.700 | 743.586 | 314.000 |
2000 | 156.772 | 839.812 | 430.700 |
2001 | 177.265 | 921.946 | 477.108 |
2002 | 192.607 | 1.068.000 | 556.500 |
2003 | 186.603 | 1.087.167 | 656.740 |
2004 | 234.137 | 1.361.709 | 726.867 |
2005 | 248.287 | 1.437.088 | 797.343 |
2006 | 267.102 | 1.528.663 | 686.018 |
2007 | 295.089 | 1.670.756 | 925.793 |
2008 | 315.946 | 1.858.949 | 979.973 |
2009 | 312.038 | 1.913.736 | 1.014.812 |
2010 | 359.505 | 2.229.210 | 1.092.153 |
2011 | 420.638 | 2.746.207 | 1.538.849 |
2012 | 457.172 | 2.918.723 | 1.663.842 |
2013 | 508.217 | 3.211.182 | 1.637.108 |
2014 | 544.931 | 3.309.322 | 1.671.326 |
2015 | 640.848 | 4.034.415 | 2.221.995 |
2016 | 733.999 | 4.573.455 | 2.205.704 |
2017 | 800.088 | 4.971.000 | 2.236.000 |
2018 | 890.398 | 5.857.761 | 3.015.925 |
2019 | 972.908 | 6.371.800 | 3.454.000 |
2020 | 423.466 | 2.587.795 | 831.231 |
2021 | 293.633 | 2.164.824 | 753.692 |
2022 (ước thực hiện) | 537.661 |
2.607.000
| 937.000 |
2. Tích cực chủ động đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới nhằm phát triển toàn diện các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hội nhập không vận quốc tế
Trong nhiều năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn được xem là một trong số các đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Năm 2006, Tổng công ty đưa vào khai thác Trung tâm điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh và năm 2015 khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Tổng công ty đã tổ chức đầu tư và nâng cấp và xây mới hàng chục Đài kiểm soát không lưu, như: Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Phù Cát (năm 2000, 2001), Cà Mau (năm 2002), Điện Biên Phủ (năm 2004), Vinh (năm 2005), Phú Bài (năm 2006), Côn Sơn (năm 2006), Cam Ranh (năm 2009), Liên Khương (năm 2011), Cần Thơ (năm 2012), Nội Bài (năm 2012), Phú Quốc (năm 2013), Tân Sơn Nhất (năm 2013), Cát Bi (năm 2015), Tuy Hòa (năm 2016), Thọ Xuân (năm 2017), Phù Cát (năm 2021). Ngày 29/9/2022, Tổng công ty chính thức khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”.
Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do Tổng công ty cung ứng có thể xem là những sản phẩm đặc biệt, là kết quả hoạt động liên kết của nhiều chuyên ngành trong một dây chuyền công nghệ khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế, không được phép có thứ phẩm.
2.1. Cung ứng dịch vụ không lưu
- Năm 1994, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực để thực hiện khuyến cáo của ICAO; bổ sung nâng cao các phương tiện thực hiện công tác chuyên môn như tài liệu, bản đồ, đào tạo cấp tốc tại nước ngoài cho 67 kiểm soát viên không lưu và nâng cao trình độ ngoại ngữ tại chỗ cho hàng trăm lượt người.
- Tháng 12/1994, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC/HAN) đã được đưa vào hoạt động. Đây là Trung tâm Kiểm soát đường dài được đầu tư mua sắm trang thiết bị tiên tiến và xây dựng mới hoàn toàn.
- Ngày 27/5/1995, chính thức áp dụng phương thức kiểm soát radar thuộc FIR Hà Nội cùng với phần phía nam FIR Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đưa phương thức quản lý bay, quản lý vùng trời từ nghe - nói sang nghe - nói - giám sát. Việc áp dụng phương thức kiểm soát radar đối với các hoạt động bay là sự kiện quan trọng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điều hành bay của ngành HKDD Việt Nam và tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bay trong các FIR của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn chủ quyền không phận quốc gia.
- Ngày 03/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 190/TTg phê duyệt hệ thống dẫn đường bay áp dụng đặc tính dẫn đường RNP trên Biển Đông, gồm đường bay từ Hong Kong đi Singapore, đường qua Phù Cát đi Manila, từ Singapore đi Hong Kong; từ Băng cốc đi Singapore; từ Kuala Lumpur đi Phnom Penh, từ Kuala Lumpur đi Manila; từ Tân Sơn Nhất đi Brunei; từ Kuala Lumpur đi Tân Sơn Nhất, từ Đài Loan, Đông Bắc Á đi Singapore, từ Singapore đi Đài Loan, Đông Bắc Á; thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng CNS/ATM mới của ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
- Năm 1997, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã tổ chức, cung cấp các dịch vụ điều hành bay trên toàn bộ các khâu trong dây chuyền quản lý, điều hành bay bao gồm kiểm soát không lưu tại sân, tiếp cận và đường dài cùng với các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác.
- Năm 1999, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã tổ chức ký kết các văn bản hiệp đồng điều hành bay với HKDD Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Lào và Campuchia; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và Bộ Quốc phòng, xây dựng phương án tổ chức vùng trời cho FIR Hà Nội, đáp ứng sự thay đổi về mật độ bay và các quy định quốc tế.
- Cuối năm 2000, dưới sự chủ trì của Tiến sỹ Assad Kotaite - Chủ tịch Hội đồng ICAO, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất điều hành hệ thống đường bay mới và tổ chức vùng trời trên biển Đông. Gần một năm gấp rút triển khai, tháng 10/2001, sau khi được đại diện Văn phòng ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào kiểm tra và kết luận: Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng điều hành hệ thống đường bay mới. Hệ thống đường bay mới trên biển Đông được đưa vào khai thác từ ngày 01/11/2001.
- Tổ chức thực hiện thành công Chương trình giảm tiêu chuẩn phân cách cao (RVSM) phù hợp với yêu cầu và kế hoạch của ICAO, được Cộng đồng HKDD khu vực đánh giá rất cao với 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 31/10/2002, giai đoạn 2 từ 22/11/2007, giai đoạn 3 từ 02/7/2008. Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Hà Nội không chỉ nâng cấp về hệ thống thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và kiểm soát viên không lưu mà còn xây dựng hệ thống văn bản khai thác, phương thức điều hành phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các ACC kế cận để đảm bảo kế hoạch điều hành bay RVSM thành công.
- Năm 2003, triển khai Kế hoạch không vận 2003-2005 với các nội dung hoàn thiện hệ thống đường bay không lưu trong khu vực, triển khai thực hiện các nội dung, kế hoạch điều hành bay giảm phân cách cao (RVSM giai đoạn 3) trong khu vực Châu Á; phối hợp với Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu xây dựng phương án phối hợp điều hành tàu bay quân sự nước ngoài bay quá cảnh Việt Nam giữa HKDD và quân sự, xây dựng và áp dụng phương án điều hành tàu bay khi đang bay bị can thiệp bất hợp pháp và xử lý thông tin sai.
- Năm 2005, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã tổ chức xây dựng, áp dụng việc phân chia các phân khu kiểm soát không lưu từ 03 phân khu thành 05 phân khu đảm bảo điều hòa và nâng cao năng lực kiểm soát điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh (áp dụng năm 2006); hoàn chỉnh hệ thống huấn luyện giả định hiện đại, đồng bộ nâng cao chất lượng huấn luyện tại chỗ.
- Năm 2006, Tổng công ty đưa vào khai thác Trung tâm điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh; sau đó tổ chức sửa đổi đường hàng không W2 và W15, mở đường bay mới Hà Nội - Kunming, sát nhập đường bay A1 và P901 trong không phận Sanya và tổ chức triển khai công tác điều hành bay theo các đường bay mới sửa đổi. Ký kết và triển khai thực hiện các văn bản hiệp đồng kiểm soát không lưu giữa ACC Hà Nội với các ACC Côn Minh, Singapore, Viên Chăn.
- Năm 2007 và 2008, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam tổ chức phối hợp với hàng không dân dụng Singapore nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai áp dụng thành công phương thức kiểm soát điều hành bay sử dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa kiểm soát viên không lưu và người lái (CPDLC) và phương thức giám sát tự động phụ thuộc dạng hiệp đồng (ADS-C) tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng radar thứ cấp thuộc FIR Hồ Chí Minh. Áp dụng phân cách theo tính năng dẫn đường yêu cầu - RNP 10.
- Từ năm 2009 đến nay, được sự chỉ đạo và đồng ý của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, ngành HKDD Việt Nam đã triển khai thành công Chương trình công tác về đường hàng không và phương thức bay đã thiết lập được nhiều đoạn đường hàng không thẳng rút ngắn thời gian bay đem lại lợi ích rất lớn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nước ngoài, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong thời gian vừa qua.
- Ngày 18/8/2016, đường hàng không song song một chiều RNAV5 Q1, Q2 trục Bắc - Nam và các vệt bay kết nối, phương thức kết nối đã chính thức được đưa vào khai thác.
- Ngày 10/11/2016, Tổng công ty chính thức áp dụng phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 tại Tân Sơn Nhất; 07h00 ngày 30/3/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức chuyển đổi phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 và phân chia lại các phân khu kiểm soát tiếp cận Nội Bài; từ 00h01 (giờ UTC) ngày 17/8/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức áp dụng phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
- Từ ngày 14/9/2017, Tổng công ty triển khai áp dụng các phương thức bay mới sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và RNP APCH dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) tại sân bay Cam Ranh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay Cam Ranh tăng lên gấp đôi, đồng thời nâng cao được mức độ bảo đảm an toàn bay.
- Áp dụng các phương thức bay dựa trên tính năng (PBN-Performance Based Navigation): Hiện tại, việc triển khai PBN tại 22 sân bay Việt Nam cơ bản theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra: 17/22 sân bay đã được triển khai, áp dụng PBN bao gồm Nội Bài, Điện Biên, Cát Bi, Vân Đồn, Thọ Xuân, Vinh, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Côn Sơn, Phú Quốc, Chu Lai. Dự tính đến tháng 06 năm 2023 Tổng công ty áp dụng toàn bộ phương thức bay PBN tại 22 sân bay. Việc đưa vào áp dụng các phương thức bay, đường bay PBN tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong phương pháp điều hành bay thông qua việc tận dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến của tàu bay, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc của KSVKL và phi công, giảm nhu cầu dẫn dắt tàu bay bằng radar tại những nơi được trang bị giám sát cũng như nhu cầu liên lạc thoại vô tuyến, nâng cao độ chính xác an toàn bay và góp phần hỗ trợ việc lập kế hoạch hiệu quả hơn cho cả cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu lẫn nhà khai thác.
