05/12/2024
Đăng ký sử dụng tần số VHF phục vụ công tác điều hành bay
Chúng ta đều biết dải tần số VHF dùng cho điều hành bay được tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế qui định từ 117.975 – 137 MHz. Tuy nhiên qui trình lựa chọn một tần số VHF dùng trong ngành Hàng không diễn ra như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trả lời điều đó.
Sóng vô tuyến điện được ứng dụng hết sức rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp và y tế. Vì vậy, phổ tần số vô tuyến điện được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và quý giá.
Nhà nước Việt Nam đã nhận thức rất sớm tầm quan trọng của công tác quản lý tần số và thông tin vô tuyến điện. Từ năm 1959, Chính phủ đã ban hành các nghị định như Nghị định số 344/TTg về quản lý máy phát vô tuyến điện và Nghị định số 345/TTg về quản lý tần số vô tuyến điện.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thông tin vô tuyến điện trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Việc thông tin di động tế bào thế hệ thứ hai được triển khai rộng rãi trên thế giới và bắt đầu đưa vào sử dụng ở Việt Nam đã đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý tần số vô tuyến điện. Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 về bưu chính viễn thông và Nghị định số 79/1997/NĐ-CP ngày 19/6/1997 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông và tần số vô tuyến điện. Hai văn bản pháp luật quan trọng này một mặt tạo điều kiện pháp lý cho việc sử dụng tần số vô tuyến điện rộng rãi hơn, mặt khác quy định các chế tài nghiêm ngặt để xử lý các vi phạm về quản lý tần số vô tuyến điện, nâng cao hiệu lực thực thi của cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện, đảm bảo cho các hệ thống vô tuyến điện hoạt động hợp pháp, không bị can nhiễu có hại.
Năm 2002, Pháp lệnh Bưu chính viễn thông được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tiếp theo đó là Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông về tần số vô tuyến điện; Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/7/2004 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện; Nghị định số 75/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Quyết định số 336/2005/QĐ-TTg ngày 16/12/2005 của Thủ tướng phê duyệt "Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia".v.v... cùng với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc liên Bộ ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện và nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thể hiện những tư duy mới về quản lý tần số, tạo hành lang cho sự phát triển mạnh mẽ của thông tin vô tuyến điện và phát thanh truyền hình. Nhiều nội dung quan trọng như phân bổ băng tần cho an ninh quốc phòng, cấp phép băng tần, quản lý tương thích điện từ… được quy định, phản ánh yêu cầu quản lý tần số sâu rộng hơn và yêu cải cách thủ tục hành chính trong quản lý tần số để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các ứng dụng của tần số vô tuyến điện. Những văn bản này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của các dịch vụ viễn thông, các ứng dụng sóng vô tuyến điện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Năm 2006 đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của thông tin di động, với sự gia tăng thêm gần 10 triệu thuê bao; sự mở rộng vùng phủ sóng của phát thanh truyền hình số mặt đất và bắt đầu thử nghiệm truyền hình di động. Công nghệ truy cập vô tuyến băng rộng - WIMAX đã có những bước thử nghiệm ban đầu tại Việt Nam. Năm 2008, Dự án vệ tinh VINASAT-1 đã hoàn thành việc phóng vệ tinh lên vị trí quỹ đạo 1320 Đông.
Thực hiện Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Chính phủ đã tổ chức, chỉ đạo việc xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại hai kỳ họp và đã nhất trí thông qua Luật Tần số vô tuyến điện với đa số phiếu tán thành (435/437) tại phiên họp ngày 23/11/2009. Ngày 17/12/2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh số 19/2009/L-CTN ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Chủ tịch nước về Luật Tần số vô tuyến điện.
Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Các quy định về tần số vô tuyến điện của Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực.
Đối với lĩnh vực Hàng không, để có thể thiết lập một tần số VHF phục vụ công tác điều hành bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ phải chấp hành nghiêm Luật tần số VTĐ cũng như các văn bản pháp lý liên quan như:
Tài liệu hướng dẫn sử dụng tần số VTĐ của ICAO (ICAO Annex 10 Vol 5).
Thông tư số 19/2017/TT-BGTVT ngày 06/6/2017 quy định về Quản lý và Bảo đảm hoạt động bay.
Thông tư số 01/2012/TTLT- BTTTT-BGTVT ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giao thông Vận tải về Hướng dẫn việc quản lý, cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ dẫn đường hàng không.
Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT ngày 23 tháng 03 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện.
