05/12/2024
Diễn biến hoạt động tìm kiếm tàu bay MAS370
Như vậy, tàu bay đã cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 23h42’ giờ Hà Nội tức 16h42 UTC. Đến 17h22 UTC, giờ dự định tàu bay qua điểm chuyển giao kiểm soát, ACC HCM đã chủ động thiết lập liên lạc với tàu bay nhưng không được. ACC HCM đã thông báo lại với ACC KUL về việc trên. Sau nhiều nỗ lực ACC HCM và các cơ quan điều hành bay có liên quan cũng như các tàu bay trong khu vực trách nhiệm vẫn không thiết lập liên lạc được với tàu bay này.
Do đó, ACC HCM đã thực hiện mọi hành động thông báo và báo động cho tất cả các cơ quan có liên quan theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với tình trạng: “Mất liên lạc, mất tín hiệu trên màn hình radar, vị trí lần cuối trên màn hình radar là 10NM phía Nam điểm IGARY trong FIR Singapore, tọa độ 06055’19”N - 103034’28”E. Độ cao bay: F350. Tốc độ: 480KT. Tàu bay chưa vào FIR Hồ Chí Minh”. Đồng thời, Công ty Quản lý bay miền Nam đã liên lạc ngay với nhà khai thác tàu bay của Malaysia và các cơ quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay; đã thông báo ngay với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khẩn nguy quốc gia báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để làm thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ngay khi nhận được báo cáo, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không; đưa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào gấp. Sở chỉ huy đã thực hiện:
- Triển khai công tác hiệp đồng đến tất cả các bên liên quan của Hàng không dân dụng, Hàng hải và Quân sự Việt Nam, hàng không dân dụng của Malaysia và Singapore; thực hiện các thủ tục thông báo hàng không.
- Báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, Quân chủng phòng không không quân để làm thủ tục cho tàu bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và Singapore vào phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn;
- Tổ chức xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn, lập Kế hoạch và Phương án bay Tìm kiếm cứu nạn và báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia để điều động tàu bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam tham gia tìm kiếm;
- Thường xuyên hiệp đồng với các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và Singapore; Phối hợp thực hiện các yêu cầu liên quan của nước bạn; 03 Máy bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và 01 máy bay C130 của Singapore đã cất cánh, khoảng 12h30 – 13h00 (giờ địa phương) vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.
Chiều ngày 08/03/2014, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng của Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR Hồ Chí Minh và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi tàu bay mất liên lạc và kiểm soát radar. Máy bay quân sự của Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Một tàu bay AN26 của Quân chủng Phòng không Không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm lúc 14h30'. Tàu Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải đang tiếp cận khu vực tìm kiếm. Đến cuối ngày, đã tăng cường lực lượng lên 7 tàu bay và 9 tàu Hải quân chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tham gia ứng cứu.
Sáng sớm ngày 09/03/2014, các nỗ lực tìm kiếm tàu bay B772, chuyến bay MAS370 của Malaysia Airlines vẫn đang được tiếp tục tăng cường. Lực lượng tàu bay Việt Nam gồm 06 máy bay AN26 sẵn sàng mở rộng khu vực tìm kiếm, để tránh chồng lấn với vùng tìm kiếm của Singapore. Lực lượng tàu biển của Việt Nam gồm 05 tàu của Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển và Trung tâm Hàng hải khu vực 3 triển khai công tác tìm kiếm tại khu vực nghi vấn.
Vào lúc 10h00 ngày 09/03/2014, tại Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu đã chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác triển khai tìm kiếm tàu bay B772, chuyến bay MAS370 của Malaysia Airlines.
Tham dự cuộc họp có Phó Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng - Trưởng ban Chỉ huy TKCN Hàng không, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Nguyễn Đình Dương; lãnh đạo Cục Tác chiến Bộ TTM QĐNDVN, Văn phòng thường trực Ủy ban ANHKDD quốc gia, Phòng Quản lý Điều hành bay Quân chủng Phòng không Không quân, các Cục A67, A85 Bộ Công an, Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB & TKCN Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam, các Vụ An toàn giao thông, Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự tham dự đông đảo của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đánh giá cao sự tham gia tìm kiếm của các lực lượng Hàng không, Hàng hải, Không quân, Cảnh sát biển và thông tin kịp thời đến các Ban chỉ huy TKCN của các tỉnh có liên quan. Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không thực hiện nghiêm Công điện của Bộ Giao thông vận tải, phối hợp chặt chẽ với các quốc gia lân cận, phối hợp với Bộ Quốc phòng cấp phép kịp thời cho các phương tiện nước ngoài tham gia tìm kiếm, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác tìm kiếm. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp; phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng Hàng hải, Quân đội và nước ngoài.
Tính đến 13h30' ngày 09/03/2014, Việt Nam đã tiến hành 04 chuyến bay tìm kiếm, gồm 03 AN26 và 01 DHC-6. Trong buổi chiều, Việt Nam tiếp tục duy trì 02 trực thăng MI171, Singapore 01 C130 và Malaysia 02 K35 để tìm kiếm.