- Triển khai hệ thống AMAN/DMAN: Điều hành và quản lý các chuyến bay đến và các chuyến bay khởi hành là nhiệm vụ cần thiết để sắp xếp luồng không lưu, nhằm nâng cao năng lực tiếp thu của sân bay, đảm bảo an toàn, điều hòa và mang lại hiệu quả cao nhất cho tất cả các hoạt động bay tại Cảng Hàng không. Trợ giúp cho nhiệm vụ này là hệ thống quản lý tàu bay đến/khởi hành (AMAN/DMAN).
Hệ thống AMAN/DMAN đã được Tổng công ty triển khai áp dụng tại Cảng HKQT Nội Bài từ 07h00’ ngày 07/10/2021 nhằm quản lý tàu bay đến/khởi hành, giúp hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành bay, quản lý, sắp xếp hiệu quả luồng tàu bay đến, tàu bay khởi hành, tối ưu năng lực khai thác của sân bay, giảm tình trạng xếp hàng chờ cất cánh, giảm tiêu thụ nhiên liệu, mang lại lợi ích kinh tế cho các hàng hàng không. Việc triển khai áp dụng AMAN/DMAN sẽ là tiền đề quan trọng để Tổng công ty tiếp tục tham gia phát triển các công nghệ khác tại sân bay như A-CDM, Ramp Control… tại Cảng HKQT Nội Bài và nhân rộng mô hình áp dụng tại các cảng Hàng không trọng điểm khác như Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng sẵn sàng đáp ứng khi hoạt động bay tăng cao trở lại.
- Đưa vào khai thác phần mềm thiết kế phương thức bay FPDAM: Hệ thống phần mềm FPDAM (Flight Procedure Design and Management) và các phần mềm phụ trợ khác của IDS Air Nav đã được Trung tâm Thông báo tin tức hàng không - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 nhằm nâng cao năng lực thiết kế phương thức bay, đặc biệt là phương thức bay PBN để đảm bảo tiến độ Kế hoạch thực hiện PBN của Việt Nam do Cục HKVN ban hành. FPDAM là sản phẩm chủ chốt trong hệ thống sản phẩm của IDS Air Nav trong lĩnh vực quản lý và thiết kế hàng không. Đây là giải pháp thiết kế phương thức bay hàng đầu trên thế giới.
- Giảm thiểu tiêu chuẩn phân cách tối thiểu trên đường dài và tại sân Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nhờ ứng dụng hệ thống giám sát ATS đáp ứng tiêu chuẩn Tier-1: Được Cục Hàng không Việt nam phê duyệt, nhằm tăng năng lực tiếp thu, giảm ách tắc trong vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất, từ ngày 6/12/2018, Tổng công ty áp dụng thực hiện giảm giá trị phân cách tối thiểu trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất từ 5 hải lý xuống 3 hải lý (5NM xuống 3NM). Từ ngày 20/6/2019, Tổng công ty thực hiện giảm phân cách tối thiểu giữa các tàu bay trong vùng trời khu vực Đà Nẵng từ 5NM xuống 3NM. Từ tháng 05/2020, các cơ sở điều hành bay TWR Cát Bi, TWR, Vinh, TWR Thọ Xuân, TWR Đồng Hới, TWR Vân Đồn đã áp dụng phân cách giám sát ATS trong công tác cung cấp dịch vụ điều hành bay; ACC Hà Nội áp dụng phân cách giám sát 5NM khi có tối thiểu 02 nguồn giám sát hợp tác hoặc 10NM khi chỉ có 01 nguồn giám sát hợp tác.
- Hiện nay, Tổng công ty đã đầu tư đưa vào sử dụng các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao như hệ thống radar mode-S, ADS-B… giúp công tác giám sát hoạt động bay cải thiện cả về chất lượng giám sát, tầm phủ cũng như các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống. Các hệ thống giám sát mới cho phép Tổng công ty thực hiện đánh giá và đáp ứng theo các tiêu chuẩn phân cách mới 03NM của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức an toàn hàng không Châu Âu (EASA).
- Việc điều chỉnh và áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới phù hợp với năng lực của hệ thống là giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa năng lực thông qua của vùng trời, nâng cao khả năng linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay trong vùng trời sân bay, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay đặc biệt là trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao, linh hoạt sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá trị phân cách mới cũng đem lại các lợi ích khác về môi trường, làm giảm lượng khí phát thải của tàu bay.
- Thực hiện Quản lý luồng không lưu (ATFM) tại Việt Nam
Ngày 14/7/2016, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ký Quyết định 289/QĐ-HĐTV thành lập Trung tâm Quản lý luồng không lưu, đơn vị chủ trì thực hiện ATFM tại Việt Nam nhằm điều phối các luồng hoạt động bay không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có của hệ thống hạ tầng hàng không, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững của một hệ thống quản lý không lưu tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các quốc gia lân cận thực hiện quản lý, điều tiết luồng hoạt động bay xuyên biên giới đối với các chuyến bay đi/đến quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi thành lập, được sự chấp thuận của nhà chức trách, Trung tâm Quản lý luồng không lưu đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành hàng không nhằm triển khai các giải pháp quản lý luồng không lưu tại Việt Nam, tham gia Dự án ATFM đa điểm nút xuyên biên giới tại khu vực APAC, tích cực tham gia thử nghiệm ATFM mức 2 tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh đối với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hồng Công… và tham gia phối hợp thực hiện A-CDM với các đơn vị cảng hàng không tại Việt Nam. Việc thực hiện Quản lý luồng không lưu tại Việt Nam được thực hiện dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa sử dụng năng lực khai thác của vùng trời, sân bay, cân đối với nhu cầu khai thác của hoạt động bay. Các cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình khai thác hoạt động bay sẽ phối hợp chia sẻ thông tin, xác định nhu cầu và khả năng tiếp thu thực tế của hệ thống hạ tầng hàng không. Qua đó xác định các thời điểm nhu cầu hoạt động bay vượt quá khả năng tiếp thu và ra quyết định sử dụng các biện pháp ATFM để điều tiết, phân phối các hoạt động bay đi/đến trong khu vực, tránh gây tắc nghẽn, bay chờ trên vùng trời hoặc tại sân bay. Các biện pháp ATFM được sử dụng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho tàu bay, như thực hiện chờ tại mặt đất thay vì bay chờ trên đường bay… nâng cao hiệu quả khai thác qua việc giảm thiểu chi phí nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và và giảm khối lượng công việc cho cả người lái và kiểm soát viên không lưu cũng như giảm tải lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không. Ghi nhận các kết quả đạt được trong lĩnh vực Quản lý luồng không lưu, năm 2020, Cục Hàng Không Việt Nam chính thức áp dụng khai thác ATFM đa điểm nút mức 2 tại Việt Nam, áp dụng tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Cam Ranh, Phú Quốc. Đồng thời Việt Nam công bố chính thức là thành viên mức 2 của Dự án ATFM đa điểm nút trong khu vực. Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, phương thức khai thác để nâng mức 3 (mức cao nhất) của Dự án. Cùng với đó, năm 2018, được phép của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã hợp tác với đối tác MITRE (Hoa Kỳ) để thực hiện xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai ATFM tại Việt Nam. Kết quả là Cục HKVN đã ban hành Kế hoạch triển khai ATFM tại Việt Nam với lộ trình cụ thể trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 2020-2023 (Tham gia mức 3 Dự án ATFM đa điểm nút khu vực); Giai đoạn 2024-2026 (Triển khai áp dụng ATFM phân phối tích hợp VID-ATFM); Giai đoạn 2027-2030 (Hoàn thiện việc áp dụng khai thác VID-ATFM tại Việt Nam). Sau khi Kế hoạch triển khai ATFM tại Việt Nam được Cục Hàng không Việt Nam ban hành, các đơn vị trong Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề ra các giải pháp đồng bộ để thực hiện đúng lộ trình đề ra trong bản Kế hoạch. Tiếp tục hoàn thiện, từng bước thực hiện đánh giá nhu cầu hoạt động bay phục vụ công tác ATFM: Lập biểu đồ dự báo hoạt động bay ngày hôm sau cho các cơ sở điều hành bay liên quan và Cục HKVN để làm cơ sở cấp Slot.
2.2. Cung ứng dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát
- Trước năm 1978, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho quản lý bay chủ yếu là các trang thiết bị phục vụ bay quân sự, bao gồm các thiết bị liên lạc VHF A/G và đài dẫn đường NDB. Cùng với việc ngành HKDD Việt Nam tham gia vào Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì ICAO đã viện trợ cho Việt Nam thông qua dự án VIE78/002 nhằm nâng cao năng lực về kỹ thuật cho đảm bảo hoạt động bay với một số hạng mục chủ yếu là:
+ Các thiết bị VHF A/G cho APP và TWR Nội Bài.
+ Thiết bị VIBA cho tuyến Gia Lâm - Nội Bài.
+ Thiết bị ghi âm 30 kênh cho ACC Hà Nội tại Gia Lâm.
+ Thiết bị dẫn đường CVOR/DME cho Nội Bài, Đà Nẵng.
+ Thiết bị dẫn đường ILS cat 1 cho Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
+ Thiết bị liên lạc HF để liên lạc G/G giữa Gia Lâm - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất theo chế độ hai biên độc lập (ISB) với một biên tần để truyền thoại và một biên tần để truyền tín hiệu AFTN qua modem.
- Tiếp theo đó ICAO còn cung cấp thêm dự án VIE84/004 với mục tiêu chủ yếu là:
+ Sửa chữa các thiết bị hư hỏng đã viện trợ theo dự án VIE78/002.
+ Đào tạo các nhân viên kỹ thuật tại Anh Quốc để khai thác bảo trì các trang thiết bị kỹ thuật.
+ Cung cấp 11 máy truyền chữ điện tử để dùng cho đầu cuối AFTN.
Cũng trong thời gian này, Liên Xô viện trợ cho Quản lý bay một số trang thiết bị:
+ Máy dẫn đường NDB pak-10.
+ Máy VHF A/G 50W cho ACC Hà Nội tại Gia Lâm.
+ Trạm radar PSR/SSR ScalaM.
- Đến năm 1989, ngành HKDDVN đã thực hiện việc đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật để giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, bao gồm:
+ Đầu tư Trung tâm Kiểm soát đường dài mới tại 58 Trường Sơn, Tp Hồ Chí Minh với trang thiết bị nổi bật là: Hệ thống VCCS Octopus; Hệ thống Xử lý dữ liệu radar và dữ liệu bay Aircat-500; Hệ thống chuyển điện văn tự động AMSS.
+ Thiết bị thông tin: Đầu tư mới các thiết bị VHF A/G phục vụ cho điều hành bay cả đường dài, tiếp cận và tại sân. Đây cũng là lần đầu tiên ngành Quản lý bay áp dụng các trạm VHF A/G với điều khiển xa các trạm tại núi Sơn Trà, Đà Nẵng và núi Vũng Chua, Quy Nhơn, Bình Định.
