Công tác quản lý an toàn lĩnh vực không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

thứ ba, 06/09/2016 04:07

Hiện nay công tác quản lý an toàn của Tổng công ty đang ở cuối giai đoạn III, đầu giai đoạn IV của Kế hoạch thực hiện hệ thống an toàn của Tổng công ty (2012 – 2017) được Cục HKVN phê duyệt. Với những nội dung cơ bản như sau:

Nhận dạng mối nguy hiểm, đánh giá và giảm thiểu rủi ro an toàn: Từ những số liệu thống kê, khảo sát ban đầu, hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty đã nhận dạng được các mối nguy hiểm trong lĩnh vực không lưu và đảm bảo kỹ thuật, thống nhất đánh giá mức độ rủi ro và đưa ra được các giải pháp giảm thiểu. Công tác quản lý rủi ro – cốt lõi của quản lý an toàn đã được đánh giá kết quả hàng tháng. Các mối nguy hiểm đang quản lý đều ở mức chấp nhận được.

Giám sát, theo dõi và đo lường việc thực hiện an toàn: Việc theo dõi an toàn, hiện nay, tuy cơ bản đang dựa trên số liệu thống kê từ báo cáo bắt buộc nhưng đã bước đầu thực hiện quản lý an toàn chủ động. Để tiến tới quản lý an toàn chủ động hoàn toàn lĩnh vực không lưu, Tổng công ty đang trong quá trình triển khai thực hiện Quy định khai thác dữ liệu ATM phục vụ công tác quản lý an toàn. Mục đích của tiến trình này là kịp thời phát hiện sai sót, đánh giá mức độ ảnh hưởng để thực hiện giảm thiểu sai sót trước khi sự cố xảy ra.

Tổng công ty đã ban hành phương thức CMA để đánh giá, đo lường và thực hiện cảnh báo an toàn hàng tháng. Nội dung này đã cung cấp cho Lãnh đạo các cấp cũng như toàn thể CBNV chỉ số an toàn chúng ta đang có. Qua đó thúc đẩy nỗ lực nâng cao năng lực của toàn bộ hệ thống.

Qua giám sát, đo lường, Tổng công ty đã nhận thấy cần có chương trình thực hiện quản lý mệt mỏi. Tuy Tài liệu Hệ thống quản lý mệt mỏi chưa được ban hành nhưng việc quản lý mệt mỏi của người lao động trực tiếp, đặc biệt là KSVKL đã và đang được Lãnh đạo các cấp quan tâm thông qua yêu cầu quản lý việc tổ chức ca/kíp trực và thực hiện chế độ giao ca/kíp.Quản lý mệt mỏi của KSVKL đòi hỏi cả hệ thống cơ quan tham mưu giúp việc, người quản lý và cá nhân mỗi KSVKL đều phải tham gia quá trình này với sự quan tâm và trách nhiệm. Để triển khai nội dung này đòi hỏi nỗ lực có thể còn lớn hơn cả quá trình triển khai quản lý an toàn thời gian qua bởi phạm vi quản lý sâu và rộng hơn.

Trong biểu Danh mục phân lớp các mối nguy hiểm, rủi ro cần quản lý thuộc lĩnh vực không lưu do Tổng công ty ban hành năm 2015, chúng ta thấy rủi ro giao cho đơn vị quản lý ở lớp 4 và lớp 5, nhiều nội dung rủi ro có chung mối nguy hiểm là KSVKL mệt mỏi. Như vậy hiệu quả của Quản lý an toàn điều hành bay phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của Quản lý mệt mỏi của KSVKL.

6_9_2_K%C3%ADp%20tr%E1%BB%B1c%20TWR%20N%E1%BB%99i%20b%C3%A0i

Kíp trực tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài

Quản lý sự thay đổi: Trưởng thành cùng ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, ngành Quản lý bay Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng. Từ ngày nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh tới nay, các trang thiết bị, tính năng kỹ thuật; Văn bản pháp quy, tài liệu hướng dẫn, phương thức điều hành, phương thức khai thác; Môi trường công tác, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động không ngừng thay đổi. Chỉ cần lỡ nhịp bước là không đáp ứng được yêu cầu công việc, không theo được công việc đang diễn ra. Để đảm bảo tất cả các yếu tố liên quan đều sẵn sàng tiếp nhận và đồng hành được cùng sự thay đổi, chúng ta cần phải thực hiện việc quản lý.

Tổng công ty đã ban hành Quy trình quản lý sự thay đổi và bắt đầu thực hiện từ khi thực hiện giai đoạn 3 dự án Trung tâm KSKL Hà Nội. Tuy còn nhiều việc phải làm để nâng cao năng lực của toàn ngành về quản lý sự thay đổi nhưng chúng ta đã đạt được nhận thức chung của cả hệ thống về quản lý an toàn từ trước khi thực hiện sự thay đổi.       

