08/12/2024
Công việc của những người "đo gió, đếm mây"
Theo khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), dịch vụ khí tượng hàng không là một trong 06 dịch vụ quan trọng của mỗi một quốc gia khi đảm nhận trọng trách quản lý vùng thông báo bay do ICAO phân công. Tại Tổng công ty Quản lý bay hiện nay, dịch vụ khí tượng hàng không đóng vai trò then chốt góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của ngành Quản lý bay, đến nay hệ thống cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không được tổ chức, kiện toàn với tổng số 182 cán bộ nhân viên đang công tác tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không: Trung tâm Cảnh báo thời tiết tại Long Biên - Hà Nội; Các Trung tâm Khí tượng hàng không thuộc 03 miền, tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và các Trạm quan trắc sân bay địa phương.
Ít ai biết được rằng, để có được bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi chỉ với khoảng 100 từ, những cán bộ, nhân viên làm công tác khí tượng đã phải lao động không quản ngày đêm, tỉ mỉ tính toán, đo đạc. Chỉ cần sai lệch một chút là có thể dẫn đến lãng phí, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch bay của các hãng và nguy cơ uy hiếp an toàn cho các chuyến bay.
Anh Phan Bá Hùng, Trưởng Trung tâm Cảnh báo thời tiết
Anh Phan Bá Hùng, Trưởng Trung tâm Cảnh báo thời tiết cho biết: "Công việc tưởng chừng như đơn giản là vậy, nhưng những người làm công tác khí tượng như chúng tôi phải rất công phu, tỉ mỉ đảm bảo duy trì các vị trí trực liên tục 24/24 giờ. Những hôm trời quang mây tạnh công việc thuận lợi hơn. Các cơ quan khí tượng hàng không lập và phát hành các bản tin thời tiết với tần suất quy định của ICAO: Bản tin quan trắc sân bay phát 30 phút/lần; các bản tin dự báo sân bay phát 6 giờ/lần. Còn những hôm nào thời tiết diễn biến thất thường, chúng tôi phải theo dõi, phân tích, xử lý liên tục để cập nhật, lập phát hành kịp thời, đầy đủ các bản tin bổ sung, đặc biệt là các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động bay, thì áp lực công việc lại tăng lên gấp bội".
Theo quy định, các bản tin quan trắc, dự báo, cảnh báo thời tiết sẽ được cung cấp cho các cơ sở điều hành bay của VATM, các hãng hàng không và được trao đổi theo hệ thống ROBEX, được gửi vào hệ thống ngân hàng dữ liệu khí tượng khu vực Châu Á Thái Bình Dương, để từ đó phân phát toàn cầu. Ngoài ra, số liệu khí tượng hàng không còn được phát thanh phục vụ các chuyến bay đang trong hành trình.
Mỗi bản tin tuy ngắn ngủi, nhưng trách nhiệm thì rất lớn, đòi hỏi người làm nghề khí tượng không chỉ có chuyên môn vững, mà còn phải có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Lực lượng chủ chốt trong lĩnh vực khí tượng hàng không là các dự báo viên. Hiện nay, Tổng công ty có 62 dự báo viên, công việc hàng ngày của các anh, các chị là thu thập dữ liệu khí tượng từ các ảnh mây vệ tinh, dữ liệu từ hệ thống ra đa thời tiết, từ các hệ thống dự báo toàn cầu, số liệu quan trắc bề mặt (GTS)… sau đó nghiên cứu, phân tích, xử lý để đưa ra các bản tin, cung cấp cho người sử dụng.
Chị Thu Hà, Đội trưởng Đội Dự báo - Trung tâm Cảnh bảo thời tiết
Chị Thu Hà, Đội trưởng Đội Dự báo, của Trung tâm Cảnh bảo thời tiết, người đã có thâm niên 22 năm là dự báo viên, chia sẻ: Mỗi bản tin mà chúng tôi phát ra là khi đó mình phải gánh trên vai rất nhiều áp lực, trách nhiệm. Áp lực lớn nhất là khi phát bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, bởi chỉ cần “sai một ly” là “đi một dặm" hậu quả khó lường.
Theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam, để trở thành một dự báo viên khí tượng hàng không, yêu cầu cần có trình độ đại học chuyên ngành khí tượng và có trình độ tiếng Anh và công nghệ thông tin; sau khi được tuyển dụng sẽ phải trải qua 9 tháng huấn luyện ban đầu và vượt qua kỳ thi năng định do Cục Hàng không tổ chức. Hàng năm, các dự báo viên phải vượt qua kỳ thi sát hạch đánh giá năng định. Theo quy định của ICAO, cứ 3 năm một lần các nhân viên khí tượng hàng không phải tham gia chương trình đánh giá năng lực thực hành (CAS). Anh Phan Bá Hùng cho biết thêm, để trở thành một dự báo viên thực thụ, phải có kinh nghiệm và thời gian công tác ít nhất 3 năm.
Một kíp trực dự báo viên của Trung tâm Cảnh báo thời tiết
Phía sau các dự báo viên là công việc của các nhân viên khai thác số liệu khí tượng và các quan trắc viên đang làm việc tại các Cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không và các trạm quan trắc khí tượng sân bay trên toàn quốc. Họ là những người ngày đêm bám sát vị trí, quan trắc, đo đạc các điều kiện khí tượng sân bay; thu thập, khai thác, xử lý các nguồn dữ liệu; phân phát số liệu, sản phẩm cho người sử dụng.