- Về đường truyền dẫn: Cũng trong giai đoạn này, bắt đầu thực hiện việc triển khai mạng thông tin liên lạc qua vệ tinh dùng riêng của ngành Quản lý bay với giai đoạn đầu (năm 1990) là tuyến liên lạc vệ tinh giữa Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng với 02 kênh liên lạc trên tuyến cho hotline và đường AFTN. Đến năm 1994 được thay thế bằng 04 trạm thông tin liên lạc vệ tinh tại: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vũng Chua và Nội Bài qua dự án DOMSAT. Mạng thông tin vệ tinh này được sử dụng để điều khiển xa các thiết bị VHF A/G tại Sơn Trà và Vũng Chua cũng như truyền tín hiệu từ các trạm Radar tại đó về ACC Hồ Chí Minh.
- Cùng với việc sử dụng mạng thông tin vệ tinh nói trên, ngành Quản lý bay còn sử dụng các tuyến VIBA để kết nối các trạm VHF A/G và radar về ACC Hồ Chí Minh thông qua đường truyền thuê bưu điện cũng như kết nối radar tại Tân Sơn Nhất, TWR Tân Sơn Nhất với ACC Hồ Chí Minh.
- Thiết bị dẫn đường: Đầu tư mới các đài CVOR/DME tại Tân Sơn Nhất, Phù Cát và Phan Thiết.
- Giám sát: Đầu tư mới trạm radar PSR/SSR tại Tân Sơn Nhất (dự án Thanh Long 1) và trạm PSR/SSR Sơn Trà, trạm SSR Quy Nhơn (dự án Thanh Long 2).
- Cũng trong giai đoạn này, đối với FIR Hà Nội cũng được đầu tư qua dự án trạm radar Nội Bài và dự án VIE89/901 với nội dung chủ yếu là:
+ Xây dựng mới Trạm radar Nội Bài với thiết bị là radar PSR/SSR SKALA cùng thiết bị đầu cuối đặt tại ACC Hà Nội tại Nội Bài.
+ Xây dựng mới ACC Hà Nội và APP Nội Bài cùng trạm thu, trạm phát tại Nội Bài với các trang thiết bị phục vụ cho điều hành bay cho 2 phân khu, với các trang thiết bị chính là: Hệ thống thiết bị VHF A/G, HF A/G; Hệ thống VCCS AWANET; Hệ thống AMSS cùng các đường truyền VIBA Nội Bài - Tam Đảo và các đường truyền thuê bưu điện, đường cáp chạy vòng quanh sân bay Nội Bài.
+ Xây dựng mới Đài kiểm soát tại sân bay Nội Bài với các trang thiết bị thông tin cần thiết.
+ Xây dựng trạm VHF A/G điều khiển xa cho ACC Hà Nội tại Tam Đảo.
+ Ngoài ra còn triển khai mới hệ thống đèn đường băng, chiếu sáng sân đỗ cho sân bay Nội Bài.
- Đến tháng 8/1994 đã tiến hành di chuyển ACC Hà Nội từ Gia Lâm lên Nội Bài và đã cung cấp được dịch vụ điều hành bay của ACC Hà Nội với tầm phủ sóng VHF A/G đến Đồng Hới và đã có giám sát bằng radar với cự ly 400km.
- Việc phủ sóng VHF A/G và giám sát bằng radar đối với cả 2 FIR của Việt Nam được giải quyết cơ bản vào năm 2001 thông qua các dự án, công trình sau:
+ Mạng giám sát hàng không FIR Hà Nội với việc đầu tư mới trạm radar PSR/SSR Nội Bài và trạm radar SSR Vinh cùng Hệ thống xử lý dữ liệu radar, dữ liệu bay (RDP/FDP) tại ACC Hà Nội (hãng Alenia sản xuất) với tính năng tích hợp tất cả 6 trạm radar Hàng không cùng các tính năng khác phục vụ việc điều hành bay cho ACC Hà Nội và APP Nội Bài.
+ Xây dựng mới trạm radar SSR và thông tin VHF A/G điều khiển xa tại Cà Mau.
+ Đưa vào khai thác trạm radar SSR cùng VHF A/G điều khiển xa tại Vinh.
- Trong giai đoạn từ 1998 đến 2001, Tổng công ty đã tiến hành mở rộng mạng thông tin vệ tinh chuyên dùng của Quản lý bay (VSAT) từ 4 trạm tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Quy Nhơn và Nội Bài đến hầu hết các sân bay địa phương với cấu hình thành các mạng hình sao với các trạm trung tâm là Nội Bài, Sơn Trà và Tân Sơn Nhất; Các trạm trung tâm này cùng với trạm Gia Lâm được nối với nhau theo cấu hình có giải trợ.
- Đối với dịch vụ dẫn đường, từ năm 1997 đã lần lượt triển khai các đài DVOR/DME tại các sân bay địa phương và thay thế các đài CVOR/DME tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phù Cát. Với việc áp dụng công nghệ DVOR thay cho CVOR đã góp phần giảm yêu cầu về địa hình nơi đặt đài và đảm bảo duy trì tốt độ chính xác của tín hiệu dẫn đường. Đến năm 2013, ngành HKDD Việt Nam đã có 19 đài DVOR/DME đang hoạt động trên cả nước bên cạnh 03 đài NDB tại Mộc Châu, Nam Hà và Long Khánh được đầu tư từ 1997 trở về trước vẫn đang được duy trì khai thác.
- Bắt đầu áp dụng việc giám sát tại sân bằng công nghệ radar tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất thông qua việc đầu tư các hệ thống SMGCS cùng radar giám sát mặt đất theo các công trình xây dựng mới TWR Nội Bài (khai thác năm 2012) và TWR Tân Sơn Nhất (khai thác năm 2013).
- Để đảm bảo việc liên lạc với máy bay và giám sát hoạt động bay dân dụng tại các mực bay thấp trên vùng biển đông, nơi mà các trạm thông tin VHF A/G và radar hiện có trên đất liền không đảm bảo được do hạn chế về tầm nhìn thẳng, ngành HKDD Việt Nam đã từng bước áp dụng các công nghệ CNS mới như sau:
+ Áp dụng liên lạc dữ liệu giữa Kiểm soát viên không lưu và Phi công (CPDLC) qua thiết bị ACARS trên tàu bay và giám sát tự động phụ thuộc dạng hiệp đồng (ADS-C) cho ACC Hồ Chí Minh trong dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát đường dài và tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh) năm 2006.
+ Triển khai các trạm giám sát tự động phụ thuộc dạng quảng bá (ADS-B) tại một số đảo (Côn Sơn, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây) và thử nghiệm áp dụng giám sát bằng công nghệ này qua màn hình độc lập đặt tại ACC Hồ Chí Minh năm 2013. Hoàn thành đầu tư 7 trạm ADS-B khu vực phía Bắc vào tháng 12/2014.
+ Đầu tư mới Hệ thống RDP/FDP (hoàn thành năm 2014) cho ACC Hà Nội, APP và TWR Nội Bài, TWR Cát Bi.
+ Năm 2015 đã đưa vào khai thác các trạm VHF Song Tử Tây, trạm VHF Trường Sa Lớn và trạm VHF Chu Lai để tăng cường năng lực thông tin liên lạc, đảm bảo dự phòng về trạm thông tin trong các phân khu.
+ Hoàn thành đầu tư hệ thống tự động chuyển điện văn dịch vụ không lưu (AMHS) trên nền Mạng viễn thông hàng không (ATN) trong năm 2015.
- Tiếp cận công nghệ dẫn đường mới theo lộ trình áp dụng dẫn đường PBN: Đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác Hệ thống dự báo độ toàn vẹn tín hiệu dẫn đường vệ tinh GNSS (RAIM Prediction); Triển khai công tác đo đạc tọa độ WGS-84 cho các hệ thống CNS thuộc quản lý của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Từng bước nghiên cứu áp dụng các công nghệ GBAS, MLAT…
- Đầu tư mới trạm radar PSR/SSR Sơn Trà (với công nghệ radar thứ cấp Mode S) đưa vào khai thác từ tháng 7/2016.
- Năm 2017, triển khai trạm ADS-B tại Cam Ranh tăng cường năng lực giám sát, triển khai cơ sở Tiếp cận-tại sân (APP/TWR) Cam Ranh.
- Từ năm 2018 đến nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiến hành đầu tư, hợp tác theo hình thức viện trợ không hoàn lại triển khai các hệ thống CNS có công nghệ hiện đại để tăng cường, dự phòng tầm phủ hoạt động, dự phòng thiết bị, tần số để đáp ứng năng lực điều hành công tác điều hành bay phù hợp với tổ chức vùng trời, đồng thời rà soát, thay thế các hệ thống hết niên hạn sử dụng, cụ thể:
+ Trong giai đoạn 2018-2021, tiếp tục đầu tư các thiết bị VHF A/G cho các tần số dự phòng tại các khu vực tiếp cận, đường dài.
+ Năm 2018, hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm ADS-B Đà Nẵng theo tiêu chuẩn Tier-1 cho phép áp dụng phân cách 3 NM khu vực tiếp cận Đà Nẵng.
+ Năm 2020, triển khai hệ thống RDP tại Cam Ranh theo đề án thành lập Trung tâm Tiếp cận-tại sân Cam Ranh.
+ Năm 2020, triển khai VHF A/G tại Hồ Chí Minh, Quy Nhơn để phục vụ điều hành bay phân khu 6 (thiết lập mới) của FIR Hồ Chí Minh.
+ Năm 2021, hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác hệ thống VCCS tại APP/TWR Cam Ranh, hệ thống VCCS tại APP/TWR Đà Nẵng
+ Năm 2021, đưa đài VOR/DME tại Rạch Giá vào hoạt động.
+ Quý IV năm 2022, hoàn thành đầu tư các trạm ADS-B đồng thời trang bị đầu cuối ADS-B tại các Đài KSKL sân bay khu vực miền Trung, miền Nam (Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc) để tăng cường, dự phòng tầm phủ giám sát đường dài FIR Hồ Chí Minh và trong vùng trách nhiệm các Đài KSKL khu vực miền Trung, miền Nam.
+ Năm 2022, hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống VCCS và VHF cho các đài KSKL địa phương (Vinh, Điện Biên, Đồng Hới, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau, Côn Sơn, Rạch Giá) với mục tiêu cung cấp dịch vụ CNS tin cậy, ổn định, thuận tiện cho KSVKL trong công tác điều hành bay.
+ Nâng cấp hệ thống ATM tại AACC Hồ Chí Minh để xử lý dữ liệu ADS-B (hoàn thành giai đoạn 1 vào Quý II/2022).
+ Năm 2022, hoàn thành, đưa vào khai thác hệ thống quản lý tin tức hàng không AIM.
+ Năm 2022, phối hợp với Công ty Japan Radio Ltd., (Nhật Bản) hoàn thành lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) tại sân bay Phú Quốc. Đây là công nghệ giám sát tiên tiến trong lĩnh vực hàng không, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Hệ thống MLAT cho phép giám sát tàu bay di chuyển trên bề mặt sân bay, trong vùng trời trách nhiệm của Đài KSKL Phú Quốc nâng cao năng lực điều hành bay tại Cảng HKQT Phú Quốc.
