03/04/2024
Đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh của Kiểm soát viên Không lưu – Từ góc nhìn của giáo viên thực hiện
Đầu năm 2011, sau khi được Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN) cấp Giấy chứng nhận phê chuẩn Cơ sở đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (TCT QLB VN) đã triển khai đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh cho 605 lượt nhân viên không lưu của Tổng công ty và 44 lượt nhân viên kiểm soát tàu bay lăn của TCT Cảng Hàng không Việt Nam. Đến cuối năm 2013 và đầu 2014, Hội đồng đánh giá thuộc CHKVN sẽ đánh giá lại các đối tượng đạt trình độ thông thạo ngôn ngữ mức 4 đợt đầu tiên, các đối tượng chưa đạt mức 4 và các đối tượng mới.
Một mặt, khi đưa ra kết quả đánh giá, giáo viên phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu bởi không hiếm trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn vì lý do ngôn ngữ; phải bám sát các tiêu chuẩn đã được ICAO đề ra với những tiêu chí rõ ràng và phải tuân thủ các quy định của Việt Nam về đảm bảo trình độ ngôn ngữ của NVHK.
Mặt khác, giáo viên cũng biết những khó khăn, hạn chế nhất định của người dự thi và của cả đơn vị. Người dự thi, dù muốn nỗ lực tự học tập để cải thiện trình độ ngôn ngữ nhưng chế độ làm việc theo ca kíp khiến việc tham gia đầy đủ các lớp học ngoài giờ, lớp học buổi tối gặp nhiều trở ngại; hay lựa chọn tìm giáo viên ngoại ngữ, có kiến thức về chuyên môn Không lưu và có thời gian giảng dạy riêng theo lịch trực của từng học viên cũng không phổ biến; hoặc việc học ngoại ngữ đối với những người đã có thâm niên công tác tương đối lâu là không dễ dàng do yếu tố tuổi tác cũng có tác động nhất định. Và có những người có thể đọc hiểu các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành nhưng lại hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh do kỹ năng nghe, nói không được rèn luyện thường xuyên; có những người cảm thấy rất tự tin khi sử dụng các thuật ngữ Không lưu tiêu chuẩn nhưng lại cảm thấy lo lắng khi phải nói chuyện hay trình bày bằng tiếng Anh trong những chủ đề rất quen thuộc, rất đời thường. Bên cạnh đó, không hiếm những trường hợp kiến thức chuyên môn Không lưu rất tốt, trình độ thông thạo tiếng Anh về cơ bản cũng đáp ứng yêu cầu, chỉ 1 hoặc 2 tiêu chí cần được cải thiện thêm. Nhưng nếu xét theo các quy định trong Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT ngày 21/12/2011; các Phụ ước 1, 10, 11 và Tài liệu hướng dẫn thực hiện yêu cầu thông thạo ngôn ngữ - Doc. 9835 của ICAO thì vẫn có thể coi là không đạt.
Vậy người giáo viên đánh giá phải ra quyết định như thế nào? Đây là một câu hỏi khiến cho đội ngũ giáo viên luôn trăn trở. Bởi, nếu quá cứng nhắc thì đơn vị có thể sẽ thiếu hụt nhân lực lao động và gặp khó khăn trong bố trí nhân sự và thành phần kíp trực, còn nếu “hạ chuẩn” quốc tế để phù hợp hơn với điều kiện thực tế tại một quốc gia mà tiếng Anh không phải là tiếng bản ngữ như Việt Nam thì kết quả đánh giá có còn được coi là đúng tiêu chuẩn hay không?
Một là, chưa nắm vững cấu trúc của bài kiểm tra. Hiện tại, cấu trúc của bài kiểm tra vẫn gồm 02 phần: Phỏng vấn (15-20 phút) và Xử lý tình huống (10 phút). Tuy nhiên, từ cuối năm 2013, bài kiểm tra sẽ có thêm phần Kiểm tra kỹ năng nghe, hiểu thông qua các cuộc hội thoại giữa kiểm soát viên và người lái với các file ghi âm tình huống thực tế.
Hai là, chưa chú trọng vào việc học tập và rèn luyện đầy đủ theo các tiêu chí đánh giá. Người dự thi được đánh giá theo 06 mảng kỹ năng ngôn ngữ bao gồm: Phát âm (Pronunciation), Cấu trúc (Structure), Từ vựng (Vocabulary), Sự lưu loát (Fluency), Khả năng hiểu (Comprehension) và Khả năng tương tác (Interactions) và điểm xếp loại trình độ là điểm thấp nhất của từng tiêu chí. Tuy nhiên, có những thí sinh có cấu trúc ngữ pháp cơ bản thường xuyên được kiểm soát tốt, lượng từ vựng đủ để đạt hiệu quả giao tiếp, độ trôi chảy ở tốc phù hợp, hiểu đúng các ngữ cảnh và câu hỏi, có khả năng tương tác tương đối tốt trong quá trình phỏng vấn nhưng vẫn không đạt mức 4 do chưa quan tâm hợp lý đến phần phát âm (thiếu âm cuối, không nhấn trọng âm của từ hoặc phát âm sai /l/ - /n/).
