VATM: Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013

thứ ba, 24/12/2013 02:40

Thực hiện Công văn số: 22-HD/BTCTW ngày 04/11/2013 của Ban Tổ chức Ban chấp hành Trung ương; Công văn số: 512-CV/ĐU ngày 25/11/2013 của Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, ngày 11/12/2013 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng của tập thể, cá nhân Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tổng công ty.

 

Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013

 

Tới dự Hội nghị kiểm điểm về phía Bộ Giao thông Vận tải có đồng  đồng chí Lại Xuân Thanh – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ GTVT, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ GTVT, đồng chí Ngô Văn Hiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ GTVT.

Khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên phát biểu: kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể; chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Qua đó, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; nâng chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên một cách thực chất và góp phần cải cách hành chính trong sinh hoạt Đảng.y Đồng chí yêu cầu, chỉ đạo kiểm điểm chặt chẽ, đúng nguyên tắc; phát huy tính tự giác, trung thực, khách quan, tránh hình thức; đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể và đánh giá cán bộ, đảng viên, làm căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.

Nhận thức rõ năm 2013 là một năm có nhiều biến động và đầy khó khăn, Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, phát huy sức mạnh truyền thống đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế được giao. Tại Hội nghị kiểm điểm ngoài việc đánh giá những ưu, khuyết điểm năm 2013, Tập thể Hội đồng thành viên đã tập trung nêu ra các khuyết điểm hạn chế, các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra trong đợt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, ban điều hành nhận thấy về cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, nhược điểm đã chỉ ra tại Hội nghị kiểm điểm trung ương 4, các giải pháp đã cơ bản được triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể như sau:

Về công tác đảm bảo an toàn bay: Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành đã nhận thức sâu sắc được nhiệm vụ trọng tâm và sống còn của Tổng công ty là điều hành bay “an toàn, điều hòa, hiệu quả” cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm được giao. Từ đó quyết liệt chỉ đạo Ban điều hành tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, cụ thể như sau:

- Tổ chức vùng trời, đường hàng không: điều chỉnh giới hạn cao trong khu vực TMA Tân Sơn Nhất (từ mực bay FL100 lên đến và bao gồm mực bay FL135). Điều chỉnh khu vực trách nhiệm của Đài kiểm soát tại sân bay Pleiku và bắt đầu áp dụng từ ngày 10/12/2013. Thực hiện tu chỉnh Tài liệu hướng dẫn khai thác các cơ sở điều hành bay, bổ sung Văn bản hiệp đồng, soạn dự thảo ấn phẩm thông báo tin tức hàng không để thông báo quốc tế để triển khai thiết lập các đường hàng không R335, R338 và điều chỉnh thông số các đường hàng không M753, R334, W12.

- Kiện toàn mô hình tổ chức, thành lập các cơ quan chuyên môn phục vụ cho công tác điều hành bay an toàn: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không, Ban An toàn - An ninh thuộc Tổng công ty và Tổ An toàn tại các đơn vị; Trung tâm Huấn luyện đào tạo Nghiệp vụ Quản lý bay.

- Tiến hành công tác rà soát đánh giá chất lượng, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm soát viên Không lưu. Tổng Công ty đã tự tổ chức tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kiểm soát viên mới nhằm bổ sung cho lực lượng kiểm soát viên không lưu đang thiếu cả về số ượng lẫn chất lượng, dự kiến trong tháng 12 này sẽ khai giải khóa học đầu tiên.

- Duy trì chế độ nề nếp, trong đó đối với các vụ việc xẩy ra, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục, kịp thời tổ chức bình giảng, trao đổi rút kinh nghiệm đồng thời nghiêm khắc điểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp, điều hành, giám sát chặt chẽ các hoạt động bay, xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm.

- Thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ đối với các trang thiết bị kỹ thuật để toàn hệ thống luôn hoạt động ổn định, khai thác hiệu quả và bảo đảm phục vụ tốt cho công tác điều hành bay.

Năm 2013 tần suất điều hành bay tăng, tính chất hoạt động bay ngày càng phức tạp nhưng tỷ lệ sự cố do lỗi trực tiếp của KSVKL giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước và tính chất mức độ ít nghiêm trọng, ý thức trách nhiệm của CBCNV đặc biệt là lượng kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật đã có chuyển biến rõ rệt. Công tác an toàn bay đang được từng bước củng cố vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất nhân tố, nguy cơ tiềm ẩn, gây mất an toàn bay do lỗi trực tiếp của Kiểm soát viên không lưu, cụ thể trong năm chỉ có 07 vụ việc chiếm 0,0012% so với sản lượng điều hành bay.

