26/12/2024
Ứng phó với bão Usagi và công tác làm sạch môi trường sau bão tại Công ty Quản lý bay miền Nam
Bão số 9, có tên gọi quốc tế là Usagi với cường độ mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 13 tiến vào đất liền nước ta và gây ảnh hưởng tại nhiều tỉnh thành phía Nam từ nam Bình Thuận đến Bến Tre. Trong hai ngày 24-25/11/2018 các cơ quan chức năng, các đơn vị phòng chống lụt bão tại công ty quản lý bay miền Nam cũng như Trung tâm khí tượng Hàng Không Tân Sơn Nhất chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng phó với bão, cùng phối hợp với các hãng hàng không cũng đã chủ động theo dõi, điều chỉnh lịch bay và thông báo khách hàng của mình theo dõi các thông tin về chuyến bay.
Ngành Hàng không được gọi là một ngành đặc thù đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị, từ hoạt động khai thác, dịch vụ, kỹ thuật tới thương mại,... Chính vì vậy, các công tác chuẩn bị phòng, chống bão Usagi đã được các đơn vị phối hợp thực hiện một cách chặt chẽ. Tại Trung tâm Khí tượng Hàng không Tân Sơn Nhất, cán bộ Trung tâm bám sát các vị trí trực cùng nhân viên, các ca trực được tăng cường người hỗ trợ 24/24 trong hai ngày 24/11 và 25/11. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão Usagi, hơn lúc nào hết công tác phục vụ bay và tư vấn vùng ảnh hưởng bão như các cảng Hàng không Cam Ranh, Tuy Hòa, Buôn Mê, Liên Khương, Cần Thơ, Côn Đảo cho các đơn vị hiệp đồng diễn ra chóng và khẩn trương. Nhân viên khí tượng của đài kiểm soát không lưu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như Côn Đảo, Rạch Giá cũng được tăng cường trực ca đêm kể cả không có hoạt động bay đêm.
Vùng ảnh hưởng của bão Usagi trên ảnh mây vệ tinh
Công tác phối hợp giữa Trung Tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất và ban lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn của Công ty Quản lý bay miền Nam và bộ phận khí tượng các sân bay nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão hết sức chặt chẽ và kịp thời. Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam cũng trực tiếp đến các cơ sở trung tâm để chỉ huy công tác điều hành bay và các phương án ứng phó với bão Usagi. Theo đó các đơn vị liên quan cũng như các hãng hàng không thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Các tàu bay được neo đậu, chằng giữ tại các bãi đỗ, kiểm tra kỹ thuật kỹ càng, nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các tàu bay.
Tại Trung tâm Khí tượng Hàng không Tân Sơn Nhất, để ứng phó với bão Usagi, Ban Lãnh đạo Trung tâm, các kíp trực dự báo và quan trắc viên phải theo dõi sát sao đường đi và diễn biến của bão để tư vấn một cách nhanh chóng kịp thời cho cơ quan không lưu và các hãng Hàng không. Đề phòng những ảnh hưởng từ bão Usagi, các hãng hàng không đã có phương án điều động tàu bay và nhân sự trực điều hành và vận hành khai thác, đảm bảo đủ nhiên liệu xử lý các tình huống trên không, khi máy bay buộc phải bay vòng hay chuyển hướng hạ cánh.
Rất nhiều chuyến bay đến và đi từ TP.HCM như chuyến bay VN131 của Vietnam Airlines, CX799 của Cathay Pacific, MH766 của Malaysia Airline trong ngày 25/11 đã phải bay nhiều vòng mới đáp xuống được sân bay Tân Sơn Nhất do mưa lớn hay thậm chí phải chuyển hướng hạ cánh, quay lại điểm xuất phát... để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tổng số chuyến bay chuyến hưởng và bay chờ và hủy chuyến trong ngày 25/11 là 122 lần chuyến.
Sự chuẩn bị chu đáo và sát sao của Ban Lãnh đạo Công ty cũng như toàn bộ anh chị em các kíp trực từ Trung tâm Đường dài, đến Trung tâm Tiếp cận tại sân, Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kỹ thuật đến các đài không lưu địa phương đã thể hiện một tinh thần đoàn kết, tất cả vì những chuyến bay “an toàn, điều hòa, hiệu quả” đã đã mang tới sự an tâm cho khách hàng cũng như giảm thiểu những thiệt hại do bão gây ra, không chỉ cho các cảng hàng không, các hãng hàng không và các đơn vị liên quan khác.
Nhân viên Trung tâm Khí tượng Hàng không Tân Sơn Nhất thu nhặt rác thải rắn khu vực đầu đường băng 25L
Bão đi qua để lại một số hậu quả đáng kể và đã được anh chị em tại đơn vị kịp thời khắc phục sau bão, trồng lại cây xanh và dọn dẹp làm sạch khu vực làm việc, lượm sạch các chất thải rắn, chất thải vô cơ chảy theo đường thoát nước sân bay bị dồn ứ lại tại đầu đường băng. Loại rác thải này thực sự rất nguy hiểm cho tàu bay, nhất là những túi nilong hoặc những vật thể lạ bị vướng vào động cơ sẽ cực kỳ nguy hiểm cho báy bay. Bên cạnh đó việc phân loại rác thải tại đơn vị cũng được triển khai không để ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe con người cũng như môi trường làm việc.
Cây xanh đã được trồng lại tại khu vực đài KSKL Tân Sơn Nhất
Phùng Thị Xuân Hạnh