11/12/2024
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi - Một đời tâm huyết với ngành không lưu Việt Nam
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi sinh năm 1942 tại Nam Định trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1961 sau khi hoàn thành khóa phi công thể thao, ông được huấn luyện chuyển loại sang lái máy bay quân sự và vận tải cho Đoàn bay 919. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông tham gia vào lực lượng tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, được giao nhiệm vụ lái máy bay chở khách loại DC-4 và DC-6. Năm 1978, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia vào chiến dịch đổ bộ chiến đấu tại nước bạn Campuchia và mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979. Sau chiến dịch thắng lợi, ông tiếp tục chuyển loại sang máy bay TU-134 và nhiều năm giữ vị trí đội trưởng đội bay. Ông không những là phi công giỏi, bề dày kinh nghiệm mà trên bất cứ cương vị công tác nào Ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao cho.
Gắn bó với Quản lý bay Việt Nam những năm đầu thành lập…
Ngày 11/2/1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 28-CP thành lập Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngành Hàng không chính thức tách khỏi Quân chủng Phòng không - Không quân vào năm 1990 (chuyển ngành tại tại chỗ) thực hiện 2 nhiệm vụ là vận tải quân sự và Hàng không dân dụng. Cục Quản lý bay ra đời nằm trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hàng không. Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 112-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng Cục Hàng không. Tổng Cục Hàng không lúc này trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng tách khỏi Bộ Quốc phòng (Vụ Quản lý bay được thành lập là cơ quan thuộc Tổng cục). Ông đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Quản lý bay. Đặc biệt, từ năm 1990-1993, Ông được bổ nhiệm Giám đốc Công ty Quản lý bay trên cơ sở kiện toàn Vụ Quản lý bay thành doanh nghiệp có thu được mang tên Trung tâm Quản lý bay Việt Nam vào năm 1993 (nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam).
Từ năm 1993, Ông tiếp tục đưa “con thuyền Quản lý bay” từng bước ổn định hoạt động theo cơ chế mới, điều hành các chuyến bay an toàn, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào việc hoàn thiện chương trình khôi phục quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đã được Nhà nước chủ trương giao cho ngành hàng không từ năm 1988 (FIR Hồ Chí Minh lúc đó được ICAO tạm thời giao cho 3 quốc gia lân cận là Thái lan, Singapore, Hồng Công nắm giữ từ năm 1975 khi chính quyền ngụy Sài Gòn sụp đổ ảnh hưởng đến giao lưu hàng không khu vực).
Trí tuệ, tâm huyết với ngành không lưu, sát cánh cùng các đồng nghiệp phấn đấu đưa Quản lý bay Việt Nam hội nhập không vận quốc tế
Sau ngày đất nước thống nhất, Mỹ và các nước phương Tây siết chặt bao vây cấm vận về kinh tế của đất nước ta. Trong bối cảnh đó, Công ty Quản lý bay Việt Nam bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ điều hành các chuyến bay an toàn theo kế hoạch, tiếp tục nhiệm vụ được giao tham gia đấu tranh giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Với vị trí đứng đầu của ngành Quản lý bay Việt Nam, bằng nhãn quan chiến lược, Ông đã cùng với tập thể mạnh dạn đề xuất với Chính phủ và Tổng Cục Hàng không về việc đầu tư 5 trạm radar giám sát hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các Hãng hàng không ủng hộ Việt Nam và là một “vũ khí bí mật” dùng để đấu tranh tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-3). Được sự đồng ý của Chính phủ, Tổng Cục Hàng không vào ngày 12/3/1993, Quản lý bay Việt Nam đã ký Hợp đồng mua 5 trạm radar của hãng Thomsơn - CSF của Cộng hòa Pháp. Trước khi ký hợp đồng, Ông đã mời các Hãng Thông tấn báo chí của thế giới và Việt Nam đến đưa tin và yêu cầu hãng Thomsơn - CSF của Cộng hòa Pháp mời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, Tổng Cục trưởng Hàng không Pháp dự và phát biểu tại Hội nghị RAN-3 với nội dung: “Việt Nam đã mua 5 tổ hợp radar giám sát hàng không hiện đại nhất thế giới để Quản lý vùng thông báo bay Hồ Chí Minh” nhằm mục đích quảng bá cho sự đầu tư của Nhà nước ta, để dư luận quốc tế có đầy đủ thông tin, thay đổi cách nhìn nhận về lĩnh vực không vận hiện có của Việt Nam. Khi Hội nghị RAN-3 được diễn ra, Đoàn Việt Nam khôn khéo, bền bỉ đấu tranh để thuyết phục ICAO và các quốc gia tham dự nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 8/12/1994”.
