VATM – dấu ấn 2024

thứ ba, 31/12/2024 16:55

Năm 2024 hoạt động vận tải hàng không tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh đó tính chất hoạt động bay ngày càng phức tạp; các đơn vị quân sự tăng cường hoạt động bay huấn luyện, hoạt động bay không người lái; nhiều tàu bay lạ xuất hiện trong FIR Hà Nội, Hồ Chí Minh, trên biển Đông và vùng trời Đà Nẵng, cùng đó là diễn biến phức tạp của thời tiết là những khó khăn thách thức đối với công tác cung cấp dịch vụ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để cải thiện quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại. 

Phấn khởi tự hào chào mừng ngày kỷ niệm 30 năm tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (8/12/1994-8/12/2024), với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Cục Hàng không VN, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị quốc phòng cùng với các đơn vị trong và ngoài ngành Hàng không, tập thể cán bộ nhân viên hăng hái thi đua với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, xây dựng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện đại, vươn tầm hội nhập quốc tế”, năm 2024, VATM đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được Nhà nước giao; điều hành an toàn các chuyến bay chuyên cơ phục vụ Đảng, Nhà nước; phối hợp hiệu quả với các cơ quan quốc phòng trong giám sát, quản lý vùng trời và quản lý điều hành bay.

a7-1-1
VATM tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày tiếp nhận phần phía Nam vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh.

Đảm bảo tốt nhất chất lượng cung cấp dịch vụ
Mục tiêu điều hành bay An toàn - Điều hòa - Hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của VATM. 
Để đạt được mục tiêu này, VATM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tổ chức vùng trời, đường hàng không, phương thức bay, quản lý luồng không lưu, góp phần tối ưu hóa vùng trời, tiết kiệm chi phí cho hãng hàng không, giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu.
Nhằm đồng bộ tổng thể vùng trời trách nhiệm, VATM đã chủ động nghiên cứu tổ chức lại toàn bộ vùng trời các phân khu đường dài và tiếp cận trong FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh; nghiên cứu điều chỉnh vùng trời khu vực miền Trung để phù hợp với tính chất là khu vực Trung tận. Nghiên cứu thực hiện giảm tiêu chuẩn phân cách giám sát ATS tối thiểu trong khu vực trách nhiệm của ACC Hồ Chí Minh từ 10NM hiện tại xuống 5NM.
Áp dụng các phương thức bay PBN cho toàn bộ 22 sân bay theo Kế hoạch của Cục Hàng không, đáp ứng tiến độ của khu vực và thế giới. Chính thức thiết lập các vị trí kiểm soát mặt đất Cam Ranh.
Hoàn thành thiết kế các phương thức bay, đường hàng không và tổ chức vùng trời cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa đáp ứng quy mô công suất khai thác giai đoạn đầu của sân bay Long Thành.
Triển khai Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi và Phương thức khai thác ATFM đa điểm nút mức 3 tại Việt Nam, kết quả đã giảm một nửa số lượng tàu bay phải bay chờ tại các sân bay có hoạt động bay đông và trong điều kiện thời tiết bất lợi so với cùng kỳ năm 2023. 

Từ tháng 01/2024, thành lập Trung tâm Cơ sở dữ liệu hàng không thuộc Trung tâm Thông báo tin tức hàng không. VATM đã tổ chức khai thác và làm chủ hệ thống Quản lý tin tức hàng không (AIM) để biên soạn, phát hành các sản phẩm tin tức hàng không đầy đủ, chính xác, kịp thời; cung cấp dịch vụ ARO/AIS theo tiêu chuẩn ICAO và các quy định của Việt Nam; 
Từ tháng 4/2024 áp dụng mô hình cung ứng dịch vụ từ xa, tiến tới áp dụng tối đa tính năng của các hệ thống tự động trong công tác làm thủ tục bay.

z6184016820740_7d3d6db801b26f5f6d7a901eb6c43e67-3
Kíp trực điều hành bay tại Đài KSKL Nội Bài.

