VATM: Khai giảng Chương trình đào tạo dự khóa dành cho học viên theo “Đề án xã hội hóa đào tạo cơ bản Kiểm soát viên không lưu”

thứ hai, 14/09/2015 09:18

Tham dự Lễ khai giảng có đồng chí Đinh Việt Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng chí Phạm Việt Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc; đồng chí Đoàn Hữu Gia - Phó Tổng giám đốc cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban chuyên môn và các học viên trúng tuyển đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

ANH KL2 

Đồng chí Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay phát biểu khai giảng

Phát biểu khai giảng lớp học, đồng chí Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay đã khái quát về những điểm mới của ngành Hàng không và ngành Quản lý bay trong năm 2015; đặc biệt song song với việc đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, kinh phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Tổng công ty tăng gần 2 lần so với năm 2014. Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện vinh dự được tham gia xây dựng và triển khai “Đề án xã hội hóa đào tạo cơ bản kiểm soát viên không lưu”. Đồng chí cũng nhiệt liệt chào mừng các học viên, là những nhân tố mới của thế hệ kiểm soát viên không lưu tương lai, tuổi đời còn rất trẻ, học vấn cao, có học viên đã tốt nghiệp các trường Cao đẳng và Đại học của các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên, vốn chưa có tiền lệ nên sẽ gặp những khó khăn, thách thức nhưng Trung tâm sẽ cố gắng phối hợp với các thầy cô giáo để chuẩn bị nội dung học tập tốt nhất cho học viên. Đồng chí mong rằng với 6 tuần đào tạo tại Trung tâm các học viên sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, có thêm động lực quyết tâm và hơn hết là với niềm đam mê nghề nghiệp sẽ đạt kết quả cao.

 ANH KL3

Đồng chí Đinh Việt Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên phát biểu tại Lễ khai giảng.

Cũng trong dịp này, đồng chí Đinh Việt Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã có những chia sẻ tâm huyết, chân tình và thẳng thắn. Đồng chí đã nêu lên truyền thống lịch sử của ngành Quản lý bay nói riêng và Hàng không dân dụng Việt Nam nói chung. Đồng chí chỉ rõ: Hiện nay, Hàng không Việt Nam đang sở hữu 150 máy bay hiện đại trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số an toàn về tai nạn Hàng không thấp nhất thế giới, nên những thách thức và yêu cầu đặt ra với Ngành là vô cùng lớn. Cùng với uy tín và sự công nhận của Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới vào năm 2009: “Quản lý bay Việt Nam là nhà cung cấp dịch vụ không lưu có tiến bộ vượt bậc”. Thêm nữa, với đà tăng trưởng về sản lượng điều hành bay tăng 15%, lượng hành khách đến và thông qua cảng Hàng không tăng 20% mỗi năm thì việc đổi mới toàn diện của ngành Quản lý bay phải tập trung vào các mục tiêu chính:

Thứ nhất: Đổi mới về phương thức lãnh đạo, quy trình quản lý, trang thiết bị và đặc biệt về nguồn nhân lực để đáp ứng với yêu cầu mới là mối quan tâm lớn của lãnh đạo Tổng Công ty. Đây là công tác trọng tâm mũi nhọn, trong đó việc đào tạo Kiểm soát viên không lưu là vấn đề ưu tiên hàng đầu. 

Thứ hai: Tập trung nguồn nhân lực xã hội hóa để có thể tiếp cận với xu thế đổi mới của thế giới.

Thứ ba: Có lực lượng kiểm soát viên không lưu đáp ứng kịp thời cho công tác điều hành bay.

Cuối cùng đồng chí cũng nhắn nhủ: “Cùng với lực lượng phi công, Kiểm soát viên không lưu là lực lượng lao động đặc thù quan trọng; là những người nắm giữ tính mạng của hành khách nên ngoài những tố chất, kỹ năng còn phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp”.

Sau Lễ khai giảng, các học viên sẽ bắt tay ngay vào học 5 chuyên đề với các nội dung: Chuyên đề 1 - Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của Tổng Công ty; Chuyên đề 2 - Hệ thống pháp luật Hàng không dân dụng; Chuyên đề 3 - Các dịch vụ đảm bảo hoạt động bay; Chuyên đề 4 - Hệ thống tài liệu ICAO; Chuyên đề 5 - Yêu cầu ngôn ngữ trong kiểm soát không lưu. Trong chương trình học viên còn được tham quan thực tế các cơ sở cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty. Có thể nói, khóa học này sẽ đem đến cho các học viên một nền tảng vững chắc trước khi bước vào khóa đào tạo cơ bản tại New Zealand.

Tại đất nước New Zealand, các học viên sẽ tiếp tục có những cơ hội trải nghiệm và học tập tuyệt vời. Đó một trong những quốc gia có chất lượng cao trong đào tạo Kiểm soát viên không lưu. Theo kế hoạch, sau khi học xong tại đây, các học viên sẽ được thực tập trên các trang thiết bị hiện đại nhất thế giới trước khi trở về các cơ sở điều hành bay và bắt đầu công việc của người kiểm soát viên không lưu thực thụ.

 

Bài: Ngọc Trinh - VPTCT

Ảnh: Phạm Kiên - VPTCT



 

Thông báo