Để sẵn sàng cho công tác tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh sau Hội nghị RAN-3, Ông đã lãnh đạo chỉ đạo vị trí lắp đặt các trạm radar đường dài lên đỉnh núi Vũng Chua - Quy Nhơn, Sơn Trà - Đà Nẵng. Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn vì các thiết bị nặng hàng trăm tấn, vị trí vận chuyển từ cảng biển lên núi cao hàng km, vừa vận chuyển vừa phải làm đường đi. Thêm vào đó, thời gian thi công gấp rút, vừa đảm bảo công tác điều hành bay vừa phải chuẩn bị điều hành theo phương án mới với mục tiêu là đáp ứng theo ICAO đặt ra. Song song với công tác lắp đặt các trạm radar, Ông quyết định đưa đội ngũ kiểm soát viên không lưu của Việt Nam đi đào tạo ở nhiều nước và đào tạo tại Trung tâm Điều hành bay Băng Cốc - Thái Lan để chứng tỏ năng lực của Kiểm soát viên không lưu Việt Nam với các nước. Ông còn là Trưởng đoàn đại diện cho Cục Hàng không Việt Nam tham gia Hội nghị “Phối hợp về kiểm soát không lưu trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh” từ ngày 21-23/9/1993 do ICAO khu vực tổ chức để kiểm tra thực hiện lắp đặt trang thiết bị và đào tạo 2 lực lượng là: đảm bảo hoạt động trang thiết bị và kiểm soát viên không lưu. Cũng trong năm 1994, ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức 3 lần họp để kiểm tra. Và Hội nghị nêu trên có tính quyết định, xem xét lần cuối về tình trạng kỹ thuật và khai thác liên quan để chính thức giao cho Việt Nam tiếp nhận quyền điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh.
Ông kể: “Tại Hội nghị này, sau khi kiểm tra xem xét lần cuối ICAO đã kết luận: Việt Nam có đầy đủ tiêu chuẩn và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh”. Đoàn đại biểu của Việt Nam dự Hội nghị vô cùng phấn khởi, niềm vui được vỡ òa, vì bao khó khăn, chờ đợi, chuẩn bị về mọi mặt cùng với quá trình đấu tranh ngoại giao bền bỉ 18 năm đã được đền đáp xứng đáng. Và đúng 0h ngày 8/12/1994, Ông đã chỉ huy Trung tâm điều hành bay ACC Hồ Chí Minh tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Kể từ sau khi tiếp nhận, doanh thu của ngành Quản lý bay kể từ khi tiếp nhận quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh hàng năm thu về hàng triệu đô la Mỹ, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế. Vì vậy, giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng, là bước ngoặt cho sự phát triển đi lên cũng như khẳng định vị trí, thương hiệu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay.