+ Năm 2022, hoàn thành đầu tư nâng cấp hệ thống AWOS Nội Bài đáp ứng năng lực khai thác CAT II.
2.3. Cung ứng dịch vụ thông báo tin tức hàng không
- Ban hành Quy định tạm thời về công tác không báo NOTAM (Quyết định số 1476/QĐ-QLB ngày 19/12/1998).
- Đầu tư mới Hệ thống AIS tự động (năm 2008). Hệ thống được đưa vào khai thác thử nghiệm (2009, 2010) và khai thác chính thức (2011).
- Thành lập Trung tâm Thông báo tin tức hàng không (2009) để thực hiện chức năng nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không, cung cấp, trao đổi thông tin hàng không liên quan đến hoạt động bay với các doanh nghiệp khai thác hàng không, các phòng NOTAM, các hãng hàng không trong nước và quốc tế, các cảng hàng không sân bay và các nước có trao đổi ấn phẩm hàng không; xây dựng, thiết kế vùng trời, đường hàng không, phương thức bay theo đúng tiêu chuẩn ICAO.
- Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức biên soạn Tập thông báo tin tức hàng không điện tử (e-AIP) Việt Nam phù hợp với yêu cầu của ICAO và công nghệ mới.
- Đầu tư nâng cấp các hệ thống thiết bị thông báo tin tức hàng không tại các cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện tổ chức nghiệp vụ của các cơ sở thông báo tin tức hàng không; quy trình và kỹ năng tác nghiệp của nhân viên đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ thông báo tin tức hàng không.
- Năm 2015, đầu tư dự án cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử hàng không (eTOD) khu vực 2 cho 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO và của Việt Nam làm tiền đề để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu khu vực 2 cho các sân bay có mật độ bay cao phù hợp với kế hoạch chuyển đổi AIS sang AIM.
- Từ ngày 01/1/2016, Tổng công ty chính thức tiếp nhận và cung cấp các dịch vụ kiểm soát mặt đất, thông báo bay, dịch vụ thông báo tin tức hàng không từ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam về Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
- Năm 2016, thực hiện hoàn thiện sơ đồ hệ thống đường hàng không RNAV5 bao gồm cả đường hàng không kết nối; Thực hiện điều chỉnh sơ đồ khu vực tiếp cận sân bay quốc tế Đà Nẵng; Điều chỉnh thông số đường bay liên quan đến đài DVOR Cát Bi mới.
- Năm 2018, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không đã thành lập 04 Trung tâm ARO/AIS Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh; thành lập Phòng Nghiệp vụ để thực hiện chức năng tham mưu các lĩnh vực chuyên môn.
- Triển khai đầu tư Hệ thống Quản lý tin tức hàng không (AIM) từ năm 2018, sẽ đưa vào khai thác chính thức từ năm 2023. Hệ thống AIM được xây dựng theo mô hình trao đổi dữ liệu phiên bản AIXM 5.1 với cơ sở dữ liệu tập trung được quản lý theo các quy trình quản lý chất lượng tiêu chuẩn. Hệ thống có các phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu tạo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ AIS/AIM bao gồm eAIP, eMAP/eCHARTING, NOTAM và NOTAM số (dNOTAM), Kế hoạch bay (FPL); bản thông báo tin tức trước chuyến bay tích hợp (iPIB). Ngoài ra, Hệ thống có cổng giao diện Web (WebPortal) nhằm tạo thuận lợi cho người khởi tạo dữ liệu (data originator) cung cấp, đề xuất thay đổi (change request) đối với tin tức, dữ liệu.
- Năm 2020 ban hành Tiêu chuẩn về dịch vụ thông báo tin tức hàng không và Tiêu chuẩn về bản đồ, sơ đồ hàng không.
- Triển khai áp dụng quy trình làm thủ tục bay từ xa cho các chuyến bay khởi hành từ các cảng hàng không của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trợ giúp thủ tục Kế hoạch bay trong việc nộp Kế hoạch bay Không lưu, nhận Bản thông báo tin tức trước chuyến bay.
- Đến năm 2020, Tổng công ty đã đưa vào khai thác sử dụng bộ cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử hàng không (eTOD) khu vực 3 của 6 sân bay Quốc tế Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và khu vực 4 của 2 sân bay Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; khu vực 2 và 3 của 7 sân bay Cát Bi, Cần Thơ, Liên Khương, Vinh, Đồng Hới, Pleiku, Phù Cát.
- Từ năm 2021, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không chính thức tiếp nhận cung cấp toàn bộ dịch vụ AIS sân bay tại 22 sân bay có hoạt động bay dân dụng, đảm bảo cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không, thủ tục bay theo đúng quy định, đầy đủ, kịp thời, chính xác.
2.4. Cung ứng dịch vụ khí tượng
Mục tiêu chính của dịch vụ khí tượng hàng không là góp phần bảo đảm an toàn, điều hòa, hiệu quả cho hoạt động hàng không trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cũng góp phần làm giảm lượng khí thải máy bay và các tác động gây biến đổi khí hậu toàn cầu và tầng bình lưu. Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát và khai thác bầu trời trên các vùng thông báo bay (FIRs); phục vụ công tác khẩn nguy và tìm kiếm cứu nạn hàng không; phục vụ công tác thông báo tin tức hàng không; phục vụ cho công tác nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không mới, mở đường bay mới,.v.v.
Dịch vụ khí tượng hàng không phải được cung cấp liên tục 24/24 giờ, đảm bảo độ chính xác, kịp thời và đầy đủ cho từng giai đoạn theo chu trình hoạt động khép kín của chuyến bay (lập kế hoạch bay, thuyết trình trước chuyến bay, các giai đoạn bay...).
Tổ chức cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không Việt Nam bao gồm các cơ sở cung cấp dịch vụ: Cảnh báo thời tiết (Meteorological Watch Office - MWO); khí tượng hàng không tại cảng hàng không (Aerodrome Meteorological Offices - AMO); trạm quan trắc khí tượng tại cảng hàng không (Aeronautical Meteorological Stations- AMS).
- Nhằm nâng cao năng lực và chất lượng các sản phẩm dự báo cho các cơ sở khí tượng, một số dự án cấp thiết đã được đầu tư: Hệ thống thu sản phẩm dự báo toàn cầu - WAFS (1998) và được nâng cấp thế hệ 2 (2008), hệ thống thu nhận, xử lý, phân tích ảnh mây vệ tinh khí tượng phân giải cao và số liệu khí tượng GTS (1998), hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng hàng không Gia Lâm (2009) và hệ thống thu ảnh mây vệ tinh khí tượng phân giải cao (2009); đầu tư mở rộng đầu cuối hệ thống CSDL Khí tượng Trung tâm cảnh báo thời tiết đáp ứng yêu cầu các đối tượng sử dụng; tích hợp các CSDL khí tượng hàng không thành một trang Web khí tượng HKVN duy nhất, để sẵn sàng phối hợp với Tổng công ty Cảng HKVN chủ trì tổ chức thực hiện (2015).
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ, liên tục diễn biến thời tiết trên các đường bay trong vùng trời trách nhiệm và tại các sân bay; phối hợp đảm bảo cung ứng dịch vụ khí tượng đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy cao góp phần đảm bảo phục vụ bay an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sai sót, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu và diễn biến phức tạp.
- Đầu tư nâng cấp các hệ thống thiết bị khí tượng tại các cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện tổ chức nghiệp vụ của các cơ sở khí tượng; quy trình và kỹ năng tác nghiệp của nhân viên đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ khí tượng.
- Tháng 01/2017, tiếp nhận chuyển giao dịch vụ khí tượng hàng không từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về Tổng công ty; Thành lập 03 Trung tâm Khí tượng hàng không tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất thuộc các Công ty Quản lý bay khu vực nhằm kiện toàn thống nhất các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng tại cảng hàng không quốc tế, cùng với các trạm quan trắc khí tượng tại các sân bay địa phương đều do Tổng công ty quản lý.
- Nhằm xây dựng một hệ thống bảo đảm dịch vụ Khí tượng hàng không được thống nhất, chuyên nghiệp, xuyên suốt trong toàn quốc với chất lượng sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải và Cục hàng không Việt Nam, ngày 04/11/2020, Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-HĐTV, thành lập Trung tâm Khí tượng hàng không trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở cung cấp dịch vụ Khí tượng hàng không thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam trước đây. Theo quyết định, Trung tâm Khí tượng hàng không chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2021 với phạm vi hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khí tượng hàng không được xác định dựa trên các khuyến cáo thực hành ICAO, pháp luật Việt Nam cũng như yêu cầu thực tiễn.
- Năm 2022, Trung tâm Khí tượng hàng không được giao thực hiện 02 dự án: Phần mềm đồ họa bản tin SIGMET, Xoáy thuận nhiệt đới và Đầu tư hệ thống thu sản phẩm dự báo thời tiết toàn cầu (WAFS SADIS).
2.5. Cung ứng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn
- Năm 2013, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không được thành lập, là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm TKCN khẩn nguy quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, các địa phương liên quan để khai thác và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có đảm bảo cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không kịp thời và hiệu quả theo các quy định hiện hành của luật pháp quốc tế và Việt Nam. Trong năm, mô hình tổ chức tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty được hoàn thiện một cách thống nhất gồm: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn thuộc Tổng công ty và các Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn trực thuộc tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam) có đủ nguồn lực, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu của dịch vụ và yêu cầu của ngành Hàng không.
- Định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập tìm kiếm, cứu nạn hàng không trên các địa hình khác nhau như rừng, núi, biển, đất liền để sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra: tại Đà Nẵng (năm 1998), tại Quảng Ninh (năm 2000), tại Buôn Ma Thuột (năm 2003); cuộc diễn tập phối hợp TKCN hàng không - hàng hải tại Vũng Tàu (năm 2007); Cuộc diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với cơ sở điều hành bay tại ACC Hồ Chí Minh (năm 2010); Cuộc diễn tập TKCN hàng không trên địa hình rừng núi tại Hòa Lạc (năm 2012); Nghệ An (2015), tại Pleiku (năm 2016), tại Hòa Bình (2017).
- Đầu tư nâng cấp các phương tiện, hệ thống thiết bị TKCN hàng không; hoàn thiện tổ chức nghiệp vụ của các cơ sở khí tượng; quy trình và kỹ năng tác nghiệp của nhân viên đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ TKCN. Định kỳ tổ chức diễn tập khẩn nguy cứu nạn tại các cảng hàng không trên phạm vi toàn quốc.
- Tích cực hội nhập hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không với các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của các FIR lân cận, với các nước ASEAN; tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn trên các vùng biển quốc tế và vùng FIR giáp ranh.
- Phối hợp, triển khai kịp thời công tác tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích năm 2014; Tham gia tìm kiếm tàu bay SU-30MK và CASA 212 năm 2016.
