04/11/2024
Trách nhiệm điều hành, chỉ huy bay đối với các hoạt động hàng không dân dụng và quân sự
Các loại hình hoạt động bay hiện nay ở Việt Nam rất đa dạng về chủng loại và phương thức hoạt động. Tuy nhiên, việc điều hành, chỉ huy các loại hình hoạt động bay này hiện chỉ do các cơ quan chỉ huy bay quân sự và các cơ sở điều hành bay hàng không dân dụng (HKDD) đảm bảo. Do tính chất hoạt động, trang thiết bị kỹ thuật, đặc điểm hoạt động bay có sự khác nhau nên công tác điều hành, chỉ huy bay đối với hoạt động bay HKDD và quân sự cũng có sự khác nhau rõ rệt.
Đối với hoạt động bay HKDD, để thực hiện chuyến bay, trước hết, tổ lái hoặc hãng hàng không phải nộp Kế hoạch bay không lưu để đảm bảo cơ sở điều hành bay liên quan nhận được đầy đủ các thông tin về chuyến bay, lộ trình bay, trang thiết bị dẫn đường sẵn có trên tàu bay cũng như các thông tin an toàn bay khác. Tổ lái có trách nhiệm thực hiện chuyến bay theo các đường hàng không và phương thức bay đã được thiết lập phù hợp. Để đảm bảo tàu bay bay theo đúng lộ trình quy định, tổ lái sử dụng tín hiệu từ hệ thống dẫn đường trên mặt đất, từ vệ tinh hoặc kết hợp cả hai. Trong bất kỳ giai đoạn nào của chuyến bay, từ khi tàu bay trên mặt đất, cất cánh, bay đường dài cho tới khi hạ cánh và lăn vào vị trí đỗ, trách nhiệm của kiểm soát viên không lưu (KSVKL) chính là đảm bảo phân cách an toàn giữa các tàu bay với nhau, giữa các tàu bay và chướng ngại vật. Đồng thời, tùy theo tình hình thực tế, KSVKL sẽ đảm bảo các điều kiện tối ưu để chuyến bay được khai thác một cách điều hòa, hiệu quả. Trong một số trường hợp đặc biệt như áp dụng tín hiệu giám sát để dẫn dắt tàu bay trong điều kiện thời tiết xấu, điều hòa luồng không lưu, thiết lập thứ tự tiếp cận, KSVKL phải đảm bảo tàu bay trong giới hạn giám sát được của hệ thống trang thiết bị, đảm bảo an toàn giữa tàu bay với các chướng ngại vật liên quan.
Kíp trực tại Đài KSKL Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài
Trong khu vực sân bay, khi tàu bay HKDD thực hiện các chuyến bay theo quy tắc bay bằng thiết bị, tàu bay sẽ bay theo các phương thức đến, phương thức tiếp cận đã được KSVKL chỉ định trước đó, phù hợp với từng đường cất hạ cánh sử dụng. Ở giai đoạn tiếp cận chót, tùy theo từng phương thức, tổ lái sẽ chuyển từ chế độ bay bằng thiết bị sang chế độ bay bằng mắt ở độ cao khác nhau. Kể từ thời điểm đó, tổ lái phải đảm bảo duy trì quan sát đường cất hạ cánh, chướng ngại vật. Khi các điều kiện về nền không lưu, tình trạng đường cất hạ cánh, khí tượng được đảm bảo, KSVKL cấp huấn lệnh cho tàu bay hạ cánh. Căn cứ vào điều kiện khai thác của chuyến bay như tầm nhìn, gió, sự ổn định của tàu bay, tổ lái ra quyết định việc hạ cánh xuống đường cất hạ cánh đã được chỉ được trước đó. Trong quá trình tàu bay vào hạ cánh, KSVKL giám sát quỹ đạo của tàu bay, kịp thời khuyến cáo khi tàu bay có biểu hiện nhầm đường cất hạ cánh và chịu trách nhiệm đảm bảo đường cất hạ cánh sẵn sàng cho tàu bay hạ cánh. Tuy nhiên, tổ lái là người đảm bảo cuối cùng về tính chính xác của quỹ đạo bay và quyết định hành động hạ cánh của mình. Trường hợp các yêu cầu về khai thác không đảm bảo, tổ lái ra quyết định bay lại, đồng thời thông báo kịp thời cho KSVKL. Khi đó, KSVKL phải đảm bảo lộ trình của tàu bay được an toàn, không có chướng ngại vật và không bị uy hiếp an toàn bay từ bất kỳ một hoạt động bay nào khác.
Đối với hoạt động bay Quân sự, do đặc điểm về tính năng dẫn đường, khai thác của thế hệ tàu bay cũ, nhất là đối với tàu bay 01 người lái, trong quá trình thực hiện chuyến bay, đặc biệt là giai đoạn vào hạ cánh, cơ quan Quân sự sẽ bố trí 02 chỉ huy bay, gồm chỉ huy bay chính và chỉ huy bay phụ. Các chỉ huy bay này là những phi công có kỹ năng, có kinh nghiệm và được phê chuẩn thực hiện chỉ huy bay. Khi tàu bay hạ cánh, chỉ huy bay phụ sẽ hỗ trợ tổ lái về tầm, hướng đối chuẩn đường cất hạ cánh, việc thả càng của tàu bay, đảm bảo các điều kiện phù hợp để tàu bay hạ cánh an toàn. Thay vì sử dụng các trang thiết bị dẫn đường và quan sát bằng mắt để hạ cánh như tổ lái của tàu bay HKDD trên cơ sở thứ tự tiếp cận hạ cánh đã được KSVKL thiết lập, phi công quân sự thực hiện hạ cánh thông qua việc chỉ huy, hỗ trợ từ chỉ huy bay Quân sự. Điều này tạo nên sự khác biệt rõ rệt về khái niệm “chỉ huy bay” đối với hoạt động bay Quân sự và “kiểm soát không lưu” đối với hoạt động bay HKDD. Ngày nay, việc trang bị các thiết bị dẫn đường trên thế hệ tàu bay quân sự mới đã dần được cải tiến, giúp công tác chỉ huy bay của các cơ quan Quân sự được giảm tải đáng kể.
“Chỉ huy bay” đối với hoạt động bay Quân sự
Mục đích cuối cùng trong công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động bay là đảm bảo an toàn. Đối với HKDD việc đảm bảo an toàn của chuyến bay vừa là trách nhiệm của KSVKL và của tổ lái. KSVKL đảm bảo lộ trình, quỹ đạo bay của tàu bay không vi phạm chướng ngại vật và bị uy hiếp an toàn bởi một hoạt động bay khác. Tổ lái là người đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến các vấn đề khai thác tàu bay và an toàn của chuyến bay. Việc phân định trách nhiệm như vậy giúp KSVKL và tổ lái tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể của mỗi bên, đảm bảo tính an toàn, chính xác trong quá trình cấp và thực hiện huấn lệnh.
Ban Không lưu