20/09/2024
Chủ tịch VATM tham dự và làm diễn giả tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Á Thái Bình Dương về An toàn Hàng không
Trong ba ngày hội nghị, khoảng 400 lãnh đạo cấp cao và chuyên gia hàng không từ các cơ quan quản lý, hãng hàng không, nhà sản xuất máy bay, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và các nhà khai thác sân bay từ khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã cùng nhau thảo luận về những thách thức và sáng kiển về an toàn hàng không.
Toàn cảnh hội nghị
Với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của VATM đồng thời là Thành viên của Ban Điều hành CANSO, Chủ tịch Phạm Việt Dũng đã tham gia làm diễn giả tại phiên thảo luận với chủ đề “Quản lý các sự cố hệ thống: Bảo đảm an toàn, xây dựng tính bền vững trong dịch vụ bảo đảm hoạt động bay” cùng với các diễn giả khác như Giám đốc ICAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Ma Tao, Cục trưởng Cục HK Phillipine Manuel Antonio, Giám đốc điều hành không lưu Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ Timothy L.Arel, dưới sự điều hành của ông Simon Hocquard Tổng Giám đốc CANSO.
Chủ tịch Phạm Việt Dũng tham gia làm diễn giả tại phiên thảo luận
Khi ngành hàng không phục hồi sau đại dịch, các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay phải đối mặt với những thách thức phát sinh từ việc gia tăng lưu lượng bay, sự phức tạp của môi trường không lưu với các hoạt động bay quân sự, bay không người lái… Mặc dù công nghệ là một công cụ hỗ trợ cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, tuy nhiên các hệ thống có thể bị lỗi, gây ra sự gián đoạn dịch vụ. Các ANSP và cộng đồng ATM có thể hợp tác và chuẩn bị tốt hơn để quản lý rủi ro phát sinh từ sự gián đoạn. Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về các vấn đề an toàn hàng không, các diễn giả đã mang đến cho hội nghị những góc nhìn thấu đáo về những thách thức của ngành trong tương lai.
Chủ tịch VATM Phạm Việt Dũng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Đại dịch Covid-19 đã tạo thêm những thách thức chưa từng có đối với an toàn hàng không, bao gồm sự sẵn sàng và trình độ của nhân viên, khả năng bay của máy bay trở lại hoạt động sau thời gian không sử dụng, làm quen với các quy trình và cơ chế quản lý an toàn mới, văn hóa và khả năng lãnh đạo về an toàn trong các doanh nghiệp dưới áp lức về mặt tài chính để nhanh chóng quay lại hoạt động cung cấp dịch vụ. Những thay đổi mang tính đột phá trong lĩnh vực hàng không và sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và hệ thống hàng không không người lái, đồng thời tạo ra những cơ hội mới thú vị nhưng cũng đặt ra những rủi ro riêng về an toàn hàng không.
An toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu và không thể thỏa hiệp đối với ngành hàng không trong bối cảnh chúng ta đang phục hồi sau đại dịch. Quản lý không lưu giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì an toàn hàng không. Trong khi các quốc gia có chế độ quốc gia riêng, hoạt động hàng không là hoạt động xuyên biên giới quốc gia, hợp tác toàn khu vực là cần thiết để đảm bảo an toàn hàng không. “Chúng ta cần hợp tác với các nước láng giềng, chúng ta cần không để có khoảng trống cho sự gián hoặc hoặc khả năng gây gián đoạn, vì vậy chúng ta sẽ phải làm việc cùng nhau” Chủ tịch Phạm Việt Dũng nhấn mạnh tại phiên thảo luận.
Tại lễ khai mạc AP-SAS 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Bộ trưởng phụ trách Quan hệ Thương mại của Singapore đã công bố về việc Tổ chức An toàn bay thành lập Trung tâm An toàn Hàng không Châu Á Thái Bình Dương mới tại Singapore để giúp các bên liên quan đến ngành Hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nâng cao tiêu chuẩn an toàn, khả năng tái khởi động và tăng cường an toàn hoạt động khai thác khi hàng không và du lịch phục hồi về mức trước đại dịch.
VP