- Năm 2017, dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn hàng không đã được Tổ chức ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá xếp hạng thứ 5 các nước trong khu vực.
- Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không phù hợp với khuyến cáo ICAO tại phụ ước 12 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã xây dựng Đề án kiện toàn lại mô hình tổ chức dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không thống nhất theo ngành dọc. Đề án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 10941/BGTVT-QLDN ngày 18/10/2021. Theo đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đã được thành lập theo Quyết định số 78/QĐ-HĐTV ngày 23/3/2022 và Quyết định số 79/QĐ-HĐTV ngày 23/03/2022 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, là đơn vị hạch toán phụ thuộc - Chi nhánh của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn; khẩn nguy hàng không và phòng chống thiên tai. Đồng thời, nâng tầm tổ chức, tạo vị thế của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không để thuận lợi trong tổ chức hoạt động và làm cấu nối giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với các cơ quan chuyên trách của Bộ, Ngành, của Trung ương, địa phương và của các Quốc gia kế cận về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.
3. Công tác bảo đảm an toàn hàng không
Thành tựu của Tổng công ty trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, kết quả triển khai thực hiện Hệ thống quản lý an toàn. VATM với mục tiêu nhất quán là “An toàn - điều hòa - hiệu quả”, trong đó An toàn - Safety first luôn được đặt lên hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Cùng với mục tiêu nhất quán như trên là những yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, như của Bộ Giao thông vận tải trong việc ban hành thông tư số 53/2011/TT-BGTVT ngày 24/10/2011 quy định về an toàn điều hành bay, trong đó yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thiết lập và duy trì thực hiện SMS dưới sự hướng dẫn, giám sát của Cục HKVN phù hợp với Thông tư này và các quy định hướng dẫn của ICAO; Hướng dẫn số 6047/CHK-QLHĐB cảu Cục HKVN ngày 19/12/2011 về việc triển khai thiết lập và duy trì thực hiện hệ thống quản lý an toàn hoạt động bay và Kế hoạch khắc phục khuyến cáo thanh tra an toàn hàng không ICAO (USOAP) tại công văn số 2654/KH-CHK ngày 26/8/2008 của Cục HKVN.
Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, VATM đã chủ động nghiên cứu các tài liệu, hướng dẫn của Bộ GTVT, Cục HKVN, ICAO và các tổ chức khác trong và ngoài nước khác để triển khai thực hiện các công việc về SMS.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan (như khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu của các tổ chức trong và ngoài nước…) và chủ quan (như thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu lâu…) tiến độ lập kế hoạch và xây dựng đề cương Tài liệu còn chậm hơn so với khung thời gian yêu cầu. Bên cạnh đó, theo thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về công tác bảo đảm an toàn hàng không tại công văn số 242/TB-VPCP ngày 06/7/2012 đánh giá trong năm 2012, ngành HKVN đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm an toàn hàng không theo tiêu chuẩn ICAO, không để xảy ra tại nạn tàu bay. Tuy nhiên, sự cố uy hiếp an toàn và sự cố nghiêm trọng vẫn tăng so với năm 2011, trong đó có 02 sự cố nghiêm trọng phải tiến hành điều tra theo nghị định 75/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do con người, sự nhận thức về an toàn hàng không từ cán bộ, nhân viên hàng không, đến hành khách, cộng đồng xã hội còn hạn chế.
Với những hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn triển khai công tác an toàn và những yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, VATM đã tích cực triển khai thực hiện và ngày 01/01/2013 đánh dấu bước tiến đột phá trong công tác quản lý an toàn bằng việc chính thức đưa Hệ thống quản lý an toàn (SMS) vào vận hành bao gồm cả về bộ máy từ cấp cao nhất là Ban chỉ đạo An toàn đến các Ban, phòng và đội ngũ an toàn viên tại cơ sở với cơ chế hoạt động, khung pháp lý và bước đầu thiết lập các nền tảng để xây dựng và phát triển văn hóa an toàn.
Đây là phương pháp tiếp cận mới, có hệ thống trong nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý an toàn, thực hiện an toàn và được thiết lập, phù hợp với các tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO, các yêu cầu của Cục HKVN.
Một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển Hệ thống quản lý an toàn của VATM là Kế hoạch tổng thể thực hiện quản lý an toàn (Master Plan) giai đoạn 1 từ 2012 - 2017 và giai đoạn 2 từ 2018 - 2022 với việc quản lý rủi ro an toàn theo các giai đoạn có tính ứng phó (Reactive), chủ động (Proactive), dự đoán (Predictive) được áp dụng kết hợp với công cụ quản lý rủi ro an toàn.
Qua gần 10 năm xây dựng và tổ chức vận hành, Hệ thống SMS của Tổng công ty đã đáp ứng các yêu cầu của Cục HKVN và ICAO trên 3 cấp độ Chủ trương chính sách - Quy trình quy định - Tổ chức thực hiện với đầy đủ 4 thành phần 12 yếu tố (bao gồm: Chính sách an toàn, Quản lý rủi ro an toàn, Đảm bảo an toàn và Thúc đẩy công tác an toàn).
Hệ thống SMS của Tổng công ty đã được Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, đánh giá mức độ trưởng thành 02 lần vào năm 2014 và 2016. Năm 2014 Hệ thống đạt 61% và đến năm 2016 đã đạt 81% các nội dung yêu cầu.
Năm 2017, CANSO đã tiến hành đánh giá mức độ trưởng thành của Hệ thống SMS Tổng công ty với 5 mức đánh giá từ A đến E (A là mức thấp nhất và E là cao nhất). Kết quả, trong 33 mục được CANSO đánh giá Tổng công ty đã có 20 mục đạt mức D và 13 mục đạt mức C.
Tháng 10 năm 2018, Tổng công ty tiến hành tự đánh giá, kết quả hệ thống SMS của TCT đã đạt 91% các nội dung theo yêu cầu của ICAO.
Ngay trong tháng 10 năm 2022, Cục HKVN đã tiến hành kiểm tra, đánh giá Hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty với kết quả về sơ bộ đạt gần 96% các nội dung theo yêu cầu của ICAO.
Hiện tại, VATM đã thiết lập qui định nội bộ về báo cáo sự cố/vụ việc, điều tra xác minh nội bộ và theo dõi hành động khắc phục; Quy chế kiểm tra đánh giá và Sổ tay kiểm tra đánh giá an toàn, thống nhất các qui định, phương thức về kiểm tra đánh giá; Ngoài ra, VATM cũng đã thiết lập mối quan hệ trao đổi thông tin với các Hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietnamairlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, Cathay Pacific, Thai Airways, Singapore Airlines, Maylaysia Airlines,… , Cảng hàng không. Từ đó công tác điều tra các sự cố/vụ việc được rõ ràng, thống nhất cả về danh mục và mức độ nhằm tìm ra nguyên nhân gốc để khắc phục. Hoạt động kiểm tra đánh giá ngày một phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đánh giá định kỳ hàng năm đối với các cơ sở trong dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay được duy trì ổn định, các đợt kiểm tra đột xuất cũng được tăng cường đã giúp cho việc nhận dạng các lỗ hổng trong khai thác được kịp thời nhằm chủ động khắc phục. Các nguồn thông tin từ các sự cố/vụ việc, từ các đợt kiểm tra đánh giá an toàn, từ trao đổi thông tin với các Hãng HK và Cảng HK, giúp cho Công tác quản lý rủi ro - cốt lõi của của Hệ thống quản lý an toàn Tổng công ty nhận dạng được hầu hết các MNH có thể xảy ra để quản lý. Hiện tại các MNH này đang được quản lý ở mức độ chấp nhận được.
Đồng thời, VATM thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện về SMS, các Hội nghị tuyên truyền về Văn hóa an toàn nhằm thúc đẩy an toàn, trang bị những kiến thức về SMS và tuyên truyền về Chính sách an toàn, Mục tiêu an toàn cho cán bộ, nhân viên để đảm bảo rằng cán bộ, nhân viên hiểu rõ các qui trình thực hiện quản lý an toàn, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cá nhân cán bộ, nhân viên trong việc tuân thủ các yêu cầu, qui định về an toàn. Việc này giúp cho việc xây dựng, phát triển Văn hóa an toàn; nhận thức về An toàn và Văn hóa an toàn trong toàn của VATM được hiểu một cách thống nhất.
Đánh giá chung về hiệu quả của việc triển khai hệ thống Quản lý an toàn:
- Trước khi có SMS, VATM không có cơ sở để đánh giá thế nào là an toàn khi có sự cố/vụ việc xảy ra, điều này dẫn đến không thiết lập được các mục tiêu, mức độ an toàn chấp nhận được để từ đó có những định hướng để nâng cao An toàn.
- Sau khi có SMS, VATM thiết lập hệ thống đảm bảo an toàn giúp cho việc theo dõi, đánh giá an toàn đảm bảo tính liên tục, phù hợp và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện hệ thống quản lý an toàn, các mục tiêu an toàn dần được xác lập và ngày càng hoàn thiện, số liệu thống kê ngày một đầy đủ và có hệ thống. Nhờ đó năng lực an toàn của Tổng công ty cũng được đánh giá dựa trên số liệu các sự cố/vụ việc được thống kê tin cậy. Giá trị các chỉ số an toàn được xác định trên cơ sở yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam (Cục HK) đồng thời phản ánh đúng năng lực an toàn của Tổng công ty ở thời điểm liên quan từ đó đề ra các mục tiêu, định hướng để nâng cao An toàn.
Đối với việc thực hiện chương trình an toàn hàng không quốc gia. Để đánh giá mức độ bảo đảm an toàn cung cấp dịch vụ BĐHĐB, Chương trình an toàn quốc gia - SSP (Quyết định số 1189/QĐ-BGTVT, ngày 07/05/2013) đã đưa ra các chỉ số an toàn để đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ của VATM. Giá trị thực hiện chỉ số an toàn là một chỉ số (KPI) đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của Doanh nghiệp.
Nhờ sự triển khai đồng bộ những giải pháp về đảm bảo an toàn và triển khai hệ thống quản lý an toàn nên các sự cố xảy ra từ năm 2012 đến nay được tính theo Bộ chỉ số an toàn theo Chương trình an toàn quốc gia - SSP của VATM có giá trị tốt hơn giá trị mức độ an toàn chấp nhận được mà Cục HKVN phê duyệt (AloS). Hơn thế nữa, VATM đặt ra mục tiêu thực hiện giá trị các chỉ số an toàn hàng năm giảm 5% so với năm liền kề. Mục tiêu này từ năm 2014 đến 2019 hoàn thành từ 80%-90% chỉ số.
