03/04/2024
Dạy cách học cho học viên - giải pháp cần thiết nâng cao chất lượng đào tạo tại Trung tâm Đào tạo - huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đối tượng được cử đi học hay tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đa số học viên lớn tuổi. Do vậy quá trình học tập, làm việc đòi hỏi phải có phương pháp tốt và phù hợp để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Doanh nghiệp. Trên góc độ là người được đào tạo chuyên ngành Quản lý Giáo dục, tôi mong muốn được góp sức mình vào phong trào nâng cao chất lượng đào tạo của Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với hi vọng cùng các quý Thầy Cô giáo trao đổi cách thức hướng dẫn cho học viên cách học, giúp cho học viên chủ động tiếp thu kiến thức, nội dung bài giảng một cách khoa học, nhằm đưa lý luận vào thực tiễn công tác. Rất mong nhận được sự trao đổi, để đưa phương pháp dạy cách học tích cực cho học viên vào áp dụng rộng rãi, có hệ thống tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay.
Khai giảng Khóa đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn Nhân viên khí tượng
Phương pháp học (cách học) là chìa khóa cho chất lượng tiếp thu kiến thức của học viên, trong lĩnh vực Đảm bảo hoạt động bay điều đó lại càng quan trọng. Trong khi quá chú tâm vào nội dung, phương pháp giảng dạy của Giáo viên hiện nay cơ bản tập trung vào thuyết trình để truyền đạt kiến thức,việc giúp học viên đổi mới cách học để học viên chủ động tiếp thu kiến thức nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên chưa được quan tâm nhiều. Do đó việc Giáo viên cần nhận đúng vai trò của việc trang bị phương pháp học tập cho học viên là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Ở một khía cạnh khác, mục tiêu đào tạo của chúng ta hiện nay cũng khác xa mục tiêu giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Trong đó, mục tiêu củng cố niềm tin, rèn luyện kỹ năng làm việc của học viên rất cần được hỗ trợ bởi một phương pháp học khác với phương pháp học phổ thông. Từ khâu soạn giáo án cho đến các bước lên lớp của Giáo viên, cả việc đánh giá học viên thông qua thi, kiểm tra, đều có những yêu cầu đòi hỏi học viên phải đáp ứng thì mới được công nhận là đã tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, toàn bộ các chương trình đào tạo trong Trung tâm Đào tạo huấn luyện Nghiệp vụ Quản lý bay chưa có phần nội dung nào đề cập đến dạy cách học, phương pháp học hay phương pháp tự học cho học viên. Điều này cho thấy học viên chưa được trang bị phương pháp để học tập một cách có chủ định hoặc có trang bị cũng mang tính cá nhân của từng giáo viên, các khóa đào tạo của chúng ta thường có thời gian ngắn vài ngày vài tuần, rất ít khóa tổ chức từ một tháng trở lên, do thời gian và tính chất công việc không cho phép chúng ta tổ chức các khóa đào tạo với thời gian dài. Công tác đào tạo, huấn luyện của chúng ta ở trong môi trường, điều kiện và nội dung hoàn toàn khác với các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề và các khóa bồi dưỡng chuyên môn khác cho cán bộ quản lý…
Lớp huấn luyện viên và nghiệp vụ sư phạm
Tâm lý học tập của học viên nói chung hiện nay khá phổ biến là thụ động, chờ nghe giảng và ghi chép từ giáo viên là chính. Điều này càng đúng khi học viên là người lớn tuổi. Thay đổi phương pháp học bước đầu có thể gặp phải khó khăn là sức ỳ từ thói quen của học viên. Điều quan trọng cần làm là thay đổi quan niệm về cách học của học viên, để học viên nhận thức rằng cách học thích hợp giúp họ học tập dễ dàng hơn, thú vị hơn, kết quả tốt hơn. Những thay đổi về cách học phải gắn liền với việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên nhưng không đồng nhất, không thể chỉ coi đó là công việc của giáo viên. Nói cách khác, khi giảng viên được tập huấn và thực hiện lên lớp bằng các phương pháp giảng dạy tích cực. Giáo viên phải đổi mới tư duy, đổi mới nội dung giáo án, các bước lên lớp phù hợp với đổi mới cách học cho học viên, để khi hướng dẫn về phương pháp (cách) học tích cực cho học viên không làm cho họ bị lúng túng, nhàm chán. Phương pháp học tích cực không phải là mới nhưng không phải cơ sở đào tạo nào cũng đưa vào vận dụng một cách triệt để. Một trong những nguyên nhân mà các cơ sở không đưa vào áp dụng đó là:
Thứ nhất: Tính hiệu quả, sự đồng bộ của đổi mới phương pháp dạy cách học tích cực cho học viên như mong muốn vẫn còn hạn chế, khiêm tốn nhiều, những khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong thực hiện vẫn còn đó, đầy thách thức.
