23/12/2024
Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT
Mục tiêu của chương trình nhằm triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT, góp phần thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 của cả nước; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) đất nước giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua; Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Đạt được mục tiêu chung của Tái cơ cấu ngành GTVT, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trụ cột: Tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển GTVT; Tái cơ cấu đầu tư; Tái cơ cấu doanh nghiệp; Tái cơ cấu vận tải.
Chương trình cũng chỉ ra 11 nhiệm vụ trọng tâm và giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cho các đơn vị. Về lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không được giao: Xây dựng đề án tái cơ cấu lĩnh vực hàng không Việt Nam; Xây dựng kế hoạch huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm ngành Hàng không; Xây dựng chương trình đầu tư nâng cao năng lực và trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện, đặc biệt là đào tạo phi công, kiểm soát viên không lưu.
Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (thực hiện nhiệm vụ giao chung cho các Tổng công ty, công ty), đó là: Xây dựng hoàn thiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh Đề án tái cơ cấu đối với các đơn vị; Xây dựng kế hoạch triển khai và tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành.
Nội dung tái cơ cấu lĩnh vực Hàng không (theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014):
a) Tái cơ cấu vận tải hàng không theo hướng nâng cao thị phần hàng không giá rẻ, có khả năng cạnh tranh, đảm nhận vận tải hành khách và vận tải hàng hoá mà vận tải hàng không có ưu thế; tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới. Tăng cường thị trường vận tải hành khách quốc tế lên khoảng 45,86%. Đối với thị trường nội địa, vận tải hành khách chiếm thị phần khoảng 3,23%, tập trung cho các tuyến Bắc – Nam; thị phần vận tải hàng hoá chiếm khoảng 0,04%;
b) Phát huy thế mạnh thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Châu Đại Dương, thúc đẩy kết nối vận tải hàng không đến khu vực Nam Á, các nước Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ); mở thêm các đường bay đến Châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh và Châu Phi;
c) Phát triển đội tàu bay theo hướng cơ cấu hợp lý, tăng tỷ lệ sở hữu tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
d) Ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các Cảng Hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới Cảng trung chuyển Hàng không quốc tế Long Thành. Khai thác hiệu quả các Cảng Hàng không, sân bay hiện có;
Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hành không theo hướng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công ích, giữ nguyên mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nhằm tạo ra một doanh nghiệp có năng lực mạnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các chiến lược, quy hoạch của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống Cảng Hàng không. Thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, trong đó Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ. Hoàn thành việc cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong năm 2014, Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ 65-75%.