Bác Hồ với ngành Hàng không Việt Nam

chủ nhật, 18/05/2025 11:35

Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, sâu rộng trong việc đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Hàng không. Tư tưởng của Người về vai trò, vị trí của hàng không không chỉ dừng lại ở khái niệm vận tải mà còn là một công cụ chiến lược phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc và hội nhập quốc tế.

3-55
Hàng không Việt Nam phục vụ chuyến bay chuyên cơ đưa Bác Hồ đi công tác tại Vũ Hán (Trung Quốc), tháng 6 năm 1955
 

Tầm nhìn vượt thời đại về hàng không
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh chiến tranh thế giới lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò quan trọng của Hàng không trong vận tải chiến lược và kết nối quốc tế. Tại chiến khu Việt Bắc, Người đã chỉ đạo xây dựng sân bay Lũng Cò (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) để đón các chuyến bay của quân Đồng minh viện trợ cho mặt trận Việt Minh chống phát xít Nhật. Tuy chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, sân bay Lũng Cò đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám – một minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ đối với ngành Hàng không.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn, Bác Hồ và Chính phủ lâm thời vẫn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền móng cho ngành Hàng không quốc gia. Khi đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có hai chiếc máy bay do cựu hoàng Bảo Đại chuyển giao, nhưng đó đã là những viên gạch đầu tiên cho tương lai.

ảnh 2-69
Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng những người lính Đồng Minh trong sự kiện sân bay Lũng Cò, tháng 7 năm 1945

Hàng không – công cụ cho kháng chiến và kiến quốc
Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Ban Nghiên cứu Không quân (năm 1949), với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ, làm hạt nhân cho lực lượng Hàng không dân dụng và Không quân nhân dân Việt Nam sau này. 
Trong thư gửi thanh niên, Người nhấn mạnh vai trò làm chủ khoa học – kỹ thuật hiện đại, khuyến khích thế hệ trẻ vươn lên trở thành phi công, kỹ sư hàng không giỏi, phụng sự Tổ quốc.
Một dấu mốc đặc biệt là chuyến công du của Bác sang Pháp năm 1946 – cũng là chuyến bay quốc tế đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – cho thấy Bác sớm nhận thức được vai trò của Hàng không trong ngoại giao và quan hệ quốc tế. Người từng khẳng định: "Ngành hàng không không chỉ để chở hành khách, mà còn là cầu nối giao lưu quốc tế, phục vụ kinh tế và bảo vệ Tổ quốc."

z6613232714527_b41822d45d84db6e99469a214466d2e4
Chủ Tịch Hồ Chí Minh trên đường sang Pari năm 1946 và dừng chân tại sa mạc Ai Cập

Ân cần, gần gũi với cán bộ ngành Hàng không
Trong các chuyến công tác bằng máy bay, dù bận trăm công nghìn việc, Bác luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên cán bộ ngành Hàng không. Đặc biệt, ngày 16/6/1957, khi về thăm quê hương Nghệ An, tại sân bay Vinh, Bác căn dặn: “Bây giờ nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta còn nhiều việc phải lo. Sau này đất nước ta chắc chắn sẽ có những sân bay, máy bay hiện đại, Hàng không Việt Nam sẽ phát triển... Các chú phải cố gắng học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật’’.

Bac Ho tren san bay Vinh trong chuyen ve tham que huong sau 50 nam xa cach
Ngày 16/6/1957, trong chuyến công tác và về thăm quê hương Nghệ An, tại sân bay Vinh, Bác căn dặn: "Sau này đất nước ta chắc chắn sẽ có những sân bay, máy bay hiện đại, Hàng không Việt Nam sẽ phát triển... Các chú phải cố gắng học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật."

Không ít lần, sau các chuyến bay chuyên cơ, Bác ghé thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ Không quân vận tải Trung đoàn 919. Bác ân cần khen ngợi nỗ lực của anh em, đồng thời nhắc nhở từ những điều nhỏ nhất như giữ gìn vệ sinh nơi sinh hoạt, thể hiện sự quan tâm toàn diện, sâu sắc đến đời sống và tinh thần của người lao động trong ngành.
Một kỷ niệm sâu sắc là chuyến đi công tác về sân bay Gia Lâm, Bác đã đến dự Hội nghị mừng công của Trung đoàn 919, biểu dương tinh thần rèn luyện, học tập làm chủ kỹ thuật, đồng thời căn dặn: "Phải khiêm tốn, không tự mãn, đất nước còn nghèo, máy móc còn thiếu, phải biết tiết kiệm, giữ gìn."

Bác Hồ chụp ảnh kỉ niệm với tổ bay LI2, số hiệu 203 trong chuyến bay về thăm Quảng Bình
Bác Hồ chụp ảnh kỉ niệm với tổ bay LI2, số hiệu 203 trong chuyến bay về thăm Quảng Bình

Khẳng định vai trò quan trọng và định hướng tương lai
Từ những chuyến bay bằng trực thăng Mi-4 VN50D về thăm chiến khu Tân Trào, đảo Cô Tô đến các hành trình quốc tế bằng IL-14, mỗi chuyến bay gắn với Bác đều là một bài học lớn về trách nhiệm, an toàn và lòng yêu nước. Đặc biệt, sau các chuyến bay, Bác thường xuyên thưởng huy hiệu của Người cho các phi công và tiếp viên, là nguồn động viên to lớn về tinh thần.
Người từng căn dặn: “Các cô, các chú phải biết đoàn kết, thương yêu nhau, cùng đồng lòng góp sức làm tốt mọi nhiệm vụ.” Đó là kim chỉ nam cho cán bộ, chiến sĩ ngành Hàng không Việt Nam trong suốt chặng đường hình thành và phát triển.

Chu tich HCM dang noi chuyen voi to bay chuyen co Mi4 trong dot dua Bac di tham khu di tich Tan Trao nam 1961
Bác Hồ nói chuyện với tổ bay chuyên cơ Mi4 trong trong chuyến đưa Bác đi thăm khu di tích Tân Trào, năm 1961 

Thành tựu hôm nay – Kết tinh từ tư tưởng của Người
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Hàng không Việt Nam đã có bước tiến dài, tự tin hội nhập sâu rộng với thế giới. 

Hiện nay, chúng ta có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác 52 đường bay trong nước kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương với tần suất hơn 820 chuyến bay mỗi ngày, tạo thành mạng lưới giao thông quan trọng. Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang tăng trưởng với sự tham gia của 72 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam với hơn 160 đường bay kết nối 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngành Hàng không đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, là cầu nối văn hóa và thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tầm nhìn chiến lược và tình cảm bao la của Người dành cho ngành Hàng không vẫn luôn là nguồn động lực to lớn. Những lời căn dặn, sự quan tâm ân cần của Bác mãi là kim chỉ nam để thế hệ hôm nay tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng cho ngành Hàng không Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.
 

Phương Hằng
 

Thông báo