Là một phi công bề dày kinh nghiệm, với tầm nhìn chiến lược, tâm huyết với ngành không lưu, Ông đã Lãnh đạo ngành Quản lý bay phối hợp với các Bộ, Ban ngành tham gia đấu tranh giành FIR Hồ Chí Minh và đã thành công về mọi mặt: Các dự án của Trung tâm tại đồng bằng và miền núi mặc dù phải thi công trong thời gian ngắn nhưng đều đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Các đề xuất đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa dựa trên nguyên tắc khoa học “Đồng bộ thiết bị thu phát ở mặt đất với thiết bị đã được lắp đặt trên máy bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế” và “Đường bay mở đến đâu thì phủ sóng kỹ thuật đến đấy”. Bên cạnh đó, với trí tuệ tài tình của tập thể cán bộ nhân viên ngành Quản lý bay đã quyết tâm thực hiện bằng được công cuộc đổi mới của Đảng giao cho đạt hiệu quả cao nhất. Lần đầu tiên đưa được ứng dụng công nghệ vũ trụ bằng mạng vệ tinh cho ngành Quản lý bay Việt Nam. Một đơn vị từ hoạt động theo cơ chế bao cấp, trang bị thiết bị thô sơ, nhỏ lẻ đã phát triển vượt bậc theo hướng hiện đại hóa; từ một tổ chức quản lý các trang thiết bị phân tán đi đến quản lý tập trung đồng bộ theo tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO; từ việc áp dụng phương thức điều hành bay cổ điển đến hiện đại “Nói - Nghe - Nhìn”. Ông cho rằng: Nếu không đầu tư radar giám sát điều hành bay bằng phương pháp “Nói - Nghe - Nhìn” thì không thể nâng trình độ không lưu ngang tầm các nước khu vực.
Những đóng góp của Ông đã góp phần đưa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã vững bước đi lên, đổi mới toàn diện trên con đường hiện đại hóa, tự động hóa và hội nhập với không vận quốc tế, góp phần đưa doanh thu điều hành tăng trưởng vượt trội kể từ năm 1994 (nếu như năm 1994 doanh thu chỉ đạt 206,6 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt tới 6.300 tỷ đồng, tăng gần 31 lần so với năm 1994 (thời điểm trước dịch Covid-19). Sản lượng điều hành bay của Việt Nam luôn luôn là quốc gia dẫn đầu trong khu vực.
Người tiên phong mở đầu của Quản lý bay Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn Hàng không
Với trách nhiệm của một người Lãnh đạo đứng đầu ngành không lưu Việt Nam, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi còn dành nhiều tâm huyết cho công tác Tìm kiếm cứu nạn HK. Năm 1994, lần đầu tiên Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam tổ chức buổi diễn tập tìm kiếm cứu nạn Hàng không trên biển mà Ông được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng, bao gồm các lực lượng: Hàng không, không quân, hải quân, bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng địa phương. Kết quả của đợt diễn tập đã đạt mục tiêu đề ra, góp phần tiên phong mở đầu cho công tác Tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty sau này. Cho đến nay, dịch vụ TKCN của Tổng công ty ngày càng được mở rộng, có sự phối hợp của các Ngành liên quan đã ngày càng khẳng định với ICAO về năng lực dịch vụ TKCN của Quản lý bay Việt Nam nói riêng cũng như năng lực chuyên môn TKCN của Hàng không Việt Nam trong khu vực nói chung. Hàng năm, công tác Diễn tập vận hành cơ chế Tìm kiếm cứu nạn hàng không (SAREX) của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn HK đều được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô diễn tập ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao.
Năm 2000, Nhà nước đã phong tặng Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam danh hiệu Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, cá nhân Ông Trần Xuân Mùi - Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Dành cả đời tâm huyết với sự nghiệp không lưu, ở tuổi 82 Ông đã nghỉ hưu hơn 20 năm nhưng ký ức về năm tháng gắn bó với ngành không lưu Việt Nam vẫn in đậm trong tâm trí. Ông vẫn theo dõi từng bước phát triển của đơn vị và sẵn sàng đóng góp kinh nghiệm quý báu cho ngành không lưu Việt Nam. Đến nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã trở thành một trong những doanh nghiệp đặc thù trong ngành GTVT, được ICAO Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá là một trong những nhà cung cấp dịch vụ không lưu hàng đầu trong khu vực. Để có những thành tích đó là sự cống hiến hy sinh to lớn của các thế hệ tiền bối đi trước, trong đó có Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi. Đúng như những chia sẻ khiêm tốn của Ông: “Thành tích của Quản lý bay hôm nay là thành tích của cả tập thể, là công lao gây dựng của những thế hệ tiền bối ngành Quản lý bay mang trong mình khí chất Bộ đội Cụ Hồ”. Trân trọng những thành quả đạt được, thế hệ cán bộ công nhân viên của TCT Quản lý bay hôm nay nguyện phấn đấu xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Đàm Ngọc Trinh