Chúng ta biết ICAO qui định dải tần số từ 119.975 MHz đến 137 MHz là dải tần số dùng riêng cho thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành bay. Trong dải tần đó lại chia nhỏ các dải dùng cho Ground Service, dải dùng cho Tower, dải dùng cho APP, dải dùng cho ACC. Đối với các thiết bị VHF hiện đang sử dụng rộng rãi trên thế giới và trong Tổng công ty có khoảng cách giữa các kênh là 25 KHz hoặc 8.33 KHz (Tổng công ty sử dụng 25 KHz) do đó về mặt thiết bị, có thể đặt các kênh hay các tần số khác nhau 25 KHz. Có thể nói khi chọn tần số nếu tần số chẵn hoặc lẻ ít thì hô hiệu của KSVKL sẽ ngắn gọn, phần nào giảm tải cho KSVKL cũng như giảm thiểu khả năng sai sót.
Tuy nhiên, do chỉ được sử dụng trong dải tần hẹp với mỗi ứng dụng (Apron, TWR, APP, ACC) nên hầu hết các tần số ”đẹp” (đẹp hiểu ở đây là các tần số chẵn, ví dụ 118.0 MHz hoặc có số lẻ đến 1 chữ số như 118.2, vv...) đã được đăng ký và sử dụng gần hết.
Để có thể sử dụng lại các tần số này cần có khoảng cách đủ lớn để tránh can nhiễu lẫn nhau (Minimum geographical co –frequency separation distance). Hiện ICAO thường xuyên update bảng tần số dùng cho từng khu vực. Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương (APAC). Bảng dưới đây thể hiện các ”slot” tần số dành cho từng ứng dụng:
Qua bảng trên cho thấy tài nguyên tần số dùng cho mỗi ứng dụng không hề ”thoải mái” mà rất hạn hẹp.
Ví dụ với tần số dùng cho ACC – U (uper), koảng cách nếu muốn dùng lại tần số lên tới 520 NM (ICAO handbook on Radio Frequency Spectrum Requirements for Civil Aviation – Vol 2). Do đó càng về sau, các tần số được chọn đều ”lẻ”, hiện thông thường lẻ tới 3 chữ số, ví dụ 135. xxx MHz.
Với sự phát triển của Công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu do các Quốc gia cung cấp, việc lựa chọn tần số hiện đã được ICAO sử dụng thông qua ứng dụng phần mềm ICAO Frequency Finder. Với ứng dụng này người dùng có thể lựa chọn tần số phù hợp trong phạm vi những tần số chưa sử dụng. Thực tế cho thấy việc lựa chọn các tần số ngày càng khó khăn, thậm chí ngay cả những tần số có số lẻ cao.
Sau khi lựa chọn được tần số, cần phải tiến hành các thủ tục phối hợp Quốc tế (thỏa thuận với ICAO khu vực). Theo Điều 8 của Thông tư số 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT ngày 24/02/2012 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Hướng dẫn việc quản lý, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với đài vô tuyến số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, vô tuyến dẫn đường hàng không có nêu quy trình thực hiện thủ tục phối hợp như sau:
Điều 8. Trình tự phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện
1. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định của tổ chức, cá nhân, Cục Tần số vô tuyến điện gửi văn bản kèm theo hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện.
2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các công việc sau:
a) Phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện với các Nhà chức trách hàng không quốc tế, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
b) Phối hợp với tổ chức, cá nhân triển khai phát, thu thử tần số vô tuyến điện khi cần thiết, trên cơ sở ý kiến đồng ý của Cục Tần số vô tuyến điện. Cục Tần số vô tuyến điện có ý kiến về việc phát, thu thử trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu phát, thu thử của Cục Hàng không Việt Nam.
c) Gửi văn bản thông báo cho Cục Tần số vô tuyến điện về kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện bao gồm cả trường hợp phối hợp thành công và không thành công. Trường hợp phối hợp thành công, nội dung thông báo bao gồm thông tin về các tần số phối hợp thành công kèm theo nhận dạng của đài vô tuyến điện.
3. Trong trường hợp đặc biệt, việc phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện cần có sự phối hợp chuyên sâu về kỹ thuật, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện thực hiện việc phối hợp này.
4. Trường hợp từ chối phối hợp và đăng ký tần số vô tuyến điện với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối gửi Cục Tần số vô tuyến điện trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cục Tần số vô tuyến điện.
Qua quá trình triển khai xin tần số VHF cho thấy thời gian trung bình cho việc phối hợp và cấp giấy phép sử dụng tần số nêu trên khoảng 60 ngày làm việc theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì thời gian này có thể kéo dài hơn vì còn tùy thuộc vào thời gian ICAO khu vực ấn định tần số và thời gian Cục Tần số vô tuyến điện xử lý hồ sơ.
Ban Kỹ Thuật