Thứ hai: Là về mặt nhận thức, “Những phương pháp học tích cực có gì đâu, cũng thế thôi, cứ học phương pháp truyền thống mà đạt hiệu quả, chỉ cần hiểu bài và thi đậu là được." Nhận thức, suy nghĩ đơn giản như vậy, còn có ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với những thầy cô giáo luôn cầu tiến, muốn tiếp cận và khát khao đổi mới cách thức dạy học để thu hút, hấp dẫn học viên.
Thứ ba: Do thói quen, lối cũ khó bỏ của giáo viên phần lớn giáo viên vận dụng theo phương pháp dạy học truyền thống, lấy người thầy làm trung tâm, cung cấp kiến thức, kỹ năng đến học viên theo cách áp đặt, một chiều.
Thứ tư: Thầy cô giáo thiếu kiên trì với cái mới, dạy theo phương pháp truyền thống có phần nhẹ nhàng, đơn giản, học viên ít cần động não, chủ yếu giảng bài và đọc - chép.
Thứ năm: Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên còn mơ hồ, lúng túng, chưa hiểu hết về phương pháp học tích cực phải gắn liền với phương pháp dạy học tích cực.
Cách học tích cực đòi hỏi học viên phải đọc trước tài liệu, giáo trình, đây cũng là yêu cầu đối với học viên mà hầu hết các giáo viên lên lớp đều mong muốn. Tuy nhiên, kết quả thực tế rất ít, thậm chí là quá hiếm học viên lớn tuổi thực hiện điều này. Do đó, để thực hiện được yêu cầu này, giáo viên cần có thông tin trước về yêu cầu học viên đọc trước tài liệu, giáo trình như sau:
- Đủ sớm (đủ thời gian cho học viên chuẩn bị)
- Đủ chi tiết (đọc phần nào trọng tâm, phần nào sơ lược)
- Đủ hấp dẫn (giới thiệu sơ lược bài học sẽ mang lại bổ ích gì)
- Đủ điều kiện kiểm tra (đưa ra những yêu cầu để học viên phải thực hiện sau khi đọc tài liệu, giáo trình).
Quá trình học tập tại lớp cần học viên phát biểu xây dựng bài cùng giáo viên; thảo luận, trao đổi (làm việc nhóm) cùng bạn học nhằm khai thác và phát huy tối đa kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn một cách khoa học tạo nên sức hấp dẫn của bài giảng. Đây chính là cách để phá vỡ sự thụ động của học viên, để học viên phát huy năng lực và trao đổi kinh nghiệm. Cách học này cần các điều kiện gợi ý sau đây:
- Lớp ít học viên (20-30 học viên)
- Câu hỏi không quá khó, không quá dễ
- Sự định hướng tốt của Giáo viên trong thảo luận
- Học viên tự rút ra kết luận, giáo viên chỉ dẫn dắt, động viên, điều chỉnh.
Cách học tích cực cũng liên quan mật thiết với phương pháp đánh giá (thi, kiểm tra) của Giáo viên và của Trung tâm. Đối với các hình thức thi viết (không được phép sử dụng tài liệu) cũng có ưu điểm nhưng chưa đủ để tạo động lực cho học viên thay đổi cách học. Vì vậy cần đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra, phù hợp vói từng môn học, phần học kể cả thi kết thúc khóa có thể áp dụng các hình thức thi sau:
- Thi viết, không được phép sử dụng tài liệu
- Thi viết, được phép sử dụng tài liệu
- Thi vấn đáp
- Thi trắc nghiệm
- Viết luận (tóm tắt tài liệu, bài kiểm tra về nhà hoặc tiểu luận)
- Cho điểm phát biểu trên lớp.
Tương ứng với mỗi hình thức thi khác nhau, Trung tâm và các phòng chức năng trong đó phòng Quản lý chất lượng, Giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình cho học viên cách học tập tích cực, giảm thiểu cách học tập máy móc, sáo rỗng và cả những tiêu cực trong thi cử.
Quá trình dạy và học đòi hỏi sự nỗ lực của cả Thầy và Trò cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Phương pháp dạy học và phương pháp học cũng có mối quan hệ mật thiết, tác động tương hỗ lẫn nhau. Cùng với việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, thiết nghĩ Trung tâm rất cần quan tâm đúng mức đến việc trang bị,thiết bị dạy học nhằm hỗ trợ giáo viên hướng dẫn cho học viên cách học tích cực.
Với một vài thiển ý chưa đầy đủ, tôi chỉ hy vọng mở ra một mảng tranh luận, trao đổi góp phần cho mục tiêu định hướng lớn, đó là việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngày càng cao của Tổng công ty.
Phan Mạnh Hoàn