Công tác Kế hoạch, đầu tư xây dựng, kế toán tài chính:

 

- Xây dựng và thông qua Kế hoạch sản xuất kinh doanh đáp ứng các nhu cầu về phát triển ngành quản lý bay phù hợp với tiêu chuẩn của ICAO. Đến nay Tổng công ty đã xây dựng và thông qua Đề án “Chiến lược phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” và phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của Tổng công ty. Phê duyệt kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của Công ty TNHH kỹ thuật QLB; Hoàn thành và trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2013; thực hiện đúng chỉ tiêu tiết kiệm như đã đăng ký với Bộ GTVT.

- Trong lĩnh vực đầu tư chú trọng đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải, đặc biệt ưu tiên các dự án trọng điểm trong dây chuyền điều hành bay, bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư và thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành của Nhà nước và của Tổng công ty.

- Tập trung mọi nguồn lực, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư đặc biệt là các dự án trọng điểm và có nhiều chuyển biến tích cực. Dự án Đài KSKL tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã được nghiệm thu bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng từ 16/6/2013, đúng tiến độ đã cam kết với cấp trên.

- Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 04 dự án Bộ GTVT cho phép sử dụng vốn Tổng công ty để đầu tư: Dự án Đài KSKL cát Bi, Trạm Radar Sơn Trà, Hệ thống AMHS, Hệ thống huấn luyện giả định không lưu Nội Bài.

- Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để đầu tư các dự án, các trang thiết bị phục vụ cho công tác điều hành bay. Đặc biệt một số dự án cấp bách như: Đài KSKL Tuy Hòa, Buôn Ma Thuật, Trạm Radar Quy Nhơn, Trung tâm kiểm soát tiếp cận Đà Nẵng.

- Chấp hành nghiêm các chế độ, quy định của Nhà nước về công tác tài chính, kế toán; Tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp Ngân sách nhà nước trong năm.

Về công tác Đầu tư xây dựng:

Đốc thúc triển khai các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của Tổng công ty. Đã ban hành Quy chế Đầu tư xây dựng trong đó phân công, phân cấp trách nhiệm chủ đầu tư cho Tổng giám đốc. Phân công lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục kiện toàn các Ban QLDA. Chủ trương thành lập BQLDA chuyên trách với các thành viên có năng lực, kinh nghiệm để chuyên thực hiện các dự án đầu tư nhằm khắc phục các nhược điểm hiện nay.

Đến thời điểm hiện nay hầu hết các dự án của Tổng công ty đều đảm bảo tiến độ, đặc biệt đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất đúng tiến độ đã cam kết với cấp trên và được Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao. Đảm bảo tiến độ thi công dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội để cuối năm 2014 đưa vào khai thác, sử dụng.

Về Công tác Tổ chức cán bộ - lao động tiền lương: Đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

- Đã có sự phân cấp quản lý cán bộ rõ ràng minh bạch tuân thủ đúng các qui định của pháp luật, cụ thể xây dựng các Quy chế quản lý nội bộ liên quan đến công tác cán bộ: Quy chế tuyển dụng lao động; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, trình tự bổ nhiệm cán bộ; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ; xây dựng cơ cấu lao động và định biên lao động;

- Ban hành nghị quyết tạm dừng tuyển dụng lao động trong toàn Tổng công ty (trừ một số vị trí trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh);         

- Sắp xếp, điều chỉnh lại lực lượng lao động của Tổng công ty từ nơi thừa sang nơi thiếu; kiện toàn lại cơ quan tham mưu, giúp việc trong đó sắp xếp lại cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, Đoàn thể, Văn phòng Hội đồng thành viên, giải thể các phòng chuyên môn (bỏ cấp trung gian) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện đại, hệ thống văn bản quản lý nội bộ, các định mức kinh tế, kỹ thuật trong toàn Tổng công ty. Năm 2013, Tổng công ty đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 24 Quy chế quản lý nội bộ và 01 định mức kinh tế kỹ thuật. Các quy chế được ban hành cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý và hoạt động của Tổng công ty, phù hợp với thực tiễn và dễ áp dụng.

- Công tác tái cơ cấu Tổng công ty đã được triển khai thực hiện theo đề án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty để triển khai thực hiện tái cơ cấu trên từng lĩnh vực một cách hiệu quả. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Trung tâm dịch vụ thương mại QLB để Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn theo hướng giảm lỗ năm 2013 và tiến tới tự cân đối thu chi trong năm 2014 và cổ phẩn hóa trong năm 2015. Thực hiện xây dựng cơ cấu, định biên lao động trong toàn Tổng công ty, xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn viên chức chuyên môn nghiệp vụ ...