Ba là, chưa tự tin vào bản thân mình nên kết quả đánh giá không được như mong đợi. Giáo viên đánh giá thường rất ái ngại khi đặt các câu hỏi chuyên sâu, nâng cao với người dự thi nét mắt căng thẳng và chân tay run rẩy. Các thí sinh đều có một câu khẳng định: “Cuộc thi này quan trọng nên em run quá!”. Nhưng nếu nhìn từ góc độ giáo viên đánh giá, liệu một thí sinh quá mất bình tĩnh như vậy khi tham gia một cuộc phỏng vấn ngắn, đã được thông báo và chuẩn bị trước có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo để điều khiển tàu bay và ra những huấn lệnh chính xác trong các tình huống khẩn nguy hay không?
Trên thực tế, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đều nỗ lực hỗ trợ các kiểm soát viên không lưu cải thiện trình độ thông thạo tiếng Anh qua việc đào tạo, huấn luyện bằng các hình thức khác nhau như tổ chức các lớp tiếng Anh chuyên ngành hàng không, mời giáo viên bản ngữ có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không giảng dạy và tạo điều kiện về thời gian, bố trí ca kíp để kiểm soát viên tham dự học đầy đủ hay tự tổ chức huấn luyện tại đơn vị do các huấn luyện viên không lưu và cả giáo viên đánh giá tham gia giảng dạy.
Cùng với các cơ quan, đơn vị, nhiều cá nhân trong Tổng công ty cũng nỗ lực hỗ trợ đồng nghiệp của mình vượt qua rào cản quy định về ngôn ngữ. “Tài liệu ôn thi tiếng Anh không lưu Level 4” do kiểm soát viên không lưu Lưu Văn Chiều – Công ty Quản lý bay miền Bắc thực hiện đã được rất nhiều kiểm soát viên không lưu tham khảo để tự ôn luyện. Ngoài ra, sáng kiến/giải pháp công tác “Để học tốt tiếng Anh không lưu” của đồng tác giả Phan Minh Sinh và Lê Thế Quang Minh – Công ty Quản lý bay miền Trung cũng cung cấp một nguồn tư liệu rất hữu ích gồm nhiều nội dung như: hướng dẫn khai thác giáo trình “Aviation English”, thực hành nghe và nói – khai thác và vận dụng giáo trình “English for Air Traffic” của FAA, Mỹ kèm theo các file ghi âm để giúp cải thiện kỹ năng nghe.
Tuy nhiên, tất cả sự tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị cũng như sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng chỉ phần nào hỗ trợ cho quá trình nâng cao độ thông thạo tiếng Anh của các kiểm soát viên. Để đạt được mức 4, người dự thi phải tự mình xác định được mục đích thực sự của việc học, có kế hoạch ôn luyện cụ thể, có quyết tâm và dành thời gian cũng như tâm huyết cần thiết. Sẽ không có yếu tố may mắn hay yếu tố chủ quan trong kết quả đánh giá mặc dù, từ góc độ của mình, các giáo viên đánh giá đều mong muốn tất cả những người dự thi sẽ đạt được những kết quả, mục tiêu đã đề ra để được tiếp tục cầm míc, tiếp tục theo đuổi một nghề rất đặc biệt - nghề kiểm soát viên không lưu, nghề mà theo một số quốc gia đã đúc kết là chỉ có thể tìm được trong 3% dân số những người có tố chất đặc biệt để làm kiểm soát viên không lưu (những người có trí nhớ tốt; có định hướng không gian tốt; có thể làm việc tốt với các con số; có khả năng suy nghĩ/phán đoán nhanh, thực hiện nhiều công việc cùng một lúc; quyết đoán, tự tin, nhanh chóng ra quyết định; có khả năng chống lại sự căng thẳng và giữ được bình tĩnh trong các điều kiện làm việc áp lực cao; có định hướng công việc; có khả năng làm việc theo nhóm, theo ca kíp kể cả vào ban đêm, sáng sớm, hay trong các ngày nghỉ lễ…; phát âm rõ ràng, không nói ngọng nói lắp…).
Sự tự nỗ lực học tập của người dự thi sẽ giúp cho mỗi lần đánh giá chỉ như một dịp để người dự thi ôn tập lại các kỹ năng ngôn ngữ sẵn có, một dịp để trò chuyện bằng ngôn ngữ về công việc, nghề nghiệp giữa người dự thi - giáo viên phỏng vấn và giúp cho những giáo viên thực hiện không phải đưa ra những quyết định đầy khó khăn, quyết định đến tương lai nghề nghiệp của một con người.
Giáo viên thực hiện