Năm 2024, dịch vụ khí tượng HK đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Xây dựng phần mềm đồ họa bản tin SIGMET; xoáy thuận nhiệt đới; xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở kỹ thuật cho hệ thống quan trắc tự động AWOS; đầu tư mới hệ thống thu sản phẩm dự báo thời tiết toàn cầu. Từ tháng 4/2024, điều chuyển các Hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng hàng không về Trung tâm Khí tượng Hàng không. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên 2 Vùng thông báo bay của Việt Nam, cung cấp số liệu, sản phẩm khí tượng phục vụ công tác điều hành bay. Đặc biệt trong năm 2024, Trung tâm Khí tượng HK đã chủ động cung cấp các thông tin tư vấn thời tiết kịp thời, chính xác, đầy đủ về cơn bão Yagi cho các cơ sở điều hành bay, các hãng hàng không góp phần tích cực làm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra cho hoạt động hàng không. 

Năm 2024, đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ Thông tin dẫn đường giám sát (CNS), thực hiện tốt các quy trình khai thác, bảo dưỡng, duy trì tình trạng hoạt động của các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật luôn ổn định, thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ kịp thời công tác điều hành bay. Hoàn thành chuyển đổi khai thác từ AFTN sang AMHS tại tất cả các đài Kiểm soát không lưu; triển khai kết nối mạng AIDC, kết nối CRV với các ACC các quốc gia lân cận. Cùng với đó, đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm phát hiện sớm nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng và sẵn sàng kế hoạch ứng phó để đảm bảo an toàn hệ thống cung cấp dịch vụ điều hành bay của Tổng công ty. 

Luôn đảm bảo sẵn sàng công tác ứng phó khẩn nguy và tìm kiếm cứu nạn HK. Năm 2024, VATM tổ chức Diễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm cứu nạn hàng không tại tỉnh Điện Biên.
Triển khai ký kết văn bản hiệp đồng phối hợp giữa Ban chỉ huy TKCN hàng không của VATM với Ban chỉ huy PCTT, TKCN của 20 Tỉnh/Thành phố trên cả nước.
Tháng 5/2024, chương trình thanh sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của ICAO đã thực hiện đánh giá các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của VATM. Đoàn Thanh sát đã đánh giá các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của VATM có độ an toàn cao trong khu vực châu Á; đạt trên 91% theo kết quả đánh giá của ICAO, đảm bảo bộ chỉ số an toàn trong cung cấp dịch vụ điều hành bay. 
Hàng loạt các nhiệm vụ liên quan công tác đảm bảo an ninh, an toàn bay đã được duy trì kiểm tra, đánh giá, chủ động nhận diện các mối nguy hiểm và đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro; bình giảng, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành bay.
Xây dựng kế hoạch, triển khai khắc phục tồn tại trong chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành hàng không về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và bảo đảm an ninh an toàn.

TCTSĐN 1-1
Kíp trực điều hành bay tại Đài KSKL Đà Nẵng.

Hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2024, VATM đã đảm bảo an toàn cho 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Bộ chỉ số an toàn của Tổng công ty (14/14 chỉ số) đạt 100% mức độ an toàn chấp nhận được.
Sản lượng điều hành bay ước đạt 864.725 lần chuyến, đạt 108,03% kế hoạch năm 2024 và bằng 114,23 % so cùng kỳ 2023. 
Triển khai kịp thời, chính xác 11.360 phép bay đột xuất; điều hành 318 lần chuyến bay chuyên cơ và 66 chuyến bay cứu thương. 
Tổng doanh thu: ước đạt 4.237 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 8,7% so với kế hoạch 2024. 
Tổng lợi nhuận trước thuế: ước đạt 1.431 tỷ đồng, tăng 30,3% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 30,2% so với kế hoạch 2024.
Nộp ngân sách nhà nước: ước đạt 2.819 tỷ đồng, tặng 37,9% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 16,1% so với kế hoạch 2024. 