Các dự báo viên sân bay đang tư vấn thuyết trình, tư vấn về điều kiện khí tượng
cho nhân viên điều độ, khai thác bay của các hãng hàng không
Mặc dù không trực tiếp làm ra các bản tin thời tiết thế nhưng vai trò và trách nhiệm của họ cũng rất lớn. Số liệu quan trắc sân bay là một trong các số liệu khai thác (OPMET) quan trọng, phục vụ trực tiếp việc cất, hạ cánh của tàu bay; công tác điều hành bay; lập kế hoạch bay;… Ngoài ra, số liệu quan trắc cũng là một cơ sở quan trọng để các dự báo viên tham khảo để quyết định các bản tin dự báo, cảnh bảo. Vì thế, công việc đòi hỏi họ phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, phải chính xác tuyệt đối từ giờ giấc đến con số.
Công việc của các nhân viên khai thác số liệu khí tượng
Gần 24 năm làm quan trắc viên ở Trung tâm Khí tượng Nội Bài, anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ: "Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên quan sát, đo đạc, đánh giá các yếu tố thời tiết: gió, tầm nhìn, nhiệt độ, điểm sương, khí áp, trần mây,... Công việc này hiện giờ cũng đỡ vất vả hơn nhờ các hệ thống thiết bị cảm ứng tự động, đặt dọc đường cất hạ cánh chuyển số liệu về liên tục 24/24 giờ. Các số liệu khí tượng dưới định dạng mã luật sẽ được gửi đến các đối tượng sử dụng trong nước và quốc tế. Công việc này, luôn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về thời gian vì chỉ cần chậm trễ một chút là cả hệ thống sẽ bị chậm theo và đặc biệt là các yếu tố đã bị thay đổi, làm sai lệch số liệu gây khó khăn cho công tác dự báo".
Toàn Tổng công ty hiện có 111 quan trắc viên khí tượng tại các sân bay
Để nâng cao chất lượng dịch vụ khí tượng hàng không, góp phần nâng cao an toàn cho hoạt động bay, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng công ty, từ tháng 11/2016, Trung tâm Cảnh báo thời tiết đã bố trí một dự báo viên khí tượng trực ngay tại ACC Hà Nội. Sau một thời gian thực hiện, vị trí trực tại ACC đã phát huy hiệu quả, dự báo viên đã hỗ trợ kịp thời, tư vấn trực tiếp cho kiểm soát viên không lưu về diễn biến khí tượng trong quá trình điều hành bay, được kiểm soát viên không lưu và lãnh đạo Tổng công ty đáng giá cao. Dự kiến trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ triển khai, nhân rộng đến các cơ sở điều hành bay trên cả nước.
Dự báo viên trực phối hợp tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội
Trong năm 2016, Trung tâm Cảnh báo thời tiết đã theo dõi, dự báo, cảnh báo 20 đợt không khí lạnh, 15 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, đặc biệt những cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; đã lập và phát hành 1578 điện văn (SIGMET), 482 điện văn cảnh báo điều kiện thời tiết nguy hiểm và 245 bản tin phục vụ chuyên cơ.
Trung tâm Cảnh báo thời tiết - Trung tâm Quản lý luồng không lưu
Tại Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, năm 2016 đã lập và phát hành 7.967 bản tin dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay tại: Nội Bài, Cát Bi, Điện Biên, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới; Cung cấp 73.822 bộ hồ sơ khí tượng cho các chuyến bay cất cánh từ sân bay Nội Bài.
Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài - Công ty Quản lý bay miền Bắc
Tại Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng, năm 2016, đã trao đổi 17.500 bản tin quan trắc, bản tin dự báo hạ cánh; lập và phát hành 7200 bản tin dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay tại: Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Cam Ranh; Cung cấp 20.000 bộ hồ sơ khí tượng cho các chuyến bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng.
Trung tâm Khí tượng hàng không Đà Nẵng - Công ty Quản lý bay miền Trung
Tại Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất, năm 2016 đã lập và phát hành 12.680 bản tin dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay tại: Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Côn Sơn, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc, Cần Thơ; Cung cấp 108.585 bộ hồ sơ khí tượng cho các chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất - Công ty Quản lý bay miền Nam
Do tính chất công việc cần đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ và độ chính xác cao, những năm gần đây, Tổng công ty đã tăng cường đầu tư các hệ thống thiết bị khí tượng tiến tiến, hiện đại thế hệ mới, như: Hệ thống thu sản phẩm dự báo toàn cầu - WAFS (2016); Hệ thống ảnh mây vệ tinh khí tượng phân giải cao; Hệ thống thu nhận, xử lý số liệu khí tượng (GTS); Hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng hàng không… Các trang thiết bị này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao độ chính xác cho các bản tin, hạn chế và giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến hoạt động vận tải hàng không dân dụng. Đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Thiết bị khí tượng tiên tiến, hiện đại thế hệ mới của Trung tâm Cảnh báo thời tiết
Nhân ngày Khí tượng thế giới (23/3), xin được gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, nhân viên làm công tác khí tượng hàng không sức khỏe, thành công! Chúc các anh, các chị luôn giữ vững lòng nhiệt huyết, niềm đam mê với công việc, cùng chung tay xây dựng ngôi nhà chung VATM hội nhập, phát triển.
Ban Biên tập