Năm 2020, Cục HKVN phê duyệt Bộ chỉ số an toàn có các giá trị Alos đều giảm so với 2016. Sự giảm thấp này (về sự cố xảy ra) tỷ lệ nghịch với mức độ bảo đảm an toàn cung cấp dịch vụ BĐHĐB. Như đã nói ở trên, Giá trị thực hiện chỉ số an toàn là một chỉ số (KPI) đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của Doanh nghiệp. Do đó, mức độ bảo đảm an toàn của VATM năm 2020 được nhà chức trách đánh giá tăng từ 2-5 lần so với 2016. Điều này cho thấy hiệu quả của công tác đầu tư đồng bộ trang thiết bị mới, triển khai các phương thức bay tiên tiến, tối ưu hóa vùng trời, công tác huấn luyện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với việc triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn.
4. Thành tựu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty cũng luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.
Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; Triển khai các giải pháp với phương châm đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin mới nhất trong quản lý điều hành, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn bay. Tổ chức áp dụng chuyển đổi các công nghệ mới nhất trong tổ chức, quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống. Đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN). Ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao. Nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc để tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài.
Tăng cường chủ động và sẵn sàng chuyển đổi sang các hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đường, giám sát mới theo lộ trình nâng cấp các khối thiết bị hàng không của ICAO. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đã tiếp cận nhanh chóng làm chủ công nghệ kiểm soát tiên tiến hiện đại. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp hoàn toàn đáp ứng và thỏa mãn các hoạt động bay trong nước và quốc tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung phấn đấu vì một Quản lý bay Việt Nam trở thành Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực.
Năm 2016, Tổng công ty đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh hoạt động KH&CN theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổng công ty trích quỹ hàng năm theo quy định, lãnh đạo Tổng công ty thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện và hoàn thành tốt các Nghị quyết, kế hoạch KH&CN được triển khai. Nhanh chóng điều chỉnh các quy định quản lý nội bộ của Tổng công ty theo các quy định mới của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển KH&CN tại Tổng công ty, ngày càng nâng cao năng lực quản lý và thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ. Tổng công ty đã bước đầu thực hiện cơ chế khoán chi đối với chi phí nhân công trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giảm thiểu các thủ tục chi, thanh toán nhân công KH&CN. Đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong Tổng công ty. Tại Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) đã thành lập phòng Nghiên cứu phát triển là tổ chức chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, đồng thời đã xây dựng các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu KH&CN như: Phòng thử nghiệm quang học; Phòng thử nghiệm môi trường; Phòng đo lường hiệu chuẩn điện, điện tử; Phòng thí nghiệm CNS; Phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử.
- Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN của Tổng công ty và ATTECH đều tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm thuộc lĩnh vực thông tin, dẫn đường, giám sát và công nghiệp hàng không theo đúng chiến lược phát triển ngành tại quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quyết định số 22/QĐ-BGTVT ngày 08/1/2019 phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý luồng không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành lĩnh vực CNS từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cụ thể:
+ ATTECH đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng Selex - Mỹ thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật khu vực RSC để cung cấp dịch vụ cho Hãng Selex bao gồm các dịch vụ: khảo sát, thi công lắp đặt, thông điện và bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị chuyên ngành trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay như: VOR/DME, ILS,… Đội ngũ chuyên gia của ATTECH đã làm chủ được công nghệ đối với hệ thống thiết bị trên và phát triển thêm đối với các sản phẩm chuyên ngành khác như ADS-B, VHF,…
+ Tổng công ty và công ty con đã nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo hoạt động bay và các sản phẩm công nghiệp hàng không, đảm bảo chủ động công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa, thiết bị nhập khẩu. Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện kỹ thuật đưa vào khai thác trong ngành Hàng không dân dụng và chuyển giao sản xuất để cung cấp cho khách hàng đem lại doanh thu, tiêu biểu như: hệ thống đèn hiệu sân bay, thiết bị ghi âm chuyên dụng, đồng hồ thời gian chuẩn, Shelter, giàn phản xạ DVOR/DME, bộ khuếch đại tạp âm thấp tần số 1090MHz (LNA), bộ nguồn hiệu suất cao, phần mềm AMHS cơ bản, phiên bản nâng cấp phần mềm UA, thiết bị ghi thoại và dữ liệu, bàn console, máy ghi âm chuyên dụng hàng không, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, biển báo có chiếu sáng công nghệ LED, hệ thống cột an toàn, cột Glide Path, biển báo đóng cửa đường cất hạ cánh tạm thời, hệ thống Băng phi diễn điện tử… Các sản phẩm của Tổng công ty sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới đều đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, bao gồm tiêu chuẩn ICAO, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Tổng công ty tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.
- Trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, Tổng công ty và Công ty con đã đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng cơ chế và triển khai các hợp đồng hợp tác với các tổ chức, các nhà hoạt động khoa học và công nghệ có năng lực như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các chuyên gia của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng Selex- Mỹ…
5. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới
Mục tiêu của Tổng công ty là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức đều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành Quản lý bay, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO. Để đạt được mục tiêu này, Tổng công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Xinh-ga-po, Niu-di-lân, Thái Lan,....
Trong từng giai đoạn phát triển, Tổng công ty luôn đặt ra các định hướng, mục tiêu cụ thể cho hoạt động đào tạo, huấn luyện. Nội dung đào tạo, huấn luyện chủ yếu tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cấp chiến lược để triển khai và duy trì các giải pháp quản lý không lưu một cách an toàn và hiệu quả; đào tạo nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, sát hạch viên tiếng Anh; đào tạo chứng chỉ chuyên môn và huấn luyện năng định, định kỳ, phục hồi, chuyển loại, nâng cao cho nhân viên hàng không đáp ứng các yêu cầu theo quy định về giấy phép hành nghề; tập trung đào tạo mũi nhọn cho các đối tượng là lực lượng lao động chuyên ngành quản lý bay, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ xây dựng, khai thác các hệ thống kỹ thuật chuyên ngành mới; bồi dưỡng kiến thức nhằm đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo đảm hoạt động bay và đội ngũ tham mưu, giúp việc; đào tạo nguồn nhân lực cho các công trình bảo đảm hoạt động bay dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện đào tạo, huấn luyện về an toàn thông tin theo Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Năm 2013, Tổng công ty đã thành lập Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Chi nhánh 1 để thực hiện nhiệm vụ chính là tổ chức đào tạo ban đầu để cấp chứng chỉ chuyên môn về Không lưu; Thông tin - Dẫn đường - Giám sát hàng không; Khí tượng hàng không; Thông báo tin tức hàng không; Thiết kế phương thức bay; bản đồ, sơ đồ, dữ liệu hàng không; Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng. Trung tâm còn chịu trách nhiệm huấn luyện nâng cao theo yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức các chương trình đào tạo do chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; triển khai nhiệm vụ tổ chức đánh giá tiếng Anh nhân viên hàng không theo yêu cầu của Tổng công ty và Cục Hàng không Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay - Công ty con của Tổng công ty cũng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên khai thác bảo dưỡng hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không - CNS; bay kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị CNS và bay đánh giá phương thức bay.
Kết quả đào tạo, huấn luyện giai đoạn 1993-2022: Tổng công ty đã tổ chức đào tạo, huấn luyện trong nước và nước ngoài cho hơn 113.000 lượt người trong đó giai đoạn 1993-2003: 7.500 lượt người (trong nước: 6.700 lượt, nước ngoài: 815 lượt) giai đoạn 2003-2013 tăng gấp 3,6 lần: 27.600 lượt người (trong nước: 26.200 lượt, nước ngoài: 1.300 lượt), giai đoạn 2013-2022 tăng gấp 3,8 lần: 78.000 lượt (trong nước: 68.000 lượt, nước ngoài: 957 lượt trong đó tại nước ngoài là 462 lượt, chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam: 495 lượt). Kết quả đào tạo, huấn luyện trong từng giai đoạn không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
Trong những năm qua, Tổng công ty không ngừng đổi mới, thực hiện các bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện bằng việc: Hoàn thiện hệ thống đào tạo, huấn luyện; Hoàn thiện các văn bản quản lý trong công tác đào tạo, huấn luyện; Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo huấn luyện. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo, huấn luyện (ngắn hạn, dài hạn, đào tạo trong nước, đào tạo tại nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam; đào tạo tập trung trực tiếp, đào tạo trực tuyến); đẩy mạnh đào tạo mới, đào tạo lại tại các cơ sở trong và ngoài nước, đảm bảo có đội ngũ lao động đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu quản lý và sản xuất kinh doanh. Xây dựng, phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và cán bộ quản lý đào tạo về Hàng không. Hiện tại, toàn Tổng công ty có khoảng 150 huấn luyện viên chuyên ngành được công nhận, cấp phép. Đội ngũ này không ngừng được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy. Tổng công ty chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước, nhất là đối với Học viện Hàng không Việt Nam và các cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không khác.
Về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Tổng công ty đã trang bị các hệ thống thiết bị giả định (Simulator) hiện đại tại các cơ sở điều hành bay, đặc biệt tại các trung tâm kiểm soát đường dài, tiếp cận, các phòng huấn luyện giả định kiểm soát tại sân SIM 3D có thiết bị hiện đại đang được sử dụng tại các nước có nền không lưu tiên tiến. Với những hệ thống huấn luyện giả định này, các kiểm soát viên không lưu được làm quen với môi trường điều hành giả định như hoạt động thực tiễn hàng ngày, các tình huống điều hành thực tế sẽ được mô phỏng như thật, mỗi kiểm soát viên không lưu trước khi được tham gia vào dây chuyền điều hành bay đều phải tham gia huấn luyện trên hệ thống này hàng trăm giờ và 100% các kiểm soát viên không lưu hàng năm đều phải tham gia huấn luyện lại nhằm nâng cao các kỹ năng điều hành bay đảm bảo an toàn điều hành bay.
Nhằm huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành, Tổng công ty đã tổ chức tốt công tác xã hội hóa tại nước ngoài (tại New Zealand) và trong nước (tại Học Viện HKVN):
- Xã hội hóa tại nước ngoài (tại Airways New Zealand): Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu (KSVKL Tiếp cận, Tại sân, Đường dài) cho các cơ sở Điều hành bay sân bay quốc tế, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. Tổng công ty đã ký Thỏa thuận đào tạo cơ bản Kiểm soát viên không lưu với Công ty TNHH Quốc tế Airways New Zealand (Airways New Zealand). Trong giai đoạn 2015-2019, Tổng công ty đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 65 học viên KSVKL/03 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại Airways New Zealand đã được Tổng công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.
- Xã hội hóa trong nước (tại Học viện Hàng không Việt Nam): Tổng công ty đã xây dựng phương án đào tạo Kiểm soát viên không lưu cho các cơ sở Điều hành bay sân bay địa phương, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. Tổng công ty đã ký Thoả thuận hợp tác đào tạo kiểm soát viên không lưu với Học viện Hàng không Việt Nam (VAA). Trong giai đoạn 2017-2022, Tổng công ty đã phối hợp với VAA tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 81 học viên KSVKL/02 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại VAA đã được Tổng công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.
