Áp dụng Tháp nhu cầu Maslow trong công tác giáo viên, huấn luyện viên

thứ sáu, 04/10/2024 16:43

Tháp nhu cầu Maslow là một mô hình phù hợp áp dụng nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tháp nhu cầu của Maslow do Abraham Harold Maslow - nhà tâm lý học người Mỹ - nghiên cứu là một mô hình tâm lý học nổi tiếng giúp hiểu và phân loại các nhu cầu của con người theo thứ tự từ cơ bản đến cao cấp. 

Ảnh-6
Lý thuyết về Tháp nhu cầu Maslow (Nguồn: Sưu tầm)

Theo Maslow, nhu cầu cơ bản của con người có thể được chia thành 05 loại, được sắp xếp theo thứ tự từ đáy tháp đến đỉnh tháp:
1. Nhu cầu thiết yếu (Physiological Needs): chiếm 5-10%, màu đỏ, được đặt ở đáy tháp, tượng trưng cho sự khẩn cấp và sinh tồn như thức ăn, nước uống, nơi ở và quần áo. Khi các nhu cầu này chưa được thỏa mãn, mọi nỗ lực hướng tới các nhu cầu cao hơn sẽ trở nên vô nghĩa.
2. Được an toàn (Safety and Security): 10-15%, màu cam tượng trưng cho sự ấm áp và ổn định, phản ánh khát vọng được bảo vệ khỏi nguy cơ. Nhu cầu an toàn cao hơn nhu cầu thiết yếu vì khi nhu cầu cơ bản đã được thỏa mãn, con người bắt đầu lo lắng về rủi ro và tìm kiếm sự an tâm.
3. Được hòa hợp (Love and Belonging): 15-20% - màu vàng biểu tượng cho niềm vui và sự lạc quan, nó bao gồm tình bạn, tình yêu và sự kết nối với người khác. Khi nhu cầu thiết yếu và an toàn đã được đáp ứng, con người tìm kiếm sự gắn bó và cảm giác thuộc về.
4. Được tôn trọng (Self-esteem): 20-25%, màu xanh lá biểu tượng của sự phát triển và thịnh vượng. Nó bao gồm sự công nhận, giá trị và tôn trọng từ người khác. Tỷ lệ phần trăm này cao hơn vì con người cần cảm thấy giá trị và được thừa nhận. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tự tin mà còn góp phần vào việc xây dựng danh tiếng và vị thế trong xã hội.
5. Thể hiện bản thân (Self-actualization): 25-30%, màu tím tượng trưng cho sự sáng tạo và khát vọng cao cả. Phần này có tỷ lệ phần trăm cao nhất vì khi các nhu cầu cơ bản và xã hội đã được thỏa mãn, con người khao khát được thể hiện bản thân và khám phá khả năng sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu và ước mơ cá nhân.
Áp dụng Tháp nhu cầu Maslow trong công tác giáo viên, huấn luyện viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
Việc áp dụng mô hình Maslow vào công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng giáo viên, huấn luyện viên trong Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Tổng công ty) là một trong những hướng đi hiệu quả để thúc đẩy động lực làm việc cũng như sự sáng tạo trong hoạt động đào tạo, huấn luyện.
1. Nhu cầu thiết yếu:
Tổng công ty đã quan tâm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đội ngũ giáo viên và huấn luyện viên như chú trọng đến chính sách, chế độ bồi dưỡng giảng dạy, biên soạn giáo trình, thi kiểm tra. Chính sách này khuyến khích cán bộ, nhân viên, chuyên gia giỏi tham gia công tác giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, việc khảo sát định kỳ để nắm bắt nhu cầu và ý kiến của giáo viên cũng nên được thực hiện, từ đó điều chỉnh các chính sách quan tâm nhu cầu thiết yếu của giáo viên, huấn luyện viên phù hợp và hiệu quả hơn.
2. Được an toàn:
Phần lớn giáo viên và huấn luyện viên là đội ngũ kiêm nhiệm. Do đó, ngoài các chính sách lương, thưởng như cán bộ nhân viên, thời gian tham gia giảng dạy sẽ được bồi dưỡng theo quy định. Điều này giúp đảm bảo thu nhập ổn định cho giáo viên, huấn luyện viên; mang lại cho họ cảm giác an toàn, tâm lý thoải mái khi thực hiện đào tạo, huấn luyện.
3. Được hòa hợp:
Hàng năm, toàn thể cán bộ công nhân viên, bao gồm giáo viên và huấn luyện viên hội nghị, hội thảo chuyên môn và các chương trình, hoạt động đoàn thể khác như nghỉ mát, hội thao, và những hoạt động này không chỉ tăng cường gắn kết, mang lại cảm giác thuộc về đội/nhóm/tổ chức mà còn tạo động lực cho giáo viên cống hiến lâu dài. Tuy nhiên, các hoạt động gắn kết đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên có thể được triển khai đã dạng, phong phú hơn nữa, thu hút đông đảo người tham gia hơn nữa thông qua việc xây dựng các nhóm giáo viên, huấn luyện viên theo ngành dọc để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
4. Được tôn trọng:
Nhiệm vụ chính của giáo viên, huấn luyện viên chuyên ngành tại các đơn vị, là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn - điều hòa - hiệu quả. Đào tạo huấn luyện chỉ là một trong những nhiệm vụ được giao. Vì vậy, dù đáp ứng đầy đủ quy định của văn bản quy phạm pháp luật; khó tránh khỏi có lúc đội ngũ này cảm thấy mình chưa thực sự là giáo viên, huấn luyện viên.
Do đó, các hoạt động vinh danh, tri ơn đội ngũ này, đặc biệt là nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, nên được tổ chức rộng rãi trong toàn Tổng công ty; tại mỗi chi nhánh đào tạo, huấn luyện để mang lại cảm giác được tôn trọng cho mỗi giáo viên, huấn luyện viên.
5. Được thể hiện bản thân:
Tổng công ty đã không ngừng hoàn thiện đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, cơ hội đứng lớp của giáo viên, huấn luyện viên trong toàn Tổng công ty cũng chưa thật đồng đều.
Việc sắp xếp, tổ chức lớp học để mỗi giáo viên, huấn luyện viên đã được công nhận hoặc phê duyệt có cơ hội tham gia hoạt động đào tạo, huấn luyện cần được chú trọng hơn nữa nhằm tạo cơ hội đồng đều cho họ thể hiện khả năng và sự sáng tạo, lòng nhiệt thành trong công tác giảng dạy.
Nếu áp dụng Tháp nhu cầu Maslow vào công tác giáo viên và huấn luyện viên chuyên ngành thì sẽ giúp Tổng công ty tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, nâng cao động lực và hiệu suất làm việc của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên; giúp họ luôn nhiệt huyết và gắn bó lâu dài và cống hiến nhiều hơn cho công tác đào tạo, huấn luyện của Tổng công ty. 
        

Đỗ Thị Thu Huyền
 

Thông báo