Đẩy mạnh công tác đầu tư, tăng tốc đưa các công trình trọng điểm về đích
Tổ chức quản lý, sử dụng chặt chẽ có hiệu quả các nguồn vốn của Tổng công ty, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu được giao; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kế hoạch đầu tư, quyết liệt chỉ đạo thực hiện giải ngân các dự án theo kế hoạch. 

a3-10
Khánh thành Đài KSKL Điện Biên

Tháng 4/2024, khánh thành Đài KSKL Điện Biên, về đích trước 01 tháng so với kế hoạch và chuyển đổi khai thác Đài KSKL mới phục vụ tốt Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tháng 8/2024, khánh thành Đài KSKL Buôn Ma Thuột phù hợp với quy mô của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là sân bay dân sự cấp 4C, hỗ trợ hạ cánh chính xác CAT I.
Đối với các Dự án trọng điểm, năm 2024, VATM đã phát động 03 đợt thi đua cao điểm với quyết tâm: “vượt nắng, thắng mưa, sớm đưa công trình về đích”. Quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan chuyên môn luôn bám công trường, đôn đốc các nhà thầu, dồn lực ngày đêm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục lớn, rút ngắn thời gian thi công. 
Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, công tác thi công xây dựng công trình Đài KSKL đã hoàn thành đến cao độ +107,880m/123,050m và các công trình CNS (Trạm radar sơ cấp/Thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến; Trạm thu sóng vô tuyến và Trạm giám sát phụ thuộc; Trạm radar khí tượng; Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li DVOR/DME) đang gấp rút hoàn thiện, tiến độ thi công đạt khoảng 80%; các gói thầu thiết bị chuyên ngành chính đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, được ký kết hợp đồng và đáp ứng tiến độ chung của dự án. 
Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện Phần kiến trúc Nhà điều hành, các công trình phụ trợ và lắp đặt thiết bị công trình nhằm đáp ứng và hoàn thành khối lượng theo cam kết của Nhà thầu trong các đợt thi đua. Công tác triển khai các gói thầu của Dự án cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Đổi mới quản trị doanh nghiệp, đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Năm 2024, VATM tiếp tục tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tốt các chế độ phúc lợi đối với người lao động; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính theo lộ trình; tăng cường các quan hệ quốc tế, tận dụng các nguồn tài trợ nước ngoài cho đầu tư phát triển công nghệ điều hành bay. Đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp thông qua việc ban hành, sửa đổi các quy chế, quy trình, hướng dẫn và các quy định nội bộ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, đồng thời duy trì hợp tác với các tổ chức đào tạo về hàng không dân dụng quốc tế có uy tín để tổ chức 31 khoá với 281 lượt người tham gia đào tạo huấn luyện tại nước ngoài; thực hiện 150 khóa học trong nước cho gần 7 nghìn lượt người; Tổ chức 83 đoàn công tác với 327 lượt người tham dự các Hội nghị, Hội thảo quốc tế; 

Các tổ chức Đảng - Đoàn thể hoạt động hiệu quả, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty, bên cạnh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm, VATM là đơn vị luôn thực hiện tốt các hoạt động xã hội từ thiện, hỗ trợ cộng đồng. Năm 2024, người lao động VATM đã đóng góp quỹ từ thiện công đoàn GTVT Việt Nam 2 tỉ đồng, trực tiếp thăm hỏi hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 1 tỉ đồng, tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện với tổng số tiền gần 3,8 tỉ đồng. 

U27A6220-1
Lãnh đạo VATM trao quà hỗ trợ cho đồng bào Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang bị thiệt hại do bão Yagi.  

Mục tiêu – hành động cụ thể năm 2025
Duy trì, đảm bảo và nâng cao chất lượng, an toàn trong cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói chung, trọng yếu là công tác điều hành bay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, hiện đại hóa hạ tầng quản lý bay, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa, số hóa quy trình quản trị doanh nghiệp. Xây dựng và quyết liệt triển khai phương án bố trí, sắp xếp lực lượng lao động và tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước kế hoạch và chuẩn bị đưa vào khai thác các dự án trọng điểm: Dự án thành phần 2 Cảng HK quốc tế Long Thành và Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh. Tập trung đảm bảo, nâng cao thu nhập, phúc lợi và đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2026-2031, tập trung chuyển đổi số, tập trung phát triển hạ tầng, con người và cấu trúc các dịch vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

                                        VPTCT

 

 

Thông báo