Lúc 13h26', Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng cứu sinh (life raft) màu vàng tại tọa độ 08016’05’ N – 1020 51’ 11’’ E (cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh. Nhận được thông tin, Việt Nam đã điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải ở khu vực gần nhất tiếp cận khu vực trên theo yêu cầu của Malaysia.
Chiều ngày 09/03/2014, tàu bay DHC-6 của Quân chủng Hải quân phát hiện có vật thể nghi là của tàu bay ở tọa độ 8047’32’’ 103022’26’’. Việt Nam đã yêu cầu các lực lượng của Hải quân và Hàng hải vào khu vực trên để làm rõ thông tin. Nhận được thông tin, phía Malaysia xin phép cho điều 5 tàu bay vào khu vực trên để xác minh. Sở chỉ huy tại ACC Hồ Chí Minh đã triển khai tích cực các công việc phối hợp, điều hành các lực lượng tìm kiếm bằng tàu bay của Việt Nam và các quốc gia tham gia trong khu vực.
Ngày 10/03/2014, hồi 15h20, trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam. Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
Lúc 17h08', theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông, một tàu bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồng Kông nhìn thấy một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09054’18''N-107025’00''E. Nhận được thông báo, Việt Nam đã điều phương tiện ở gần khu vực nêu trên tiếp cận để xác minh thông tin .
Đêm ngày 10/03/2014, rạng sáng ngày 11/03/2014, các lực lượng Hải quân và Hàng hải Việt Nam đã huy động 5 tàu biển kiểm tra nhưng không phát hiện được gì.
Sáng ngày 11/03/2014, AN26-161 cất cánh lúc 07h45' và AN26-287 cất cánh lúc 08h00' đi làm nhiệm vụ tìm kiếm tại khu vực mở rộng về phía Đông điểm IGARY. Tọa độ khu vực tìm kiếm:
A: 08o02’00’’ N - 105000’00’’ E
B: 08o50’00’’ N - 106000’00’’ E
C: 07o00’00’’ N - 106000’00’’ E
D: 07o00’ 00’’N - 105000’00’’ E
Tàu bay C65 của Singapore hiện đang tìm kiếm trong khu vực quanh điểm IGARY và có thể mở rộng vào khu vực thuộc FIR Hồ Chí Minh .
Trong ngày 11/0302014, lực lượng tìm kiếm của Việt đã thực hiện 13 lần chuyến bay các loại gồm Mi171, AN26, Casa, DHC-6. Lực lượng tìm kiếm của nước ngoài cũng hoạt động tích cực gồm có Singapore với 02 tàu bay, Trung Quốc với 02 tàu bay và Hoa Kỳ với 01 tàu bay. Tuy nhiên, đến cuối ngày vẫn không phát hiện được dấu hiệu gì mới.
Đêm 11/03/2014 và sáng ngày 12/03/2014, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu phía Malaysia xác nhận thông tin của Reuter ngày 11/3 và CNN ngày 12/3 về tín hiệu radar quân sự bắt được ở eo biển Malacca. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa nhận được khẳng định chính thức từ cơ quan hữu quan của Malaysia.
Sáng 12/03/2014, các tàu bay AN26 và Casa tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Nam, Đông Nam mũi Cà Mau. Từ ngày 11/3 Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 tàu bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia bay tìm kiếm tàu bay mất tích của Malaysia. Lúc 08h10' ngày 12/03/2014, tàu bay bay IL-76 đã qua ranh giới FIR Hồ Chí Minh vào khu vực tìm kiếm. Ngoài ra, các tàu bay của Singapore vẫn tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh.
Trong hai ngày 13 và 14/03/2014, lực lượng trên không được duy trì một cách hợp lý với 2 tàu bay AN26 và Casa, tại khu vực khả nghi nhất sau thời điểm tàu bay mất tín hiệu radar. Vùng tìm kiếm trong vùng trách nhiệm của FIR Hồ Chí Minh.
Hết ngày 14/03/2014, 11 tàu bay các loại đã tiến hành tìm kiếm trên một khu vực rộng lớn ở phần phía Nam FIR HCM từ phía Tây sang kinh tuyến 106030’E, diện tích 196.000 km2 . Công việc tìm kiếm máy bay mất tích vẫn tiếp tục và sẵn sàng triển khai đến khu vực khác khi có thông tin mới.
Chiều ngày 15/03/2014, phía Malaysia thông báo, nước bạn dừng việc tìm kiếm tàu bay mất tích trong khu vực Biển Đông và tập trung vào hướng tìm kiếm về phía Tây bán đảo Malaysia. Ta dừng các hoạt động tìm kiếm của Việt Nam, các lực lượng tham gia tìm kiếm trở về vị trí cũ để nắm tình hình. Trong thư trả lời Cục Hàng không Việt Nam, phía Malaysia cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của ta và sẽ cập nhật những thông tin mới nhất cho phía Việt Nam.
Như vậy tính đến ngày 15/03/2013, Việt Nam đã huy động tổng cộng 11 tàu bay và 9 tàu biển phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, tiến hành rà soát và tìm kiếm trong khu vực rộng 196.000km2.
Cục Hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì lực lượng trực tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn (TP Hà Nội), phối hợp chặt chẽ với các trung tâm kế cận của Malaysia và các quốc gia để kịp thời nắm bắt tình hình .
Ban biên tập
Nguồn: caa.gov.vn