Trong chặng đường tiếp theo của Tổng công ty; bên cạnh việc tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được; để phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển; Tổng công ty phát triển công tác đào tạo, huấn luyện theo định hướng thống nhất, tập trung, chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay; chú trọng công tác đào tạo chuyên gia, mũi nhọn đầu ngành; ưu tiên đào tạo đội ngũ huấn luyện viên chuyên ngành theo lộ trình dài hạn. Bên cạnh công tác huấn luyện nâng cao tất cả các lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay và an ninh hàng không; công tác bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực bảo đảm hoạt động doanh nghiệp như tài chính, kế hoạch, tổ chức cán bộ, v.v; công tác huấn luyện lĩnh vực công nghệ mới cũng được tập trung thực hiện.
6. Xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn
6.1. Đảng bộ Tổng công ty
Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (tiền thân là Đảng bộ Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam), được thành lập ngày 16/7/1993 trực thuộc Đảng ủy Cục Hàng không Việt Nam theo Quyết định số 52-QĐ/ĐU của Đảng ủy Cục Hàng không dân dụng Việt Nam; ngày 10/7/2012 trực thuộc Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải theo Quyết định số 184-QĐ/ĐU của Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải. Đảng bộ Tổng công ty là Đảng bộ cấp cơ sở, Đảng ủy được giao một số quyền cấp trên cơ sở theo Quyết định số 252-QĐ/ĐUK, ngày 27/9/2011 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp Nhà nước theo Quy định số 287-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư, nay thực hiện Quy định số 48-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư.
Trong 30 năm qua, thời gian đầu Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Cục Hàng không Việt Nam; việc nâng cấp các đảng bộ bộ phận trực thuộc thành đảng bộ cơ sở và Đảng ủy Tổng công ty được giao quyền cấp trên cơ sở là một sự kiện, mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Đảng bộ; từ tổ chức đảng có 6 đảng bộ bộ phận và 11 chi bộ trực thuộc, đến nay Đảng bộ Tổng công ty có 09 đảng bộ cơ sở, 01 đảng bộ bộ phận và 09 chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tổng công ty (trong đó 09 đảng bộ cơ sở trực thuộc có 09 đảng bộ bộ phận và148 chi bộ trực thuộc các đảng ủy cơ sở và đảng ủy bộ phận) với tổng số 1.765 đảng viên. Hệ thống tổ chức đảng tại Đảng bộ Tổng công ty được tổ chức theo ngành dọc, gắn liền với hệ thống tổ chức hành chính của đơn vị, hoạt động phân tán trên cả nước, nhiều chi bộ ở xa, miền núi và hải đảo.
Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được kế thừa và phát huy truyền thống của một tổ chức đảng trưởng thành từ quân đội luôn đoàn kết thống nhất, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong bối cảnh có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng có khó khăn, thách thức đan xen.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng đã là nền tảng thuận lợi cơ bản trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ những năm qua của cả Đảng bộ. Đồng thời Đảng bộ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải; thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bộ, ngành cùng với sự đoàn kết quyết tâm cao của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Tổng công ty; các cấp ủy đảng đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người lao động đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được coi trọng. Trước tình hình diễn biến phức tạp của chính trị thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, Đảng ủy luôn chú trọng tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng kịp thời đến cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn Tổng công ty, đồng thời thường xuyên chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên, người lao động tự hào về truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, xây dựng được tập thể vững mạnh về tư tưởng chính trị, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng cách mạng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, không dao động trước khó khăn; tất cả cán bộ, đảng viên, người lao động của Tổng công ty đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Các cấp ủy trực thuộc thực hiện tốt Chỉ thị, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, của Ban Chỉ đạo 35 Bộ GTVT và Kế hoạch của Đảng ủy Tổng công ty về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Đảng ủy đã lãnh đạo đơn vị xây dựng tập thể vững mạnh, không dao động trước khó khăn; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương; các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; thực hiện tốt các Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII, XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; chấp hành các quy định như: Quy định số 55-QĐ/TW về nêu gương của cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 25/01/2017 của Đảng ủy Khối về tăng cường tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đảng ủy Tổng công ty đã ban hành Quy định về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; xây dựng kế hoạch học tập theo các chuyên đề hàng năm và tổ chức cho từng đảng viên cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để làm cơ sở đánh giá cuối năm. Các nội dung học tập và làm theo Bác đã được tất cả các chi bộ trong Đảng bộ đưa vào nội dung sinh hoạt định kỳ, lựa chọn theo nội dung chủ đề của năm làm chuyên đề để tổ chức sinh hoạt đúng theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương; các cấp ủy đã cụ thể hóa việc học tập thành các hoạt động thực tế, cụ thể như tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp cơ sở và Hội thi Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ giỏi cấp Tổng công ty. 100% cán bộ, đảng viên xây dựng được bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định trước khó khăn, thách thức; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; thực hiện đúng các quy định về những điều đảng viên không được làm; không có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo nên không khí thi đua học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác; các cán bộ, đảng viên thể hiện tốt vai trò đầu tàu, gương mẫu trong công tác, phát huy được tính độc lập, chủ động sáng tạo đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao.
Tập trung triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết các Đại hội lần thứ II, III, IV, V, VI, VII, VIII của Đảng bộ Tổng công ty bằng việc xây dựng các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội phù hợp với tình hình cụ thể và chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty; các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác nhiệm kỳ, từng năm sát với yêu cầu thực tế, nhằm quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; ban hành Nghị quyết về các chuyên đề: “Nâng cao năng lực điều hành bay, an toàn và chất lượng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay”; “Thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; “Nâng cao chất lượng chi bộ và nâng cao chất lượng công tác đảng viên”; “Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương và nâng cao ý thức chấp hành nội quy lao động”; “Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty”, đây là các nghị quyết có tính xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ với nhiều giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Công tác kiện toàn tổ chức đảng thường xuyên được quan tâm, thực hiện đúng quy trình, quy định nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của Tổng công ty. Trải qua 8 kỳ Đại hội và nhiều lần thay đổi về tên gọi, tổ chức bộ máy, Đảng ủy Tổng công ty đã kịp thời sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng, lập mới tổ chức đảng tương ứng với tổ chức cơ quan, đơn vị theo quy định, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Đội ngũ cấp ủy viên các cấp luôn được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, vai trò, ý thức trách nhiệm được đề cao, nội bộ cấp ủy đoàn kết thống nhất, phương pháp lãnh đạo luôn đổi mới.
Các cấp ủy đảng trong Đảng bộ luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, thường xuyên nâng cao vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động cán bộ được triển khai thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Công tác phát triển đảng luôn được quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; trong 30 năm qua, toàn Đảng bộ kết nạp được 1.578 quần chúng ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam; bên cạnh đó tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới thực hiện đúng quy định và làm tốt các quy trình, thủ tục đề nghị đảng ủy cấp trên phát thẻ đảng viên, xét tặng Huy hiệu Đảng. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý đảng viên luôn bảo đảm tốt theo Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.
Các tổ chức đảng luôn duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng theo quy định, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thể hiện tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục; thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư và các Nghị quyết của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt” và “Nâng cao chất lượng chi bộ”, qua đó các cấp ủy đảng và chi bộ đã nâng cao rõ rệt về chất lượng sinh hoạt và chất lượng chi bộ.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy luôn được chú trọng, liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng đi vào trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát theo từng nhiệm kỳ và hàng năm, chú trọng nội dung tập trung vào kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2022, Đảng ủy Tổng công ty đã thực hiện kiểm tra, giám sát 584 lượt tổ chức đảng và 6.233 lượt đảng viên; Xử lý kỷ luật 76 đảng viên (trong đó khai trừ 02, cảnh cáo 27, khiển trách 47). Qua kiểm tra, giám sát đã chỉ ra những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của các tổ chức và cá nhân được kiểm tra, giám sát; đồng thời, yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên khắc phục những tồn tại, thiếu sót theo kết luận của các cuộc kiểm tra và đánh giá của các cuộc giám sát.
Hằng năm đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên theo đúng quy định, hướng dẫn của đảng ủy cấp trên. Kết quả đảng bộ, chi bộ đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”; đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Đảng bộ Tổng công ty liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh trong nhiều năm; các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ đều đạt từ mức “Hoàn thành tốt” trở lên, 100% đảng viên được tổ chức đảng phân loại ở mức từ “Hoàn thành nhiệm vụ” đến “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đảng bộ Tổng công ty và nhiều tổ chức đảng, cá nhân được tặng Cờ, Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải.
6.2 Tổ chức Công đoàn Tổng công ty
Tổ chức Công đoàn Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 69/TC-CB ngày 16/7/1993 của Công đoàn ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Công đoàn Trung tâm được thành lập trên cơ sở kiện toàn lại Công đoàn Công ty Quản lý bay và 03 Công đoàn bộ phận thuộc 03 Cụm cảng miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trải qua nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức, Công đoàn Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã qua 08 kỳ tổ chức Đại hội vào các năm: 1994, 1998, 2001, 2003, 2005, 2008. Đến ngày 09/11/2010, Thường vụ Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam đã có Quyết định chuyển đổi Công đoàn Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam là tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam và đã trải qua 02 kỳ đại hội, nhiệm kỳ 2013-2018 và nhiệm kỳ 2018-2023.
Trong 30 năm qua, Công đoàn Tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc vai trò là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là chỗ dựa tin cậy về tinh thần cho người lao động vì mục tiêu “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, phát triển”. Công đoàn Tổng công ty đã phát huy tốt vai trò là tổ chức của người lao động, vì người lao động, thực hiện tốt chức năng quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty là cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay “An toàn - Điều hòa - Hiệu quả”.
- Công đoàn Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền chăm lo, bảo vệ, cải thiện đời sống cho người lao động. 100% người lao động đã có thu nhập, cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. 100% người lao động có việc làm và được bố trí công việc phù hợp, được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm khám chữa bệnh, được khám sức khỏe định kỳ (riêng lao động nữ được khám chuyên khoa). Công đoàn Tổng công ty luôn chủ động trong việc cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần đảm bảo hoạt động SXKD luôn an toàn, liên tục, đạt hiệu quả cao.
Hàng năm, người lao động của Tổng công ty được tổ chức tham quan nghỉ mát trong nước và nước ngoài, được thăm hỏi, trợ cấp kịp thời khi ốm đau, khi gặp rủi ro, gia đình bị thiên tai bão lũ,… Vào dịp Lễ, Tết Công đoàn các cấp đã thường xuyên tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho cán bộ, công đoàn viên đã nghỉ hưu và đặc biệt quan tâm tới các công đoàn viên gặp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo,… qua đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống cán bộ, đoàn viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp duy trì và tổ chức tốt công tác khen thưởng các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập; thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cho con cán bộ, người lao động Tổng công ty nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu; Hỗ trợ tặng quà các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu khuyết tật bẩm sinh.
- Tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện: Công đoàn Tổng công ty luôn phối hợp với chuyên môn đồng cấp tuyên truyền, vận động người lao động tích cực hưởng ứng hoạt động đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động xã hội từ thiện. Thông qua tuyên truyền và Hội nghị người lao động, hàng năm người lao động trong Tổng công ty đã tự nguyện quyên góp từ 2 đến 4 ngày lương ủng hộ hoạt động xã hội, từ thiện. Trong 30 năm qua, đã tổ chức vận động người lao động quyên góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền là trên 75 tỷ đồng với nhiều hoạt động thiết thực. Riêng, năm 2021, với tinh thần chung sức, đồng lòng vì một Việt Nam chiến thắng đại dịch, Tổng công ty đã ủng hộ số tiền 3 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ, trong đó 100% người lao động Tổng công ty tình nguyện ủng hộ đóng góp 01 ngày lương.
Những đóng góp từ hoạt động vì cộng đồng của Công đoàn Tổng công ty đã khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần tương thân tương ái trong mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động Tổng công ty. Các hoạt động giàu tính nhân văn này đã trở thành điểm sáng trong truyền thống văn hóa doanh nghiệp, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc.
- Tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, vận động người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Hàng năm Công đoàn đã cùng chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong Tổng công ty. Nội dung, mục tiêu thi đua được cụ thể hoá, thiết thực với tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các phong trào thi đua gắn liền với các sự kiện, giai đoạn quan trọng của đất nước, của Ngành, của Tổng công ty, đã góp phần tạo không khí lao động sôi nổi, khơi dậy niềm đam mê hăng say công việc góp phần làm cho các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quy định của Ngành, nhiệm vụ của đơn vị được thực hiện có hiệu quả, chất lượng cao, đảm bảo hoạt động bay an toàn tuyệt đối. Qua phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc đã được các cấp, ngành biểu dương khen thưởng.
- Công đoàn tích cực phối hợp triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. đồng thời qua đó lựa chọn được các đội tuyển thể thao, các hạt nhân văn nghệ tham gia các hoạt động do Công đoàn GTVTVN tổ chức và đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc.
6.3 Đoàn Thanh niên Tổng công ty
Tổ chức Đoàn Thanh niên Tổng công ty, khi mới thành lập chỉ có trên 50 đoàn viên thanh niên, Ban Chấp hành lâm thời gồm 09 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí. Trong suốt 30 năm qua, tổ chức Đoàn không ngừng được củng cố phát triển và tăng cường về lực lượng. Tính đến năm 2022, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có 08 tổ chức Đoàn cơ sở, 03 Chi đoàn cơ sở và 68 Chi đoàn hoạt động trải dài trên khắp cả nước; tổng số đoàn viên thanh niên 1.457 người (trong đó có 421 đảng viên, 942 đoàn viên nam và 515 đoàn viên nữ); tổng số cán bộ đoàn trong Tổng công ty là 276 người. Đoàn Thanh niên Tổng công ty là một trong những tổ chức Đoàn lớn mạnh về số lượng và chất lượng trong tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Giao thông vận tải.
Nhiều năm qua, lực lượng đoàn viên thanh niên trẻ, chiếm số đông có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản về ngoại ngữ, có nhận thức tốt, được bố trí ở các vị trí quan trọng trong dây chuyền điều hành, các cơ quan chức năng, đảm bảo kỹ thuật. Đặc biệt trong lực lượng kiểm soát viên không lưu đoàn viên thanh niên chiếm đến 70%. Trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng công ty, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt trong quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại của Tổng công ty. Tổ chức Đoàn các cấp đã phát động nhiều phong trào hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với công tác chuyên môn, như: “Vùng trời an toàn”, “ Tuổi trẻ Quản lý bay xung kích, sáng tạo làm chủ công nghệ hiện đại”; “Chỉ huy điều hành bay an toàn, điều hoà, hiệu quả”, phong trào “Thi đua lao động theo phong cách đơn vị anh hùng”, “Thanh niên Quản lý bay với văn hóa an toàn hàng không”, tham gia phong trào “Tuổi trẻ Hàng không Việt Nam bản lĩnh trí tuệ, xung kích tình nguyện vì những chuyến bay an toàn hiệu quả”, phong trào xã hội từ thiện “Ấm áp biên cương”… Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ, thích ứng với bối cảnh tình hình mới.
Đoàn Thanh niên Tổng công ty luôn làm tốt công tác phát triển Đảng, đã có hàng trăm đoàn viên ưu tú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các thế hệ thanh niên của Tổng công ty là lực lượng tiên phong trong các hoạt động: văn nghệ, thể thao, công tác xã hội: đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào nghĩa tình biên giới hải đảo, chia sẻ ấm áp tới biên cương, vì trẻ thơ Việt Nam...
Với lực lượng trẻ hùng hậu, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, yêu ngành, yêu nghề, lực lượng thanh niên đã đóng góp một phần lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và xây dựng ngành Quản lý Bay ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
- Những thành tựu và phần thưởng cao quý
Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào. Với những thành tích vẻ vang ấy, tập thể và nhiều cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, cụ thể:
- Khen thưởng về chính quyền
a) Tập thể:
- 01 Đơn vị Anh hùng Lao động (2000);
- 01 Huân chương Độc lập hạng ba (2006);
- 16 Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- 23 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- 16 Cờ thi đua của Chính phủ;
- 126 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- 04 Bức trướng;
- 27 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giao thông vận tải;
- Nhiều Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn,…;
- Giải thưởng “Đại bàng” của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (năm 2009);
- “Top 10 Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín” năm 2009;
- Giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia” năm 2010;
- Danh hiệu “Tổ chức Đảng tiêu biểu trong doanh nghiệp” lần thứ I (2011).
b) Cá nhân:
- 01 danh hiệu “Anh hùng Lao động” (2000);
- 05 danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”;
- 26 Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba;
- 47 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- 223 lượt cán bộ, nhân viên đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải”;
- 322 cán bộ, nhân viên được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- 3.893 lượt cán bộ, nhân viên đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”;
- Nhiều cá nhân được Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn, UBND các tỉnh, thành phố tặng Bằng khen.
- Khen thưởng về công tác Đảng, Đoàn thể
a) Đảng bộ Tổng công ty:
Khen thưởng tập thể:
- 13 tổ chức Đảng được tặng Bằng khen Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
- 03 tổ chức Đảng được tặng Cờ của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
- 17 tổ chức Đảng được tặng Giấy khen Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải
- 13 tổ chức Đảng được tặng Giấy khen Đảng ủy Cục Hàng không Việt Nam
Khen thưởng cá nhân:
- 43 cá nhân được tặng Bằng khen Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
- 136 cá nhân được tặng Giấy khen Đảng ủy Cục Hàng không Việt Nam
b) Công đoàn Tổng công ty
- 01 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2021)
- 01 Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2014)
- 01 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009)
- 01 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2007)
- 12 Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- 16 Cờ Thi đua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- 04 Bằng khen của Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam;
- 03 Bằng khen của Công đoàn Cục Hàng không Việt Nam
c) Đoàn Thanh niên Tổng công ty
- 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012;
- 19 Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- 02 Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc 05 năm liên tục”;
- 03 Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu công tác Đoàn ngành Hàng không”;
- 01 Cờ thi đua "Đơn vị vững mạnh xuất sắc" của Đoàn Bộ GTVT
- 58 Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho các cá nhân tiêu biểu;
- 03 Huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo”;
- 02 Danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc”;
- 01 Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”
PHÁT TRIỂN QUẢN LÝ BAY VIỆT NAM
TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
I. Tầm nhìn
Phấn đấu đến năm 2030 phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí: năng lực điều hành bay và chất lượng các dịch vụ; có hệ thống quản lý an toàn tin cậy; áp dụng công nghệ hiện đại và giải pháp quản lý không lưu tiên tiến, hiệu lực, hiệu quả; đóng góp xứng đáng cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước.
II. Quan điểm phát triển
1. Quan điểm phát triển hệ thống quản lý bay đến năm 2030 là phải xây dựng được các nền tảng cho sự phát triển bền vững thông qua ba trụ cột:
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
- Hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động; sắp xếp, kiện toàn tổ chức các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng chuyên môn hóa hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực.
- Đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng;
2. Hệ thống quản lý bay hàng không dân dụng Việt Nam xác định tổ chức, cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong các FIR do Việt Nam quản lý, các hoạt động bay đi đến các cảng hàng không sân bay trong nước là hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi. Đồng thời cũng phải sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư, phát triển các sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp hàng không phù hợp với năng lực, điều kiện của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội.
III. Các mục tiêu cần đạt được
1. Phát triển năng lực điều hành bay đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao; đảm bảo tới năm 2025, năng lực trên toàn hệ thống đạt 1.500.000 lần chuyến/năm, đảm bảo luôn cao hơn lưu lượng và mật độ hoạt động bay và Tổng công ty phục vụ từng năm.
Chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo đúng các chuẩn mực quốc tế được Bộ Giao thông vận tải và ICAO công nhận; từng bước chủ động tiếp cận quản lý hoạt động bay tầng thấp, tăng cường năng lực quản lý điều hành bay tại các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
2. Hoàn thành đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quản lý bay theo Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam định hướng đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định 2339/QĐ-BGTVT. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý hoạt động bay được phê duyệt trong Đề án “Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không” theo Quyết định số 2985/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT.
3. Tới năm 2030, hệ thống quản lý an toàn của Quản lý bay Việt Nam đáp ứng tất cả các yêu cầu của Cộng đồng hàng không quốc tế và tương đương với các nước tiên tiến ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đảm bảo các tiêu chí của Mức an toàn (AloS) luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn mức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
4. Tiếp tục xây dựng và phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam theo Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, trong đó công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Thực hiện công tác Kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục thực hiện Đề án kiện toàn các đơn vị gồm: Trung tâm Khí tượng hàng không giai đoạn 2, Trung tâm Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Trung tâm Quản lý luồng không lưu đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Trung tâm Thông báo tin tức Hàng không đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
5. Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiện đại hóa phương thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan tham mưu, giúp việc trong Tổng công ty theo định hướng sử dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, tập trung, thống nhất, hiệu quả phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.
Tập trung nâng cấp, hiện đại hóa từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo tính kết nối liên thông thống nhất giữa tất cả các cơ quan tham mưu, các trung tâm điều hành kiểm soát không lưu, các cơ sở cung cấp dịch vụ trong phạm vi cả nước và với các quốc gia trong khu vực; xây dựng hoàn thiện và ứng dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành bảo đảm hoạt động bay, ứng dụng CNTT và tự động hóa các hoạt động quản lý, điều hành.
6. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đội ngũ chuyên gia có đầy đủ năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay; xây dựng đội ngũ nhân viên hàng không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và ICAO, có kỹ năng thành thạo, gắn bó, sẵn sàng cống hiến xây dựng ngành HKDD Việt Nam.
7. Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển sản xuất công nghiệp hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế thay thế nhập ngoại và xuất khẩu.