- Công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng thành viên đối với các cơ quan, đơn vị đã được tăng cường. HĐTV đã thành lập Ban kiểm soát nội bộ - cơ quan giúp cho Hội đồng thành viên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành trong Tổng công ty; Kiểm soát tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lý của các quy định, quy chế… nhằm kịp thời phát hiện các hoạt động bất thường, có dấu hiệu vi phạm, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục sai sót, rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc tuyển dụng lao động; bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động  miễn nhiệm cán bộ đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, qui định của Nhà nước và của Tổng công ty; xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ngành Quản lý bay phát triển, yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đã quan tâm đến công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Năm 2013 Tổng Công ty đã phát động phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với cán bộ, đảng viên của Tổng công ty. Cụ thể là gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với: cơ quan, đơn vị, địa phương (nơi cư trú) và đối với gia đình. Qua cuộc vận động này, cán bộ đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tiêu chí đạo đức, lối sống, để mỗi cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Thay mặt đoàn Đảng bộ Bộ GTVT đồng chí Lại Xuân Thanh phát biểu: Trong thời gian vừa qua tập thể, các thành viên Hội đồng thành viên, Ban điều hành đã có những bước chuyển mình, hoạt động hết sức hiệu quả do từng đồng chí trong Thường vụ, Hội đồng thành viên, Ban điều hành thực hiện hết sức nghiêm túc việc khắc phục hạn chế, thiết sót theo Nghị quyết Trung ương 4. Chúng tôi nhận thấy, Tổng công ty QLBVN là một trong những tập thể điển hình trong việc triển khai hoạt động hiệu quả kiểm điểm và khắc phục hạn chế, thiết sót theo Nghị quyết Trung ương 4. Đồng chí đề nghị bổ sung một số ưu điểm như sau: Cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tính phân công, phân nhiệm rất cụ thể và chủ động của mỗi đồng chí đứng đầu trước tập thể lãnh đạo trong việc đóng góp ý kiến vào Nghị quyết của Thường vụ, Hội đồng thành viên. Đổi mới phương pháp lãnh đạo: tăng cường kiểm tra, giám sát, đã chuyển từ lãnh đạo bị động sang lãnh đạo chủ động; đổi mới hình thức phổ biến tuyền truyền nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Ưu thế của ngành Hàng không là nhất thể hóa lãnh đạo nghĩa là hợp nhất lãnh đạo vừa là bí thư vừa là người đứng đầu chính quyền nên giữ tính chỉ đạo ổn định, lâu dài trong hoạt động. Bỏ được tính quan liêu trong việc điều hành công việc, triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành đó là sử dụng văn phòng điện tử. Kiểm điểm tư tưởng hết sức sâu sắc: tính cầu thị, tính trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công việc, không quan liêu, không thờ ơ đối với tập thể, đối với người lao động, tất cả đều vì tập thể mà đổi mới. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế sau: Chất lượng của các cơ quan tham mưu, giúp việc không đồng đều. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới đào tạo nội bộ, cần đặt ra tiêu chuẩn CBCNV cần đạt được để từ đó CBCNV tự học là chính, tự tìm tòi và nghiên cứu để phục vụ cho công tác chuyên môn. Các đồng chí cần chủ động hơn, quyết liệt hơn trong quản lý điều hành, giải quyết công việc.

Đoàn cũng đánh giá cao ý thức chấp hành kiểm điểm đúng quy trình của Ban lãnh đạo Tổng công ty, từ việc triển khai quán triệt, viết kiểm điểm tự phê bình và phê bình, việc lấy ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân, tổng hợp ý kiến góp ý đến tiếp thu giải trình và đưa ra phương hướng giải pháp khắc phục khuyết điểm hạn chế. Nội dung thể hiện trong báo cáo kiểm điểm, tổng hợp ý kiến góp ý và tiếp thu giải trình đã bám sát vào các nội dung kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân. Các tập thể và cá nhân góp ý đầy đủ, thẳng thắn, chân tình trên tinh thần xây dựng, đảm bảo yêu cầu. Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Hội nghị kiểm điểm Lãnh đạo Tổng Công ty đã làm việc rất khẩn trương, tích cực, thẳng thắn, nghiêm túc, chân thành, trung thực với tinh thần đóng góp ý kiến cho nhau, cả mặt ưu điểm và cả mặt khuyết điểm, hạn chế.

Thay mặt Hội nghị, đồng chí Hoàng thành đã tiếp thu những ý kiến đóng góp ý kiến của cán bộ cấp trên. Hội nghị đã diễn ra trong không khí thảo luận, góp ý, tự phê bình và phê bình dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, chân thành. Qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình và lắng nghe ý kiến góp ý của tập thể Hội đồng thành viên, Ban điều hành và từng đồng chí đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những ưu điểm và nhất là khuyết điểm của mình; phân tích, làm rõ nguyên nhân của các khuyết điểm, hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục. Các đồng chí đều tự nhận thấy phải nghiêm khắc với mình hơn, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết, đổi mới lề lối làm việc; gương mẫu giữ gìn đạo đức, lối sống; đoàn kết, gắn bó hơn trong tập thể Ban Thường vụ, Hội đồng thành viên, Ban điều hành để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

                                                          Hồng Oanh

                                                         

 

 

 

 

Thông báo