27/03/2025
Chương trình đánh giá kỹ năng thực hành nhân viên khí tượng hàng không (Competency Assessment System - CAS)
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khí tượng, hỗ trợ cho công tác điều hành bay đảm bảo an toàn và hiệu quả, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) yêu cầu “Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không cho điều hành bay quốc tế sẽ phải chứng minh rằng nhân viên khí tượng của mình đáp ứng các chỉ tiêu năng lực và trình độ quốc tế từ ngày 01/12/2013”.
Thực hiện theo yêu cầu đó, ngày 25 tháng 09 năm 2012 Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành “Chương trình đánh giá kỹ năng thực hành nhân viên khí tượng hàng không - CAS”.
1 .Nguyên tắc xây dựng chương trình đánh giá CAS
Chú trọng vào việc đánh giá khả năng tác nghiệp của nhân viên khí tượng trong ca trực quan trắc hoặc dự báo thời tiết hàng không. Đó là đánh giá việc nhân viên áp dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong công việc hàng ngày, thái độ làm việc, cách ứng xử, giao tiếp với người sử dụng thông tin khí tượng.
Bộ công cụ đánh giá CAS (Competency Assessment Toolkit - CAT) bao gồm các phương thức như quan sát trực tiếp, câu hỏi kinh nghiệm, kiểm tra viết, đưa ra các trường hợp điển hình và/hoặc trường hợp mô phỏng. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên năng lực, tính xác thực, tính lặp lại, tính công bằng và thân thiện.
Yêu cầu đối với nhân viên khí tượng hàng không
Mỗi Dự báo viên (DBV) khí tượng phải hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản về khí tượng BIP-M (Gói đào tạo cơ bản kỹ sư khí tượng) và có khả năng:
- Phân tích, theo dõi liên tục tình hình thời tiết;
- Dự báo các hiện tượng và các yếu tố khí tượng đối với hàng không;
- Cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm;
- Đảm bảo chất lượng thông tin và dịch vụ khí tượng;
- Truyền dẫn thông tin khí tượng cho người sử dụng nội bộ và bên ngoài.
· Mỗi Quan trắc viên (QTV) cần có khả năng:
- Theo dõi liên tục tình hình thời tiết;
- Quan trắc và ghi chép các hiện tượng thời tiết và các yếu tố khí tượng;
- Đảm bảo chất lượng vận hành của hệ thống quan trắc và thông tin khí tượng;
- Truyền dẫn thông tin khí tượng cho người sử dụng.
2. Nội dung chương trình đánh giá CAS
2.1. MỤC ĐÍCH- Chứng minh năng lực chuyên môn của nhân viên khí tượng hàng không đáp ứng các chỉ tiêu quốc tế thông qua các tài liệu chứng cứ;
- Xác định và theo dõi các tiến bộ của nhân viên khí tượng hàng không theo xu hướng đóng góp vào việc liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ khí tượng hàng không;
- Cung cấp thông tin khách quan cho việc xây dựng các kế hoạch huấn luyện nhân viên khí tượng hàng không.
2.2. Phạm vi và đối tượng đánh giá:
Để đánh giá đúng và nâng cao chất lượng dịch vụ khí tượng hàng không, chương trình đánh giá CAS sẽ tập chung vào hai đối tượng chính:
- Những QTV khí tượng đang làm việc trực tiếp tại các trạm quan trắc khí tượng thuộc các cảng hàng không (CHK) quốc tế, CHK sân bay nội địa;
- Những DBV khí tượng đang làm việc trực tiếp tại cơ sở cung cấp dịch vụ cảnh báo thời tiết vùng thông báo bay, bộ phận dự báo thời tiết tại các cảng hàng không quốc tế;
- Các nhân viên khí tượng khác sẽ được đánh giá bổ sung vào chương trình sau này.
3. Trình tự thực hiện Kế hoạch đánh giá CAS:
Bước 1: Khảo sát yêu cầu
- Ban đầu xác định quy mô và mục đích đánh giá đối tượng, cụ thể QTV hoặc DBV khí tượng làm việc trực tiếp, những nhân viên tạo ra bản tin quan trắc, dự báo, cảnh báo thời tiết phục vụ hàng không;
- Chọn yếu tố hoặc hiện tượng thời tiết cụ thể gặp tại thời điểm đánh giá;
- Chỉ định tối thiểu 02 cán bộ chuyên môn đánh giá/nhân viên khí tượng/ca trực ban;
- Tổ chức khảo sát và phân tích những điểm hạn chế (gap) giữa kiến thức và kỹ năng thực hành của QTV hoặc DBV khí tượng;
- Tổ chức huấn luyện lại cho QTV, DBV khí tượng trước khi đánh giá CAS.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đánh giá
- Chọn phương thức đánh giá tùy theo hoàn cảnh cụ thể, địa điểm cụ thể (quan sát trực tiếp, hỏi vấn đáp, viết hoặc mô phỏng, giả định);
- Lập bảng ma trận chi tiết để đánh giá CAS đối với QTV hoặc DBV;
- Lập lịch công tác, danh sách cán bộ và đối tượng QTV, DBV được đánh giá theo đợt.
Bước 3: Tài liệu hỗ trợ đánh giá
- Lập phiếu đánh giá;
- Chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đáp án kiểm tra;
- Chuẩn bị tài liệu đánh giá (phiếu kiểm tra, biên bản kiểm tra...).
Bước 4: Tổ chức đánh giá
- Ngày đánh giá;
- Lập hồ sơ đánh giá cho từng QTV hoặc DBV theo quy định.
Bước 5: Tổng kết
- Tổng kết đợt đánh giá, phân tích những ý kiến phản hồi;
- Kiến nghị tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên khí tượng sau khi thông báo kết quả đánh giá CAS.
Quy trình thực hiện kế hoạch đánh giá CAS được thể hiện như sau:
Hồ sơ tài liệu:
Văn bản sử dụng để đánh giá CAS phải được lập thành bộ hồ sơ tài liệu và được kiểm soát theo phiên bản để đảm bảo sẵn sàng khi cần truy cập lại. Hồ sơ đánh giá CAS bao gồm các bảng danh mục (check list) phiếu đánh giá, các câu hỏi và đáp án tham khảo cho kiểm tra vấn đáp và viết, tài liệu cho các trường hợp điển hình và mô phỏng, các báo cáo kết luận của người đánh giá và các thông tin phản hồi. Tất cả các tài liệu đánh giá phải được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận trước khi chúng được sử dụng để đánh giá.
Mức đánh giá năng lực chuyên môn CAS:
Đối tượng bị đánh giá sẽ nhận được kết quả xếp loại đánh giá sau khi được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt:
- Đủ năng lực chuyên môn
- Không đủ năng lực chuyên môn
Những nhân viên khí tượng được đánh giá là "không đủ năng lực chuyên môn" cần phải thực hiện đánh giá lại sau 03 tháng tính từ ngày được thông báo kết quả kiểm tra lần đầu. Những đối tượng này sẽ phải kiểm tra lại tất cả các phần không đạt trong lần đánh giá trước.
Lịch trình và thời gian hiệu lực:
Việc đánh giá CAS - Quan trắc viên và Dự báo viên khí tượng hàng không sẽ được tiến hành 03 năm một lần.
Chứng thực về kỹ năng thực hành nhân viên khí tượng hàng không có hiệu lực 36 tháng. Trước khi hết thời hạn 36 tháng, đối tượng được đánh giá sẽ được sắp xếp tham dự đợt đánh giá gia hạn 36 tháng tiếp theo.
BAN KHÔNG LƯU