Cải tiến liên tục Hệ thống Quản lý An toàn (SMS): Tài liệu Hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty đã qua 2 lần tu chỉnh.Tài liệu phản ánh nhận thức, phương thức, kỹ năng quản lý an toàn của toàn Tổng công ty. Việc cập nhật, bổ sung số lượng lớn nội dung trong tu chỉnh năm 2015 thể hiện chúng ta đã có nhiều thay đổi tiến bộtrong vận hành hệ thống quản lý an toàn.

Đào tạo huấn luyện về an toàn: Năng lực hệ thống quản lý an toàn được nâng cao do công tác đào tạo, huấn luyện về an toàn đã được Lãnh đạo Tổng công ty quan tâm rất lớn. Cụ thể như sau:

Về phổ biến kiến thức, tính đến tháng 6/2016, Tổng công ty đã phổ biến kiến thức cơ bản về quản lý an toàn theo nội dung tiêu chuẩn của ICAO cho trên 1300 cán bộ, nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Hoàn thành nội dung huấn luyện nêu trong Kế hoạch thực hiện hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty giai đoạn 2012 – 2017.

Về huấn luyện nâng cao, trong mấy năm qua, phần lớn các cán bộ làm công tác quản lý an toàn chuyên trách các cấp đã tham gia các khóa học nâng cao tại nước ngoài, tham gia trao đổi học tập kinh nghiệm trong Chương trình hợp tác của Tổng công ty với Cục Hàng không Singapore, tham gia các Hội nghị về an toàn của CANSO và ICAO khu vực.

Thông tin an toàn: Thông tin an toàn đã được tổ chức thực hiện dưới các kênh liên lạc và hình thức như: Những bài học kinh nghiệm an toàn từ phân tích dữ liệu an toàn được Tổng công ty yêu cầu đơn vị phổ biến tới các KSVKL; Các báo cáo của tổ lái được cơ quan an toàn của các hãng hàng không  chuyển cho cơ quan an toàn của Tổng công ty. Mọi yêu cầu phản hồi của người lái hoặc cơ quan an toàn bạn đều được trả lời sau khi thực hiện xác minh. Hiện nay đã có 5 công ty hàng không duy trì kênh thông tin an toàn 2 chiều thường xuyên với cơ quan an toàn Tổng công ty; Hội thảo hợp tác giữa Tổng công ty với Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines, Công ty CP hàng không Vietjet, Công ty CP hàng không Jestar Pacific và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV.

Trong những năm qua, từ xuất phát điểm rất thấp, với quyết tâm của Lãnh đạo Tổng công ty, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, công tác an toàn trong lĩnh vực không lưu của Tổng công ty đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận, mốc dấu quan trọng nhất là thực hiện quản lý an toàn chủ động. Để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 2 thực hiện hệ thống quản lý an toàn, Tổng công ty cần nâng cao hơn nữa năng lực giảm thiểu rủi ro an toàn.

Ban An toàn- An ninh đưa ra một số đề xuất nâng cao an toàn và năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay, theo đó, với hơn 3 năm vừa học tập vừa xây dựng và triển khai thực hiện, việc vận hành hệ thống an toàn không tránh khỏi những hạn chế. Để nâng cao an toàn và năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay, Tổng công ty cần quan tâm hơn nữa tới hai nội dung:

Về tổ chức thực hiện giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng Hồ sơ giảm thiểu rủi ro an toàn, thể hiện ở các yếu tố: Kế hoạch khắc phục khuyến cáo an toàn phải cụ thể về nội dung, chặt chẽ trong tổ chức, phân công nhiệm vụ; Cơ sở ĐHB và cơ quan an toàn cùng cấp cần xây mẫu biểu tự kiểm tra theo nội dung và yêu cầu khắc phục được nêu trong mỗi kế hoạch; Kết quả kiểm tra đánh giá, giám sát của cơ sở ĐHB và cơ quan an toàn cùng cấp phải được cùng phân tích để thống nhất đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giảm thiểu rủi ro an toàn.

Về phối hợp giữa quản lý an toàn và bảo đảm an toàn, để nâng cao an toàn và năng lực điều hành bay cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai hệ thống Quản lý an toàn và Đảm bảo an toàn, xuyên suốt 2 giai đoạn: Nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá mức độ rủi ro, đưa ra các biện pháp giảm thiểu và lập kế hoạch thực hiện giảm thiểu rủi ro, đánh giá kết quả khắc phục.

Vì vậy Hệ thống bảo đảm an toàn cần hiểu sâu hơn nữa về quản lý an toàn để tham gia đầy đủ hơn nữa quá trình quản lý rủi ro an toàn; coi quản lý rủi ro là trách nhiệm của mình, cho mình, vì mình; Hệ thống quản lý an toàn phải song hành với những nhu cầu và thay đổi về thiết bị, phương thức và lao động để có thể chủ động hơn, hiệu quả hơn trong quản lý rủi ro an toàn lĩnh vực không lưu.

Trưởng Ban An toàn - An ninh

Thông báo