01/10/2024
Vững vàng cho những cánh bay
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hàng không VN thì việc đảm bảo hoạt động bay sẽ phức tạp hơn rất nhiều, VATM đã và sẽ làm gì để đảm bảo an toàn hoạt động bay, thưa ông?
Năm 2013, Tổng công ty Quản lý bay VN đã tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan quản lý vùng trời, các cơ quan quản lý bay của các nước trong khu vực đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 507.765 lần chuyến (ước thực hiện), đạt 102,19% kế hoạch năm 2013. Trong điều kiện một số sân bay tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng lúc đường cất hạ cánh 25R sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đóng cửa, sân bay Phú Bài đóng cửa, điều kiện thời tiết không thuận lợi, hoạt động của tàu bay quân sự gia tăng, nhưng VATM vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
Tổng công ty đã có một loạt các giải pháp, quyết liệt thực hiện để tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động bay. VATM xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, phải thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn vững chắc cho hoạt động bay.
Ngay từ đầu năm 2013, Tổng công ty đã xây dựng và trình Cục Hàng không VN phê duyệt ban hành tài liệu Hệ thống quản lý an toàn (SMS), thành lập ban chỉ đạo an toàn, các tổ an toàn tại các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCNV, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kíp trưởng, đài trưởng, kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật trong công tác đảm bảo an toàn bay. Ngoài ra, VATM thực hiện nghiêm túc quy trình, quy phạm, kỷ luật lao động trong các ca kíp và tổ chức bình giảng rút kinh nghiệm định kỳ, đột xuất trên bình diện toàn Tổng công ty những vụ việc có liên quan đến an toàn bay. VATM còn thường xuyên tổ chức đánh giá, phân tích các sự cố, các mối nguy hiểm, rủi ro tiềm ẩn để đề ra các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.
Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về văn hóa an toàn bay. Duy trì nghiêm kỷ luật lao động, quy trình làm việc. Nâng cao vai trò quản lý, giám sát của cán bộ các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, VATM sẽ phối hợp chặt với Cục Hàng không VN và các bộ, ngành trong việc tái cấu trúc lại bầu trời, hiệu chỉnh các đường hàng không, xây dựng các phương thức bay… theo định hướng giải tỏa ùn tắc tại các cảng hàng không, sân bay, đồng thời phân định lại các khu vực kiểm soát khi Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội mới đưa vào khai thác… Tổng công ty tiếp tục cũng sẽ tổ chức huấn luyện đào tạo cho kiểm soát viên không lưu sau khi đã có phân loại, đánh giá lao động, sắp xếp hợp lý lao động hiện có. VATM tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn (SMS), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn bay.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm qua của Tổng công ty đã có sự chuyển biển rõ rệt, ông có thể cho biết nguyên nhân để có sự thay đổi tích cực đó?
Trong năm qua, VATM đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư, phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể của cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư, phân công cá nhân lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo từng dự án trọng điểm vì thế công tác đầu tư của Tổng công ty có sự chuyển biến rất tích cực, khắc phục được tình trạng chậm tiến độ, đặc biệt có một số dự án trọng điểm đã đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.
Việc phân định rõ cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi công tác đầu tư tại Tổng công ty. Một số kết quả đáng ghi nhận trong năm qua đó là đưa Đài Kiểm soát không lưu (KSKL) Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vào hoạt động chính thức từ ngày 16/6/2013; Đưa Đài KSKL và Đài DVOR/DME Cảng Hàng không Phú Quốc vào khai thác đồng thời với CHK Phú Quốc; Giải quyết dứt điểm các tồn tại của Đài KSKL Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Đài KSKL cảng Hàng không Chu Lai hoàn thành tiến độ trước 1 tháng; các trạm Giám sát phụ thuộc (ADS-B) ở Biển Đông chính thức đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch của Cục Hàng không VN; đảm bảo trang thiết bị hoạt động liên tục thông suốt, điều hành bay an toàn; Dự án Đài DVOR/DME Thọ Xuân và DVOR/DME Cát Bi triển khai với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay; Dự án ATCC Hà Nội cũng đã cơ bản đạt tiến độ đề ra. Các trang thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát luôn hoạt động thông suốt, ổn định đảm bảo phục vụ điều hành bay an toàn.
Năm 2013 đề án tái cơ cấu của Tổng công ty được phê duyệt đã có sự thay đổi như thế nào, thưa ông?
Xác định nhiệm vụ tái cơ cấu Tổng công ty là nhiệm vụ quan trọng, VATM đã quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu.
Năm 2013, Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được Bộ GTVT phê duyệt, quá trình triển khai thực hiện đề án tạo ra sự thay đổi về mô hình tổ chức, sắp xếp lại bộ máy tham mưu giúp việc, xóa bỏ các bộ phận trung gian. VATM đã rà soát đánh giá lực lượng lao động trong toàn Tổng công ty, tiến hành định biên khối lao động trực tiếp. Điều chỉnh lại lực lượng lao động giữa các đơn vị từ nơi thừa sang nơi thiếu, động viên người lao động tự nguyện chuyển đổi công việc…
Đối với lực lượng kiểm soát viên không lưu (KSVKL), đã tổ chức đánh giá, phân loại để có phương án đào tạo huấn luyện, tuyển dụng và tăng cường công tác huấn luyện tại chỗ cho KSVKL. Tổng công ty đã tổ chức tuyển dụng được lớp KSVKL đầu tiên để đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện đạo tạo nghiệp vụ Quản lý bay.
Ông có thể cho biết nhiệm vụ trọng tâm của VATM trong năm 2014?
Thực hiện phương châm “Điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả”, năm 2014, Tổng công ty sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn bay; phấn đấu hoàn thành và đưa dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội vào khai thác theo kế hoạch đã cam kết; tích cực tìm nguồn vốn đầu tư để triển khai các dự án cấp bách để đáp ứng yêu cầu công tác điều hành bay... Bên cạnh đó, VATM tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty theo đề án đã được phê duyệt. Những nhiệm vụ trọng tâm đó đòi hỏi mỗi cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty phải nỗ lực phấn đấu, tạo nên một phong trào thi đua lao động sản xuất, vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, hướng tới kỷ niệm chào mừng 20 năm ngày tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh.
Cảm ơn ông!
Nguồn: Báo GTVT